Việc tập trung binh lính và vũ khí của Mỹ tại khu vực này đang khiến Matxcơva chú ý nhiều hơn tới Châu Á – Thái Bình Dương. Không tin nhau trong quan hệ quốc tế, nhất là việc NATO mở rộng về phía Đông và việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang làm cho quan hệ Matxcơva - Washington cũng như quan hệ của Nga với các nước thành viên NATO, đối tác của Mỹ trở nên căng thẳng. Tình trạng mâu thuẫn lợi ích đó vẫn tiếp diễn trong hợp tác kinh tế. Nỗ lực của Nga trong việc xây dựng đối tác chiến lược với Đức, Pháp, hai nền kinh tế lớn của châu Âu cũng không mấy tiến triển. Liên Xô tan rã khiến Nga phải gánh chịu nhiều hệ lụy tiêu cực, như mất liên kết lãnh thổ, kinh tế sụp đổ, mất vị trí của mình trên trường quốc tế và bị khủng hoảng chính trị trong nước. Nhờ tập trung mọi quyền lực, Tổng Thống Nga Putin đã có cách nhìn mới trong chính sách đối ngoại và bắt đầu khôi phục lại vị trí người chơi chính trị lớn trên thế giới nhờ tận dụng nguồn dự trữ nguyên liệu năng lượng của mình để trở thành cường quốc. Cho tới nay, Matxcơva chủ yếu thực hiện chính sách năng lượng của mình hướng về các nước châu Âu và thu được hàng chục tỷ USD nhờ xuất khẩu dầu khí. Nhưng trong thời gian gần đây, Nga đã hướng tới việc xuất khẩu năng lượng của mình sang các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. So với thị trường châu Âu đang bị bão hòa, bị hạn chế và tăng trưởng kinh tế bị đình trệ thì thị trường Đông Bắc Á luôn tăng trưởng ổn định, tạo cơ hội tốt đẹp cho Liên Bang Nga.

Khuynh hướng kinh tế mới hướng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Đối với Nga, khu vực Đông Bắc Á không chỉ là cơ hội, thị trường mới để xuất khẩu năng lượng mà còn là một phần của kế hoạch nhằm thu hút khu vực này để đưa Đông Siberi và Viễn Đông tham gia vào quan hệ kinh tế với mục đích phát triển vùng xa xôi này của Nga. Vùng Viễn Đông của Nga có nguồn dự trữ khổng lồ về dầu, khí, than đá và các loại khoáng sản khác; được coi là kho báu của quốc gia này. Suốt nhiều năm qua, tình trạng bị bỏ rơi và kém phát triển của khu vực này đang trở thành nơi nhạy cảm chính trị, kinh tế nhất của Nga. Thành phố Vladivostok, có khoảng 580 nghìn dân, nhưng đang có xu hướng giảm mạnh về dân số do điều kiện sống ở thành phố không được cải thiện, như thất nghiệp, mức sống thấp. Vài năm trước, Vladivostok đã được đầu tư mạnh, được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC-2012. Hội nghị này đã tạo cơ hội tốt đẹp cho Tổng Thống Putin trong việc phát triển khu vực Viễn Đông về kinh tế và giới thiệu chính sách mới của Matxcơva trong việc gia nhập không gian kinh tế thống nhất của Đông Bắc Á, các mục tiêu mà nhà lãnh đạo chính trị tiền nhiệm của Nga không thực hiện được. Putin hy vọng rằng đầu tư và công nghệ mới của nước ngoài là cú hích cho sự phát triển của khu vực Viễn Đông.

Nước Nga, nhà cung cấp năng lượng cho Đông Bắc Á

Dòng chảy chính của kinh tế thế giới đang chuyển về Châu Á – Thái Bình Dương. Đông Bắc Á đang ở trung tâm của sự chuyển động có ý nghĩa này. Khu vực này (nếu tính cả Mỹ và Canada) đang chiếm trên 50% GDP thế giới và độc chiếm 40% lượng dự trữ ngoại tệ thế giới. Nếu Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới thì Nga đã dần dần chiếm lĩnh vai trò người cung cấp năng lượng chính cho Đông Bắc Á. Nhất là trong trường hợp, xuất khẩu năng lượng của các nước Ả-rập, vịnh Péc-xích và Trung Á bị gián đoạn, hoặc xảy ra tình trạng, như quan hệ Trung - Mỹ xấu đi, Mỹ đóng cửa Eo biển Malakka thì việc Liên Bang Nga có cơ hội cung cấp nguồn năng lượng bằng đường bộ sẽ có ý nghĩa rất to lớn. Ngoài vai trò cung cấp nguồn nguyên liệu năng lượng, đối với Nga vẫn chưa thể hiện được người tham gia chính trong hội nhập với mối liên kết có mạng lưới giao lưu chặt chẽ giữa các nhà sản xuất của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nếu Trung Quốc với ngành công nghiệp có nguồn nhân công giá rẻ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhà cung cấp công nghệ cao thì nước Nga vẫn chưa có vai trò to lớn như vậy trong kinh tế của khu vực. Vì vậy, Nga chưa trở thành thành viên của khu vực kinh tế tự do, chưa gia nhập hiệp định bảo vệ các nhà đầu tư.

Cấu trúc địa chính trị kéo theo cả mâu thuẫn

Quan hệ và sự thay đổi lập trường của Mỹ và Trung Quốc, hai nước có vũ khí hạn nhân luôn định rõ địa chính trị của Châu Á – Thái Bình Dương. Sự cạnh tranh và ý đồ chiếm ưu thế của Mỹ và Trung Quốc ở Thái Bình Dương là nguyên nhân tạo ra môi trường căng thẳng và xung đột của khu vực. Ba cường quốc có vũ khí hạt nhân là Trung Quốc, Mỹ và Nga đang chạm mặt nhau ở khu vực này. Trên bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra cuộc xung đột vũ trang. Việc Bình Nhưỡng liên tục tiến hành thử nghiệm hạt nhân và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân khiến Nhật Bản và Hản Quốc cũng chạy đua vũ trang. Tranh chấp lãnh thổ đang làm cho quan hệ trong khu vực trở nên căng thẳng. Sau Thế chiến II, ở khu vực này vẫn đang tồn tại các cuộc tranh chấp về biển, đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông, giữa Nhật Bản và Hản Quốc và giữa Nhật Bản và Nga ở biển Nhật Bản cũng như tranh chấp về lãnh hải ở Eo biển Bering giữa Nga và Mỹ.

Bắc Cực có nguồn dự trữ khoáng sản lớn là quả táo của sự hiềm khích mới

Phần lớn các lớp băng ở Bắc Cực sẽ tan chảy do thay đổi khí hậu; điều này tạo cơ hội để mở ra nhiều con đường vận tải biển mới ở Bắc Á và khai thác nguyên liệu (dầu, khí, than đá). Bộ Địa chất của Mỹ cho rằng, nguồn dự trữ nguyên liệu năng lượng ở Bắc Cực chiếm khoảng 25% nguồn dự trữ của thế giới. Các nước tiếp giáp với Bắc Cực, như Nga, Canada, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch đã bắt đầu tranh chấp trong việc phân chia Bắc Băng Dương; Trung Quốc, Nhật Bản và Hản Quốc cũng đang nỗ lực để đưa mối quan tâm lợi ích của mình vào cuộc tranh chấp này. Vì vậy, Bắc Cực đang trở thành trung tâm lợi ích chiến lược của các nước và không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để thiết lập khu vực sở hữu của mình. Liên Bang Nga tiếp giáp với Bắc Băng Dương dài nhất và đang có ý đồ chiếm 1,2 triệu km2 thành sở hữu của mình. Từ sau 2008, Tập đoàn Gazprom của Nga đã hợp tác các công ty dầu khí nước ngoài, như Total của Pháp và Stat Oil của Na Uy; từ 2011, Tập đoàn Rosneft của Nga cũng hợp tác với Exxon Mobil của Mỹ để thăm dò, khai thác dầu khí tại Bắc Cực. Nhà cầm quyền Nga đã quyết tâm thể hiện trong việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản ở Bắc Cực cũng như tiếp tục củng cổ và khẳng định vị thế của mình là một cường quốc năng lượng ở châu Âu - Thái Bình Dương.

Nga không phải là người chơi chủ động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Về chính sách quốc phòng và quân sự - chính trị, Liên Bang Nga chưa đóng vai trò chủ động trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã bị mất vị trí ở châu Á. Vị trí của Nga đã giảm mạnh trong khoảng không gian rộng lớn từ Vladivostok cho tới Singapore do Nga rút căn cứ hải quân của mình tại cảng Cam Ranh của VN năm 2002. Việc Tổng Thống Mỹ Barak Obama hướng chính sách chiến lược của mình từ Trung Đông sang Thái Bình Dương khiến Nga phải tăng cường chính sách địa chính trị của mình tại Đông Bắc Á, củng cố lực lượng hải quân của mình ở Thái Bình Dương và hợp tác với Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận hải quân hồi tháng 4/2012. Liên Bang Nga cũng là quốc gia thành viên của một số hiệp hội, liên minh có uy tín trên trường chính trị của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; là thành viên của các tổ chức lớn của khu vực, như “ASEAN” từ năm 1994, “APEC” từ năm 1998, “ASEAN + Nga” từ năm 2005. Thế nhưng, vẫn chưa thấy được sự hoạt động tích cực của Nga với tư cách là một quốc gia thành viên.

Nga - Trung Quốc

Quan hệ Nga - Trung luôn đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực. Trung Quốc trở thành bạn của Nga nhờ kim ngạch song phương năm 2011 đạt 80 tỷ USD. Trong thương mại song phương, chủ yếu Nga cung cấp nguyên liệu năng lượng và bán vũ khí cho Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, nước này đang muốn sử dụng đặc quyền trong thương mại năng lượng và khoáng sản của Nga. Do an ninh chiến lược, Bắc Kinh luôn mong muốn việc vận chuyển bằng đường bộ các nguyên liệu năng lượng; và cho rằng, việc nhập khẩu dầu mỏ từ các nước châu Phi, Ả-rập và vịnh Péc-xích không đáng tin cậy trong trường hợp quan hệ với Mỹ bị xấu đi. Đầu tư của Trung Quốc tại Nga liên tục gia tăng. Lý Khắc Cường, Thủ tướng tương lai của Trung Quốc đã ký dự án trị giá 15 tỷ USD nhân chuyến thăm Nga hồi tháng 4/2012. Matxcơva đã không nêu vấn đề công dân Trung Quốc luôn thâm nhập khu vực Viễn Đông của Nga, vì Bắc Kinh và Matxcơva đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Trung Quốc có 3 tỉnh với trên 100 triệu dân, có ngành công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng phát triển, tiếp giáp với khu vực Viễn Đông thưa thớt người. Thực trạng này cho thấy, một mặt đang có sự đe dọa thực tế về an ninh của Nga nhưng nếu không có đầu tư của Trung Quốc thì hầu như không có điều kiện để cải cách kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng Viễn Đông và vùng phụ cận Thái Bình Dương của Nga. Matxcơva và Bắc Kinh có mối quan tâm lợi ích chung trong chính sách đối ngoại, như chính sách về thế giới đa cực, ổn định chính trị ở Cận Đông và Trung Á, hòa dịu ở bán đảo Triều Tiên. Liên minh tay đôi Nga - Trung gia tăng trong khuôn khổ SCO cũng đóng vai trò chính trong việc hạn chế Mỹ tiến hành chính sách ở Đông và Trung Á.

Nga - Nhật Bản

Việc người dân Nhật Bản phê phán sử dụng năng lượng hạt nhân khiến nước này phải thay đổi mạnh chiến lược tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế và sử dụng nguyên liệu năng lượng khác đang yêu cầu Nhật Bản phải gia tăng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng. Đây là kịch bản có lợi cho Nga và trao cho Nga cơ hội khẳng định thêm vị trí của người cung cấp dầu, khí ở Đông Bắc Á. Tập đoàn Gazprom cùng với công ty dầu khí Duch/Sell và Hãng Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản (chung vốn 22,5% cổ phần) đang tham gia dự án “Sakhalin-2”. Nhật Bản sẽ sử dụng phần lớn thành phẩm cuối cùng của dự án đường ống dẫn khí hóa lỏng này. Việc Nhật Bản luôn đòi Nga trao trả các đảo Sakhalin cũng làm cho quan hệ Matxcơva -Tokyo trở nên căng thẳng, nhất là việc Tổng Thống Nga lần đầu tiên ra thăm các đảo Sakhalin và bố trí tên lửa loại “đất đối không” tại đây nhằm tăng thêm sức mạnh cho Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng làm cho quan hệ song phương xấu thêm. Tuy nhiên, Tokyo luôn coi Nga là đối tác có vai trò quan trọng đối với việc giảm bớt sự ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc.

Nga - Hàn Quốc

Tình hình kinh tế và điều kiện địa chính trị khiến chính sách của Nga hướng tới bán đảo Triều Tiên, Nga đang cố tăng thêm ảnh hưởng của mình tại bán đảo này. Đối với Nga, kế hoạch cung cấp khí đốt cho Hàn Quốc đi qua lãnh thổ Triều Tiên đang có một số mục đích, như khí đốt của Nga vận chuyển cho Hàn Quốc có giá rẻ, làm lắng dịu tình hình căng thẳng quân sự, chính trị của hai miền Triều Tiên nhờ cam kết nghĩa vụ và hợp tác với nhau, bán đảo Triều Tiên nói chung sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Nga. Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 3 của Nga tại Đông Bắc Á; 2/3 lượng xuất khẩu của Nga sang Hàn Quốc chủ yếu là nguyên liệu năng lượng và nhiên liệu uran phục vụ các nhà máy điện hạt nhân. Các công ty Hàn Quốc chủ yếu đầu tư ở phần lãnh thổ châu Âu của Nga. Ở vùng Viễn Đông chỉ có một dự án duy nhất của doanh nghiệp Hàn Quốc; đó là nhà máy đóng tàu thủy của Tập đoàn Dae-u ở vùng Primorski.

Nga - Bắc Triều Tiên

Đối với Nga, Bắc Triều Tiên không có vai trò nào với tư cách là bạn hàng; kim ngạch song phương năm 2010 chỉ đạt 62 triệu USD. Đường ống dẫn khí hóa lỏng đi qua lãnh thổ Bắc Triều Tiên (tổng chiều dài 1.100 km, đi qua Bắc Triều Tiên 700 km) nằm trong kế hoạch của Liên Bang Nga sẽ được bắt đầu từ năm 2017, mỗi năm vận chuyển sang Hàn Quốc được 10 triệu m3 khí lỏng và Bắc Triều Tiên cũng nhận được khoảng 100 triệu USD/năm tiền phí vận chuyển quá cảnh qua lãnh thổ nước mình. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao Matxcơva - Seoul năm 1990 khiến sự tham gia của Nga vào công việc của Bắc Triều Tiên bị giảm mạnh. Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva ký năm 1991 được đổi mới trong tháng 4/2000 đã bỏ điều khoản “hai bên sẽ giúp đỡ lẫn nhau khi có chiến tranh”. Bình Nhưỡng luôn nhận thức rõ rằng, cơ sở sinh tồn của Bắc Triều Tiên là sự giúp đỡ của Trung Quốc. Mục tiêu mà Bắc Triều Tiên hợp tác với Nga là cố giảm bớt sự quá lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nhận thức về khuynh hướng địa chính trị mới

Khuynh hướng hướng Đông của Matxcơva là nhằm tăng cường vị trí của mình ở khu vực Thái Bình Dương của Nga. Điều này không có nghĩa là Nga quay lưng với châu Âu. Về kinh tế, phương Tây vẫn là đối tác chiến lược của Nga. Châu Âu là đối tác thương mại quan trọng, nhà đầu tư, nhà cung cấp công nghệ mới đối với Nga. Đối với một cường quốc có lãnh thổ rộng lớn trải dài từ châu Âu sang Thái Bình Dương, Nga đã bắt đầu tiến hành chính sách hướng Đông để tạo sự cân bằng thay vì triển khai chính sách hướng về một phía là phía Tây Âu. Kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh, ổn định cũng như nhu cầu sử dụng năng lượng gia tăng đã đóng vai trò đặc biệt trên thế giới; đồng thời đang trở thành giao điểm của các lợi ích quốc tế nhưng lại tạo điều kiện hình thành mâu thuẫn tại đây. Cho tới nay, Nga chưa thể tận dụng được vị thế địa lý của mình ở Đông Bắc Á nhưng hiện khu vực này đang mở nhiều điều kiện thuận lợi cho quốc gia này. Nước Nga đã có điều kiện có ảnh hưởng quyết định trong việc phân chia lực lượng mới nhờ tiến hành hoạt động tích cực và nhiệm vụ đặc biệt ở Bắc Thái Bình Dương.

Vị trí và nhiệm vụ của các nhà cung cấp năng lượng trên thế giới nói chung đang có khuynh hướng thay đổi khi tham gia vào lĩnh vực này. Ả-rập Xê-út và Liên Bang Nga là hai nhà cung cấp dầu mỏ chính. Do nguồn dự trữ dầu mỏ của thế giới giảm dần nên việc gia tăng khuynh hướng sử dụng khí sạch và khí tự nhiên sẽ có ý nghĩa đối với môi sinh thái trong tương lai. Nga và Iran chiếm 60% nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên của thế giới. Lượng dự trữ khí đốt này có thể dùng đến khi kết thúc thế kỷ này. Như vậy, trong tương lai, dầu mỏ sẽ mất vị trí của mình, nhường chỗ cho khí đốt tự nhiên. Đây là cơ hội lịch sử đặc biệt mà nước Nga có được để chiếm vị trí ảnh hưởng từ châu Âu cho tới Thái Bình Dương nhờ việc cung cấp nguyên liệu năng lượng cho châu Âu cũng như đảm bảo được cho phương Đông./.

Theo Tạp chí Eurasisches (Đức) 

Lê Sơn (gt)