Vladimir Putin đã lần thứ ba trở thành Tổng thống nước Nga sau khi giành chiến thắng áp đảo 63% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng này. Ông Putin cũng đã từng được bầu làm tổng thống vào năm 2000 và năm 2004, và năm 2008 đã trao nhiệm kỳ tổng thống cho người cộng tác của mình là Dmitry Medvedev để ngồi vào ghế thủ tướng. Theo hiến pháp sửa đổi thì nay ông Putin có thể giữ chức tổng thống một lần nữa trong nhiệm kỳ sáu năm tới và lên đến 12 năm nếu ông được bầu lại. Gần đây ông Putin đã tập trung hơn vào chính sách đối ngoại. Trong các bài phát biểu và bài viết của chiến dịch tranh cử, ông Putin tuyên bố sẽ làm cho nước Nga trở thành một siêu cường nổi trội. Ông cũng hứa sẽ không để mình trở thành một người đàn ông ba phải trước các chính phủ phương Tây và cam kết thúc đẩy chi tiêu quân sự của nước mình. Putin rõ ràng đã khơi dậy được tình cảm dân tộc trong dân chúng để gia tăng sự ủng hộ cho mình. Ông Putin được biết đến như một người thực dụng, nhưng mối thù oán cá nhân nào đó dường như có ảnh hưởng đến mối quan hệ với Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình trên cương vị là tổng thống vào đầu năm 2000, ông Putin đã cố gắng cải thiện quan hệ với Oasinhtơn trong việc hợp tác chống khủng bố và các vấn đề kinh tế, nhưng ông cảm thấy bị xúc phạm khi Mỹ đã không đối xử với Nga như một người ngang hàng. Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi năm 2011, Nga đã bỏ phiếu ủng hộ sự can thiệp quân sự tại Libi song cho rằng Mỹ đã lạm dụng nghị quyết đó. Kết quả là, giờ đây Nga đã phản đối một sự can thiệp vào Xyri. Bằng việc chống lại Mỹ và các nước phương Tây khác về vấn đề Xyri và Iran, Nga muốn giữ thể diện và theo đuổi các lợi ích quốc gia riêng của mình.

Trong quá trình này, Nga dự kiến ​​ thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, nước cũng chống lại sự can thiệp trên. Mátxcơva đang cố gắng để có được sự hợp tác nhiều hơn của Bắc Kinh bằng cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và tham gia các sáng kiến đa quốc gia do Chính phủ Trung Quốc dẫn đầu như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Các chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc đã xác nhận mối quan hệ của mình trong quyền phủ quyết chung của họ chống lại một nghị quyết do Liên Hợp Quốc đưa ra hồi tháng 2 nhằm trừng phạt Xyri. Bằng cách thúc đẩy doanh thu dầu lửa của mình, Nga đã phát triển và đang tìm cách giành lại sự nổi trội của mình như một siêu cường hùng mạnh. Tuy nhiên, liệu Nga có thể lấy lại sự nổi trội của mình không? Hồi tháng 10/2010, Tổng thống sắp mãn nhiệm Medvedev đã có chuyến công du tới đảo Kunashiri trong quần đảo tranh chấp Nam Kurile mà người Nhật Bản gọi là vùng Lãnh thổ phía Bắc. Chuyến thăm này cho thấy Nga quyết tâm chống lại bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Nhật Bản đối với quần đảo này. Và hồi tháng 11/2011, Nga đã tiến hành một cuộc tập trận qui mô lớn của Hải quân và Không quân ở gần Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình trên cương vị tổng thống, ông Putin đã tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên, quốc gia đã trở nên xa cách dưới thời Chính quyền của Cựu Tổng thống Boris Yeltsin, và trước Hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Okinawa, Nhật Bản tháng 7/2000, ông Putin đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nga tới thăm Bình Nhưỡng. Ông đã ký một tuyên bố chung với nhà lãnh đạo Kim Châng In cam kết thúc đẩy quan hệ và đã cố gắng đảm nhận vai trò trung gian giữa các nước G-8 trong việc giải quyết vấn đề tên lửa của Bắc Triều Tiên. 

Thế nhưng sau khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên nổ ra hồi tháng 10/2002, quan hệ Mátxcơva - Bình Nhưỡng đã trở nên xấu đi, do việc Nga theo đuổi một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân trong khi Bắc Triều Tiên gắng hết sức mình để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bắc Triều Tiên đánh giá thấp sức mạnh của Nga, quốc gia đã tăng cường nỗ lực để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Với sự ra đi của chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Châng In và việc ông Putin một lần nữa trở lại cương vị tổng thống, quan hệ Mátxcơva - Bình Nhưỡng có thể một lần nữa được cải thiện. Bắc Triều Tiên ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi Kim Châng In qua đời, do đó, Nga cũng có thể cảm thấy sự cần thiết phải khôi phục một vài lực kéo. Nga có thể cũng cảm thấy họ có khả năng lấy lại ảnh hưởng của mình trong các cuộc đàm phán hạt nhân sáu bên bằng cách không đứng về phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản mà bằng cách gần gũi hơn với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên có thể không có khả năng hình thành liên minh như vậy với Nga như đã có với Trung Quốc, nhưng nước này có thể cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào Bắc Kinh bằng cách cải thiện quan hệ với Mátxcơva. Xơun không nên có một cái nhìn tiêu cực về các quan hệ nồng ấm giữa Nga và Bắc Triều Tiên, bởi vì Nga có thể trung hòa sự phụ thuộc của Bắc Triều Tiên vào Trung Quốc. Putin, mà ưu tiên là các lợi ích kinh tế, sẽ muốn thúc đẩy các quan hệ chặt chẽ với Hàn Quốc thông qua các dự án năng lượng và kinh tế khác. Điều đó mang lại cho Hàn Quốc một cơ hội để thúc đẩy Nga đóng một vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng theo đuổi cải cách và tránh các hành động khiêu khích. 

Tác giả bài viết là Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Han Sung-joo

Theo Chosun Ilbo (ngày 17/3)

Vũ Hiền (gt)