16/08/2013
Ngoại giao hải quân có ảnh hưởng rất lớn trong các vấn đề quốc tế, diễn tập chung sẽ là một tuyên bố về cam kết của ASEAN đối với an ninh biển khu vực. Diễn tập cũng chứng tỏ ASEAN là một tổ chức khu vực hiệu quả không những có thể hợp tác với nhau trên bàn hội nghị, mà cả trên các vùng biển
Có thể nói 2012 là năm tranh chấp biển Đông. Hầu như không ngày nào khu vực này không có một chủ đề đáng quan tâm. Đặc biệt sự đối đầu giữa các tàu chiến Trung Quốc và Philíppin tại bãi Hoàng Nham tháng 4/2012 đã leo thang thành mâu thuẫn chính trị và kinh tế giữa Bắc Kinh và Manila . Tại thời điểm đó, hàng ngày lực lượng hải quân Inđônêxia thường xuyên thảo luận về tình hình liên quan đến cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philíppin. Rõ ràng với Inđônêxia, đây là một vấn đề quan trọng của quốc gia và khu vực. Do đó Giacácta không thể chỉ ngồi và để cơn bão đi qua, bởi vì sớm hay muộn kiểu bão này sẽ trở lại. Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philíppin vừa thú vị vừa đáng lo ngại. Sau sự kiện bãi Hoàng Nham, Philíppin đã tìm kiếm sự ủng hộ của ASEAN với hy vọng các tổ chức chính trị trong cộng đồng chính trị và an ninh khu vực sẽ cứng rắn với Bắc Kinh. Nhưng mọi thứ không phải rõ ràng như vậy với một số thành viên ASEAN. Vì không có khả năng thống nhất biện pháp đối phó với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt sự cố bãi Hoàng Nham, ASEAN lần đầu tiên trong lịch sử không ra được thông cáo chung trong cuộc họp thường niên của các bộ trưởng ngoại giao tại Phnôm Pênh tháng 7/2012. Inđônêxia đã không mất nhiều thời gian can thiệp tìm cách giữ thể diện cho ASEAN thông qua Ngoại trưởng Marty Natalegawa. Ông Natalegawa đã có các chuyến đi con thoi đến các nước ASEAN để đạt được một thông cáo có thể được tất cả các nước thành viên chấp nhận. Nhưng vai trò của ông không thể ngăn chặn các căng thẳng tiếp tục leo thang trong khu vực cũng như không thể làm yên lòng 4 quốc gia tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông.
Những hành động quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực là thực tế và do quan điểm kiên quyết giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương của Bắc Kinh, một số nước ASEAN cảm thấy khó chịu với Trung Quốc. Hơn nữa, việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, trong đó có một đơn vị quân đội, để quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông, không những xúc phạm các nước tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam mà còn đặt ra nhiều câu hỏi liệu Bắc Kinh có cam kết giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình. Một thời điểm quan trọng khác xảy ra năm 2012 khi Mỹ công bố chính sách tái cân bằng ở châu Á. Rõ ràng, khả năng Trung Quốc và Mỹ đối đầu với nhau ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở thành thực tế, mặc dù chính quyền Obama cho biết không có ý định đó. Chính sách trở lại châu Á của Mỹ rất nhạy cảm, đặc biệt với ASEAN, bởi vì hầu hết các nước thành viên ASEAN có quan hệ chặt chẽ với hai cường quốc và một số nước đang có liên minh an ninh với Mỹ. Nhưng ASEAN cần có kế hoạch riêng để đảm bảo sự ổn định hàng hải ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông cũng như một tuyên bố mạnh mẽ để khẳng định các nước thành viên ASEAN có chung quan điểm về vấn đề này. Điều quan trọng là các nước thành viên ASEAN cam kết với giải pháp hòa bình ở Biển Đông. Tuyên bố về cách Ứng xử của Các bên ở Biển Đông năm 2002 là bằng chứng rõ ràng về ý định của ASEAN, nhưng hy vọng về Bộ quy tắc Ứng xử tiếp theo Tuyên bố đã bị trì hoãn do Trung Quốc cảnh giác với bất cứ sự tham gia đa phương nào trong các tranh chấp.
Tình hình hiện nay đòi hỏi ASEAN phải có một kiểu ngoại giao khác – đó là kiểu ngoại giao sức mạnh hải quân. Từ thế kỷ 19, các nhà chiến lược hải quân Alfred Thayer Mahan và Sir Julian Corbett đã cho rằng tăng cường nền ngoại giao hải quân hay còn gọi nền ngoại giao pháo hạm được các cường quốc sử dụng để gia tăng ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế. Thực tế nhiều nước trên thế giới đã sử dụng lực lượng hải quân của họ trong thời gian hòa bình và thời chiến để hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao. Mặc dù tình hình có nhiều thay đổi về địa chính trị trên toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhưng các nước trên thế giới vẫn dựa vào nền ngoại giao hải quân như một biện pháp để thể hiện sức mạnh trong khuôn khổ chính sách đối ngoại của một quốc gia. Nhà sử học hải quân người Anh Corbett cho biết chiến lược hải quân phải là một phần của chính sách đối ngoại. Ông cho rằng chiến tranh là một hành động chính trị, và chức năng đầu tiên của một hạm đội hải quân là chống lại các nỗ lực ngoại giao của nước khác. Trong ASEAN, điều đáng mừng là lực lượng hải quân của các nước thành viên có sự hợp tác chặt chẽ và được tăng cường bởi Hội nghị Các Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM). Đây là một diễn đàn hiệu quả giúp lực lượng hải quân các nước ASEAN trao đổi thông tin, quan điểm, ý tưởng, phát triển và tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác. Việc thiết lập không chính thức của hội nghị không làm giảm hiệu quả của nó, bởi vì các thỏa thuận của các nhà lãnh đạo hải quân được các bên thực hiện khá hiệu quả.
Điều đáng mừng nữa cũng xuất phát từ Nhóm Làm việc (EWG) của các chuyên gia thuộc Hội nghị Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và các hoạt động của nhóm. Một cuộc diễn tập Hỗ trợ Nhân đạo, Cứu trợ Thảm họa và Quân y của ADMM + được tổ chức tại Brunây tháng 6/2013, và một cuộc diễn tập chống khủng bố sẽ được tổ chức ở Inđônêxia tháng 9/2013. Các chương trình này sẽ đem đến cho lực lượng hải quân các nước ASEAN nhiều cơ hội cần thiết cho các cuộc diễn tập chung. Hợp tác hải quân giữa các nước thành viên ASEAN không những nên chỉ chú trọng đến đối thoại, mà một số người coi đó chỉ là thói quen. Trái lại, tính phức tạp của môi trường chiến lược ở Đông Nam Á đang đòi hỏi lực lượng hải quân của các nước ASEAN thay đổi từ hợp tác ở mức đối thoại sang hợp tác hoạt động. Tại Hội nghị của các Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 6 ở Brunây tháng 9/2012, Đô đốc Agus Suhartono, Tham mưu trưởng Hải quân và Lực lượng Vũ trang Inđônêxia, đề nghị tổ chức 2 sự kiện trong năm 2013 gồm một cuộc diễn tập chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân các nước ASEAN. Cuộc diễn tập này sẽ tăng cường hợp tác hoạt động giữa các lực lượng hải quân trong khu vực để có thể đối phó tốt hơn với những thách thức và mối đe dọa chung, đặc biệt là các mối đe dọa phi truyền thống.
Đây không phải là lần đầu tiên Hải quân Inđônêxia đề nghị hợp tác hải quân như vậy. Năm 2004, Hải quân Inđônêxia đề nghị tuần tra chung ở eo biển Malacca với lực lượng hải quân Xinhgapo và Malaixia. Sau đó một vài năm, Hải quân Thái Lan tham gia sáng kiến - trong đó mở rộng tới cả tuần tra trên không, trao đổi tin tức tình báo và được đặt tên mới là “Tuần tra Eo biển Malacca”. Rõ ràng Hải quân Inđônêxia đã có kinh nghiệm trong việc phối hợp các nỗ lực đa phương giữa các lực lượng hải quân trong khu vực và đó là điều vô giá đối với những thách thức mới trong tương lai. Nhưng có hai vấn đề cần đặc biệt chú ý nếu Hải quân Inđônêxia muốn thúc đẩy một cuộc diễn tập hải quân của ASEAN. Thứ nhất, chắc chắn cuộc diễn tập sẽ có tác động chính trị và tạo ra sự hoài nghi trong số các nước ngoài khu vực. Do đó, Inđônêxia nói riêng và ASEAN nói chung phải khẳng định rõ mục tiêu của diễn tập nhằm tăng cường hợp tác trên biển giữa lực lượng hải quân các nước ASEAN để bảo đảm sẵn sàng đối phó với những thách thức chung trên biển và các mối đe dọa. Khả năng phối hợp hành động là chìa khóa cho sự hợp tác tốt hơn giữa các lực lượng hải quân của các nước ASEAN và các cuộc diễn tập chung sẽ cải thiện sự phối hợp giữa hải quân các nước trong việc bảo vệ các vùng biển Đông Nam Á. Như một điều kiện tiên quyết, đầu tiên Hải quân Inđônêxia cần tham khảo ý kiến và trao đổi thông tin với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng về đề nghị tổ chức một cuộc diễn tập hải quân ASEAN. Các cuộc tham vấn có thể là một diễn đàn để trao đổi ý kiến và quan điểm nhằm không chỉ đạt được các mục tiêu diễn tập từ góc độ quân sự, mà còn từ góc độ chính trị và ngoại giao.
Một vấn đề quan trọng khác là Hải quân Inđônêxia cần nhận được sự chỉ đạo các vấn đề không nên vi phạm liên quan đến hợp tác hải quân cấp chiến dịch. Thứ hai, khía cạnh quân sự liên quan đến một cuộc diễn tập hải quân chung là diễn tập sẽ được tổ chức ở đâu và theo kịch bản gì. Vị trí trên biển sẽ có tác động chính trị và xác định bức thông điệp được phát ra là gì. Hơn nữa, là nước khởi xướng và chủ trì, Inđônêxia cần xem xét các lợi ích quốc gia của mình. Trong 4 khu vực có thể diễn tập của Hải quân Inđônêxia, vùng biển Natuna là vị trí chiến lược nhất. Natuna là một khu vực quan tâm quốc tế ở giữa khu vực Đông Nam Á, từ đó có thể tiếp cận các nước có bờ biển liền kề với Biển Đông. Vì biển Natuna nằm ở phía Bắc lãnh hải Inđônêxia, do đó không lo ngại an ninh của các tàu chiến nước ngoài trong khu vực. Kịch bản tốt nhất để tổ chức diễn tập trận chung là: Các hoạt động quân sự chứ không phải chiến tranh, vì diễn tập cung cấp hàng loạt khả năng, kể cả hỗ trợ nhân đạo/cứu trợ thảm họa, các hoạt động an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Điều này sẽ giúp giảm nỗi lo ngại cuộc diễn tập nhằm vào bất cứ quốc gia nào trong khu vực, mở ra khả năng cho các lực lượng hải quân ASEAN tổ chức diễn tập thường xuyên trong tương lai. Để tổ chức một cuộc diễn tập chung thành công, Hải quân Inđônêxia mong muốn lực lượng hải quân của tất cả các nước ASEAN (trừ Lào không có lực lượng hải quân) tham gia diễn tập. Sự tham gia của họ sẽ là một chuẩn mực của nền ngoại giao hải quân.
Nhưng người ta có thể đặt câu hỏi Inđônêxia sẽ được hưởng lợi gì nếu đứng ra tổ chức cuộc diễn tập tham vọng này. Trước hết, diễn tập sẽ tăng cường vai trò mà Inđônêxia nắm giữ kể từ khi thành lập ASEAN năm 1967 như một nhà lãnh đạo thực tế của tổ chức này và biến các lợi ích của ASEAN thành lợi ích quốc gia của Inđônêxia. Thứ hai, Inđônêxia sẽ đạt được các lợi ích kinh tế, đặc biệt với những nước ủng hộ diễn tập, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ Inđônêxia có thể cho phép các công ty trực thuộc chính phủ như công ty PT Pertamina cung cấp nhiên liệu và dầu nhờn và công ty PT Pelindo cung cấp các bến cảng, cũng như sử dụng các cơ sở du lịch. Tất nhiên ASEAN cũng được hưởng lợi. Một cuộc diễn tập hải quân chung toàn khu vực sẽ trở thành cơ sở cho hợp tác an ninh mới. Cải thiện khả năng phối hợp tác chiến sẽ giúp tăng cường hợp tác hải quân hiện nay, vì không phải tất cả các lực lượng hải quân ở Đông Nam Á có khả năng và sẵn sàng tương tự. Khi những thách thức hàng hải ngày càng trở nên phức tạp hơn, ASEAN cần lực lượng hải quân sẵn sàng đối phó với bất cứ mối đe dọa an ninh nào đối với thương mại trên các tuyến đường biển quốc tế, cũng như bảo vệ các vùng nước riêng và lợi ích khu vực. Ngoài ra, do nền ngoại giao hải quân có ảnh hưởng rất lớn trong các vấn đề quốc tế, cuộc diễn tập sẽ là một tuyên bố về cam kết của ASEAN đối với an ninh hàng hải khu vực. Diễn tập cũng chứng tỏ ASEAN là một tổ chức khu vực hiệu quả không những có thể hợp tác với nhau trên bàn hội nghị, mà cả trên các vùng biển./.
Tạp chí “Stratfor" (ngày 6/8)
Trong khi các cuộc bạo lực liên tục giữa người biểu tình với chính quyền quân đội tại Myanmar đang có nguy cơ leo thang, đẩy quốc gia này đến bờ vực một cuộc nội chiến toàn diện, dường như những nỗ lực tổ chức thượng đỉnh đặc biệt về Myanmar của ASEAN đang là hi vọng lớn nhất của cả khu vực và thê giới...
Dịch COVID-19 có lẽ là cơ hội để các nước Đông Nam Á hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và đa dạng hóa, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm đạt được vị thế tốt hơn.
Bốn nhận thức cơ bản: (i) những thách thức chính trị nội bộ tiếp tục chi phối nghị trình của hầu hết các nước thành viên ASEAN; (ii) ASEAN cần thu hẹp khoảng cách giữa sự hợp tác khu vực và cảm nhận của công chúng về tác động của khối; (iii) mong muốn mạnh mẽ giữ gìn trật tự khu vực cởi mở và bao trùm;...
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN+3 và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – khiến tăng trưởng giảm tốc rõ rệt, có khả năng sẽ ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực và toàn thế giới.
Cuộc tập trận ASEAN-Mỹ là bước đi quan trọng hướng tới việc thực thi tầm nhìn của ASEAN về cấu trúc an ninh khu vực mở và hòa bình, không bị chi phối bởi Trung Quốc và có sự tham gia của tất cả các nước lớn - bao gồm Mỹ.
Điều rõ ràng là ASEAN bị cuốn vào cuộc chiến tranh giành quyền lực đang diễn ra trong khu vực. Vị trí địa lý của ASEAN nằm ở trung tâm tuyến thương mại hàng hải của châu Á đặt ASEAN ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc.