15fe6__54133866_012469756-2.jpg

Mục tiêu của AEC là thực hiện các sáng kiến hội nhập kinh tế bằng cách tạo ra một thị trường duy nhất bao gồm các nước ASEAN. Điều này đòi hỏi phải có một cơ quan đầu não đủ mạnh để có thể hài hòa và chuẩn hóa các quy định trong khu vực, và phải được tất cả các nước thành viên công nhận. ASEAN sẽ cần "người giám hộ" cạnh tranh và phải cải thiện đáng kể chính sách cạnh tranh thương mại và trọng tài hiện nay. Kế hoạch này đòi hỏi phải có một thỏa thuận mang tính ràng buộc giữa các nước thành viên ASEAN. Hiện nay, ASEAN đang phải giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ và đầy tham vọng, trong khi nguồn lực và năng lực còn rất hạn chế.

Những nguồn lực này bị hạn chế tới mức nào? ASEAN không có ý định trở thành một tổ chức siêu quốc gia giống như Liên minh châu Âu (EU). Sự năng động bên trong của ASEAN là nhằm phát huy vai trò của các chính phủ quốc gia và các tiêu chí của hiệp hội - được biết đến với cái tên "Con đường ASEAN". Ban Thư ký ASEAN - cơ quan có thẩm quyền duy nhất hiện nay - vẫn còn nằm ngoài lề hoạch định chính sách của ASEAN; không có nhiệm vụ hay quyền hạn ra lệnh cho các quốc gia thành viên, hoặc quyền đưa ra những chính sách chung. Đây chỉ là một ban thư ký được chỉ định, chịu trách nhiệm hỗ trợ hành chính, phân loại công việc giấy tờ hàng ngày và sắp xếp các cuộc họp cho tổ chức. Cũng không có gì bảo đảm rằng cơ quan đầu não sẽ thực hiện chính sách một cách hiệu quả và khi đó ASEAN cũng sẽ không thể buộc các thành viên cố chấp phải tuân theo. Trong 40 năm phát triển của ASEAN, chỉ có 30% các thỏa thuận được thực hiện một cách có hiệu quả.

ASEAN cần phải tăng kinh phí để tăng cường nguồn lực và năng lực cho Ban Thư ký ASEAN. Ngân sách hoạt động hiện tại chủ yếu dựa vào sự đóng góp chia đều của các quốc gia thành viên, phản ánh sự bình đẳng. ASEAN cho rằng những đóng góp khác nhau có thể dẫn đến phân chia quyền lực khác nhau. Số tiền đóng góp chưa bao giờ tăng lên và chỉ đủ để bảo đảm rằng các thành viên nghèo nhất cũng có thể tham gia đóng góp. ASEAN cũng nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ các đối tác đối thoại và các nhà tài trợ bên ngoài - chủ yếu là thông qua các dự án hoặc các hoạt động cụ thể, nhưng về lâu dài nguồn tài chính này không ổn định nếu ASEAN muốn chứng tỏ mình với thế giới như là một khối sức mạnh không liên kết.

Ban Thư ký ASEAN thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, rất khó để trở thành cơ quan hành chính tập trung quyền lực và là "xương sống" của ASEAN. Hiện ban này có 300 nhân viên: 65 chuyên gia và nhà quản lý, 180 cán bộ địa phương và 55 người từ các tổ chức tài trợ. Những con số này là quá nhỏ so với các tổ chức khác về cả quy mô và nhiệm vụ. Họ không đại diện cho một cộng đồng với 625 triệu dân và GDP trên 2,5 nghìn tỷ USD. Ban Thư ký ASEAN đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc thu hút người tài và có năng lực khi không thể trả lương cao như các tổ chức khu vực khác có thể trả 74.000 USD/năm cho những người tài giỏi.

Những vấn đề này đặt ra câu hỏi về cách thức ASEAN chuẩn bị để thực hiện một kế hoạch thành lập thị trường chung, và nó khả thi đến mức nào? Khu vực này gồm nhiều nước dễ bị thâm hụt tài chính, quản lý yếu kém, tham nhũng và có các vấn đề về phối hợp. Các quốc gia thành viên thiếu một “tư duy ASEAN” nhằm tạo thuận lợi cho sự tương tác giữa các quốc gia và lĩnh vực ở trong ngoài khu vực. AEC sẽ không phát triển mạnh, trừ khi chính sách ASEAN được cải thiện đáng kể. ASEAN không cần - và sẽ không - xuất phát từ "Con đường ASEAN" để trở thành một tổ chức siêu quốc gia như EU. Tuy nhiên, cơ quan hành chính trung ương của ASEAN cần phải được sự ủy nhiệm và cung cấp nguồn lực để khuyến khích sự tuân thủ và hỗ trợ các chức năng quản lý hành chính của ASEAN. Điều này có thể thu hẹp khoảng cách giữa tuyên bố hợp tác với các cam kết thực tế của ASEAN và có thể giúp cải thiện hồ sơ thực hiện các cam kết yếu kém của mình trước đó. Ngoài ra, hệ thống đóng góp ngân sách nên có sự thay đổi. Việc đóng góp nên dựa trên GDP của mỗi nước thành viên hoặc tìm kiếm các nguồn thu nhập khác như các loại thuế, thuế nhập khẩu và cấp giấy phép.

Cuối cùng, ASEAN phải thúc đẩy nhận thức trong các khu vực tư nhân và người dân. AEC có thể mang lại lợi ích to lớn cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Việc ASEAN nâng cao nhận thức sẽ khuyến khích sự giám sát của người dân và sẽ gây áp lực lớn đối với các chính phủ tập trung vào việc hoàn thành AEC đúng hạn. ASEAN đã sẵn sàng cho việc thành lập AEC, nhưng để làm được điều đó, Ban Thư ký ASEAN phải được củng cố và tăng cường quyền lực.

Tác giả là TS. Pattharapong Rattanasevee, giảng viên Đại học Burapha, Chonburi, Thái Lan. Bài viết đăng trên “East Asia forum.”

Hương Trà (gt)