Dưới đây là bình luận của nhà phân tích Joey Long về tương lai quan hệ quân sự Mỹ - Đông Nam Á, cũng như ý nghĩa của nó với mỗi bên. Bài đăng trên tờ The Nation của Thái Lan.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa công bố Báo cáo Quốc phòng 4 năm (QDR). Đây là tài liệu chi tiết mà chính quyền phải công bố theo yêu cầu của quốc hội, nêu rõ chi tiết các ưu tiên, cơ cấu, kế hoạch ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, là sự đánh giá đối với chính sách quốc phòng của quốc gia này. QDR đặt ra định hướng tổng quát cho chính sách quốc phòng; các kết luận cũng như khuyến nghị của nó đều được nghiên cứu tỷ mỷ. Báo cáo năm 2010 - báo cáo thứ tư kể từ trước đến nay - cũng mang đầy đủ các đặc trưng vừa nêu.

Tuy nhiên, nó cũng phản ánh quan điểm của chính quyền mới của phe Dân chủ. Để thể hiện xu hướng hành động của chính quyền Obama ở châu Á và nhằm đảm bảo sự khả năng tiếp cận dễ dàng của Mỹ tới toàn cầu, QDR năm nay của Lầu Năm Góc nhấn mạnh yêu cầu cần vun trồng mối quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á.

Trong báo cáo năm 2006, khu vực Đông Nam Á được nhắc đến một cách chung chung là các đối tác tiềm năng. Còn trong báo cáo năm nay, Lầu Năm Góc đã chi tiết hơn nhiều trong việc nêu tên các nước. Mỹ chia các nhóm quốc gia ở Đông Nam Á thành ba nhóm: đồng minh thân thiết, đối tác chiến lược và đối tác chiến lược tiềm năng.

 


 

Nhóm thứ nhất gồm Thái Lan và Philippines, đã có hiệp ước về quân sự. Nhóm thứ hai có Singapore. Nhóm ba gồm Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Lầu Năm Góc sẽ củng cố tình thân với Manila và Bangkok; làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Singapore; và "phát triển những mối quan hệ chiến lược mới" với Jakarta, Kuala Lumpur và Hà Nội.

Các lĩnh vực hợp tác sẽ được phát triển bao gồm "chống khủng bố, chống ma túy và các chiến dịch nhân đạo trong khu vực". Lầu Năm góc cũng đề cập kế hoạch "hiện diện hơn nữa" trong khu vực, "hỗ trợ các hoạt động đa phương ngày càng tăng trong việc đảm bảo an ninh hàng hải; tăng cường khả năng tiếp cận của Mỹ trên biển, trên không, vũ trụ và mạng máy tính".

Hiện Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương (USPACOM) đã xây dựng những mối liên hệ thuần túy quân sự với các nước Philippines, Thái Lan và Singapore. Hằng năm USPACOM đều có các cuộc tập trận chung với những nước này, chẳng hạn cuộc diễn tập Hổ Mang Vàng.

Với Việt Nam, Indonesia và Malaysia, người Mỹ cũng đã có các hoạt động để vun đắp mối quan hệ quốc phòng. Indonesia đã bắt đầu tham gia Hổ Mang Vàng; cuộc tập trận Garuda Shield có sự tham gia của quân đội Indonesia và Mỹ trong các bài tập bảo vệ hòa bình.

 


 

Kể từ năm 2008, các quan chức quân sự Mỹ và Việt Nam tiến hành những cuộc đối thoại thường niên về an ninh và hợp tác quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cuối năm ngoái đã có chuyến công du Mỹ.

Mỹ sẽ thực hiện nhiều biện pháp trong những năm tới nhằm mở rộng hợp tác quốc phòng với ba nước ở nhóm này, QDR cho hay.

Bức tranh quân sự ở tiểu vùng Đông Nam Á hiện nay cho thấy sự hiện diện nổi bật của Mỹ. Trung Quốc vẫn chưa mở rộng sự có mặt của họ ở khu vực như là Mỹ. Thông tin trong QDR cho thấy Mỹ muốn duy trì thế mạnh này. Xây dựng các mối quan hệ mới cũng như duy trì những căn cứ sẵn có là điều kiện để Mỹ đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ các phần của thế giới có liên quan đến Đông Nam Á. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng và cuộc chiến ở Afghanistan ngày càng khó khăn, thì thách thức đối với Nhà Trắng chính là duy trì sự can dự ở Đông Nam Á về các mặt quân sự, ngoại giao và kinh tế.

Các nước Đông Nam Á cho đến nay vẫn tìm kiếm sự cân bằng, vì thế họ sẽ chào đón sự hiện diện của Mỹ trong khu vực đồng thời duy trì các mối quan hệ song và đa phương với Trung Quốc. Không một nước nào trong tiểu vùng này muốn bị đẩy vào thế phải lựa chọn giữa hai cường quốc. Nếu có sự cân bằng về quân sự và ổn định về chính trị, họ sẽ không phải làm thế.

Thanh Mai lược dịch