Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cuối cùng đã được thành lập ngày 31/12/2015 với nhiều ồn ào, báo trước sự "thức tỉnh" của một khối quyền lực mới ở châu Á. Gần giống như tiếng vang của thị trường chung Liên minh châu Âu trong những năm 1950s, ASEAN cũng đang tìm cách thúc đẩy sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và lao động có tay nghề. Đối với những người ngoài cuộc, AEC là đỉnh cao hội nhập của ASEAN, động lực mới trong tiến trình hội nhập của một thị trường khổng lồ với 600 triệu dân. Tuy vậy, trên thực tế, kích thước thị trường không quan trọng, sự ra đời AEC gợi nhớ đến vở hài kịch “Có gì đâu mà làm rối lên” của Shakespeare. Với nền tảng cơ chế yếu với bộ máy ban thư ký không quá 400 nhân viên và 17 triệu USD ngân sách hàng năm, thật sự sẽ khó chắc chắn liệu ASEAN có thể thực hiện các mục tiêu tham vọng. Có hai câu hỏi đặt ra: (i) Liệu ASEAN có thể hội nhập kinh tế một cách hiệu quả trên cơ sở duy nhất là các cam kết tự nguyện trong bối cảnh khu vực có quá nhiều khác biệt (ii) Nếu vậy, mục tiêu nào nên được theo đuổi tiếp theo trong AEC?

Thống nhất trong sự đa dạng?

Nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, nếu tính là một khối đơn nhất, nền kinh tế ASEAN lớn thứ bảy trên thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng được thị trường này đòi hỏi phải ứng phó với các vấn đề phức tạp và mâu thuẫn nội bộ, đồng thời phải điều hòa các điểm khác biệt và nhạy cảm của các quốc gia thành viên. Về chính trị, có sự khác biệt và không thống nhất về hệ thống chính trị của các quốc gia trong khối. Về kinh tế, các quốc gia phát triển với nền kinh tế hàng đầu đứng chung với một số nước nghèo nhất trên thế giới. Về văn hóa, các tôn giáo, ngôn ngữ, sắc tộc, và cách sống vô cùng đa dạng.

Hơn thế nữa, việc tuân thủ mù quáng các nguyên tắc bao trùm là đồng thuận và không can thiệp kết hợp với việc thiếu một cấu trúc thể chế đủ mạnh khiến ASEAN gặp vấn đề trong thực thi cam kết và thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra. Mặc dù nhiều cam kết đã có hiệu lực trong AEC, ASEAN vẫn còn thiếu chất kết dính cần thiết về thể chế mà ở đó một cơ chế khu vực bao quát được phối hợp trơn tru giữa các Bộ/ban/ngành/cơ quan. Mặc dù 95% các dòng thuế đã được bãi bỏ, hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ qua biên giới vẫn là vấn đề nhức nhối. Luật người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý và các quy tắc đầu tư vẫn chưa được thống nhất ở cấp độ khu vực, trong khi đó hệ thống ngân hàng chưa được tích hợp và một thỏa thuận tiền tệ chung cũng chưa tồn tại. Những vấn đề này cản trở hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực. Bên cạnh đó, sự di chuyển tự do của lao động, kể cả đối với “lao động có tay nghề cao”, chưa được giải quyết. Các nước ASEAN áp đặt yêu cầu khắt khe đối với việc sử dụng lao động nước ngoài trong các doanh nghiệp.

Để hội nhập kinh tế thành công, sự đồng bộ tối thiểu về chính trị, kinh tế và văn hóa giữa các quốc gia rất cần thiết. Với khoảng cách phát triển xa kết hợp việc thiếu cấu trúc thể chế vững vàng và toàn diện, ASEAN dường như chỉ là một chuỗi của các thị trường khác nhau, phân chia bởi nhóm các nền kinh tế phát triển nhanh (ASEAN-6) và nhóm các nước nghèo, hướng nội (CLMV). Tăng trưởng kinh tế không đồng đều và không bền vững có nguy cơ dẫn đến "nghèo đói, bất bình đẳng về tài sản, tài nguyên, năng lượng và các cơ hội giữa các quốc gia, giữa người giàu và người nghèo, giữa nam giới và phụ nữ". Mặc dù ASEAN đang cố thu hẹp khoảng cách phát triển, củng cố cơ sở hạ tầng và giảm thiểu gánh nặng thủ tục hành chính v.v… những mục tiêu này sẽ mất hàng thập kỷ để đạt được nếu ASEAN không có thể chế thích hợp và nguồn lực vật chất đầy đủ.

Yếu tố Trung Quốc

Với AEC, ASEAN muốn tìm cách tạo dựng vị thế cho mình là một lựa chọn cạnh tranh với các cường quốc kinh tế và quân sự đang lên là Trung Quốc và Ấn Độ, duy trì vị trí trung tâm ở khu vực châu Á quan trọng với vô số thỏa thuận và khuôn khổ đa phương, và thúc đẩy mục đích toàn cầu là trở thành một khối chung chống lại chính sách hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều đó có nghĩa là ảnh hưởng kinh tế đi liền với ảnh hưởng chính trị, và hội nhập kinh tế sẽ không có mấy ý nghĩa nếu nó không được hậu thuẫn bởi những cải cách chính trị mạnh mẽ.

Có phần nào hơi mỉa mai khi cho tới nay. ASEAN vẫn tiếp tục tập trung vào hội nhập kinh tế. Đáng tiếc, trong lĩnh vực hội nhập chính trị và an ninh lại không thiếu các vấn đề. Diễn biến tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với tốc độ và quy mô hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Trường Sa, chắc chắn sẽ quyết định đường hướng tương lai của Hiệp hội.

Trong nhiều khía cạnh của mối quan hệ giữa các nước ASEAN, Trung Quốc vẫn luôn kiểm soát tình hình, đổ tiền của vào để chia rẽ và gây lộn xộn trong nhóm. Đồng thời, chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô của Trung Quốc, với việc trang bị cho Hải quân Trung Quốc khả năng hoạt động ở những vùng biển xa, đã “đổ thêm dầu” vào sự bất ổn trong khu vực tranh chấp, ngầm tạo nên “một cuộc đua vũ trang lỗi thời” giữa các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tương tự, cuộc đua tranh sức mạnh giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang dẫn theo cuộc chạy đua hải quân gay gắt ở khu vực Biển Hoa Đông, trong khi sự can dự ngày càng tăng của Mỹ vào cuộc tranh chấp thông qua các mối liên kết lịch sử với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản càng làm tăng thêm cảm giác nghi ngại, và tạo nên sự phân cực rõ ràng giữa các nước thành viên vốn đã có mâu thuẫn với nhau. Chiến lược tái cân bằng của Mỹ, thể hiện qua sự hiện diện của tàu quân sự Mỹ ở Biển Đông, bị Trung Quốc coi là một hành vi khiêu khích, tiêu biểu cho sự chuyển hướng của Mỹ từ can dự có tính xây dựng thành ngăn chặn.

Song thực tế đơn giản và trần trụi của vấn đề này là thái độ “chờ xem” đặc trưng cho cái gọi là cách vận hành của ASEAN, đã không thể thực hiện được lời hứa ban đầu về “thúc đẩy hòa bình bền vững, tình hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa các nước để đóng góp cho sức mạnh, sự đoàn kết và quan hệ gần gũi hơn của các nước”. Sự thất bại nổi bật tại cuộc họp cấp bộ trưởng tổ chức hồi tháng 11/2015 khi các bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN đã không thể ra một tuyên bố chung về Biển Đông phần nào khiến người ta liên tưởng tới hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Khu vực ASEAN năm 2012 dưới sự chủ tọa của Campuchia (thân Trung Quốc).

Những vụ việc như vậy khiến phải có một cách thức giải quyết mạnh mẽ và kiên quyết đối với nguyên nhân gây chia rẽ và bất đồng - Trung Quốc. Hiện nay, phần lớn hi vọng được đặt vào nỗ lực hoạt động chính trị lòng tin Đông Bắc Á của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, một chiến lược nhằm tập hợp cả ba cường quốc khu vực - Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - vào một khuôn khổ hợp tác thực chất, thiết thực được gọi là Sáng kiến Hợp tác và Hòa bình Đông Bắc Á (NAPCI) nhằm giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, như an toàn hạt nhân, an ninh mạng, biến đổi khí hậu và ứng phó thảm họa. Việc ASEAN không tham gia vào đối thoại ba bên mới này có lẽ là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự lỗi thời của cách giải quyết “buông xuôi” và cách làm việc tùy tiện của tổ chức này khi đối phó với chiến lược “chia để trị” quyết đoán của Trung Quốc.

Với những sức ép như thế, chắc chắn sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng với một quốc gia nhỏ bé và nghèo như Lào khi đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN năm 2016. Hiện có sự nghi ngại lớn về việc liệu Lào có thể đảm đương vai trò lãnh đạo đang hết sức cần thiết và tạo cho ASEAN một sự nhạy bén ngoại giao để tìm ra được một mẫu số chung giữa những quan điểm quá khác biệt của các quốc gia, và tiếp tục thúc đẩy sự hòa nhập do AEC tạo nên hay không.

Nằm ở vị trí trung tâm chiến lược trong cộng đồng ASEAN, chen giữa các quốc gia đang nổi lên nhanh chóng là Thái Lan và Việt Nam, Lào đã thu hút sự quan tâm đáng kể của Trung Quốc trong những năm qua. Năm 2014, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở Lào với tổng đầu tư đạt hơn 5 tỷ USD, đồng thời thỏa thuận Trung-Lào về xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trị giá 6 tỷ USD là một phần trong dự án “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc, đem đến một ý niệm ấn tượng về cách Lào trở thành một ưu tiên cho đầu tư của Trung Quốc. Hệ quả không mong muốn của mối quan hệ cặp đôi này sẽ là Lào đối mặt với sự tiến thoái lưỡng nan về chính trị, nảy sinh từ sự mâu thuẫn giữa một bên là tuyên bố trung thành với ASEAN và bên kia là sự phụ thuộc kinh tế vào đầu tư của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cho dù vị trí chủ tịch luân phiên gắn chặt với yêu cầu giữ trung lập và độc lập thì sự thiên vị bên này hơn bên kia hay tuân theo những đề nghị từ bên ngoài, sẽ tác động nghiêm trọng tới uy tín của ASEAN. Sự lãnh đạo và thái độ đúng nguyên tắc của Malaysia trong nhiệm kỳ chủ tịch năm 2015 hóa ra là cách thức đặc biệt phù hợp đối với những biến động và bất ổn nghiêm trọng trong những năm này, song như thế Kuala Lumpur đã tạo ra một trở ngại khá cao cho một nước Lào nhỏ bé, không giáp biển.

Kết nối các điểm, khép lại cách biệt

Những thách thức chất chồng này cho thấy một sự nới lỏng đôi chút những nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp, cùng với sự nhấn mạnh hơn nữa tới việc xây dựng thể chế khu vực hiện đang cần thiết để thích ứng được với tình hình kinh tế và an ninh đang diễn ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này không có nghĩa là một tiến trình hội nhập theo đường hướng của Liên minh châu Âu, được củng cố bởi sự thể chế hóa sâu rộng qua các cấu trúc quản lý mạnh mẽ và hệ thống pháp luật phức tạp, là phương thuốc hữu hiệu cho các vấn đề của ASEAN. Tuy nhiên, nếu ASEAN nhận thức được mục đích của mình – là trở thành một tổ hợp “liên kết về chính trị, hội nhập về kinh tế, tin cậy về mặt xã hội” và “dựa trên các nguyên tắc vì dân, lấy người dân làm trung tâm” của các nước Đông Nam Á, tổ chức này sẽ cần nhiều hơn là những tuyên bố sáo rỗng để vượt qua sự cách biệt giữa “nói và làm” và xử lý được các vấn đề về đói nghèo đang ngày càng tồi tệ và sự bất bình đẳng về tài sản, nguồn lực, quyền và cơ hội, các vấn đề về dân chủ và nhân quyền. Chắc chắn, một thông điệp rõ ràng đòi hỏi một sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa những tuyên bố chính thức và hành động thực tế.

Theo The Diplomat

Văn Cường (gt)