Liên minh châu Âu có thể cải tổ bản thân như thế nào?

Brexit đã châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận về cách thức cải cách Liên minh châu Âu (EU). Kể từ khi Anh bỏ phiếu rời bỏ EU, vô số cao ủy, bộ trưởng và tổng thống đã thừa nhận rằng EU phải trở nên linh hoạt hơn và phản ứng nhanh hơn trước các quan ngại của người dân. Nhưng có một khuôn mẫu quen thuộc đang diễn ra: sau mỗi cuộc khủng hoảng trong 2 thập kỷ qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã hứa xem xét lại quá trình hội nhập, chỉ để tiếp tục công việc theo phong cách làm ăn như bình thường ngay khi mọi việc nguôi đi.

Vì vậy, cuộc tranh luận hiện đang hình thành là một cuộc tranh luận nhàm chán. Một số người tin rằng EU chỉ có thể được giải cứu bằng cách đẩy nhanh các bước đi hướng tới một liên minh chính trị đầy đủ. Nhóm này bao gồm các cao ủy cấp cao của EU, các chính trị gia trong Nghị viện châu Âu và ngoại trưởng Pháp và Đức. Những người khác, bao gồm lãnh đạo các nước Trung và Đông Âu, Đan Mạch và Hà Lan, lại đưa ra kết luận trái ngược. Nhưng cả việc đẩy nhanh hay làm chậm lại tiến trình hội nhập sẽ không đủ để cứu EU. Ngoài ra, các đề xuất hiện đang được thảo luận nhằm gia tăng hợp tác về chính sách kinh tế và an ninh ít có khả năng kích thích lại sự nhiệt tình đối với dự án châu Âu vào một thời điểm khi sự hoài nghi dành cho Brussels đang gia tăng. Hơn nữa, việc giới thiệu các cải cách theo một cách thức được thiết kế để né tránh những ưu tiên của các công dân được coi là dốt nát hay không có đủ thông tin của châu Âu vừa mang tính kẻ cả vừa không có khả năng đem lại sự ổn định dài hạn.

Thay vào đó, EU cần tái định hình một cách triệt để toàn bộ cơ cấu chính trị của mình. Một lựa chọn thường được thảo luận là việc hình thành một EU hai tốc độ, với khả năng cái gọi là những quốc gia cốt lõi hướng tới một liên minh chính trị mà không có các nước ngoại vi. Tuy nhiên, giải pháp này nhiều khả năng không thể thực hiện được, do ít quốc gia Nam Âu hay Đông Âu sẽ chấp nhận một sự đối xử như vậy, và hai nước được coi là quốc gia cốt lõi như Pháp và Hà Lan có mức độ phản đối của dân chúng đối với EU thuộc hàng cao nhất châu lục. Nếu cốt lõi dựa trên khu vực Eurozone, sẽ có rất ít cơ hội cho các mức độ hội nhập khác nhau, do gần như mọi nước thành viên EU hoặc đã tham gia Eurozone hoặc đã ký kết để tham gia.

Đúng hơn, cái EU cần là một sự phục hưng, thách thức những ý tưởng được kế thừa về hình thức hợp tác giữa các quốc gia và người dân. Sự phục hưng này nên tách khỏi tập trung vào các quan hệ chính thức, thể chế giữa các nước và hướng tới một thỏa thuận dân chủ hơn dựa trên tình đoàn kết giữa các công dân. Nếu không có sự tham gia đầy đủ hơn của người dân châu Âu, không chính sách mới nào sẽ có khả năng giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay, mà chủ yếu dựa trên sự ngờ vực của người dân bình thường đối với dự án châu Âu. Để giải quyết tình trạng bất ổn này, các nhà lãnh đạo châu Âu nên thông qua cái tác giả gọi là một Thỏa thuận công dân châu Âu, được chi phối bởi 4 nguyên tắc của quá trình ra quyết định có tính hợp tác.

Một thỏa thuận hợp tác

Nguyên tắc đầu tiên là sự lựa chọn. Hiện nay, các nước thành viên được trông đợi chấp nhận tất cả các chính sách của EU, trừ phi họ có thể đàm phán để có được quyền không tham gia – một công việc cực kỳ khó khăn. Việc này nên được thay thế bằng phiên bản ngược lại: một quá trình quyết định tham gia theo hướng tự nguyện và linh hoạt.

Thay vì một bộ máy hành chính tập quyền tại Brussels, việc hình thành chính sách có thể được phi tập trung hóa, trao quyền lực cho một loạt cộng đồng chính sách, mà sẽ giám sát sự hợp tác trong các lĩnh vực chính sách khác nhau và được các cơ quan có trụ sở trên khắp châu Âu quản lý. Theo đó, các chính phủ quốc gia sẽ được tự do lựa chọn tham gia các cộng đồng chính sách tùy theo các ưu tiên của công dân của họ. Nguyên tắc này sẽ đem lại cho mỗi nước một vai trò chủ động và tích cực trong việc định hình tương lai của EU, thay vì một vai trò thụ động mà phải chấp nhập các nghĩa vụ không mong muốn.

Câu hỏi hóc búa nhất đối với một mô hình lựa chọn tham gia sẽ là liệu thương mại tự do và sự tự do di chuyển của con người có nên là các mục riêng rẽ hay không. Ngay cả nếu một nước phản đối các hạn chế đối với tự do đi lại, trong hoàn cảnh hiện nay một sự thay đổi dần dần và khiêm tốn trong áp dụng tự do đi lại có thể giúp duy trì dự án châu Âu. Chẳng hạn, các điều khoản pháp lý cho một “phanh khẩn cấp”, hay việc ngừng tạm thời nhập cư, sẽ cho phép các nước bảo vệ các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương của họ trước mức độ gia tăng di cư nhanh chóng mà không làm đảo lộn nguyên tắc cốt lõi của tương tác xuyên biên giới. Đem lại cho người dân cơ hội lựa chọn mức độ mở cửa mong muốn của họ thậm chí có thể chống lại chủ nghĩa dân tộc phi tự do trong dài hạn.

Đương nhiên, cách tiếp cận tự nguyện tham gia sẽ khiến quá trình hợp tác tại châu Âu trở nên cực kỳ lộn xộn. Nhiều lĩnh vực chính sách – chẳng hạn như chính sách thương mại và môi trường, hay chính sách xã hội và đồng euro – không thể được tách rời hoàn toàn, và sẽ cần phải có sự điều phối giữa các cộng đồng chính sách. Nhưng nguy cơ về một số sự lộn xộn lại ít hơn nhiều so với nguy cơ của việc tiếp tục nguyên trạng, mà không đem lại cho các nhà nước và công dân quyền lựa chọn tách những khía cạnh hội nhập họ muốn khỏi những khía cạnh họ không muốn.

Nguyên tắc thứ hai là bảo vệ một tinh thần cạnh tranh trên khắp các mô hình kinh tế, xã hội và chính trị khác nhau của châu Âu. Vai trò của EU sẽ là đặt ra các mục tiêu chung, chứ không phải áp đặt các kế hoạch chi tiết hay có tính xâm phạm về việc những mục tiêu này nên được hoàn thành như thế nào. Các nước thành viên sau đó có thể thiết kế lộ trình mong muốn của riêng họ để đạt được các mục tiêu chung, và các mô hình tốt nhất sẽ thành công về kinh tế, tạo ra những tấm gương thông qua kết quả thay vì tuân thủ các quy định. Chẳng hạn, các nước muốn chấm dứt chính sách thắt lưng buộc bụng có thể không có khả năng thuyết phục được các nước chủ nợ làm theo chủ nghĩa Keynes trên toàn châu Âu, nhưng bản thân họ sẽ được phép thử nghiệm sử dụng các chính sách thiên về tăng trưởng để giảm mức nợ của mình.

Nguyên tắc chỉ đạo thứ ba là sự kiểm soát của người dân từ dưới lên. Toàn bộ cấu trúc của EU – được thiết kế cách đây hơn 60 năm trong một thời đại tôn kính và có phân cấp hơn – hiện đang mâu thuẫn một cách tuyệt vọng với các xu hướng xã hội cơ bản hướng tới việc trao quyền cho cá nhân và địa phương. Người ta đang rất cần một ý niệm cấp tiến hơn nhiều về tính hợp pháp dân chủ.

Thay vì các cuộc thảo luận vô tận về việc cải thiện trách nhiệm giải trình dân chủ trong EU thông qua việc thành lập thêm một vài ủy ban trong Nghị viện châu Âu hay các cơ quan lập pháp quốc gia, các chính phủ châu Âu nên khởi động một sáng kiến dân chủ lớn trong 2 năm, theo đó các hội đồng và diễn đàn của công dân được phép xem xét kiểu hợp tác chính sách của châu Âu mà người dân bình thường muốn được thấy. Các cộng đồng địa phương nên được cho phép và khuyến khích tham gia mọi cấp độ của quá trình hình thành chính sách của EU. Sự tham gia của cấp địa phương này sẽ có vai trò then chốt trong bất cứ giai đoạn mới nào của quá trình hội nhập. Hơn nữa, xu hướng thờ ơ với chính trị trong giới trẻ ủng hộ châu Âu, những người quyết định không bỏ phiếu, cho thấy sự cần thiết phải có những hình thức cải tiến về dân chủ trực tiếp. Các xã hội đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi quá trình hội nhập châu Âu bắt đầu, gần như chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các thể chế của EU cũng cần phải thay đổi.

Nguyên tắc thứ tư là sự phân biệt chính sách linh hoạt nên được thăm dò bên trong các nước, chứ không chỉ giữa các nước. Khi xét tới sự đa dạng bên trong của châu Âu, việc áp dụng đồng bộ mọi lĩnh vực chính sách trên khắp các nước thành viên EU có thể không còn là điều nên làm. Tại hầu hết mọi quốc gia châu Âu, một khoảng cách đã được mở ra giữa những người hạnh phúc với tinh thần quốc tế và toàn thế giới của EU và những người cảm thấy bị gạt ra bên lề bởi nó. Nhưng việc kêu ca về cái được coi là sự ngu dốt theo chủ nghĩa bản địa hầu như sẽ chẳng đem lại lợi ích gì – một dự án hội nhập không có khả năng giải quyết lo ngại của những người hoài nghi, và diễn ra chỉ nhờ vào việc đàn áp tiếng nói dân chủ của họ, không phải là một dự án đáng được bảo vệ. Thay vì vậy, thách thức là xem xét lại toàn bộ hình thức hợp tác của châu Âu để tạo ra không gian cho cả những người theo chủ nghĩa toàn cầu lẫn những người theo chủ nghĩa bản địa.

Khi xét tới tính thực tiễn của một dàn xếp như vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu nên nhìn vào chủ nghĩa đa nguyên hợp pháp. Chủ nghĩa đa nguyên hợp pháp khám phá xem các quy tắc điều chỉnh và pháp lý khác nhau có thể cùng tồn tại bên trong một hệ thống chính trị đơn lẻ như thế nào, và các tài liệu học thuật dồi dào về chủ đề này đem lại các nguồn lực để thiết kế các hệ thống pháp lý phù hợp với dân chúng mà có các ưu tiên hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, có thể có một dàn xếp về nhập cư hợp pháp theo hướng tự do hơn đối với các thành phố lớn và đa dạng về văn hóa của châu Âu, và một dàn xếp chặt chẽ hơn cho các khu vực sâu trong nội địa, hay một số khu vực tại một nước thành viên có thể muốn chấp nhận các sáng kiến hợp tác của châu Âu mà các khu vực khác của nước đó phản đối.

Cải cách hay tan vỡ

Nhiều người sẽ phản đối rằng những thay đổi sâu rộng và những ý tưởng khác thường như vậy là không thể thực hiện được và thay vào đó EU nên tập trung vào việc ổn định nguyên trạng hiện nay. Hoặc họ có thể lập luận rằng quá nhiều sự linh hoạt và tham khảo ý kiến một cách dân chủ sẽ đem lại quyền lực cho phe hoài nghi châu Âu. Nhưng cách suy nghĩ này phản ánh một tư duy không lành mạnh: thách thức thực sự đối với EU không chỉ đơn giản là tìm ra bất cứ biện pháp nào có thể để kiềm chế chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, mà là củng cố các nền tảng mạnh hơn cho hợp tác trong tương lai và tình đoàn kết giữa các công dân châu Âu. Ngoài ra, Brexit đã cho thấy, trong số những điều khác, mối nguy hiểm của một dân chúng cảm thấy bị giới lãnh đạo phớt lờ. Nền chính trị trực tiếp hơn và cho phép sự tham gia rộng rãi của người dân có thể giúp ích ở mặt này, và không nên bị lảng tránh chỉ vì những lo ngại ngắn hạn về chủ nghĩa dân túy. Các nhà cải cách cũng nên thách thức giả định phổ biến rằng sự hội nhập linh hoạt đồng nghĩa với ít hội nhập hơn; nếu sự linh hoạt được xây dựng một cách đúng đắn, điều ngược lại nhiều khả năng là đúng.

Đương nhiên trên thực tế, gần như chắc chắn các chính phủ châu Âu sẽ có những cú sảy chân như trước đây. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ đối với EU – hay không có sự thay đổi nào – họ sẽ làm gia tăng cơ hội thành công của những cuộc trưng cầu dân ý về việc rời bỏ EU tại Pháp, Hà Lan và ở bất cứ đâu mà có thể phá hủy vĩnh viễn tinh thần đoàn kết của châu Âu. Tốt hơn là nên hành động ngay bây giờ và ngăn chặn trước một sự sụp đổ không thể đảo ngược. Việc các nhà lãnh đạo EU liên tục kêu gọi có tư duy đổi mới có rất ít nghĩa lý nếu họ sau đó không thể hiện ý chí chính trị muốn cập nhập mô hình hội nhập cốt lõi của liên minh.

Nếu các nhà lãnh đạo châu Âu thực sự mong muốn đổi mới, họ sẽ sử dụng dịp kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp ước Rome trong năm tới để chuyển sang một trang mới. Họ nên tuyên bố rằng EU đã hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo hòa bình tại châu Âu và khởi động một Thỏa thuận công dân châu Âu mới, phù hợp với các nguyên tắc về tính linh hoạt và đổi mới mà có thể mở ra một kỷ nguyên tiến bộ hơn cho dự án châu Âu./.

Theo “Foreign Affairs

Anh Thư (gt)