10/05/2016
Giờ đây, Trung Quốc đang biến các đá thành các đảo và dần dần từng bước phá vỡ luật pháp quốc tế
Vào thời trung cổ, các nhà giả kim đã tìm cách biến các kim loại thường thành vàng. Ngày nay, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thực hiện thuật giả kim tương tự mang tính địa chính trị trên Biển Đông, khi nước này tìm cách biến các bãi đá thành đảo. Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về năng lực quân sự của Trung Quốc lưu ý rằng trong năm qua, Trung Quốc đã và đang xây dựng đảo ở 5 trong số các bãi đá thuộc quyền kiểm soát của nước này trên Biển Đông. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vốn đang xây dựng cơ sở hạ tầng chính trên 4 trong các đảo nhân tạo này. Ít nhất 2 trong số đó – Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) – có đường băng.
Bắc Kinh coi những hành động này là “hợp pháp và chính đáng”, vì chúng diễn ra trên lãnh thổ của Trung Quốc. Như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) hồi đầu năm nay, Trung Quốc đang xây dựng trên “chính các đảo và bãi đá của mình”. Quan trọng không kém, Trung Quốc mô tả những hoạt động này là “cần thiết”. Sự quyết đoán đó có khả năng bắt nguồn một phần từ thực tế rằng không cấu trúc nào được Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có sân bay, không giống như hầu hết các cấu trúc của những bên tuyên bố chủ quyền khác, bao gồm đảo Ba Bình (Itu Aba) của Đài Loan, Đá Hoa Lau (Swallow Reef) của Malaysia (nơi mà Kuala Lumpur cũng đã cải tạo đất), đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) của Việt Nam, và đảo Thị Tứ (Pagasa) của Philippines.
Một nhân tố quan trọng khác là việc Bắc Kinh phát triển đảo Hải Nam – khu vực đặt sân bay vũ trụ mới nhất của Trung Quốc, cũng như một cảng đỗ tàu sân bay và các bến tàu ngầm. Khi đảo Hải Nam trở nên quan trọng về mặt chiến lược, thì khát vọng của Bắc Kinh tạo ra một “vùng đệm” ở Biển Đông cũng lớn theo. Hơn nữa, khu vực này chứa nhiều tài sản có giá trị kinh tế, bao gồm những ngư trường dồi dào và các lớp trầm tích dầu lửa tiềm tàng.
Nhưng quyết định của Trung Quốc xây dựng các hòn đảo (lãnh thổ có thể ở được) ở nơi mà trước kia chỉ toàn là các bãi đá (một cấu trúc nổi trên mặt nước không thể sinh sống được) và các bãi ngầm (những thực thể chìm dưới mặt nước biển) cũng là một nỗ lực nhằm làm thay đổi thực tế trên thực địa (hay trên biển). Theo đúng nghĩa như vậy, nó thách thức một loạt các luật pháp quốc tế. Đặc biệt, đó là một nỗ lực nhằm tạo ra các cấu trúc mới (các đảo) mà sẽ đem lại cả vùng nội thủy (có giới hạn 12 hải lý) và các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kéo dài 200 hải lý. Các bãi đá chỉ mở rộng ra vùng nội thủy 12 hải lý, còn bãi ngầm thì không đem lại gì.
Ngoài ra, những hành động này của Trung Quốc xảy ra trong khi đang có những nỗ lực từ lâu muốn thay đổi bản chất của các EEZ, từ chỗ là các vùng biển quốc tế nơi mà nước sở hữu có ưu thế khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sang chỗ về cơ bản là các vùng biển quốc tế mà những nước khác có thể tự do qua lại. Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy những lập luận của mình trong khía cạnh này bằng cả chiến tranh pháp lý và phá rối về thể chất – như việc áp sát tàu USNS Impeccable và USNS Victorious (trong số các tàu khác) vào năm 2009. Tóm lại, Trung Quốc đang đưa ra một thách thức cơ bản đối với bản chất tự nhiên của các cấu trúc địa hình trên biển và với quyền tự do hàng hải.
Nhằm chống lại những nỗ lực của Trung Quốc, Washington chắc chắn đang cân nhắc những cách thức mới để đối phó với thách thức này của Bắc Kinh. Những lựa chọn gồm có các chuyến bay qua không phận của các đảo nhân tạo, và phái các tàu của Hải quân Mỹ đi vào bên trong khu vực 12 hải lý tính từ các bãi ngầm, nhằm nhấn mạnh rằng không có vùng lãnh hải vào được mở rộng từ các đảo nhân tạo này. Tàu USS Fort Worth, một tàu tác chiến tuần duyên mới, đã đi vào các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa; Trung Quốc đã theo sát tàu của Mỹ bằng chính khinh hạm của mình. Thông điệp có chủ đích của Mỹ là rõ ràng: Trung Quốc không có sức mạnh lẫn quyền lợi để đơn phương đảo ngược nguyên trạng trên Biển Đông, hay viết lại luật pháp và các hiệp ước quốc tế (hoặc địa lý).
Cách tiếp cận của Mỹ không phải là mới. Các tàu hải quân của Mỹ từ lâu đã thực hiện các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường tự do hàng hải – và không phải chỉ là chống lại Trung Quốc. Chẳng hạn, các tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện “những khẳng định bằng hành động” về quyền tự do hàng hải trong các vùng biển mà Philippines và Malaysia đã tuyên bố chủ quyền. Năm 1988, nước này thực thi quyền đi qua các vùng lãnh hải của Xôviết trên Biển Đen mà không gây tổn hại gì. Quả thực, cố vấn quân pháp của Hải quân Mỹ ban hành “Hướng dẫn tham khảo các tuyên bố trên biển”, một chỉ dẫn về nhiều tuyên bố trên biển khác nhau cho các quốc gia ven biển, nhằm hỗ trợ chương trình tự do hàng hải.
Những động thái có thể có của Washington cũng không làm thay đổi lập trường của Mỹ về các tranh chấp chủ quyền trong khu vực. Mỹ đã nhất quán kiềm chế để không đưa ra bất kỳ lập trường nào có liên quan đến các tuyên bố chủ quyền khác nhau trên Biển Đông. Thay vào đó, như Ngoại trưởng khi đó là Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2010, Mỹ ủng hộ một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ khác nhau, dựa trên những đòi hỏi về không gian biển “hoàn toàn bắt nguồn từ các tuyên bố hợp pháp đối với những cấu trúc địa hình”.
Tuy nhiên, điều mới mẻ là địa điểm cụ thể xảy ra sự việc. Những cuộc đối đầu trước đây giữa Trung Quốc và Mỹ có xu hướng ở phía Bắc Biển Đông. Chẳng hạn, những sự cố có liên quan đến tàu USNS Impeccable và USS Cowpens đều nằm bên trong khu vực 200 hải lý của đảo Hải Nam. Quần đảo Trường Sa, ngược lại, cách hơn 500 hải lý tính từ đảo Hải Nam và Trung Quốc đại lục. Khoảng 5,3 nghìn tỷ USD thương mại đi qua các tuyến đường vận tải trên Biển Đông chỉ nhấn mạnh các lợi ích quốc tế lớn đang bị đe dọa.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chắc sẽ lùi bước. Điều này một phần có khả năng là do niềm tin thực sự rằng Biển Đông từ lâu đã là lãnh thổ của Trung Quốc. Niềm tin đó không biện minh cho các hành động của Trung Quốc, nhưng nó giải thích việc làm thế nào mà Trung Quốc có thể tự mình coi đó là hành động mang tính phòng thủ, chứ không phải là kiểu mở rộng lãnh thổ.
Tương tự, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như thực sự tin rằng Trung Quốc đang bị đánh giá theo một bộ tiêu chuẩn khác. Xét cho cùng, các bên tranh chấp khác cũng đã khoan các giếng dầu, cải tạo lãnh thổ, và xây dựng các đường băng (mặc dù không bên nào làm ở quy mô mà Bắc Kinh hiện đang tiến hành). Mỉa mai thay, Bắc Kinh chỉ hợp pháp hóa cách thức bị đối xử như vậy, vì nước này cũng tin rằng họ không cần phải tuân theo cùng một tiêu chuẩn như các nước khác. Như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì khẳng định một cách đầy chua cay, khi bác bỏ những nhận xét của Ngoại trưởng Clinton hồi năm 2010: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, và đó chính là thực tế”. Nói tóm lại, Trung Quốc tự coi mình đang bị thách thức bởi các nhà nước láng giềng, những nước dường như không biết rõ vị trí của mình.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ phải chịu trách nhiệm cho thái độ tự cao tự đại này của các nước láng giềng của Trung Quốc. Khi tới thăm Mỹ vào năm 2014, Tướng Phòng Phong Huy, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng các nhà nước khu vực ở Biển Đông đang bị kích động bởi “Mỹ đang thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”. Trong khi ông Phòng không công khai buộc tội Mỹ xúi giục gây rắc rối, ông nhiều lần lập luận rằng các hành động của Mỹ đã tạo điều kiện cho căng thẳng gia tăng trong khu vực này. Lập trường này có khả năng sẽ còn được lặp lại nhiều hơn trong tương lai.
Vì lý do này, điều cần thiết là Mỹ không chỉ chống lại những nỗ lực của Trung Quốc đảo ngược luật pháp quốc tế ở Biển Đông, mà còn phải làm vậy với sự ủng hộ công khai của các nhà nước khác trong khu vực. Washington phải phối hợp các nỗ lực của họ để các nước trong khu vực không bị bất ngờ khi Bắc Kinh chắc chắn sẽ phản ứng, hoặc tệ hơn là coi Mỹ dù thế nào cũng là một bên phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng đang leo thang.
Washington phải nhấn mạnh rằng Mỹ không phải là nước đang quân sự hóa vấn đề này. Việc sử dụng các tàu hải quân có thể được nhìn nhận là Mỹ đang làm leo thang tình hình bằng cách triển khai các tàu “vỏ xám”, khi mà Trung Quốc phần lớn dựa vào một số lượng đáng kể các tàu dân sự và tàu của lực lượng thực thi pháp luật (“vỏ trắng”) để khẳng định chủ quyền. Hầu như không có nước láng giềng nào của Trung Quốc quan tâm nhiều đến việc đưa cuộc cạnh tranh này trên vũ đài quân sự, đặc biệt là khi Trung Quốc đã mở rộng và hiện đại hóa đáng kể hạm đội của mình. Quả thực, Mỹ có lẽ thích hợp hơn khi triển khai các tàu tuần duyên của lực lượng Cảnh sát biển để bước đầu thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng các nhà bình luận của Trung Quốc đã công khai thảo luận việc đưa các yếu tố quân sự vào những nỗ lực xây dựng của họ. Như hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, Tân Hoa Xã, nhận xét: “vì lợi ích bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, Trung Quốc cần phải tự vệ… Những cơ sở đó trên các hòn đảo và bãi ngầm, ngay cả khi mang bản chất quân sự nào đó, là hợp lý và chính đáng để Trung Quốc sử dụng chúng cho các mục đích phòng thủ”. Do đó, những phản ứng của Mỹ là tương tự như vậy, chứ không phải là leo thang.
Một thông điệp trọng tâm khác là Mỹ đã không thay đổi thuyết “không thể biết” của mình về những tuyên bố chủ quyền cụ thể. Cho đến nay, khi các bên tuyên bố chủ quyền khác nhau vẫn tập trung vào giải pháp hòa bình cho các tranh chấp khác nhau của họ, thì Washington không nên đứng về phe nào. Tuy nhiên, Mỹ cũng đồng thời cần phải phát đi tín hiệu rằng việc sử dụng vũ lực cũng như tiểu xảo mang tính vật chất, như xây dựng đảo, sẽ không thể dẫn tới việc tạo ra một nguyên trạng mới.
Cuối cùng, tương tự như “little green men” (những binh lính giấu mặt trong bộ quân phục màu xanh được trang bị vũ khí và thiết bị của Nga) ở Ukraine, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là dấu hiệu cho thấy rằng các cuộc xung đột và tranh chấp trong tương lai có khả năng sử dụng một liều lượng lớn các cách tiếp cận không thông thường. Quả thực, những hành động của Trung Quốc nhất quán với cách tiếp cận rộng lớn hơn của họ tiến tới “chiến tranh chính trị”, với việc triển khai rõ ràng “3 cuộc chiến tranh” gồm có chiến tranh pháp lý, chiến tranh công luận (truyền thông), và chiến tranh tâm lý. Các nhà lập kế hoạch và các nhà ngoại giao Mỹ phải bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào ứng phó với các cách tiếp cận không thông thường, cũng như làm thế nào để thực hiện chúng./.
Theo “National Interest”
Vũ Hiền (gt)
Sáng ngày 17/7/2024, (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm Trưởng đoàn, đã...
Ngày 14/6, Philippines đã nộp lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) bản đệ trình thềm lục địa mở rộng tại khu vực Tây Palawan. Đây là đệ trình thứ hai của Philippines; trước đó, nước này đã nộp đệ trình vào năm 2009 ở khu vực Benham...
Tòa Trọng tài Biển Đông đã tuyên rằng Ba Bình là “đá” và không phải là một “đảo” như quy định tại Điều 121 của UNCLOS. Đài Loan đã phản ứng với phán quyết khi lặp lại quan điểm phản ứng của Trung Quốc. Bài viết này đưa ra hai quan điểm: thứ nhất, phản ứng tức thì từ Đài Loan là nhắm tới ba đối tượng,...
Ấn Độ không nên quá kỳ vọng rằng phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài sẽ thay đổi "hành vi ngang ngược" của Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho New Delhi giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trong tương lai.
Cùng với khát vọng quyền lực lớn của Trung Quốc, các "chiến binh" mạng của nước này đã thể hiện sự tức giận sau khi thua trong vụ kiện với Philippines. Chỉ vài giờ sau phán quyết của Tòa đưa ra, ít nhất 68 trang mạng của chính phủ và địa phương của Philippines đã đồng loạt bị tấn công.
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Toà Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết về tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết đã làm thay đổi cuộc chơi trong tranh chấp biển.