Chưa đầy 3 tháng sau khi tiếp nhận ghế tổng thống hồi tháng 1/2009, ông Obama đã bắt đầu trải nghiệm công việc lãnh đạo chiến trường. Ông đã chấp thuận cho tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakixtan và gửi thêm 17.000 binh sỹ đến chiến trường Ápganixtan. Thế nhưng phải đợi đến vụ hải tặc Xômali tấn công tàu Maersk Alabama, một tàu chở côngtennơ của Mỹ đang lưu thông ở ngoài khơi vùng Sừng châu Phi, ông Obama mới thấy hết được tính cấp bách và rủi ro chính trị của một chiến dịch sinh tử liên quan đến một con tin Mỹ. Và cũng từ đây, ông có điều kiện làm việc với Đội Đặc nhiệm Navy SEAL, lực lượng đã tiến hành nhiều nhiệm vụ tối mật trong các cuộc chiến. Tháng 4/2009, hải tặc Xômali đã đổ bộ lên tàu Maersk Alabama và bắt cóc thuyền trưởng Richard Phillips, 53 tuổi. Được trang bị súng AK-47 và các loại súng ngắn, bọn hải tặc giam ông Philips dưới boong tàu và dọa giết chết con tin này nếu không nhận được khoản tiền chuộc 2 triệu USD. Trong tình thế khẩn cấp này, Hải quân đã báo cáo xin phép sử dụng vũ lực nhưng Nhà Trắng do dự. Các chỉ huy quân đội đã cho huy động một đội tàu tới hiện trường, trong đó có tàu khu trục USS Bainbridge và một khinh hạm, USS Halyburton. Đơn vị Đặc nhiệm SEAL Team 6 đã được huy động để sẵn sàng tác chiến. Ngày 11/4, đúng 3 ngày sau vụ bắt giữ con tin, Tổng thống Obama cuối cùng đã đồng ý cho sử dụng vũ lực nhưng chỉ khi tính mạng của thuyền trưởng Phillips thực sự nguy hiểm. Các cố vấn quân sự của ông Obama trực tiếp theo dõi vụ giải cứu ở Phòng Tình hình (Situation Room) trong Nhà Trắng, còn Tổng thống Obama được cập nhật thường xuyên diễn biến vụ việc. Cuộc giải cứu đã thành công nhờ kinh nghiệm tác chiến mau lẹ, chính xác và hiệu quả của lực lượng SEAL. Ba tên hải tặc đã bị tiêu diệt, thuyền trưởng Phillips đã được giải cứu an toàn. Tại Nhà Trắng, các quan chức đã lặng lẽ chúc mừng sự thành công của chiến dịch, các tướng lĩnh thì thở phào nhẹ nhõm. Điều gì sẽ xảy ra nếu chiến dịch thất bại. Với một vị tổng thống trẻ tuổi, ít kinh nghiệm chỉ đạo các chiến dịch quân sự như Obama, một chiến dịch thất bại sẽ ngay lập tức bị những người Cộng hòa cho là “tắc trách” và có thể bị so sánh với vị cựu Tổng thống được cho là yếu đuối của đảng Dân chủ - Jimmy Carter. 

Tổng thống Obama ngày càng trông cậy nhiều hơn đến những binh sỹ đặc nhiệm để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau. Trong thời kỳ khó khăn về ngân sách, các mối đe dọa ngày càng tăng từ những kẻ thù giấu mặt và phân tán cùng với những ám ảnh về sự thất bại từ các cuộc chiếm đóng thì giá trị của việc sử dụng Lực lượng đặc nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ hóc búa là rõ ràng. Và vì thế, ngân sách chi cho Bộ Tư lệnh các Lực lượng đặc nhiệm (JSOC) đã tăng gấp đôi kể từ năm 2011, lên mức 10,5 tỷ USD và số lượng binh sỹ đặc nhiệm đã tăng gấp 4 lần. Người đứng đầu Bộ Tư lệnh hiện nay, Tướng William H.McRaven đang kêu gọi chính quyền cấp thêm nguồn lực và cho quyền tự quyết lớn hơn. Theo tờ “Thời báo New York ” số ra ngày 12/2/2012, Tướng McRaven đang đề nghị “trao một vai trò lớn hơn cho các đơn vị tinh anh của mình, những người xưa nay vẫn hoạt động trong những góc khuất của chính sách ngoại giao Mỹ”. Ông muốn mở rộng các Lực lượng Đặc nhiệm ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, có quyền di chuyển lực lượng, khí tài khi cần thiết, đảm bảo tính linh hoạt và tốc độ hơn. Ai có thể cản được Tướng McRaven? Đây là thời của các chiến dịch đặc nhiệm. Đặc biệt, lực lượng NAVY SEAL chưa bao giờ tỏ ra anh dũng và hiệu quả như vậy. Năm ngoái họ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Pakixtan, và cũng chỉ tháng trước thôi, họ đã cứu 2 nhân viên Mỹ bị bắt làm con tin ở Xômali. Vào thời điểm mà nhiều người Mỹ nghĩ rằng chính phủ của họ bất lực, thì chính những binh sỹ của SEAL lại làm tốt những công việc của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Obama muốn cân bằng giữa nhu cầu sử dụng các đơn vị đặc nhiệm với một đánh giá rõ ràng về những tác động chiến lược của việc mở rộng sứ mệnh của họ. Ông ấy đã đúng khi lo ngại về những rủi ro từ việc mở rộng vai trò của các lực lượng này vì một số quan ngại như: sự rùng rợn của các chiến dịch, về sự ngạo mạn nếu được trao quá nhiều quyền hoặc một thảm họa không may khi nhiệm vụ thất bại. Một số nhà ngoại giao Mỹ và ngay cả một số sỹ quan cao cấp trong quân đội cũng đã bày tỏ lo ngại khi mở rộng vai trò và sức mạnh của các lực lượng đặc nhiệm. Theo họ, nếu tăng đột ngột về số lượng các lực lượng đặc nhiệm, sẽ không còn mang tính đặc biệt nữa.

Cũng như vậy, chuyên gia phân tích Peter Singer thuộc bộ phận “Sáng kiến Quốc phòng Thế kỷ 21” của Viện nghiên cứu Brookings nhận định: “Ý tưởng bao trùm về các lực lượng đặc nhiệm là chất lượng, chứ không phải số lượng”. Nhưng có sự lo ngại trong cộng đồng đó là nó có thể lớn đến mức nào là hợp lý trước khi nó sa lầy”. Thách thức khi thực hiện những nhiệm vụ bí mật là rất lớn, trong đó có thách thức về tính pháp lý, đạo đức và thực tế. Ít người ý thức được điều đó hơn là người phải ra quyết định cuối cùng. Giải pháp cân bằng đối với những sứ mệnh như vậy của Tổng thống Obama được phản ánh rõ nhất trong chiến dịch tiêu diệt nhân vật quan trọng của tổ chức al – Qaeda tháng 9/2009. Saleh Ali Saleh Nabhan là nhân vật bị CIA và các lực lượng Mỹ săn tìm trong nhiều năm. Hắn là nghi can trong các vụ đánh bom nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại Kênia và Tandania năm 1998, có dính liu trực tiếp đến các cuộc tấn công khủng bố chết người khác ở Đông Phi và là mắt xích quan trọng, làm cầu nối giữa al Qaeda và mạng lưới của tổ chức này ở Xômali, là nguồn thông tin tiềm tàng về hoạt động của mạng lưới thánh chiến Hồi giáo. Vì vậy, tiêu diệt Nabhan sẽ là thắng lợi có ý nghĩa quan trọng, nhưng nếu bắt sống được hắn thì còn tuyệt vời hơn. Sau nhiều tháng kiên trì theo dõi, tình báo Mỹ đột nhiên nhận ra rằng Nabhan đang chuẩn bị cho một cuộc di chuyển qua một con đường ở vùng xa mạc hẻo lánh ở miền Nam Xômali. Không có nhiều thời gian để quyết định hành động, hơn 30 quan chức Mỹ đã có cuộc họp khẩn trực tuyến trong một tối tháng 9/2009 để vạch kế hoạch tác chiến. Chủ trì cuộc họp là Tướng Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Ba lựa chọn tác chiến được đưa ra: (1) Sử dụng tên lửa Tômahốc từ một tàu chiến ngoài khơi Xômali để tiêu diệt đoàn xe của Nabhan. Đây là lựa chọn ít nguy hiểm nhất khi tính đến thương vong của lính Mỹ nhưng lại ít chính xác nhất; (2) Sử dụng trực thăng tấn công đoàn xe của Nabhan. Lựa chọn này đảm bảo tính chính xác cao vì trực thăng bay sát đoàn xe sẽ cho phép lực lượng đặc nhiệm quan sát trực tiếp mục tiêu để xác định đúng là Nabhan. (3) Lựa chọn cuối cùng là một chiến dịch bắt sống Nabhan. Đây là lựa chọn mà các sỹ quan Mỹ mong muốn nhất nhưng lại rủi ro nhất. 

Không ai dám đề cập trong cuộc họp nhưng những người tham gia vẫn ám ảnh về vụ thất bại của các lực lượng Mỹ khi thực hiện chiến dịch bắt sống một thủ lĩnh phiến quân Xômali tháng 10/1993. Thất bại này đã khiến 18 lính biệt động Mỹ thiệt mạng trên đường phố của thủ đô Môgađisu và tạo niềm tin cho các chỉ huy của al Qaeda rằng, họ có thể đánh bại được siêu cường Mỹ. Cuối cùng, Tổng thống Obama đã ký phê chuẩn chiến dịch “Celestial Balance”. Nhiệm vụ này được giao cho đội đặc nhiệm SEAL Team 6, được biết đến với cái tên chính thức: Nhóm phát triển chiến tranh đặc nhiệm Hải quân Mỹ (DEVGRU), trực thuộc JSOC. Sáng sớm ngày hôm sau, một vài chiếc trực thăng AH-6, được triển khai từ các tàu hải quân Mỹ ngoài khơi Xômali, đột nhiên xuất hiện trên bầu trời thủ đô Môgađisu, nhanh chóng tiếp cận đoàn xe và oanh tạc chiếc xe Jeep của Nabhan và một chiếc xe khác cùng đoàn. Nabhan và một số tay chân của y đã bị tiêu diệt. Tổng thống Obama chắc chắn đã ấn tượng với lực lượng đặc nhiệm vì sự chính xác và tính chuyên nghiệp của họ. Họ được huấn luyện tại các trường chuyên biệt ở thành phố Coronado , bang California . Môi trường thử thách khắc nghiệt của lực lượng này là tại các chiến trường Irắc và Ápganixtan. Họ đã thực hiện nhiều chiến dịch tại các chiến trường này và đạt hiệu quả cao. Nhiều trong số họ cũng đã hy sinh khi thực thi nhiệm vụ. Tháng 8 năm ngoái, 22 lính đặc nhiệm đã thiệt mạng sau khi máy bay trực thăng của họ bị bắn rơi tại chiến trường Ápganixtan. Ngoài các chiến trường trên, lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng được triển khai ở một số quốc gia mà Mỹ cho là chứa chấp khủng bố hoặc một số quốc gia “vô luật pháp”. Tuy nhiên, giải pháp sử dụng lực lượng này ở những quốc gia ấy không nhận được sự ủng hộ của các nhà ngoại giao Mỹ. Cựu phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Ronald Neumann cho rằng Mỹ có thể gặp phải những vấn đề ngoại giao nghiêm trọng với các nước khi người ta chất vấn phải chăng Mỹ là cảnh sát toàn cầu? Ngoài ra, cũng có những rủi ro về một chiến dịch có thể sai hướng và kết thúc bằng việc sẽ có rất nhiều tù nhân Mỹ ở đâu đó trên thế giới. Số khác thì lo ngại rằng quân đội đang thực hiện những nhiệm vụ bí mật mà không có được sự kiểm soát chặt chẽ như đối với CIA hoặc các cơ quan dân sự khác. Marc Ambinder, đồng tác giả một cuốn sách về các lực lượng đặc nhiệm nhận định: “Thách thức là làm thế nào bạn có thể cân bằng được tính hiệu quả của hoạt động, năng lực chính của JSOC và yêu cầu phải có sự giám sát?”

Theo Thedailybeast (ngày 20/2)

Viết Tuấn (gt)