Về lĩnh vực tái cân bằng nguồn lực quân sự tại khu vực 

Bộ Quốc phòng Mỹ đã có những điều chỉnh nguồn lực nhanh chóng để thích ứng với chiến lược mới của Mỹ tại CA-TBD. Các kế hoạch điều chuyển lực lượng và trang thiết bị tới khu vực đã, đang và sẽ được triển khai bao gồm việc điều 2.500 lính thủy đánh bộ tới Darwin (Australia); thêm 1 tiểu đoàn lục quân tới Hàn Quốc; 2 tàu khu trục phòng vệ tên lửa tới Nhật Bản; 4 tàu tác chiến ven bờ (LCS) tới Singapore; tăng cường luân phiên lực lượng tại Philippines; đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Malaysia và một số quốc gia khác; tăng cường các cuộc tập trận với đồng minh và thăm viếng quân sự tới các nước trong khu vực. Bộ Quốc Phòng được đánh giá là có điều chỉnh trong việc tái cân bằng nguồn lực lực, lượng phản ứng nhanh và thống nhất so với các bộ ngành khác. Trong khi phần lớn các chính phủ khu vực đều thể hiện sự ủng hộ đối với sự can dự lớn hơn của Mỹ tại khu vực, chiến lược của Mỹ hiện nay bị coi là chủ yếu thiên về quân sự, do đó một số quốc gia trong khu vực nhận định chính sách “xoay trục” sang CA-TBD là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nên đã có những hạn chế trong sự phối hợp và hợp tác với Mỹ. 

Về lĩnh vực can dự ngoại giao 

Các cơ quan dân sự của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao, tài chính, thương mại, năng lượng... cũng đã đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực này, tuy nhiên chưa đạt được kỳ vọng. Cơ quan hỗ trợ phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã tăng nhân sự từ 84 (9/2008) lên 183 người (6/2013). Trong cùng giai đoạn, Bộ Tài chính tăng nhân sự từ 3 lên 10 người; Bộ Thương mại tăng từ 78 lên 91 người; Bộ Năng lượng tăng nhân sự từ 4 lên 6 người. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp lại giảm nhân sự từ 59 xuống còn 55 người. Như vậy, nhân sự của USAID tại Đông Á chỉ chiếm 11%; nhân sự của Bộ Tài chính tại khu vực chỉ chiếm 17%; nhân sự của Bộ Năng lượng chiếm 26% tổng nhân sự ở nước ngoài; trong khi tỷ lệ nhân sự của Bộ Thương mại và Nông nghiệp khả quan hơn, chiếm lần lượt 41% và 31% tổng nhân sự tại nước ngoài. 

Số lượng các chuyến thăm cấp cao của giới chức Mỹ tới khu vực cũng không thể hiện được sự chuyển dịch trọng tâm của Mỹ. Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) chỉ công du tới Đông Á 8 lần trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, quá ít so với con số 23 lần và 18 lần trong nhiệm kỳ thứ nhất và thứ hai của ông George W. Bush. Trong khi đó, số chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama, các quan chức nội các, đoàn của các Bộ Thương mại, Tài chính, Nông nghiệp, Năng lượng tới khu vực tính tới thời điểm này cũng mới chỉ tương đương với chính quyền tiền nhiệm. Duy nhất tăng là số chuyến thăm của các quan chức Bộ Ngoại giao, với tổng số 51 chuyến công du tới khu vực trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama so với con số 28 chuyến trong nhiệm kỳ 2 của ông George W. Bush. 

Về lĩnh vực kinh tế và thương mại, đầu tư 

Chính quyền Tổng thống Barack Obama hiện nay đang theo đuổi chiến lược hai mũi nhọn về kinh tế tại khu vực, theo đó sử dụng chính sách ngoại giao để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ (còn gọi là ngoại giao thương mại), và đồng thời sử dụng can dự kinh tế để hỗ trợ cho các ưu tiên trong chính sách ngoại giao. Mỹ xác định Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là sự tập trung chủ chốt trong chính sách thương mại của nước này tại CA-TBD, đồng thời là nền tảng cho chính sách tái cân bằng. TPP là hiệp định mở đối với tất cả các thành viên APEC và có thể là tất cả các thành viên ASEAN trong tương lai. Tháng 11/2012, Mỹ đã triển khai Sáng kiến Cam kết mở rộng quan hệ kinh tế Mỹ-ASEAN trên cơ sở một thỏa thuận trước đó nhằm giúp các nước ASEAN không phải là thành viên TPP đạt được các tiêu chuẩn có thể cho phép họ trở thành thành viên trong tương lai. Ngoài TPP, năm 2012, Mỹ đã hoàn tất Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và đang tiến hành tham vấn Hiệp định khung về thương mại và Đầu tư (TIFA) với Đài Loan và Hiệp định đầu tư song phương với Trung Quốc và Ấn Độ. 

Các cơ quan tài chính liên bang đóng vai trò lớn trong can dự kinh tế của Mỹ với khu vực và đã chuyển hướng nguồn lực của họ tới CA-TBD trong những năm qua. Trong giai đoạn 2008-2013, nguồn lực của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu (Ex-Im Bank) tại CA-TBD tăng 14 tỷ USD; nguồn lực của Tập đoàn đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) tăng từ 1 tỷ lên 2,7 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2013, 41% tổng chi tiêu của Cơ quan Phát triển và Thương mại Mỹ (USTDA) là tại khu vực CA-TBD. USTDA đã chi 7,5 triệu USD cho các chương trình tại Đông Á và 9,7 triệu USD tại Nam Á và Đông Nam Á, trong đó có các dự án tại Indonesia và Việt Nam theo Sáng kiến Đối tác toàn diện Mỹ-CATBD vì Năng lượng Bền vững. Đồng thời, năm 2013, Mỹ cũng đưa ra các kế hoạch đẩy mạnh chương trình "Select USA" nhằm thúc đẩy đầu tư từ CA-TBD vào Mỹ. 

Về lĩnh vực can dự với các thể chế khu vực 

Mỹ đã có nhiều bước đi nhằm tăng cường sự can dự vào các thể chế khu vực, chẳng hạn như việc tăng thêm một chức vụ Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề đa phương trong Cục Đông Á-Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao) và bổ nhiệm Đại sứ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mỹ cũng đã ký Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị ASEAN, cử đại diện cấp cao hơn (cấp nhà nước) tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và ở cấp ngoại trưởng tới dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Năm 2012, bà Hillary Clinton (khi đó là Ngoại trưởng) cũng đã tham dự Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) và là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tham dự diễn đàn từ trước tới nay. 

Ngoài ra, Mỹ theo đuổi một loạt các sáng kiến hợp tác với các thể chế đa phương châu Á, trong đó có các vấn đề năng lượng, y tế thông qua Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong (LMI), đầu tư và thương mại thông qua APEC, tăng trưởng kinh tế và biến đổi khí hậu thông qua ASEAN, tội phạm xuyên quốc gia và năng lượng sạch thông qua EAS. Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng các sáng kiến mới được đề xuất tại diễn đàn APEC, chẳng hạn như lập quỹ tài trợ cải thiện tính liên tục của nguồn cung sản phẩm, thành lập Nhóm làm việc về minh bạch và chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tăng cường các nỗ lực hợp tác khu vực trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, chẳng hạn như trong vụ tìm kiếm máy bay mất tích tại Malaysia mới đây. 

Củng cố đồng minh và xây dựng đối tác mới 

Là một nhân tố trong chính sách tái cân bằng tại CA-TBD, Mỹ đã tăng cường và hiện đại hóa các liên minh song phương truyền thống và đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác đang nổi. Mục đích của cách tiếp cận này là để Mỹ đối trọng với các mạng lưới đối tác đang tồn tại và tiềm tàng nổi lên tại khu vực nhằm giải quyết các vấn đề khu vực hiệu quả hơn, đỡ tốn chi phí hơn so với đơn thương độc mã giải quyết. Trên cơ sở hệ thống đồng minh hiện có, Mỹ đã và đang thúc đẩy mô hình “trục bánh xe và nan hoa”, liên kết các liên minh và đối tác lại với nhau tạo ra thực lực tốt hơn trong việc xử lý các thách thức chung. Để thực hiện mô hình này, Mỹ đã và đang hỗ trợ các đối tác và các đồng minh khu vực phân bố nguồn lực một cách hiệu quả hơn, phối hợp và hợp tác trong việc các lĩnh vực quan trọng, chẳng hạn như an ninh hàng hải và khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên. 

Cụ thể, sáng kiến hồi tháng 9/2013 về tham vấn chính thức liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử (COC) nhằm kiểm soát cách hành xử trên Biển Đông mang lại một cơ hội để cải thiện và nâng cao năng lực của các đồng minh và đối tác. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã công bố gói trợ giúp hàng hải song phương và khu vực trị giá 32,5 triệu USD, trong đó có 18 triệu USD để cải thiện năng lực cho các đơn vị tuần tra duyên hải của Việt Nam, sẽ giúp nâng cao thực lực của các đối tác. Mỹ xác định, hiện New Zealand và Nhật Bản đều muốn cải thiện các thực lực đổ bộ; Hàn Quốc và Singapore muốn có máy bay Global Hawk; Indonesia muốn nâng cao thực lực hậu cần và vận tải hàng không. Do đó, Mỹ đang và sẽ tiếp tục trợ giúp các đồng minh và đối tác trong lĩnh vực này để tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực hàng hải. Một giải pháp ít kém đang được giới chức Mỹ bàn thảo là đưa thêm các tàu khu trục nhỏ tới các quốc gia đối tác trong khu vực nhằm giúp các nước này tăng cường thực lực trên biển. 

Về lĩnh vực xã hội dân sự và nhân quyền 

Mỹ xác định can dự kinh tế đi đôi với can dự về vấn đề nhân quyền khi thực hiện chính sách tái cân bằng tại khu vực CA-TBD. Mỹ sử dụng các lợi ích của quan hệ đối tác kinh tế nhằm gia tăng ảnh hưởng với các quốc gia mà Mỹ cho là có thành tích nghèo nàn về nhân quyền và quản trị dân chủ. Trong lĩnh vực can dự này, Mỹ quan tâm hơn tới truyền thông và tự do Internet, tuy nhiên cũng tận dụng các chương trình phát triển trong lĩnh vực nguyên tắc luật pháp, chấp pháp trên biển, ngoại giao công, quan hệ hợp tác quân sự để thúc đẩy vấn đề nhân quyền. Trong báo cáo tài khóa năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề xuất tăng 30% nguồn tài trợ (98,6 triệu USD) cho các chương trình “Quản trị Công bằng và Dân chủ” tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DHL Bureau) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập Văn phòng Đông Á-Thái Bình Dương năm 2013 và là văn phòng nhận số tiền lớn nhất từ "DHL Bureau" để tăng cường tài trợ cho các chương trình dân chủ, nhân quyền.

Đọc toàn bộ bản báo cáo tại đây.

Theo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ

Trần Quang (gt)