cfareed_0124.jpg

Dự đoán là một công việc khó khăn – nhất là về tương lai. Lời nói của Niels Bohr dường như đúng khi xét tới vụ kiện của Philippines chống lại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với những tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông. Vì vậy với cân nhắc thận trọng, bài phân tích này dự báo về các phán quyết tối thiểu có khả năng được Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra về tính có căn cứ của vụ kiện theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Quyết định của PCA trong giai đoạn tiến hành các thủ tục xét xử vào năm ngoái, thể hiện sự thẳng thắn minh bạch của pháp lý. Cách tiếp cận này cho thấy trong giai đoạn xem xét giá trị căn cứ của vụ kiện, tòa sẽ một lần nữa phớt lờ các yếu tố chính trị và chiến lược và áp dụng học thuyết pháp lý đối với các thực tế trong vụ kiện. Qua đó, phán quyết pháp lý sẽ được đưa ra trong bối cảnh không bị chi phối bởi các yếu tố thường khiến các vấn đề trên Biển Đông trở nên rất phức tạp – sự chênh lệch sức mạnh giữa Philippines và Trung Quốc, hy vọng hội nhập Trung Quốc vào một trật tự tự do và sự kiên quyết của Trung Quốc trong việc sử dụng sức mạnh kinh tế và chính trị để thay đổi cán cân chiến lược theo hướng có lợi cho mình.

Xem xét từ các tiêu chuẩn lâu đời của luật pháp quốc tế và văn bản UNCLOS, các yêu sách trên biển của Trung Quốc quyết đoán và rời rạc đến mức chúng ta hẳn trông đợi PCA đưa ra một “cú đòn chí tử” đối với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo ra một sự mơ hồ về pháp lý và đảo ngược luật pháp hiện hành. Quyết định phân xử sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với Philippines và Trung Quốc, và từ đó đem lại những chỉ dẫn cho các nước khác trong khu vực. Do cả hai nước đều là thành viên của UNCLOS, mỗi nước có trách nhiệm tuân thủ phán quyết theo Phần 15 liên quan tới việc giải quyết tranh chấp bắt buộc. Các nước khác sẽ sử dụng phán quyết này để đánh giá sức mạnh của các yêu sách của chính họ và thách thức các tuyên bố đối lập, đặc biệt là của Trung Quốc. Quyết định thống nhất của tòa án về thẩm quyền xét xử cho thấy các thành viên sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận về giá trị căn cứ của vụ kiện. Quá trình này có xu hướng củng cố luật pháp bằng cách tránh các quyết định không nhất trí có thể tạo ra các tranh cãi và làm giảm sức mạnh trọng các ý kiến của tòa. Và trong khi vụ kiện sẽ được giải quyết về các vấn đề kỹ thuật pháp lý, nó sẽ tạo ra các hệ quả về chiến lược. Một thất bại dành cho Trung Quốc sẽ khiến nước này bị cô lập hơn nữa về ngoại giao và khuyến khích các nước khác đứng lên chống lại Bắc Kinh.

PCA đã đồng ý giải quyết ít nhất 7 vấn đề, chủ yếu liên quan tới quyền của một số thực thể trên Biển Đông – Đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, Đá Xu bi, Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập – cũng như một số hoạt động của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. PCA sẽ làm theo các quy định của UNCLOS và luật quốc tế hiện hành và có thể sẽ hạn chế các quyền mà các thực thể có thể tạo ra. Bất cứ thực thể nào nằm trên mực nước biển khi thủy triều lên cao có thể hưởng các quyền hay quyền lãnh thổ, qua đó tạo ra các quyền về biển theo các điều khoản trong UNCLOS. Các quyền như vậy có thể bao gồm một vùng lãnh hải và vùng tiếp giáp đối với các đá, một vùng EEZ và thềm lục địa cho các đảo. Các bãi ngầm nằm chìm hoàn toàn dưới nước và không tạo ra bất cứ khu vực biển nào. Khi các bãi ngầm nằm gần mặt biển, chúng có thể tạo ra các mối nguy hiểm trong ngành hàng hải được gọi là “bãi cạn”, mà ở đó có thể có các bãi nửa chìm nửa nổi (low-tide elevations - LTE) hoặc đá. Các LTE nằm giữa đại dương không có quyền có lãnh hải, vùng tiếp giáp hay EEZ.

Trong các tuyên bố của mình, Trung Quốc tin tưởng rằng các thực thể mà nước này chiếm đóng tạo ra một EEZ và thềm lục địa. Trong công hàm của Trung Quốc gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc vào năm 2009, qua đó giới thiệu “đường 9 đoạn” tới cộng đồng quốc tế, là một lời đáp lại trước các tuyên bố về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia, cũng như một lời khẳng định về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, PCA nhiều khả năng sẽ quyết định rằng không thực thể tranh chấp nào được hưởng một EEZ hay thềm lục địa, và một số thực thể thậm chí không có quyền hưởng vùng lãnh hải. Phán quyết này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng lập trường pháp lý và qua đó cả lập trường chiến lược của Trung Quốc, vì về mặt pháp lý nó sẽ cô lập và coi các thực thể Trung Quốc chiếm đóng nằm bên trong EEZ của Philippines. Ngay cả nếu các nước khác công nhận yêu sách thiếu thuyết phục của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các thực thể lãnh thổ thực sự, PCA sẽ từ chối không cho Trung Quốc hưởng các quyền lợi biển mà yêu sách mập mờ của nước này hàm ý. Tòa nhiều khả năng sẽ đưa ra phán quyết này để giảm bớt các yêu sách quá mức từ các thực thể đảo nhằm ngăn UNCLOS bị phương hại. Đồng thời, PCA sẽ buộc phải bảo vệ tính bất khả xâm phạm của vùng EEZ của Philippines, mà bên trong đó có một số thực thể đang tranh chấp, do nền tảng pháp lý của việc thiết lập khu vực này trong những năm 1970 là để đảm bảo các quyền đánh bắt cá sinh nhai cho các nước đang phát triển.

Căn cứ vào việc hiện nay, PCA áp dụng luật một cách đơn giản và khách quan đối với vụ kiện, chúng ta có thể tự tin dự đoán rằng tòa sẽ quyết định bãi cạn Scarborough, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập không tạo ra một vùng EEZ. Các thực thể này là những đá không thể duy trì đời sống con người và nhiều nhất chỉ tạo ra một lãnh hải 12 hải lý. Bãi Scarborough bao gồm một loạt rạn đá ngầm, hình thành nên một dải đá có chu vi 30 dặm được bao quanh bởi một rạn san hô vòng. Bãi cạn này nằm ở phía Tây Vịnh Subic bên trong EEZ của Philippines. Cho dù không có hoạt động xây dựng nào diễn ra tại bãi Scarborough, Trung Quốc đã ngăn không cho các tàu đánh cá của Philippines đi vào vũng biển này. Đá Gạc Ma đã được xây dựng thành một đảo nhân tạo với diện tích 109.000 m² và bao gồm bãi đáp trực thăng, còn Đá Châu Viện cũng được xây dựng thành một hòn đảo có diện tích 231.000 m² với bãi đáp trực thăng. Trung Quốc đã biến Đá Chữ Thập thành một hòn đảo khổng lồ có diện tích 2,7 triệu m² với đường băng dài 3.000 m và cảng nước sâu. Nhưng do tất cả những thực thể này đều có bản chất tự nhiên là đá và không cho thấy có khả năng duy trì đời sống con người hay có đời sống kinh tế riêng, PCA nhiều khả năng sẽ tuyên bố rằng chúng không phải là đảo và vì vậy không đủ điều kiện để tạo ra một EEZ.

PCA cũng có thể quyết định rằng Đá Chữ Thập, Đá Xu bi, Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa và bãi Cỏ Mây đều là LTE, và các thực thể này không đủ điều kiện được hưởng bất kỳ khu vực biển nào theo quy định của UNCLOS. PCA sẽ phớt lờ tầm quan trọng chiến lược mà một số thực thể này được hình thành trong những năm qua. Chẳng hạn, Đá Chữ Thập, nằm cách đảo Palawan 129 hải lý, nhưng cách đảo Hải Nam tới 599 hải lý. Trung Quốc đã định hình lại LTE này thành một hòn đảo nhân tạo khổng lồ với diện tích gần 5,6 triệu m². Đá Xu bi cũng được xây dựng thành một đảo nhân tạo có diện tích gần 4 triệu m², với bãi đáp trực thăng, bến tàu và nhiều khả năng một đường băng dài 3.000 m, chỉ nằm cách đảo Thitu (Thị Tứ) của Philippines 14 km. Đá Tư Nghĩa đã được xây dựng thành một đảo nhân tạo với diện tích 76.000 m², và Đá Gaven hiện là một khu vực xây dựng nhân tạo có diện tích 136.000 m². Tàu chiến BPR Sierra Madre của Philippines, với 8 lính thủy đánh bộ Philippines sống trên đó, đã được neo đậu tại bãi Cỏ Mây, một LTE khác trong EEZ của Philippines. Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn việc tiếp tế và bảo dưỡng cho con tàu này, một nỗ lực nhằm đánh bật đơn vị đồn trú Philippines và giành lấy thực thể này. Bằng cách ra phán quyết rằng bãi Cỏ Mây và các thực thể tranh chấp khác là LTE, PCA sẽ loại bỏ sức hút của những thực thể đối với Trung Quốc vì chúng không thể được coi là lãnh thổ.

Tuy nhiên, PCA có thể khiến những người tìm kiếm sự rõ ràng hơn về một số vấn đề phải thất vọng. Các thẩm phán nhiều khả năng sẽ tránh một số vấn đề gây chú ý và đưa ra một phán quyết hẹp. Chẳng hạn, phán quyết nhìn chung có thể sẽ tránh bác bỏ thẳng “đường 9 đoạn”. Cho dù chúng ta có thể trông đợi một phán quyết tái khẳng định rằng mọi yêu sách phải “phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế”, nhưng ngôn từ này không hoàn toàn tấn công trực tiếp “đường 9 đoạn”. Thứ nhất, “đường 9 đoạn” chính xác phân định hay tuyên bố chủ quyền đối với cái gì là điều còn chưa rõ ràng, việc này khiến PCA không có bất cứ cách tiếp cận pháp lý vững chắc nào để giải quyết nó. Thứ hai, “đường 9 đoạn” dù thế nào cũng bị bác bỏ bởi hàm ý về lãnh hải đi kèm với các thực thể nhất định. Cho dù mọi con mắt đều chú ý tới “đường 9 đoạn”, các thẩm phán nhiều khả năng sẽ tập trung vào các vấn đề hiện tại (và các thực thể đã nói ở trên), tránh chọc giận Trung Quốc hơn mức cần thiết, và đưa ra một phán quyết hẹp nhưng có nhất trí.

Các thẩm phán có thể sẽ không đề cập tới các quyền có thể có của đảo Ba Bình theo Điều 121 của UNCLOS. Trong khi Philippines từng nhắc đến đảo Ba Bình qua những tuyên bố nhưng hòn đảo này lại không được đề cập một cách cụ thể trong những lý do khởi kiện của Manila. Điều quan trọng là đảo Ba Bình cũng không được nêu trong quyết định về thẩm quyền xét xử của tòa. Do đảo Ba Bình là thực thể lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, có vẻ như nếu PCA làm rõ rằng thực thể này này là đá và không có quyền hưởng một EEZ, thì không thực thể nào khác có thể được hưởng một quyền như vậy. Nhưng mọi thực thể hay phần lãnh thổ đều khác biệt, và tiêu chuẩn xem xét liệu một thực thể là đá hay đảo không nhất thiết (hay không chủ yếu) dựa vào kích thước. Không hề có án lệ đối với Điều 121, và ít có khả năng PCA tạo ra một bài kiểm tra pháp lý trong khi vẫn giữ được một ban trọng tài thống nhất.

Tuy vậy, ngay cả với một phán quyết hạn chế, phán quyết của PCA sẽ trực tiếp đối đầu với nước cờ chiến lược của Trung Quốc trong khu vực. Cho dù Bắc Kinh đã quyết phớt lờ hệ quả, các hiệu ứng theo sau phán quyết này sẽ có sức ảnh hưởng lớn. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ mất mặt và chính phủ sẽ phải tăng cường tính logic pháp lý để giải thích lập trường của mình trong và ngoài nước. Trung Quốc đã phản ứng đối với vụ kiện bằng việc phủ nhận liên tục, nhưng các học giả và nhà hoạch định chính sách sắc sảo hơn của nước này đã nhận ra rằng các tuyên bố chính thức về Biển Đông của chính phủ chẳng thuyết phục được ai bên ngoài Trung Quốc. Sự lúng túng của các học giả và quan chức Trung Quốc tại vô số cuộc họp và hội nghị trong thập kỷ bắt đầu được hiểu rõ qua phương tiện truyền thông mà người dân Trung Quốc có thể tiếp cận được.

Thứ hai, Trung Quốc đang trải qua một bài học về sức mạnh và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong kỷ nguyên hiện tại. Quyền lực pháp lý hay đạo đức bắt nguồn từ luật pháp quốc tế thường bị bôi nhọ, và Trung Quốc không có truyền thống về pháp trị mà ở đó luật pháp mang tính ràng buộc đối với cả kẻ mạnh lẫn yếu. Phán quyết sẽ không khiến Trung Quốc rút lại các yêu sách chủ quyền hay ngừng hoạt động xây đảo của mình, nhưng nó sẽ thách thức quan điểm của nước này rằng luật pháp là công cụ của kẻ mạnh để kiểm soát kẻ yếu. Cho dù không hiệu quả, luật pháp quốc tế và quyền lực đạo đức của một trật tự thế giới tự do sẽ tạo nên một rào cản đối với các tham vọng của Trung Quốc.

Thứ ba, vụ kiện sẽ khuyến khích các nước còn do dự phản đối chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông. Các nước như Campuchia, Indonesia và Brunei vốn dè dặt trong việc chống lại Trung Quốc sẽ có lý do lớn hơn để làm vậy. Sự phản đối trong nội bộ của Việt Nam, Malaysia, Indonesia về việc chống Trung Quốc sẽ suy giảm do vụ kiện sẽ làm thay đổi những tính toán thiệt hơn của các nước trong việc chống lại Trung Quốc thông qua phân xử trọng tài.

Thứ tư, động lực pháp lý và chính trị này nhiều khả năng sẽ khiến các nước khác khởi xướng các vụ kiện chống Trung Quốc liên quan tới các quyền trên biển theo quy định của UNCLOS, và các tác động sẽ ảnh hưởng không chỉ ở Biển Đông. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang cân nhắc hình thức phân xử trọng tài các tranh chấp biển với Trung Quốc, và có rất ít lý do để không làm vậy nếu Philippines thành công, điều gần như đã được đảm bảo. Một phán quyết không cho phép bất cứ thực thể nào được hưởng vùng EEZ và hạn chế các quyền đối với một lãnh hải sẽ có ảnh hưởng tới các bên tranh chấp khác – cụ thể là Việt Nam và Malaysia, vốn đang chiếm đóng các thực thể rất nhỏ. Nhưng giống như Philippines, cả hai nước này đều sở hữu EEZ rộng lớn trên Biển Đông nhờ vào các quyền được hưởng từ vùng đất liền và các đảo lớn của họ, chẳng hạn EEZ được tạo ra từ bang Sarawak. Trung Quốc là nước duy nhất phụ thuộc vào các yêu sách quá mức đối với các đảo để khẳng định quyền tài phán đối với các khu vực trên Biển Đông. Trung Quốc đang đối mặt với viễn cảnh một loạt vụ kiện trên Biển Đông và biển Hoa Đông mà sẽ là một quá trình pháp lý kéo dài và gặp lúng túng khi đối mặt với không chỉ là một vụ kiện đơn lẻ. Cách duy nhất để Trung Quốc tránh việc giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc trong các vụ kiện kiểu này là rút khỏi UNCLOS. Chiếc hộp Pandora đã được mở ra và Trung Quốc sẽ bước vào vị trí không ổn định, nơi việc tuân thủ pháp trị và niềm tin vào sự am hiểu luật pháp của một nước yếu hơn thực sự giành ưu thế trước một nước lớn.

James Kraska là Giáo sư Luật tại Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ. Bài viết đăng trên “Maritime Awareness Project”.

Vũ Hiền (gt)