Asean4_3.jpg

Những quốc gia, như Thái Lan, có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn, song tỷ lệ sinh ngày một giảm và dân số trong giai đoạn già hóa, phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin. Trong khi đó, những nước có mức thu nhập thấp lại đau đầu với bài toán dân số trẻ và tỷ lệ cử nhân ra trường bị thất nghiệp ngày một cao.

Kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp hoàn tất, những người ủng hộ cho rằng việc tự do dịch chuyển lao động trong khu vực sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển, đưa nguồn nhân lực có nhiều kỹ năng tới các nước có mức thu nhập cao, trong khi lại giúp các nước có mức thu nhập thấp giải được bài toán thất nghiệp và phát triển năng lực. Tuy nhiên, trên thực tế, tiến trình tự do dịch chuyển lao động đang diễn ra rất chậm chạp và không đồng đều, chủ yếu là do các chính sách nhập cư cứng nhắc của nhiều quốc gia, sự thiếu đồng bộ trong chương trình giáo dục chuyên nghiệp và hệ thống chứng chỉ- bằng cấp, những luồng ý kiến mâu thuẫn trong dư luận về AEC, cũng như thực tế khoảng cách thu nhập lớn khiến nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ chảy máu chất xám.

Năm 2007, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình xây dựng AEC và đặt mục tiêu hoàn thành vào tháng 12/2015. AEC có mục tiêu biến khu vực trở thành một thị trường chung thống nhất, tạo nền tảng phát triển thông qua thiết lập dòng tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và quan trọng nhất là lao động có kỹ năng, chuyên môn. Tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng là một chủ đề trọng tâm trong các cuộc thảo luận của các nước thành viên, và trên thực tế nhiều thỏa thuận đã được triển khai, trong đó phải kể đến: (1) các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs), theo đó thừa nhận các chương trình giáo dục, đào tạo, kinh nghiệm, văn bằng và chứng chỉ do các nước ASEAN cấp cho các ngành nghề như kỹ sư, y tá, kiến trúc, khảo sát ý kiến, y tế, nha sỹ, du lịch và kế toán; (2) điều chỉnh phù hợp thủ tục cấp thị thực và tuyển dụng đối với các lao động có chuyên môn và tay nghề tham gia các hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới; (3) thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học trong phạm vi ASEAN để nâng cao tính năng động cho các sinh viên và đội ngũ giáo dục. Mục tiêu tự do dịch chuyển lao động có chuyên môn trong khu vực là rất đáng hoan nghênh song rõ ràng các chính sách hiện nay, ngay cả khi được thực thi đầy đủ, vẫn không hề phù hợp để đón nhận những “luồng gió mới”. Yêu cầu cấp thiết chính là các cải cách hợp lý.

Việc tự do dịch chuyển lao động trong phạm vi ASEAN yêu cầu có các cải cách chính sách và sự đồng bộ về thủ tục ở cả cấp quốc gia và khu vực. Ví dụ, ASEAN hiện vẫn thiếu một hệ thống cấp thị thực đồng bộ cho các doanh nghiệp nước ngoài và lao động có kỹ năng. Giấy phép làm việc và thị thực lao động vẫn lệ thuộc vào các nguyên tắc và luật lệ của nước sở tại. Một số quốc gia, trong đó có Thái Lan và Philippines, đặt ra không ít các hạn chế pháp lý về việc thuê mướn nhân công người nước ngoài. Một số nước khác thậm chí còn có các yêu cầu về nghề nghiệp và lĩnh vực lao động, yêu cầu về sắc tộc và tiếng bản địa, thiết lập các bài kiểm tra đối với thị trường lao động, giới hạn thời gian thuê nhân công, và yêu cầu người sử dụng lao động phải xây dựng các chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ năng để thay thế người nước ngoài bằng nhân công bản địa. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều rào cản về mặt pháp lý như hiện nay, các nước thành viên khó có thể “một sớm một chiều” thay đổi chính sách của mình để nhanh chóng hiện thực hóa lý tưởng của AEC về một khu vực tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng. Hiện vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau cũng như thiếu đồng bộ về hệ thống đào tạo chuyên môn và cấp chứng chỉ văn bằng của các nước thành viên. Ứng dụng chuyên môn vào thực tế là công việc có nhiều rủi ro, trong khi trách nhiệm công nhận trình độ chuyên môn lại phụ thuộc một phần vào cơ chế quản lý của các cấp dưới nhà nước. Thậm chí ở cấp quốc gia, nhiều bộ ngành trong chính phủ cũng có thể đối mặt với rủi ro trong đàm phán, nhất là khi trách nhiệm thuộc về những người “cầm cân nảy mực” trong các lĩnh vực như giáo dục, việc làm, thương mại và quan hệ quốc tế. Trong khi đó, các tập đoàn công nghiệp và chuyên môn hóa, thường lợi dụng sức mạnh chính trị để nắm lợi thế về phía mình, lại là ví dụ khác về cái gọi là lợi ích nhóm.

Trước khi các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau có hiệu lực, điều mà các nước thành viên cần triển khai là các biện pháp mang tính bền vững như phân tích và đàm phán chi tiết về mọi ngành nghề, đi kèm với những nghiên cứu và số liệu thực tế. AEC cần thúc đẩy cách tiếp cận theo từng lĩnh vực cụ thể để thúc đẩy việc xây dựng khuôn khổ công nhận chuyên môn thống nhất, như những gì mà Liên đoàn Xây dựng ASEAN (ACF) và Liên đoàn Cử tạ châu Á (AWF) đang áp dụng. Việc thiếu vắng trầm trọng nhận thức về các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau và hiểu biết về chính AEC là cản lực không nhỏ, hạn chế các động lực về mặt chính trị và xã hội để thúc đẩy tiến trình này. Để dư luận có cái nhìn cụ thể và ủng hộ AEC hơn, cả các nước nguồn và các nước đón nhận cần nỗ lực để nâng cao nhận thức xã hội về các lợi ích của việc nhập cư lao động có kỹ năng. Bên cạnh những trở ngại về chính sách và thủ tục, một vấn đề nhức nhối khác mà nhiều người quan tâm là chảy máu chất xám. Đây là hiện tượng các lao động có trình độ cao tới các quốc gia phát triển hơn để tìm kiếm cơ hội việc làm, với mức lương cao hơn và một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sự do dự của nhiều quốc gia trong việc tiến hành các cải cách phù hợp với mục tiêu AEC có thể được giải thích bằng lý do: tự do dịch chuyển lao động có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực có trình độ- cuộc chay đua mà các nước kém phát triển hơn coi là thiếu công bằng, với lo ngại tình trạng chảy máu chất xám sẽ làm trầm trọng hơn sự thiếu hụt lao động có trình độ tại quốc gia của họ.

Tuy nhiên, tình trạng dịch chuyển lao động không phải chỉ diễn ra theo một chiều. Có những trường hợp được gọi là “chảy máu chất xám ngược”, khi những người sinh sống ở nước ngoài trở về bản xứ, mang theo kiến thức giúp ích cho việc thu hút dòng chảy đầu tư, phát triển các kỹ năng và công nghệ mới. Điều này đang có xu hướng ngày một phổ biến hơn tại nhiều nơi, như Đài Loan, với các ngành công nghiệp hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao tương đương các nước phát triển, hay nơi cơ hội đầu tư và kinh doanh đang nở rộ, như Trung Quốc. Bởi vậy, các nước ASEAN cần đảm bảo có những cơ chế phù hợp để thu hút và hỗ trợ người định cư ở nước ngoài quay trở về quê hương. ASEAN đã xây dựng khuôn khổ và khích lệ tự do dịch chuyển lao động song sẽ là không tưởng nếu cho rằng mục tiêu này có thể sớm hoàn thành trước khi AEC chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2015. Vẫn còn khoảng cách lớn từ ý tưởng tới thực tiễn, như ASEAN, trên thực tế, vẫn đang thiếu những thủ tục thị thực đồng bộ và linh hoạt hay những chính sách có thể thu hẹp khoảng cách về tiêu chuẩn giáo dục và bằng cấp giữa các nước thành viên. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp và cá nhân có trình độ cao lại đang không biết tới lợi ích của việc tự do dịch chuyển lao động, và bên cạnh đó, quyết tâm chính trị và sự ủng hộ của dư luận vẫn chưa đủ để thúc đẩy MRAs. Chừng nào những rào cản này còn tồn tại, mục tiêu chuyên nghiệp hóa lao động và đem lại thịnh vượng cho toàn khu vực vẫn còn ở rất xa vời.

Theo “Asia Foundation

Hương Trà (gt)