Những thông điệp được gửi đi từ phía Tổng thống Trump và bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc gần đây cho thấy một sự đình chiến trong cuộc chiến thương mại đang làm chấn động các nền kinh tế và các thị trường trên toàn thế giới. Thuế suất sẽ không tăng thêm, hay chí ít là chưa tăng. Và Mỹ sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt có khả năng gây thiệt hại lớn đối với Huawei, công ty đa quốc gia thành công nhất của Trung Quốc.

Tuy vậy, những nét chính của thỏa thuận hòa bình mang tính thăm dò mà Tổng thống Trump đã đạt được với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 29/6 có thể củng cố thêm sự cải tổ rộng rãi đối với trật tự kinh tế toàn cầu nhằm làm suy yếu vai trò “công xưởng của thế giới” mà Trung Quốc đã nắm giữ trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Những chi tiết của cuộc thảo luận giữa Trump và Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vẫn chưa rõ ràng. Hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không được đảm bảo. Những khác biệt giữa họ vẫn có thể ngăn chặn một nền hòa bình mong manh trong cuộc xung đột kinh tế đang phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu.

Ngay cả một cuộc đình chiến mong manh cũng có thể có tác động lâu dài. Mỹ sẽ duy trì mức thuế chung đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiều tháng hay có thể là nhiều năm tới. Các công ty toàn cầu gần như chắc chắn sẽ phản ứng bằng cách tiếp tục dịch chuyển ít nhất là các giai đoạn cuối cùng trong chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Jacques de Lisle, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Pennsylvania, nói: “Chừng nào mối đe dọa còn tồn tại, việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng dài này vẫn còn những rủi ro. Các doanh nghiệp không thích sự không chắc chắn, và điều này kéo dài tình trạng không chắc chắn”.

Trên phương diện này, kết quả của các cuộc đàm phán ở Osaka cũng tương tự như kết quả cuộc gặp giữa Trump và Tập Cận Bình tại Buenos Aires vào ngày 1/12/2018, dẫn tới một cuộc đình chiến mà sau đó Mỹ vẫn áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Cuộc đình chiến đó kéo dài đến tháng 5/2019, khi Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc rút lại thỏa thuận đã hoàn thiện một phần mà sẽ thay thế các mức thuế quan bằng những sự thay đổi cơ cấu rộng lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Hai bên từ lâu đã coi việc duy trì thuế quan vô thời hạn là giải pháp tốt thứ nhì. Mỹ muốn có những thay đổi căn bản về chính sách kinh tế ở Trung Quốc, nơi chính phủ trợ cấp rất nhiều cho các đối thủ địa phương cạnh tranh với các công ty Mỹ.

Các quan chức Bắc Kinh muốn Mỹ bãi thuế hoàn toàn. Nhưng họ không chấp nhận cải tổ toàn bộ mô hình kinh tế dựa trên trợ cấp công nghiệp và các doanh nghiệp nhà nước mà họ cho là đã thành công trong việc giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo trong 4 thập kỷ qua.

Đối với Trung Quốc, các cuộc đàm phán ở Osaka là một thành công trong ngắn hạn. Trump đã hoãn áp thuế mới đối với số hàng hóa Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD/năm, điều mà ông từng đe dọa sẽ thực hiện vào một thời điểm nào đó không xác định nếu Bắc Kinh không trở lại bàn đàm phán. Ông cũng cho biết sẽ giảm bớt những giới hạn mà chính quyền của ông đã áp đặt đối với các công nghệ Mỹ mà Huawei có thể sử dụng, mà không đưa ra những thông tin cụ thể. Những giới hạn đó đã khiến gã khổng lồ về thiết bị viễn thông của Trung Quốc không tiếp cận được các thiết bị bán dẫn và những công nghệ khác mà họ cần - một danh sách mua sắm mà Huawei cho biết có tổng giá trị 11 tỷ USD/ năm.

Có lẽ điều quan trọng nhất là Trung Quốc đã thuyết phục được Mỹ trở lại bàn đàm phán mà không nhất trí với bất kỳ thay đổi nào về mặt lập pháp mà Chính quyền Trump coi là trọng yếu nhưng Bắc Kinh lại coi là một sự sỉ nhục.

Chu Ninh, giáo sư kinh tế học nổi tiếng thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, nói: “Trung Quốc sẽ không nhượng bộ chủ quyền và thể hiện sự yếu ớt”.

Tuy nhiên, một thỏa thuận hầu như không làm được gì để giảm bớt các rào cản thương mại mà Trump đã dựng lên. Mùa Hè năm 2018, ông đã áp thuế 25% đối với số hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD/năm thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu như sản xuất ô tô hay chế tạo các bộ phận của lò phản ứng hạt nhân. Sau đó, ông đã áp thuế 10% đối với một loạt mặt hàng nhập khẩu đa dạng hơn từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Tháng 5/2019, ông tăng mức thuế đánh vào số hàng hóa này lên 25%.

Để đối phó, một loạt công ty, từ các công ty da giày đến các công ty chế tạo đồ điện tử, đang đưa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty đã chuyển công đoạn lắp ráp cuối cùng sang Việt Nam, dẫn tới sự gia tăng đột ngột hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ trong năm 2019, ngay khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ bắt đầu giảm sút.

Wendy Cutler, cựu quan chức thương mại Mỹ, hiện là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách xã hội châu Á, nói: “Điều này cho thấy có sự không chắc chắn đến mức nghiêm trọng, và tình hình sẽ không trở lại được như xưa”.

Sự chuyển dịch này sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Trung Quốc vẫn là một công xưởng khổng lồ với các chuỗi cung ứng rộng lớn và lực lượng lao động lành nghề. Ngay cả những công ty đang đưa công đoạn sản xuất cuối cùng ra khỏi Trung Quốc cũng vẫn tiếp tục mua các linh kiện do Trung Quốc sản xuất, nhất là trong ngành điện tử - lĩnh vực mà Trung Quốc thống trị. Bất chấp những căng thẳng thương mại ngày càng tồi tệ trong thời gian gần đây, Apple đang có kế hoạch đưa hoạt động sản xuất một dòng máy tính cá nhân cấu hình mạnh từ Trung Quốc sang Mỹ.

Jon Cowley, luật sư thuộc văn phòng tại Hong Kong của Baker McKenzie, một công ty luật toàn cầu chuyên tư vấn cho các khách hàng doanh nghiệp về thuế quan và chuỗi cung ứng, nói: “Nhổ rễ cả một chuỗi cung ứng là một nhiệm vụ khủng khiếp. Sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ”.

Gần đây, Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng ông lo ngại về việc hàng hóa Việt Nam ồ ạt tràn vào Mỹ. Sự gia tăng đột ngột này có thể khiến Chính quyền Trump xem xét kỹ lưỡng nếu họ cho rằng các công ty đang giả vờ sản xuất các sản phẩm bên ngoài Trung Quốc nhưng thực ra chỉ lắp ráp các bộ phận được sản xuất tại Trung Quốc lại với nhau.

Tuy vậy, Trung Quốc hầu như không có lựa chọn nào để ngăn chặn những sự chuyển dịch đó. Thương mại giữa hai nước hiện bất cân xứng đến mức Trung Quốc không có nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để đánh thuế. Họ có thể tấn công các công ty Mỹ đang bán ra rất nhiều sản phẩm ở Trung Quốc, như Apple hay General Motors, nhưng việc chèn ép các công ty đó có thể gây tổn hại tới các công nhân Trung Quốc đang làm ra những sản phẩm của họ.

Chiến lược của Trung Quốc cho đến nay là nhắm vào các mặt hàng nông sản của các bang mà ở đó Trump sẽ phải giành chiến thắng nếu hy vọng tái đắc cử vào năm 2020. Chiến lược này đã phát huy tác dụng. Nông dân Mỹ đã phải chịu tổn thất về doanh số bán hàng sang Trung Quốc và đã hối thúc Nhà Trắng giải quyết cuộc chiến thương mại. Để giúp giảm bớt thiệt hại, Trump đã tiến hành 2 đợt hỗ trợ tài chính nhằm giúp trợ cấp cho nông dân. Nhưng động thái của Trung Quốc lấy việc mua nông sản ra để đe dọa Trump dường như một lần nữa đã thuyết phục được Tổng thống Mỹ rút lại lời đe dọa lớn hơn của mình, khi ông nói rằng người nông dân “sẽ được hưởng lợi rất lớn”.

Ngày 29/6, Trump cho biết Trung Quốc đã đồng ý tiếp tục mua một số mặt hàng nông sản và các sản phẩm khác mà nước này gần đây đã dừng mua nhằm trả đũa thuế quan của Mỹ. Trump đã phát biểu tại Osaka: “Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn thực phẩm và nông sản và họ sẽ sớm, gần như là ngay lập tức, bắt đầu làm việc này. Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ danh sách những thứ chúng tôi muốn họ mua”.

Lập trường của Trump có thể thay đổi nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại hay các thị trường tài chính bị ảnh hưởng. Trong khi cuộc chiến thương mại có thể khiến những người ủng hộ Trump và người dân một số nơi thuộc các bang dao động mà chế tạo là ngành nghề chủ chốt hài lòng, và việc khôi phục hoạt động mua nông sản có thể cải thiện hình ảnh của ông, thì đa phần cử tri vẫn không ưa cuộc chiến này.

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo của cả hai chính đảng lớn ở Mỹ đã tỏ ý rằng Mỹ có thể tiếp tục đi theo đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc dù ông chủ Nhà Trắng là ai đi chăng nữa. Cụ thể, thái độ đối với Huawei cho thấy cả hai đảng đều muốn đi theo đường lối cứng rắn. Ngày 29/6, Trump nói ông sẽ cho phép các công ty Mỹ được tự do hơn trong việc bán các sản phẩm của họ cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc. Bình luận của ông hầu như không cho thấy rõ công ty nào có thể tiếp tục bán hàng trở lại. Ngành công nghệ lập luận rằng họ hẳn có quyền bán cho Huawei các sản phẩm không gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Những bình luận đó đã làm dấy lên sự hoài nghi ngay khi được đưa ra. Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ New York Chuck Schumer, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, đã coi Huawei là “một trong số ít đòn bẩy mạnh mẽ mà Mỹ có được để khiến Trung Quốc ‘chơi đẹp’ trên thương trường. Nếu Tổng thống Trump rút lui, điều mà ông dường như đang làm, thì hành động đó sẽ làm giảm đáng kể khả năng của Mỹ trong việc làm thay đổi các thông lệ thương mại không công bằng của Trung Quốc”.

Các quan chức Mỹ đã mô tả Huawei là một mối đe dọa an ninh tiềm tàng đối với các đồng minh của Mỹ trong nỗ lực thuyết phục họ mua các thiết bị viễn thông tiên tiến ở nơi khác. Huawei đã phủ nhận việc họ là mối đe dọa an ninh đối với bất kỳ công ty nào.

Laura Rosenberger, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc tổ chức tư vấn German Marshall Fund, Mỹ, nói: “Ở đây, ngay cả nếu họ tìm cách dung hòa khi thực hiện bất kỳ quyết định nào của Trump, thì chỉ riêng thông điệp của ông cũng đã làm suy yếu nghiêm trọng những nỗ lực nhằm tìm cách thuyết phục các đồng minh tham gia cùng với Mỹ”.

Theo The New York Times

Văn Cường (gt)