Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công bố việc thiết lập hàng rào thuế quan đối với các nguyên liệu, như thép và nhôm. Thông qua tiếng nói của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện quan điểm cứng rắn, kết luận rằng mọi biện pháp đơn phương chống lại EU sẽ phải đối mặt với nguyên tắc có đi có lại (trả đũa). Tranh cãi ngoại giao này về vấn đề quản trị thương mại, cho thấy bối cảnh xung đột giữa những người bảo vệ sự mở cửa và hợp tác với những người cho rằng chủ nghĩa đơn phương là một sự đáp trả hiệu quả với sự phụ thuộc lẫn nhau, làm suy yếu sức mạnh của nhà nước. Dưới đây là bài phỏng vấn của Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) với Sylvie Matelly, Phó giám đốc IRIS. 

Thuật ngữ "chiến tranh thương mại" được EU liên tục nhắc lại để nói về phát biểu có tính công kích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đe dọa dựng lên hàng rào thuế quan. Liệu đây có phải là một cuộc tranh cãi hay lại là một bước ngoặt trong quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương? 

Chính Tổng thống Mỹ ngay từ đầu đã sử dụng từ ngữ này, và EU chỉ dùng lại nó. Theo lôgích này, chiến tranh thương mại là một tổng thể các biện pháp trả đũa mà mục tiêu là tác động nhiều nhất tới đối thủ cho tới khi đối tượng suy sụp và từ bỏ theo đuổi chiến tranh. Vì đây là yếu tố có tác động mãnh liệt, nên trong lịch sử các cuộc chiến thương mại thường dẫn tới một "cuộc chiến tranh thực sự"... 

Vả lại, trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, không bao giờ có kẻ thắng trong một cuộc chiến thương mại. Tất cả sẽ đều bị thiệt và thậm chí trường hợp nặng nhất có thể chịu những hậu quả nặng nề. Đàm phán và thỏa hiệp luôn là những giải pháp tốt hơn. Chẳng hạn, nếu Donald Trump muốn áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, thì việc châu Âu đe dọa phản ứng là điều bình thường, nhưng sự đáp trả này là điều đáng lo ngại. Mặc dù vậy, trong quá khứ, với các tổng thống Mỹ "đúng mực", điều đó vẫn chỉ là "lời qua tiếng lại có tính nhã nhặn" và kết thúc bằng sự hòa dịu (ví dụ các biện pháp thuế quan đối với thép của George W. Bush năm 2001). Trong trường hợp xấu nhất, các biện pháp trả đũa được đưa ra có tính biểu tượng để tránh chiến tranh thương mại (trường hợp cấm vận của châu Âu về thịt bò có chứa hoóc môn mà Mỹ phản ứng bằng việc cấm nhập khẩu gan ngỗng hoặc pho mát Roquefort). Hiện nay, khó khăn là yếu tố không thể lường trước của Tổng thống Trump, ông khiến thế giới lo ngại, vì trên thực tế ông có thể làm những điều ông nói. 

Đối với Ủy ban châu Âu và các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu, phạm vi hành động tương đối bị hạn chế. Thật vậy, cần phải kiên quyết, đồng thời tôn trọng các cam kết quốc tế, mặc dù vậy, không nên quay lưng với các nước thành viên EU, vốn nghi ngờ các biện pháp có thể ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế của họ. 

EU đã thể hiện sự kiên quyết qua phát biểu của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker, cảnh báo rằng mọi chính sách đơn phương sẽ được đáp trả theo nguyên tắc có đi có lại. Liệu EU có sẵn sàng rơi vào tình thế khó khăn với những cam kết ủng hộ thương mại tự do và liệu họ có đủ năng lực đối phó với tình huống đó?

Các diễn văn của lãnh đạo châu Âu, như của Jean-Claude Juncker hay Donald Tusk, hẳn là cứng rắn, nhưng tương đối đúng mực. Trước tiên, vì thực tế trong một số thỏa thuận và tổ chức, châu Âu cam kết ủng hộ mở cửa và thương mại tự do, do đó, khối này không muốn rơi vào tình thế khó khăn với những cam kết của mình. 

Đối với EU, đây hoàn toàn không phải là việc thông qua một chính sách gây hấn, mà trái lại, các biện pháp phòng vệ được căn cứ vào nguyên tắc có đi có lại. Sự thận trọng của các lãnh đạo châu Âu cũng giải thích sự việc đã được nêu ra rằng nhiều người e ngại Tổng thống Trump đã đi tới tận cùng sự đe dọa của mình. Vậy mà, khi ông đe dọa các hãng sản xuất ô tô Đức, nước Đức đã lo ngại. Trong chừng mực khác, tới lượt Ireland hay sẽ là Pháp, và sự việc không còn mang tính biểu tượng nữa. Nó thật sự ảnh hưởng tới kinh tế châu Âu, có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế của khối. 

Cần nhớ rằng thặng dư thương mại của châu Âu với Mỹ là 200 tỷ euro. Ở một khía cạnh nào đó thì Tổng thống Trump có lý khi chỉ trích hoạt động thương mại của châu Âu, dù rằng thâm hụt thương mại của kinh tế Mỹ không phải do quan điểm của châu Âu hay thậm chí là của Trung Quốc. Mặt khác, hiện tượng thâm hụt thương mại này một phần là vẻ ngoài lừa lọc. Ở một khía cạnh nào đó đây cũng là sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, có thể cho phép từ nhiều năm nay một mức thâm hụt thương mại như vậy, đây cũng là chỉ dấu của một thị trường nội địa năng động, mang lại nhiều thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp Mỹ vốn nhập khẩu nhiều để phục vụ cho sản xuất. Nhìn từ góc độ này, muốn đấu tranh chống lại sự thâm hụt này bằng các biện pháp thuế quan có thể bị phản tác dụng. Mà có lẽ sẽ hiệu quả hơn nhiều khi hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. 

Trong những ngày qua, những căng thẳng về các thể thức điều hành thương mại này diễn ra trong một khuôn khổ rộng hơn, theo hướng xét lại chủ nghĩa đa phương về kinh tế và tài chính kể từ khi Donald Trump đắc cử. Các thiết chế quốc tế, như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hoặc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), đã kêu gọi xuống thang, liệu họ còn nắm giữ quyền điều tiết về thương mại và tài chính quốc tế? 

Donald Trump tham gia lôgích của chủ nghĩa biệt lập, thậm chí là chủ nghĩa đơn phương. Lập trường này không chỉ được Donald Trump thể hiện tại Mỹ. Hai cách nhìn thế giới đối lập nhau hiện nay: một bên là những người ủng hộ thương mại tự do, ca ngợi mở cửa và hợp tác, ở đó, khái niệm phụ thuộc lẫn nhau là cơ bản; một bên là sự tiếp cận theo hướng biệt lập, hiện nay được Mỹ và một số quốc gia hoặc đảng chính trị quốc gia nhưng không phải duy nhất ở châu Âu, nơi có các nhà lãnh đạo dân túy đang ở vị trí cầm quyền, chia sẻ. 

Những đòi hỏi về chủ nghĩa biệt lập xuất phát từ những tác động tiêu cực từ bên ngoài hoặc "những tác động tai ác của tiến trình toàn cầu hóa" xung quanh các vấn đề bất bình đẳng, sự dịch chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia nhằm tìm kiếm lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, sự bất ổn định đối mặt với các hiện tượng trốn thuế và các thiên đường thuế, thách thức về biến đổi khí hậu... Và theo họ, toàn cầu hóa thực ra tạo ra nhiều khó khăn và vấn đề hơn là những tác động tích cực. Chính vì lý do này, cần phải nhìn lại rằng trước đây tình hình còn tốt hơn. Vậy mà, phần lớn những thách thức này chỉ có thể có những giải pháp tổng thể, chứ không phải những giải pháp đơn phương. Một cách khách quan, không thể coi tình hình trước đây tốt hơn, tuy nhiên, cũng không thể coi mọi việc tốt đẹp ở khắp nơi và đối với cả thế giới. Vậy mà, việc quản trị thế giới không tồn tại và không bao giờ tồn tại. Nhận thức về những khó khăn, đi trước rất nhiều so với quyết tâm hoặc khả năng hành động của các quốc gia, điều này thực sự làm mất uy tín của các thủ lĩnh chính trị, có lợi cho các đảng đối lập, theo đuổi chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa quốc gia. Tuy nhiên, họ không có giải pháp thích đáng nào cho những vấn đề này, bởi nó cần phải có một giải pháp chung và tổng thể. Sự do dự tránh né xung quanh vấn đề Brexit là một minh họa cho điều này. 

Đã đến lúc Mỹ hiểu được điều này và hành động. Từ quan điểm này, EU tỏ ra bền bỉ hơn. Đã đành những nguy cơ tan rã hoặc sự gia tăng của chủ nghĩa quốc gia là có thực. Vậy nên, mối đe dọa của cuộc chiến thương mại từ Donald Trump sẽ là một phép thử năng lực của châu Âu và người châu Âu trong việc tự vệ và thúc đẩy một cách nhìn khác về thế giới so với cách nhìn của Tổng thống Mỹ. 

Theo IRIS

Hương Lan (gt)