Hai tuyến đường biển này đánh dấu vành đai chuỗi quần đảo lớn bao quanh bờ biển Đông Á, bắt đầu với quần đảo Kuril ngoài khơi phía Bắc Nhật Bản dọc theo phía Nam tới Philippines và Borneo ở vùng cực tây nam của Thái Bình Dương. Kênh đào Bashi, nối Biển Đông với phía tây Thái Bình Dương, nằm giữa phía bắc đảo Luzon của Philippines và đảo Orchid của Đài Loan. Eo biển Miyako nằm giữa các đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản và cung cấp một lối đi nhỏ tới vùng biển và không phận quốc tế thông qua vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản. Cả hai tuyến đường biển này tạo thành lối đi chính cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) vào Thái Bình Dương.

Trong những tháng gần đây, chúng ta đã chứng kiến một loạt hoạt động của PLA ở hai kênh đào này. Tháng 6/2019, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đã điều máy bay chiến đấu để ngăn chặn máy bay trinh sát điện tử của Lực lượng Không quân Trung Quốc (PLANAF) Shaanxi Y-9JB (GX-8) ở Biển Hoa Đông ngang qua Eo biển Miyako.Không quân Trung Quốc cũng đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự tầm xa của các máy bay ném bom Xian H-6K, máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm (AWAC), máy bay trinh sát điện tử, cũng như các máy bay chiến đấu, đi qua Kênh đào Bashi và Eo biển Miyako hôm 15/4 vừa qua. Máy bay được hỗ trợ bởi các tàu chiến hải quân, ít nhất một trong số đó là tàu khu trục hạm tên lửa dẫn đường đi qua Eo biển Miyako. Cùng ngày, máy bay Trung Quốc cũng bay quanh Đài Loan.

Đầu tháng 4/2019, Không quân Trung Quốc đã điều các máy bay ném bom tấn công trên biển Xian H-6G và các máy bay khác bay qua không phận quốc tế giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản đi qua Biển Hoa Đông. Trước đó, hồi tháng 3, PLAAF đã điều một đội tuần tra tầm xa khác bao gồm bốn máy bay ném bom tầm xa Xian H-6K, đi qua Eo biển Miyako. Nó xuất hiện cùng với ba tàu hải quân - hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp 054A Jiangkai II và một tàu chở dầu từ Hạm đội Biển Đông của PLAN- để tham gia tập trận quân sự. Đáng chú ý, Lực lượng không quân Trung Quốc và Nga đã cùng thực hiện cuộc tuần tra trên không tầm xa chung đầu tiên ở Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản hôm 23/7. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MoD), cuộc tuần tra này bao gồm hai máy bay ném bom Tu-95MS bay qua Eo biển Miyako. Không quân Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận đầu tiên tại Kênh đào Bashi tháng 3/2015, sau đó là cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển phía đông Kênh đào Bashi tháng 6/2015. Nó đánh dấu sự khởi đầu của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của PLAAF ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2015 cũng là thời điểm quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Eo biển Miyako. Năm 2016, nhóm tàu sân bay tấn công duy nhất của Hải quân Trung Quốc, bao gồm tàu Liêu Ninh nặng 60.000 tấn, một tàu sân bay đa năng lớp Kuznetsov thời Liên Xô được tân trang lại, và các tàu hộ tống của nó, lần đầu tiên tiến vào Tây Thái Bình Dương qua Eo biển Miyako trước khi tiến vào Biển Đông qua Kênh đào Bashi.

Về mặt chính trị, sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở cả hai địa điểm này là nhằm gửi thông điệp răn đe tới Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ, đồng thời báo hiệu rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ các yêu sách lãnh hải của mình. Tại sao hai tuyến đường biển này lại quan trọng đối với quân đội Trung Quốc? Eo biển Miyako và Kênh đào Bashi được định vị dọc theo những gì các chiến lược gia quân sự gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, trải dài từ quần đảo Nhật Bản qua Đài Loan đến Philippines. Đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, các chiến lược gia quân sự Trung Quốc dưới sự ủng hộ của cựu chỉ huy Hải quân và Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương, Lưu Hoa Thanh, đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của “chuỗi đảo thứ nhất” trong việc phá vỡ thế bao vây chiến lược Trung Quốc của Mỹ và các đồng minh khu vực. Ông Ben Lowsen, chuyên gia về các vấn đề chính trị và an ninh Trung Quốc, nói với tờ Diplomat: “Các chiến lược gia Trung Quốc coi những tuyến đường biển này là rất quan trọng đối với khả năng triển khai lực lượng của họ vượt ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên. Một số chiến lược gia [Trung Quốc] thậm chí còn sử dụng bản đồ hướng về phía đông với Trung Quốc ở phía dưới để cho thấy Trung Quốc đang bị bao vây và cần phải thoát ra ngoài”.

Hơn nữa, việc phá vỡ “chuỗi đảo thứ nhất” là rất quan trọng đối với các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc để hải quân nước này trở thành một lực lượng viễn chinh, một hải quân nước xanh, tập trung xung quanh các nhóm tàu sân bay tấn công, thường xuyên triển khai đến các vùng biển bên ngoài “vùng biển gần” Đông Á, còn Hải quân Trung Quốc gọi là “vùng biển xa” khi thương mại hàng hải của Trung Quốc đang mở rộng, phụ thuộc vào an ninh đường biển.

Hai tuyến đường biển này trước hết được coi là lối ra quan trọng nhất của PLA tới Thái Bình Dương và do đó có tầm quan trọng cốt lõi trong việc bảo vệ các lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài. “Chuỗi đảo thứ nhất” cũng rất quan trọng để hiểu được tầm quan trọng của hai tuyến đường biển này trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự ở Đông Á. Theo Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Tập đoàn RAND, các chuyến bay của Không quân và Hải quân Trung Quốc qua Kênh đào Bashi và Eo biển Miyako sẽ giúp “Bắc Kinh có cơ hội huấn luyện, đào tạo trong 'các điều kiện chiến đấu thực tế'”. Ông lưu ý rằng việc Trung Quốc chiến đấu chống Mỹ về vấn đề Đài Loan, hoặc chống Nhật Bản và Mỹ trong tranh chấp lãnh thổ Senkaku/Điếu Ngư, hoặc chống Mỹ ở Biển Đông, sẽ đòi hỏi PLA phải phát triển sức mạnh vượt ra ngoài “chuỗi đảo thứ nhất” để ngăn chặn quân tiếp viện của Mỹ. Ông Gross Grossman nói với tờ Diplomat rằng: “Ngay cả khi không phải như vậy, việc bổ sung khả năng phá vỡ chuỗi đảo thứ nhất và đánh vào mạn sườn các đối thủ khác- cụ thể là Đài Loan và Nhật Bản - ở các bờ biển phía đông và để đe dọa đảo Guam, sẽ mang đến cho Trung Quốc phạm vi tấn công mới”. Học thuyết PLA bao gồm các nhiệm vụ đẩy đuổi các lực lượng hải quân và không quân Mỹ ra khỏi Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông, trong đó có cả nhiệm vụ không cho tàu thuyền Mỹ và các đồng minh đi qua hai tuyến đường biển này. Bởi vì, hai tuyến đường biển này có thể được Mỹ và các đồng minh sử dụng để kiềm chế các lực lượng quân sự Trung Quốc ở vùng biển gần. Ở đây, Eo biển Miyako, với sự hiện diện tích cực của các căn cứ không quân Mỹ trong khu vực là vấn đề quân sự lớn cho các nhà hoạch định chiến tranh Trung Quốc, và nó còn phức tạp hơn nữa bởi các nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự dọc theo các đảo nằm trên Biển Hoa Đông. Ví dụ, Nhật Bản đã triển khai các đơn vị tên lửa chống hạm mới trên các hòn đảo ở Okinawa mà có thể bao phủ toàn bộ Eo biển Miyako.

Đáng chú ý, Quân đội Trung Quốc sẽ không cần phải kiểm soát các tuyến đường biển này để sử dụng chúng trong xung đột: họ chỉ cần từ chối người khác sử dụng, đó là lý do tại sao bất kỳ cuộc thảo luận quân sự nào về hai tuyến đường biển này chắc chắn có liên quan đến các khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD). Mặc dù người ta thường cho rằng do kết quả của những tài sản này, Trung Quốc có thể sẽ phong tỏa Biển Hoa Đông và Biển Đông trong trường hợp chiến tranh, thì một phân tích gần đây của Stephen Biddle và Ivan Oelrich cho thấy khác. Nhận thấy những hạn chế của khả năng A2/AD hiện tại và tương lai của Trung Quốc, họ dự đoán rằng trong một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung trong tương lai lấy bối cảnh năm 2040, “Còn lâu nó mới trở thành một hồ nước của Trung Quốc, không gian trên biển và trên không trong chuỗi đảo thứ nhất có nhiều khả năng trở thành vùng đất không có người ở (hoặc biển không có người), do đó không bên nào được bảo đảm quyền tự do đi lại”.

Trong thời gian tới, hải quân và không quân Trung Quốc vẫn hoạt động ở các tuyến đường biển này. Báo cáo của Tổ chức nghiên cứu Rand năm 2018, trong đó phân tích các chuyến bay của các máy bay ném bom tầm xa Trung Quốc, bao gồm cả trong và xung quanh Kênh đào Bashi và Eo biển Miyako, lưu ý: “Giới phân tích Nhật Bản cho rằng các chuyến bay của máy bay ném bom là bước tiếp theo trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Diaoyu/Senkaku và tạo lợi thế trong tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Trong khi đó, giới phân tích Đài Loan đánh giá chúng là sản phẩm của sự kết hợp những diễn biến ở cả Trung Quốc và mối quan hệ qua Eo biển Đài Loan và chủ yếu được sử dụng để đe dọa giới lãnh đạo chính trị Đài Loan”.

Năm 2019, việc lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc tăng cường hoạt động quanh Kênh đào Bashi và Eo biển Miyako cũng có một số lý do thực tế. Theo ông Grossmann, “PLA hiện không có nhiều nơi khác để huấn luyện, đào tạo. Việc bay qua dãy núi Himalayas không mô phỏng các tình huống thực tế trên không và trên biển mà PLA tìm cách để trải nghiệm, cũng như không gửi thông điệp răn đe mà Trung Quốc cho là cần thiết”. Điều dường như chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa quân đội, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân, và khi đó hai tuyến đường biển này sẽ ngày càng có tầm quan trọng chiến lược đối với PLA.

Theo “The Diplomat

Anh Thư (gt)