Bài viết của Julian Ku, Giáo sư về Luật Hiến định tại Đại học Hofstra đăng trên National Interest:

Tuần qua, Bắc Kinh đã cương quyết bác bỏ vụ kiện của Philippines ở tòa án quốc tế về các hoạt động của họ tại Biển Đông. Cho rằng hành động hung hăng của Trung Quốc là nguyên nhân chính gây ra tình trạng gia tăng căng thẳng trong khu vực Đông Nam Á, nhiều chính phủ trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã ủng hộ các nỗ lực của Philippines. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này là một sai lầm, bởi chiến lược "chiến tranh bất đối xứng" của Philippines có lẽ sẽ thất bại, và nó thậm chí còn có thể cản trở khả năng đạt được một giải pháp lâu bền cho các tranh chấp ở Biển Đông. 

Vào tháng 2/2013, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế, chiểu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) - văn bản pháp lý có chức năng điều chỉnh các hoạt động trên biển. Philippines đã yêu cầu tòa án trọng tài phán quyết rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là vi phạm UNCLOS. 

Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ ủng hộ vụ kiện của Philippines. Mỹ đã cố gắng không đứng về một bên nào trong các tranh chấp trong khu vực và tìm cách để thuyết phục Trung Quốc trở thành "một bên có trách nhiệm". Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây đã hối thúc Trung Quốc "tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực quốc tế cơ bản". Mới đây, Mỹ còn công bố một phân tích chỉ trích mạnh mẽ lập luận của Trung Quốc trong các tuyên bố về chủ quyền của họ ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ một số luận cứ pháp lý của Philippines. 

Nhưng việc hỗ trợ đề nghị của Philippines đang đi vào ngõ cụt. Mặc dù nhiều trong số những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông được đánh giá là mang tính khiêu khích và hoàn toàn có thể là bất hợp pháp, song Philippines vẫn phải đối mặt với những trở ngại lớn về mặt pháp lý. Giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đã loại các tranh chấp liên quan đến biên giới trên biển ra khỏi các quá trình giải quyết tranh chấp được quy định trong UNCLOS. Vì vậy, Trung Quốc hẳn là đã tạo được một "tấm lá chắn" ít nhất là đối với một số tuyên bố của Philippines, đặc biệt là việc đòi hỏi công nhận các quyền chủ quyền của Philippines vốn vượt quá thẩm quyền của tòa án trọng tài. 

Ngoài ra, ngay cả khi tòa trọng tài phán quyết theo hướng có lợi cho Philippines, Trung Quốc vẫn có đủ luận chứng pháp lý để tuyên bố rằng phán quyết đó là bất hợp pháp, do tòa này không đủ thẩm quyền. Sau đó, họ sẽ từ chối tuân thủ phán quyết. Do trong UNCLOS không có quy định áp đặt trừng phạt đối với các quốc gia không tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài, Trung Quốc sẽ không phải đối mặt với bất kỳ sự trừng phạt tức thì hoặc hữu hình nào đối với hành động bất tuân. 

Chính phủ Philippines và luật sư của họ nhấn mạnh rằng nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài, họ sẽ bị mất uy tín. Hơn thế, họ lập luận rằng phán quyết như vậy sẽ cho phép Philippines giành được sự ủng hộ trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều này nói chung chỉ là sự mơ tưởng. 

Lịch sử cho thấy, hầu hết các quốc gia có thể vượt qua sự mất mát về uy tín như vậy mà không phải chịu hậu quả nghiêm trọng nào. Trong năm 2013, Nga đã từ chối điều trần trước Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về việc họ giữ một con tàu của Hà Lan chở nhiều nhà hoạt động của tổ chức Hòa bình Xanh phản đối hoạt động khoan dầu của Nga. Mặc dù ITLOS ra phán quyết buộc Nga phải thả các nhà hoạt động nói trên và trả lại con tàu trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra phán quyết, song Nga phớt lờ phán quyết này và gần một năm sau họ mới thả con tàu đó. 

Vào năm 1986, Mỹ cũng đã không tuân thủ một phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) quy định ngừng hỗ trợ cho Contras và ngừng khai thác các hải cảng ở Nicaragua. Mặc dù Mỹ đã bị lên án tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, song sự mất mát về danh tiếng là rất nhỏ và vụ này cũng nhanh chóng bị lãng quên. Năm 2008, Mỹ lại phớt lờ một lệnh rõ ràng khác của ICJ khi họ không ngăn chặn vụ hành quyết một công dân Mexico vi phạm pháp luật. Trong vụ này, Mỹ thậm chí đã không phải đối mặt với một nghị quyết lên án nào của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. 

Việc bất tuân các phán quyết của các tòa án quốc tế trước đây sẽ tạo tiền lệ để Trung Quốc cũng làm như vậy. Vì vậy, có vẻ như vụ kiện của Philippines sẽ chỉ làm làm mếch lòng Trung Quốc mà không thể làm thay đổi hành vi của nước này. Tệ hại hơn, nó còn có thể khiến Trung Quốc không xem xét khả năng ký kết các thỏa thuận để các tòa án quốc tế phân xử đối với các tranh chấp biển trong tương lai. 

Theo "National Interest" (ngày 11/12)

Mỹ Anh (gt)