Cách đây vài tháng, hai nhà ngoại giao kì cựu của Singapore đã có cuộc trao đổi thú vị về tương lai ASEAN. Trong khi cựu Đại sứ Barry Desker cho rằng sau năm 2015, mối quan tâm chính về sự hội nhập ASEAN vẫn chỉ là một ảo tưởng, thì một cựu Đại sứ khác, K. Kesavapany lại phản bác rằng mọi thứ đều đã được cân nhắc, và tiến trình hội nhập ASEAN vẫn hoạt động tốt.

Tháng 12, khi hội nghị cấp cao ASEAN tại Kuala Lumpur chính thức tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, ông Kesavapany đã có lí do để cảm thấy quan điểm được chứng minh là đúng. Ý tưởng về một Cộng đồng ASEAN đã được nhất trí vào năm 2003, theo đó vào năm 2020, cộng đồng này sẽ dựa trên ba trụ cột chính là Cộng đồng chính trị-an ninh, Cộng đồng căn hóa-xã hội, và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Sau đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định dời thời gian thành lập AEC vào cuối năm 2015, để các nước kém phát triển hơn trong khối có thêm thời gian thực thi các cam kết của mình.

Giờ đây, diện mạo của AEC ít nhiều “đã được hiện thực hóa”, theo số liệu của ASEAN. Trong số 506 mục tiêu phải đạt được trong giai đoạn 2008-2015, các nước ASEAN đã hoàn thành 92,7% mục tiêu cần thiết để có được một khu vực cạnh tranh, một thị trường đơn nhất và một cơ sở sản xuất. Nếu tính thêm 105 mục tiêu khác, kể cả những mục tiêu được hoãn lại, thì con số mục tiêu hoàn thành sẽ chỉ còn khoảng 80%.

Jayant Menon, nhà kinh tế hàng đầu thuộc Văn phòng Hội nhập Kinh tế Khu vực thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng hàng loạt biện pháp đơn phương và đa phương nhằm giảm bớt rào cản đã biến ASEAN trở thành một trong những khu vực hội nhập nhất thế giới, một “thí dụ điển hình cho thấy hội nhập khu vực tương thích hoàn toàn với toàn cầu hóa như thế nào”. Cho đến nay, mọi chuyện đều khá suôn sẻ, dù ngay cả nhiều công dân ASEAN cũng không hoàn toàn nhận thức được điều này.

Nổi lên tương đối toàn vẹn sau cuộc khủng hoảng thị trường tín dụng thứ cấp, ASEAN, năm 2013, đã vượt Trung Quốc trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khu vực hiện có hai trong số các thị trường tiền đồn lớn nhất: Việt Nam và Myanmar. Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có ở những thị trường trưởng thành hơn. Chẳng hạn, chương trình chuyển đổi kinh tế của Malaysia nhắm mục tiêu trở thành quốc gia giàu có bằng cách thu hút hơn 440 tỷ USD đầu tư vào năm 2020. Chiến lược xúc tiến đầu tư 7 năm mới của Thái Lan điều chỉnh chiến lược xúc tiến đầu tư trọng điểm mà một trong tâm là các khoản đầu tư tạo giá trị và nghiên cứu và phát triển (R&D).

Đầu tư và thương mại nội khối ASEAN cũng mở rộng lành mạnh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp ASEAN bắt đầu có tên trong danh sách Forbes Global 2000. Khu vực cũng đã bắt đầu có công ty đa quốc gia, với những cái tên như Olam International và Air Asia. Tập đoàn CP của Thái Lan hiện đầu tư vào tất cả các quốc gia ASEAN, trừ Brunei. Điều đó cho thấy hầu hết sự tiến triển đến nay là từ những lựa chọn dễ dàng. Hội nhập đầy đủ hơn vẫn là đỉnh núi chưa lên được. Theo Báo cáo Hội nhập ASEAN 2015, trong 7,3% những mục tiêu dự kiến thực hiện vào cuối năm 2015 và không đạt được, những mục tiêu khó khăn nhất là sự luân chuyển nguồn nhân lực, đặc biệt là sự luân chuyển tự do của lao động kĩ năng.

Tương tự, nhiều cải cách "nhạy cảm", như trong nông nghiệp và dịch vụ, vẫn cần được giải quyết. Có rất ít chuẩn hóa trong quy định đầu tư và nhiều ngành tiếp tục được bảo hộ. Cách đây 2 năm, tập đoàn DBS của Singapore đã rút khỏi kế hoạch mua ngân hàng Danamon của Indonesia sau khi Jakarta đình chỉ quá trình này, dù DBS khi đó đang mua cổ phần từ một công ty Singapore. Những rào cản khác, ít nhận thấy hơn, là khá nhiều. Chẳng hạn như xin giấy phép thực hành y tế ở Thái Lan hay Indonesia.

Nếu không thực hiện tốt, một số áp lực sẽ xuất hiện, có thể thách thức nghiêm trọng dự án của ASEAN. Khi nhóm 5 nước ASEAN ban đầu ở giai đoạn tăng trưởng cao, điều kiện bên ngoài phần lớn là tốt. Mỹ là nước bảo đảm an ninh và là thị trường hàng đầu. Nhật Bản và Mỹ là những nhà cung cấp vốn chính. Tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã mở ra một thị trường mới dồi dào, đặc biệt cho những nhà xuất khẩu hàng hóa.

Những đám mây mù

Ngày nay, ngoài ô nhiễm khói mù Indonesia tự do tràn sang các nước láng giềng bất lực ASEAN vào các tháng mùa khô, môi trường nhìn chung là độc hại. Trung Quốc, nền kinh tế số 1 châu Á, đã tăng trưởng chậm lại. Điều này làm tổn hại nhiều nền kinh tế khu vực, kể cả Singapore. Một số người tự hỏi nếu Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm hơn nữa thì tác động đến thế giới sẽ ra sao.

Trung Quốc cũng đã đặt nền tảng cho việc phá giá đồng nhân dân tệ khi gắn đồng tiền này vào rổ tiền tệ, chứ không chỉ có đồng USD nữa. Nếu nền kinh tế này tăng trưởng chậm hơn, thì việc phá giá là đòn bẩy mà Bắc Kinh có thể cảm thấy buộc phải thực hiện. Không giống như một cuộc khủng hoảng an ninh lôi kéo bạn bè và kẻ thù lại với nhau, việc đưa ra những nhượng bộ cần thiết để hội nhập kinh tế là dễ dàng hơn. Hãy xem cách Indonesia, quốc gia lớn nhất của ASEAN về diện tích và là nền kinh tế số 1, phản ứng thế nào. Với lợi thế của mình, Indonesia là nhà lãnh đạo tự nhiên của ASEAN. Song, do xuất khẩu hàng hóa giảm và đối mặt với thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng, Jakarta đã tăng thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng như ôtô, nhựa và dệt may. Trớ trêu là ngay sau khi tăng thuế, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu Thủ tướng David Cameron, đang ở thăm, rằng Anh cần giảm thuế đánh vào hàng hóa Indonesia.
Bernardo Villegas, nhà kinh tế Philippines, đã trích dẫn rằng chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở một số nước chủ chốt như Indonesia là mối đe dọa cho quá trình hội nhập ASEAN. Theo ông, một số nước đang "tiến hai bước và lùi một bước". Không cần phải nhắc rằng chính Philippines cũng cấm sở hữu nước ngoài trong những ngành quan trọng như dịch vụ công, bất chấp thiệt hại cho người dân. Hãy nhìn vào tình hình điện năng ở Manila và xem xét kết nối băng thông rộng ở Philippines có xu hướng đắt đỏ như thế nào.

Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy

Vì vậy, trong khi các nước ASEAN cần dè chừng một Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, họ cũng phải chuẩn bị cho sự phục hồi của Trung Quốc, đặc biệt thông qua việc cải thiện năng suất. Lực lượng lao động Trung Quốc không chỉ không tăng trưởng, mà còn bắt đầu thu hẹp, một lý do khiến họ trở thành nhà nhập khẩu thiết bị tự động hóa hàng đầu. Nếu nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng hơn 5% như giới lãnh đạo nước này dự đoán, đó sẽ là bước nhảy vọt rất lớn về năng suất mà sẽ gây phương hại cho khả năng cạnh tranh của nhiều nền kinh tế ASEAN, một vài trong số đó đã buộc phải tăng lương tối thiểu dù không cải thiện được tính hiệu quả lao động.

Tất cả các thị trường châu Á lớn - Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia - cũng đang sử dụng sức mạnh để kéo dài chuỗi cung ứng trong nước. Đây là bản chất chương trình "Sản xuất ở Ấn Độ" của Thủ tướng Narendra Modi và là một lý do khiến Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu ít hơn. Hiện tượng "đưa công việc sản xuất trở về nước" này sẽ không chỉ làm giảm thương mại nội khối mà còn có tác động đặc biệt đến ASEAN bởi một hệ thống sản xuất kết nối sẽ có rất ít ý nghĩa nếu Tổng thống Joko của Indonesia hay chính quyền quản sự Thái Lan không muốn chia sẻ thị trường của mình.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh đầu tư ngày càng khó khăn hơn. Trong quá trình rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, những cục nam châm mới, như Ấn Độ, đang nổi lên. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ hiện vượt xa số tiền vào Trung Quốc và ngay cả Mỹ. Địa chính trị khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương phát triển đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư Nhật Bản, và trong tương lai gần, sẽ là đáng kể với Ấn Độ, ở một mức độ nào đó là cả đầu tư của Mỹ. Đồng thời, thặng dư của Trung Quốc cho những sáng kiến địa kinh tế của họ có thể bị phương hại nếu Bắc Kinh chi hàng tỷ USD để củng cố thị trường chứng khoán và tiền tệ.

Trong khi đó, nhiều nước ASEAN không cải thiện cơ hội đầu tư do mềm yếu trước chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, bỏ qua sự chia rẽ sắc tộc và tham nhũng tràn lan, sẽ khiến những nhận thức về nguy cơ chính trị gia tăng. Ngoài ra là những diễn biến khác liên quan đến dự án của ASEAN. Hiện chỉ có bốn nước ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với những đánh giá hiện nay, Việt Nam dự kiến sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn từ TPP. Tại một hội nghị do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về AEC, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế thương mại hàng đầu Việt Nam, đã đặt vấn đề về sự cạnh tranh giữa AEC và TPP. Cựu Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam này nói: "Cái nào sẽ có lợi hơn cho Việt Nam? Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ chọn TPP".

Những tháng tới sẽ cho người ta biết liệu trong cuộc cạnh tranh sự chú ý của nhà đầu tư, sự cần thiết phải đưa ra một nền tảng do tăng trưởng sụt giảm và áp lực chính trị bầu cử, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có sự sáng suốt để có tầm nhìn xa hơn ra ngoài khu vực của mình. Mọi xu hướng ở ASEAN củng cố nhận định của ông Kesavapany, luôn có lực đẩy hướng đến dự đoán u ám của ông Desker.

Theo The Straits Times

Văn Cường (gt)