000_Hkg5136419-305.jpg

Khi Đại sứ Mỹ tại Thái Lan Glyn Davies hội kiến Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai vào ngày 17/5, phái viên này của Mỹ đã ngầm thúc giục Thái Lan đưa ra một lập trường mạnh mẽ ủng hộ phán quyết sắp tới của vụ kiện ở Tòa trọng tài thường trực (PCA) giữa Trung Quốc và Philippines. Cuộc gặp gỡ đã kết thúc mà không có một cam kết chắc chắn của Thái Lan, và sau đó bị phủ bóng đen bởi một cuộc họp báo trở thành tin tức quan trọng mà hai bên một lần nữa đã tranh luận về sự đàn áp của chế độ quân sự Thái Lan đối với việc tự do bày tỏ ý kiến.

Do đó, chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã không đưa ra cam kết nào trong bài diễn thuyết tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La mới đây ở Singapore. Trong khi lời kêu gọi của cựu chỉ huy quân đội đòi hỏi phải có một “sự cân bằng chiến lược” mới cho khu vực tỏ ra khá mơ hồ, các đường nét chính của bài phát biểu của ông đã cho thấy rằng các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải sẵn sàng thừa nhận một vai trò lớn hơn của Trung Quốc trong các vấn đề của khu vực. Prayut đã đưa ra bài phát biểu về chính sách đối ngoại trọng đại đầu tiên của mình ở nước ngoài với một sự công kích hầu như không che đậy nhằm vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vì áp đặt “hệ tư tưởng” dân chủ như là một điều kiện tiên quyết cho việc hợp tác.

Sau hai năm nắm quyền, chính quyền quân sự cầm quyền của Thái Lan đã phải chật vật để có được một sự cân bằng rõ ràng trong các quan hệ đối ngoại của mình. Các quan chức chính phủ nói rằng chế độ quân sự đang thực hiện một chính sách đối ngoại “đa hướng” rõ ràng hơn – một mô hình đắm mình trong lịch sử các nước lớn và cường quốc đang nổi lên chống lại nhau để thu được tối đa lợi ích ngoại giao. Trong khi người ta biết tới Thái Lan vì sự điều chỉnh quan hệ ngoại giao khôn khéo của nước này, kiểu chính sách cân bằng của chính quyền quân sự vẫn còn thiếu một tầm chiến lược rõ ràng, với những biến động thất thường và tan vỡ thường xuyên trong tình hữu nghị đang gây phương hại nhiều hơn là củng cố các mối quan hệ chủ chốt.

Quan điểm nhất trí trước đây là Thái Lan đã xích lại gần hơn với Trung Quốc và xa lánh Mỹ sau cuộc đảo chính hồi năm 2014. Một loạt vụ rắc rối ngoại giao đối với các quan chức Mỹ, những người đã công khai chỉ trích hồ sơ về quyền lợi và lộ trình chậm trễ đi đến dân chủ của chính quyền quân sự, đã khiến cho các mối quan hệ trở nên rất căng thẳng. Khi đại sứ Davies phát biểu vào hôm 17/5 rằng Washington “lo ngại” về vụ bắt giữ mẹ của một nhà hoạt động xã hội bị cáo buộc chống lại Hoàng gia, Prayut và Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan đã nói bóng gió rằng an toàn cá nhân của phái viên cấp cao này có thể gặp nguy hiểm trước những người Thái ủng hộ Hoàng gia đang giận dữ.

Ông Prayut được dẫn lời trong các bài báo của báo chí địa phương đề cập rõ ràng đến một cơn bão tình cảm bài Mỹ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội trong tình cảnh náo loạn: “Phải chăng Thái Lan là một thuộc địa của Mỹ? Phải chăng các quan điểm của ông Davies đã gây phản tác dụng? Hiện giờ có thêm nhiều người Thái ôm mối ác cảm với ông ấy và chính tôi là người xoa dịu họ”. Một cố vấn cấp cao của Prawit yêu cầu giấu tên, cho rằng các nhân viên quân sự Thái Lan, những người giúp duy trì an ninh ở Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok, sứ quán lớn thứ 3 của Mỹ trên toàn thế giới ngoài các khu vực chiến tranh đã trở nên lo lắng về cá nhân trước sự chỉ trích liên tục của Mỹ đối với chính phủ được lập nên sau đảo chính.

Ông Davies đang phải đối mặt với một cuộc điều tra vì tội khi quân vẫn đang diễn ra về một phát ngôn mà ông đã đưa ra tại một sự kiện báo chí vào tháng 11 nêu bật các bản án tù dài chưa từng có gần đây do các tòa án quân sự đưa ra đối với tội chống Hoàng gia. Những người quen với tình cảnh này cho hay cuộc điều tra của cảnh sát đã gây thiệt hại về mặt tình cảm cho phái viên dày dạn kinh nghiệm này, người mà Washington đã phái đi hồi năm ngoái với thẩm quyền cải thiện các mối quan hệ. Nhiều nhà quan sát cho rằng việc bổ nhiệm Davies là sự thừa nhận của Mỹ về tầm quan trọng của việc cắt cử một nhà ngoại giao kỳ cựu được đánh giá cao đến đất nước đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp ngai vị đầy quan trọng và có khả năng bất ổn này.

Tuy nhiên, trong khi quan hệ Thái Lan-Mỹ xuống những ngưỡng thấp mới, vẫn chưa rõ Trung Quốc có quyết định lấp vào chỗ trống hay không. Prawit, sỹ quan cấp 2 của chính quyền quân sự, đã thúc đẩy các mối quan hệ chiến lược mạnh mẽ hơn và thỏa thuận có giá trị lớn với Trung Quốc. Các cuộc diễn tập không quân chung lần đầu tiên từ trước tới giờ hồi năm ngoái, các cuộc tập trận hải quân chung được mở rộng gần đây, và thương vụ đã được lên kế hoạch mua 28 xe tăng chiến đấu mẫu VT4 mà Trung Quốc sẽ mở một cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ đã nhấn mạnh xu hướng này. Các thỏa thuận lớn hơn, trong đó có thương vụ mua 3 tàu ngầm S26T thuộc lớp Nguyên trị giá 1 tỷ USD và một thỏa thuận nâng cấp căn cứ hải quân Sattaship của Thái Lan trị giá nhiều tỷ USD, đã được hứa hẹn nhưng chưa được hoàn tất.

Tuy vậy, việc hai bên không thể đạt được thỏa thuận xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc, được thiết kế nhằm kết nối vùng duyên hải phía Đông của Thái Lan đi qua Lào đến tỉnh Vân Nam phía Nam của Trung Quốc, là một thất bại lớn đối với chương trình cải cách kinh tế được quảng cáo rùm beng của chính quyền quân sự để biến nước này thành một trung tâm thương mại “có khả năng kết nối” cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN mới được thành lập và Thỏa thuận Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc cũ hơn. Tuyến đường sắt này cũng rất quan trọng đối với khả năng thành công của kế hoạch kinh tế của chính quyền quân sự nhằm kích thích sự tăng trưởng nhiều hơn ở các tỉnh, mà hiện giờ có vẻ đã bị hoãn lại, thông qua các đặc khu kinh tế mới ở khu vực biên giới.

Những người trong cuộc cho hay đòi hỏi của Trung Quốc về quyền phát triển đất đai dọc tuyến đường sắt được đề xuất dài 845 km của Thái Lan, thay vì các tranh cãi về mức lãi suất đối với các khoản vay ưu đãi và chi phí dự án cuối cùng, cuối cùng đã phá hỏng thỏa thuận. Các chính trị gia đứng ngoài cuộc đảo chính nắm rõ các cuộc thương lượng về dự án đường sắt cảm thấy rằng Bắc Kinh đã cò kè một thỏa thuận để có lợi hơn bao giờ hết vì các mối quan hệ giữa Thái Lan và Mỹ đang có chiều hướng đi xuống và chính quyền quân sự ngày càng bị cô lập khỏi phương Tây rộng hơn giữa những lời than phiền đang gia tăng về sự đồng lõa của chính quyền trong hoạt động buôn người, nô lệ trong ngành công nghiệp đánh bắt cá định hướng xuất khẩu, và các vụ lạm dụng quyền tràn lan.

Kể từ đó chính quyền quân sự đã bắt đầu hạn chế hoạt động của Trung Quốc trong nền kinh tế địa phương của Thái Lan. Không lâu sau khi thỏa thuận đường sắt bị tạm hoãn, Chính phủ Thái Lan đã thông báo các kế hoạch để hạn chế các tour du lịch “không lợi nhuận” từ Trung Quốc bằng cách cấm các tour du lịch trọn gói cho khách từ nước ngoài vào mà đưa ra mức giá thấp hơn so với chi phí đề nghị. Các doanh nghiệp do Trung Quốc sở hữu và ủy nhiệm đã độc chiếm các tour du lịch có hướng dẫn chặt chẽ, nghe nói dẫn tới tình trạng “nhỏ giọt” đối với các nhà điều hành và bán hàng của Thái Lan. Một chính sách của chính quyền quân sự vào năm 2014 nhằm nới lỏng các yêu cầu về thị thực đối với du khách Trung Quốc đã làm con số khách du lịch tăng vọt, với lượng khách đến đạt mức kỷ lục 10 triệu người trong năm nay, điều một số người xem là sự di cư được che đậy.

Chính quyền cũng thông báo các kế hoạch để hạn chế sự can dự của Trung Quốc vào ngành công nghiệp hoa quả địa phương khi tin tức rộ lên rằng các thương nhân Trung Quốc chưa đăng ký đang bắt đầu chi phối nền thương nghiệp được bảo hộ này. Vào tháng 4, Bộ Nội thương đã đưa ra một bản danh sách gồm hơn 1000 thương nhân Trung Quốc và các nhà môi giới liên doanh Thái Lan-Trung Quốc để chính phủ điều tra những vi phạm có thể có theo Luật kinh doanh nước ngoài. Các nhà phân tích nói rằng cả kinh doanh du lịch lẫn kinh doanh nông nghiệp sẽ phải ở thế sẵn sàng cho tăng trưởng nhanh chóng nếu tuyến đường sắt cao tốc được phát triển, và các hạn chế mới cụ thể đối với Trung Quốc về các lĩnh vực này cho thấy nỗ lực của chính quyền quân sự nhằm giành lại đòn bẩy đàm phán song phương đã mất.

Panitan Wattanayagorn, cố vấn an ninh cho Bộ trưởng Quốc phòng, cho hay chính quyền quân sự đang thực hiện một chính sách đối ngoại “can dự phức tạp” được tính toán kỹ càng, một bước mở đầu vượt ra khỏi quan điểm “nhị phân” chỉ điều chỉnh các mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc bằng cách đưa các mối quan hệ với các bên tham gia khu vực khác như Ấn Độ và Nga đi vào chiều sâu. Chẳng hạn, Bangkok và New Delhi gần đây đã nhất trí về hai bản ghi nhớ dự thảo sơ bộ nhằm tăng cường các hoạt động chống khủng bố và chống buôn lậu như một phần của một nhiệm vụ an ninh chung phi quân sự mới.

Trong khi đó, Prayut đã thông báo ý định mở rộng hợp tác quân sự và an ninh với Nga trong một chuyến thăm chính thức vào tháng 5 với Thủ tướng Dmitry Medvedev. Cuộc gặp gỡ này, trong đó Prayut đã nhắc lại ý định của mình muốn mở rộng thương mại song phương lên gấp 5 lần trong vòng 5 năm tới, là lần gặp gỡ thứ 4 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 5/2014. Các nguồn của quân đội được trích dẫn trong các bài viết của địa phương sau chuyến thăm đã cho thấy Thái Lan dự kiến sẽ mua 12 máy bay trực thăng vận tải MI-17 do Nga sản xuất, mẫu trực thăng ít đắt đỏ hơn so với mẫu trực thăng Black Hawk do Mỹ sản xuất, trong khi một ủy ban mua sắm của quân đội đang thiên về phương án đặt mua một số lượng không xác định các xe tăng T-90 của Nga.

Trong khi các chuyến thăm và thương vụ như vậy đã dẫn đến việc các tít báo của địa phương chỉ ra một sự thay đổi mô hình, cơ cấu an ninh, và trang bị của Thái Lan hầu hết vẫn dựa vào Mỹ. Liên minh Mỹ-Thái Lan đã đem lại cho nước này các trang thiết bị quân sự tiên tiến của Mỹ, quân nhu, huấn luyện, xây dựng và cải thiện các cơ sở và kho quân sự. Trước khi cuộc đảo chính năm 2014 đã làm giảm bớt các trao đổi chiến lược cấp cao nhất định, hai đồng minh lâu đời này đã tiến hành trung bình hơn 40 cuộc tập trận quân sự chung mỗi năm.

Các thỏa thuận này, bao gồm những sự cho phép Thái Lan được quyền tiếp cận ưu tiên đối với các trang thiết bị và công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ, nếu được duy trì, sẽ tiếp tục hạn chế khả năng của Prayut nâng cấp đáng kể các quan hệ chiến lược với các địch thủ của Mỹ như Trung Quốc và Nga, đặc biệt là về khả năng phòng thủ của hải quân và không quân. Các cuộc diễn tập hải quân-không quân giữa Thái Lan và Mỹ mới kết thúc gần đây, bao gồm cả một diễn tập chống tàu ngầm có tên “Guardian Sea”, là một thí dụ thích hợp về khả năng tương tác. Mỹ lần đầu tiên đã cho phép các hệ thống thông tin liên lạc của máy bay chiến đấu F-16 đồng bộ hóa với các máy bay phản lực Gripen do Thụy Điển chế tạo của Thái Lan, một lệnh cấm cho đến giờ đã hạn chế đáng kể các khả năng hải chiến của Thái Lan.

Một nhà ngoại giao hiểu rõ tình thế này cho hay các đề nghị chiến lược nào đó do Bộ Quốc phòng Thái Lan chỉ đạo đối với Trung Quốc, nếu được nhất trí và tiến hành, có khả năng sẽ vi phạm các thỏa thuận bí mật với tư cách là một đồng minh hiệp ước của Mỹ nếu các đội bảo dưỡng và xây dựng của Trung Quốc được phép lại gần các trang thiết bị và công nghệ của Thái Lan do Mỹ chế tạo mà ngăn không cho bên thứ ba tiếp cận hay kiểm tra. Lời cảnh báo đó có thể lý giải tại sao việc mua tàu ngầm Trung Quốc được đề xuất và tân trang căn cứ hải quân Sattaship vẫn bị trì hoãn, bất chấp sự ủng hộ của chính quyền quân sự cấp cao trước đây đối với các thỏa thuận, trong đó đáng chú ý là từ phía Prayut.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Thái Lan, người đã có cuộc trò chuyện với tạp chí The Diplomat, lưu ý sự nới lỏng tương đối và chi phí thấp hơn của các thỏa thuận vũ khí với Trung Quốc và Nga, mà nhờ đó các thỏa thuận có thể được ký kết sau một chuyến thăm cấp cao tới Bắc Kinh hay Moskva. Ông so sánh, các vũ khí của Mỹ nói chung đắt hơn, trong khi việc hoàn tất các thương vụ mua sắm có thể mất tới 2 hoặc 3 năm do các quy định và điều lệ phức tạp rối rắm của Mỹ. Việc chế độ này đa dạng hóa các thương vụ mua sắm diễn ra trong bối cảnh các khoản ngân sách quân sự đang gia tăng và không rõ ràng, với tổng chi tiêu quốc phòng lên tới 7,3% so với năm trước đó lên khoảng 6 tỷ USD.

Cố vấn Panitan nói rằng Prayut có thể thành công trong việc đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Thái Lan là do chế độ được thiết lập bằng đảo chính của ông đã “phi chính trị hóa các hoạt động chính trị” và do đó không để bị ảnh hưởng trước sự công kích phe phái mà đã buộc các chính quyền được bầu bất ổn liên tiếp phải hướng nội nhiều hơn hướng ngoại. Nhưng trong khi Thái Lan có một lịch sử chính sách đối ngoại đa hướng lâu dài, sự diễn giải tương đối mơ hồ của chính quyền quân sự về truyền thống ngoại giao thường làm cả các đồng minh truyền thống lẫn các đồng minh đang nổi lên cảm thấy khó chịu hơn là hài lòng, và trong quá trình này đã củng cố các quan điểm đang tăng lên rằng Thái Lan không còn thích hợp và cũng chẳng đáng tin cậy về mặt chiến lược như trước đây./.

Tác giả Shawn W. Crispin phụ trách chuyên mục Đông Nam Á của tờ “The Diplomat”. Bài viết đăng trên trang “The Diplomat”.

Mỹ Anh (gt)