23diplospan-cnd-articlelarge.jpg

Hillary Clinton và Donald Trump là một cặp đôi rất khác nhau. Clinton là một nữ chính trị gia đầy kinh nghiệm và là cựu Ngoại trưởng Mỹ, ngược lại Trump là kẻ ngoài cuộc với lập trường thường xuyên thô lỗ và mâu thuẫn. Ngoài ra, cả hai đại diện cho hai mô hình khác nhau về vai trò của Mỹ trên thế giới. Clinton đại diện cho trật tự quốc tế tự do, một trật tự mà Mỹ đã dành nhiều nguồn lực đáng kể để duy trì nó; trong khi Trump lại dựa vào chính sách “ưu tiên nước Mỹ”. Câu hỏi mô hình nào sẽ định hình chính sách của Mỹ trong tương lai sẽ không chỉ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống. 

Cuộc bầu cử sơ bộ tại Mỹ cho thấy cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đang có sự điều chỉnh lại về chương trình chính sách. Các thay đổi về xã hội như sự thay đổi về nhân khẩu học, sự chính trị hóa mạnh mẽ các nhóm thiểu số và sự bất bình đẳng xã hội gia tăng đã buộc cả hai đảng huy động lại các lớp cử tri cũ và giành được các lớp cử tri mới.

Ban lãnh đạo đảng Cộng hòa từ lâu đại diện cho một chính sách đối ngoại và kinh tế mà theo quan điểm của một bộ phận quan trọng cử tri đảng này, chứa đựng những nhược điểm về kinh tế. Theo thông điệp mang tính buộc tội của Trump, giảm bớt sự điều chỉnh của nhà nước, định hướng thương mại tự do, một chính sách nhập cư theo hướng tự do và sự ủng hộ dành cho các liên minh quân sự trên toàn thế giới đã khiến tầng lớp lao động và trung lưu da trắng của Mỹ trở nên nghèo đi. Thành công của Trump cho thấy chiến lược của đảng Cộng hòa, tuyên truyền các giá trị bảo thủ xã hội như là “sự bù đắp” cho một chính sách tạo ra gánh nặng về kinh tế cho chính cử tri của mình, đã không còn có hiệu quả.

Ngay cả ban lãnh đạo đảng Dân chủ cũng cảm nhận được áp lực phải điều chỉnh theo ưu tiên của các tầng lớp cử tri quan trọng hơn. Hillary Clinton dựa vào cái gọi là liên minh Obama gồm các thiểu số về sắc tộc và giới tính. Các yêu cầu của họ trước hết có định hướng chính trị đối nội, chẳng hạn quan tâm đến việc loại bỏ sự phân biệt về xã hội, kinh tế và chính trị. Đồng thời, đối thủ trong đảng của Clinton, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cũng thúc giục ưu tiên cao hơn vấn đề bất bình đẳng xã hội.
Trong cuộc tranh luận tại Mỹ, người ta đang tranh cãi xem sự tái điều chỉnh chính sách này của hai đảng sẽ đi xa tới đâu. Nếu quá trình này diễn ra ổn định, định hướng tập trung vào đối nội nhiều hơn có thể là hệ quả của quá trình này.

Chủ nghĩa quốc tế tự do đối đầu với chủ nghĩa dân túy Jackson

Chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã chịu ảnh hưởng của “chủ nghĩa quốc tế tự do”. Theo tiền đề của chủ nghĩa này, trật tự quốc tế tự do – được hiểu là mạng lưới các tiêu chuẩn, quy tắc và thể chế quốc tế cũng như đa phương – nằm trong lợi ích của Mỹ. Về khía cạnh kinh tế, điều này trước hết đúng với quan hệ tài chính và thương mại, cũng như đối với chính sách nhập cư theo hướng tự do. Sự đồng thuận cơ bản về chính sách đối ngoại không chỉ bao gồm sự hiển nhiên về vai trò lãnh đạo của Mỹ, mà còn cả việc xây dựng các liên minh quốc tế và việc củng cố chúng qua một mạng lưới các căn cứ quân sự trên toàn thế giới, để có thể chống lại “những bên phá hoại trật tự”.

Hiếm có nhân vật lãnh đạo nào là hiện thân cho sự đồng thuận lưỡng đảng này như Hillary Clinton. Ngay từ những năm 1990, bà đã ủng hộ chính sách thương mại tự do của Bill Clinton, chồng bà và là Tổng thống Mỹ thời điểm đó, và kết quả của sự ủng hộ này là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Bà ủng hộ cuộc chiến tại Iraq năm 2003 và với tư cách Ngoại trưởng dưới thời Chính quyền Obama, bà cũng ủng hộ Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TTP) và xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Ngoài ra, bà còn nhiều lần yêu cầu triển khai quân đội Mỹ, chẳng hạn như tại Libya năm 2011.

Ngược lại, Donald Trump theo đuổi một mô hình chính sách đối ngoại, trong đó các quan hệ quốc tế được coi là trò chơi được mất ngang nhau. Theo đó, Mỹ sao nhãng an ninh của chính mình khi hỗ trợ bảo vệ an ninh của các nước khác. Nếu Mỹ bị kéo vào việc bảo vệ biên giới của nước ngoài, nước này sẽ không chú ý tới việc bảo vệ biên giới của chính mình. Nếu Trung Quốc được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO, các nhà máy tại Mỹ sẽ đóng cửa và người lao động Mỹ sẽ mất việc làm.

Các tuyên bố nổi tiếng của Trump cho tới nay đều ngụ ý một sự không quan tâm rõ ràng tới vấn đề trật tự quốc tế. Yếu tố cốt lõi trong nghị trình chính sách đối ngoại thô sơ của ông là: Các lợi ích của Mỹ ở vị trí hàng đầu, trước hết là tầng lớp lao động và trung lưu Mỹ (chính sách “ưu tiên nước Mỹ”). Trump muốn lợi dụng chính trị quốc tế để thực hiện “các thỏa thuận tốt hơn”. Các đồng minh tại châu Âu và châu Á phải đóng góp nhiều hơn vào an ninh của mình, các hiệp ước quốc tế sẽ không còn có thể gây bất lợi cho Mỹ nữa, chẳng hạn như thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại Paris cũng như TTP và TTIP.

Điều này không có nghĩa là Donald Trump là người theo chủ nghĩa biệt lập. Ông tuyên bố sẽ vũ trang nhiều hơn cho quân đội Mỹ và có hành động cứng rắn chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các tổ chức khủng bố khác, nhưng – và đây cũng là đặc trưng cho lập trường của Trump – ông không quan tâm đến các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế.

Trump dựa vào một đường hướng chính trị truyền thống được nhà khoa học chính trị Mỹ Walter Russel Mead gọi là “chủ nghĩa dân túy Jackson” sau đời tổng thống Mỹ thứ 7. Các gốc rễ lịch sử và văn hóa của truyền thống này nằm ở các kinh nghiệm ở vùng biên giới của những người định cư da trắng theo đạo Tin Lành và các cộng đồng nông dân trước đây. Họ tách khỏi môi trường thù địch của mình và sử dụng nhiều phương tiện để bảo vệ ranh giới khu vực định cư của mình. “Chủ nghĩa dân túy Jackson” tuy luôn hiện diện trong tranh luận chính sách đối ngoại tại Mỹ, nhưng không có tác động định hình.

Trong bối cảnh các lựa chọn về chính sách đối ngoại và các động lực về chính sách đối nội, chúng ta có 3 kịch bản cho kết quả bầu cử và tác động về chính sách đối ngoại của chúng.

Kịch bản thứ nhất: Tổng thống Donald Trump

Trong kịch bản thứ nhất, nếu Trump trở thành Tổng thống Mỹ thứ 45 vào ngày 8/11/2016, ông trước hết sẽ thực hiện nghị trình chính sách đối ngoại của mình với các biện pháp đơn phương và song phương. Ông sẽ gia tăng áp lực buộc các đồng minh phải có đóng góp nhiều hơn vào phí tổn bảo vệ an ninh quốc tế. Về chính sách thương mại, ông sẽ lên án việc Trung Quốc định giá đồng nhân dân tệ, mà theo ông là không công bằng, và đe dọa trừng phạt bằng thuế quan. TTIP hoặc sẽ không được xem xét hoặc sẽ bị trì hoãn. Trump cũng sẽ cố gắng rút khỏi các hiệp định quốc tế, chẳng hạn như thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại Paris.

Những người chỉ trích Trump ở cả Mỹ lẫn châu Âu có thể hy vọng ông sẽ bị ngăn chặn bởi cơ chế “kiểm soát và cân bằng” trong hệ thống chính trị của Mỹ. Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống chia sẻ quyền lực về chính sách đối ngoại với Quốc hội. Đối với Quốc hội, trước hết có 3 cách thức để gây ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại, đó là qua pháp chế về ngân sách, qua việc nhất trí bổ nhiệm các vị trí cấp cao trong chính phủ và qua việc thông qua các thỏa thuản về luật pháp quốc tế.

Về lịch sử, hệ thống chính trị của Mỹ có đặc trưng là sự tập trung hóa quyền lực về chính sách đối ngoại trong nhánh hành pháp, đặc biệt tại Nhà Trắng (với bất lợi dành cho Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng). Dấu hiệu rõ ràng cho đặc điểm này là số lượng nhân viên Nhà Trắng gia tăng, bao gồm cả Ủy ban An ninh quốc gia. Một mặt, xu hướng này củng cố vị thế của Nhà Trắng, nhưng mặt khác nó cũng tạo ra các áp lực hành động đối với tổng thống. Ông sẽ phụ thuộc vào một đội ngũ cố vấn ngày càng lớn mà không hoàn toàn có chung lập trường với ông. Khả năng này cũng có thể xảy ra ngay cả khi Tổng thống Trump muốn giảm bớt sự phát triển quá mức của cơ chế quan liêu tổng thống. Washington có số lượng hạn chế nhân viên chính phủ có trình độ và nhiều người trong số đó có chung quan điểm với “giới quyền uy chính trị”, vốn bị Trump coi thường.

Câu hỏi liệu Trump có thể bị ngăn chặn bởi Quốc hội hay cơ chế quan liêu của chính mình hay không và ông sẽ bị ngăn chặn ở mức độ nào còn phụ thuộc vào từng chủ đề. Trong các chủ đề như thương mại, di cư và hợp tác phát triển, Quốc hội có xu hướng đóng một vai trò lớn hơn so với các vấn đề như an ninh quốc gia và triển khai quân đội. Tuy nhiên, các nghị sĩ có thể chỉ thường xuyên sử dụng năng lực của mình để ngăn chặn hơn là định hình chính sách. Theo đó, Quốc hội có thể ngăn chặn một lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh, nhưng có thể không thúc giục Chính quyền Trump thúc đẩy một nghị trình thương mại tự do trên tầm quốc tế.

Một điều nữa cũng cần được xem xét, đó là các tổng thống Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng có được khả năng hành động lớn hơn rất nhiều so với thời kỳ bình thường. Tổng thống George W. Bush đã mở rộng đáng kể quyền lực của nhánh hành pháp và đặc biệt là cơ quan tình báo sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Kịch bản thứ hai: Clinton giành chiến thắng, Trump biến mất

Kịch bản này phản ánh giả thuyết chung rằng kết quả tốt mà ứng cử viên chống giới quyền uy đạt được sẽ chỉ giới hạn ở các cuộc bầu cử sơ bộ. Nếu Clinton giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Trump cùng các tư tưởng theo chủ nghĩa dân túy của ông cho chính sách đối ngoại và đối nội sẽ lại biến mất. Cuối cùng, sự đồng thuận cơ bản về chính sách đối ngoại tại Mỹ sẽ được thực hiện. Giả thuyết này còn dựa vào những kinh nghiệm về sự nổi lên và ra đi của những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy trước đây. Chẳng hạn năm 1992, triệu phú Ross Perot với tư cách ứng cử viên độc lập đã đạt được một số thành công trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm đó với George H. W. Bush và Bill Clinton, nhưng không để lại nhiều dấu ấn chính trị.

Ngoài ra, Hillary Clinton còn được coi là một nhân vật diều hâu về chính sách quốc phòng. Đối với bà, sự can thiệp quân sự của Mỹ vẫn là một công cụ có thể chấp nhận được bất chấp những thất bại tại Iraq và Afghanistan. Do vậy, nhiều người dự đoán rằng Clinton sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm ở một số vấn đề trung tâm, nhưng đồng thời lại có ít quan ngại hơn so với Obama về việc triển khai quân đội Mỹ tại các điểm nóng xung đột quốc tế. Chính sách đối ngoại của bà sẽ theo đuổi mô hình chủ nghĩa tự do quốc tế, nhất là khi đảng Cộng hòa tại Quốc hội loại bỏ các yêu cầu về chính sách đối nội và đối ngoại của Donald Trump.

Kịch bản thứ ba: Clinton trong một môi trường đảng phái thay đổi

Ngược lại, kịch bản thứ ba lại đặt ra giả thuyết rằng cả hai đảng có định hướng lâu dài hướng tới các nhóm cử tri mới giành được cũng như các nhóm cử tri được huy động lại.

Đảng Dân chủ tiếp tục ngả theo hướng tự do (theo cách hiểu của châu Âu là theo cánh tả), vì đảng này ngày càng dựa vào các nhóm cử tri đặc biệt quan tâm tới các vấn đề về bản sắc chính trị. Đối với họ, đấy là các vấn đề như bình đẳng cho phụ nữ hay xóa bỏ sự phân biệt của lực lượng cảnh sát và bộ máy tư pháp đối với các nhóm thiểu số. Ngoài ra, đảng Dân chủ còn chịu áp lực từ những người ủng hộ Bernie Sanders phải đưa vấn đề bất bình đẳng xã hội và ảnh hưởng của ngành công nghiệp tài chính thành chủ đề trọng tâm. Ngay trong chiến dịch tranh cử, Clinton đã có quan điểm nước đôi về TTP và TTIP, điều có phần mâu thuẫn với chính sách của bà khi còn là Ngoại trưởng.

Với đảng Cộng hòa, các ưu tiên của cử tri, mà có phần đi ngược lại những lập trường từ trước tới nay của đảng, đã được khẳng định trong vòng bầu cử sơ bộ với thành công của Donald Trump. Một bộ phận quan trọng cử tri sẽ không còn chấp nhận các hiệu ứng tiêu cực của việc giảm điều tiết kinh tế, tự do hóa chính sách kinh tế, mất đi công ăn việc làm được trả lương tốt trong ngành công nghiệp và sự gia tăng việc làm trong ngành dịch vụ. Lập trường này sẽ tiếp tục có ảnh hưởng mạnh đối với đảng Cộng hòa ngay cả khi Trump thất bại.

Đảng của Clinton trong tương lai sẽ buộc bà phải theo đuổi một nghị trình xã hội theo hướng tự do và trước hết tập trung vào việc giải quyết các vấn đề đối nội. Đảng Cộng hòa “mới” tuy không có chung nghị trình xã hội-tự do về chính sách đối nội với đảng Dân chủ, nhưng họ cũng muốn có một sự định hướng đối nội mạnh mẽ và một đường lối chính sách đối ngoại chặt chẽ hướng tới các lợi ích kinh tế quốc gia của Mỹ. Kết quả là chính sách đối ngoại của Clinton có thể sẽ ít theo chủ nghĩa quốc tế và cũng ít mang tính can thiệp hơn so với những gì người ta dự đoán dựa trên lập trường chính sách đối ngoại trước đây của bà.

Kết luận: Sự bất đồng xuyên Đại Tây Dương

Kịch bản thứ nhất và thứ ba đều dẫn tới kết quả là một sự định hướng đối nội mạnh mẽ hơn của Mỹ. Trong quá khứ, những giai đoạn như vậy luôn được nhiều người trông đợi, nhưng theo sau chúng không phải là những sự bóp méo lớn hơn trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Lần này, điều này lại có thể xảy ra. Tuy nhiên, sự can dự về chính sách đối ngoại của Mỹ cho tới nay dựa trên một nền tảng chính trị đối nội rộng lớn. Nếu điều đó thay đổi do định hướng mạnh hơn của cả hai đảng hướng tới các nhóm cử tri đang trở nên quan trọng hơn, các chính quyền Mỹ trong tương lai có thể có hành xử kiên quyết và thúc ép hơn đối với các đối tác và đồng minh của họ.

Khả năng điều này xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống Trump cao hơn so với trong nhiệm kỳ của Clinton. Nhưng cả khi Clinton lên nắm quyền, Đức và EU cũng nên chuẩn bị cho viễn cảnh các yêu cầu của Washington, chẳng hạn như thể hiện cam kết lớn hơn duy trì trật tự quốc tế và đóng góp nhiều hơn, sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy, một điều ngày càng cấp thiết là Berlin và Brussels phải định hình các kỳ vọng của mình đối với chính sách của Mỹ.

Theo “Stiftung Wissenschaft und Politik – tháng 6/2016