Quan hệ nồng ấm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn tập trung vào lĩnh vực giao lưu kinh tế cũng như sự phối hợp giữa hai nước này trong lĩnh vực ngoại giao để đối phó với Nhật Bản. Đối với kế hoạch thống nhất bán đảo Triều Tiên theo phiên bản của Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn còn do dự trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng chưa quá xa lánh Triều Tiên, mà cùng với việc đưa ra giới hạn cuối cùng, Trung Quốc cũng tăng cường tiếp xúc, tích cực “định hướng các hành vi” của Triều Tiên theo hướng mong muốn của mình. 

Chiến lược cân bằng của Kim Jong-un 

Kim Jong-un sau khi lên nắm quyền trong xử lý quan hệ với Trung Quốc cho thấy một mức độ chống đối nhất định, qua đó phản ánh sự không hài lòng cũng như tâm lý lo ngại về việc chịu sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, và do đó có thể mất quyền tự chủ của mình. Sau khi lên nắm quyền, Kim Jong-un không chỉ cho hành quyết người chú dượng Jang Song-thaek có quan hệ thân thiết với Trung Quốc, mà còn ra lệnh cấm chiếu phim Trung Quốc ở trong nước. Việc ông Kim Jong-un không đến Trung Quốc để tham dự lễ duyệt binh, ở một mức độ nào đó cũng phản ánh việc ông không muốn thông qua việc tham gia các sự kiện quốc tế lớn do Trung Quốc tổ chức để tuyên truyền cho quan hệ hữu nghị truyền thống Trung-Triều, tăng nhân tố Trung Quốc trong công tác tuyên truyền ở Triều Tiên. Ngoài ra, vào cuối năm 2014, ông Kim Jong-un cử quan chức ngoại giao cấp cao đến thăm Mỹ và Nga cũng như các nước châu Âu, nhằm mở rộng mặt trận ngoại giao, đó cũng là một sự tính toán nhằm không quá phụ thuộc về ngoại giao vào Trung Quốc. 

Tuy nhiên, cùng với ý đồ giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, Kim Jong-un cũng rất thận trọng duy trì sự cân bằng tinh tế nhằm tránh gây cho Trung Quốc có ấn tượng rằng mình đang chống lại họ. Theo thống kê, khoảng 80% trao đổi thương mại của Triều Tiên đến từ Trung Quốc, về phương diện ngoại giao, Trung Quốc cũng là đối tác quan trọng nhất của Triều Tiên từ trước tới nay. Sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền, mặc dù không đích thân đến Trung Quốc, nhưng trong tất cả các sự kiện quan trọng do Trung Quốc tổ chức, ông Kim Jong-un đều cử quan chức cao cấp của mình tới tham dự. Trong những dịp thích hợp, ông Kim Jong-un vẫn chủ động tuyên truyền về quan hệ hữu nghị truyền thống Trung-Triều để duy trì quan hệ với Trung Quốc. Ví dụ, ông Kim Jong-un cho xây dựng tượng sáp Mao Trạch Đông ở Triều Tiên. Trước khi diễn ra lễ duyệt binh ngày 3/9, Kim Jong-un không chỉ đích thân đến nghĩa trang tưởng niệm các tình nguyện viên của Trung Quốc, mà còn công khai ca ngợi quan hệ hữu nghị truyền thống Trung-Triều. Ngoài việc không nghe lời Trung Quốc cố ý tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư, nhìn chung Triều Tiên vẫn không dám vượt quá giới hạn mà Bắc Kinh đã đặt ra trong chính sách đối với bán đảo Triều Tiên, cụ thể là trong các cuộc đối đầu quân sự với Hàn Quốc, Triều Tiên đều không dám phá vỡ cục diện hiện tại. 

Đối với chiến lược cân bằng của Kim Jong-un, Trung Quốc biết rất rõ, đồng thời cũng thông qua chính sách tiếp xúc tích cực để ổn định quan hệ song phương. Trước hết, họ công khai chỉ trích các hành động của Kim Jong-un nhằm đi quá giới hạn mà mình đã đặt ra, ép buộc các hành động của Triều Tiên phát triển theo ý mình. Tuy nhiên, trong phạm vi chấp nhận được, Trung Quốc vẫn chấp nhận một số hành động thị uy quân sự của Triều Tiên. Ngày 14/9 năm nay, Cơ quan phát triển không gian quốc gia Triều Tiên công bố việc nghiên cứu vệ tinh quan sát Trái đất mới đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Khi đó, giới phân tích bên ngoài dồn dập suy đoán rằng Triều Tiên có thể thử tên lửa tầm xa vào ngày 10/10 đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ngày 15/9, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Triều Tiên cho biết các cơ sở hạt nhân Yongbyon đã khởi động lại hoạt động đầy đủ. Đối với những động thái quân sự này của Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Trung Quốc hy vọng các bên liên quan có các hành động thận trọng, tránh có bất kỳ hành động nào có thể khiến cho tình hình bán đảo Triều Tiên và khu vực thêm căng thẳng. 

Thứ hai, Trung Quốc đã thông qua chính sách tăng cường tiếp xúc với người dân có quan hệ gần gũi với Trung Quốc ở địa phương để tăng cường tuyên truyền về quyền lực mềm của Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc thay đại sứ ở Triều Tiên, công tác tuyên truyền của Đại sứ quán Trung Quốc ở Triều Tiên được tăng cường đáng kể, Đại sứ Trung Quốc tại Triều Tiên Lý Tiến Quân tích cực tham gia các hoạt động tiếp xúc với người dân nhằm xây dựng hình ảnh tốt về Trung Quốc trong tầng lớp dân thường ở Triều Tiên. Ngày 15/9 vừa qua, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã quyên góp ủng hộ cho Triều Tiên hơn 100 nghìn USD giúp cho các khu vực bị lụt lội ở Triều Tiên. 

Cuối cùng, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế với Triều Tiên, khuyến khích Triều Tiên phát triển các đặc khu kinh tế, với hy vọng mang lại những thay đổi về cải cách. Cuối tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã mở một khu thương mại với số vốn lên tới gần 1 tỷ nhân dân tệ ở Đan Đông gần biên giới với Triều Tiên nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân hai nước. Ngày 1/9 vừa qua Trung Quốc cũng cho khai thông tuyến đường sắt cao tốc mới nối từ Thẩm Dương tới Đan Đông, và trong tháng 10, Trung Quốc và Triều Tiên cũng tổ chức hội chợ giao lưu văn hóa và du lịch, khu thương mại mới ở gần biên giới hai nước mới được khai trương cũng sẽ mở cửa đón khách du lịch trong thời gian tới. Theo thống kê, trong số 36 doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư khai thác tại Triều Tiên, có tới 31 doanh nghiệp là của Trung Quốc. Ngoài ra, trong các hoạt động quan trọng ở Triều Tiên, Trung Quốc đều gửi điện chúc mừng và cử quan chức sang tham dự. 

Tóm lại, mặc dù Triều Tiên thực hiện chiến lược cân bằng quan hệ với các nước, song không thể xa rời Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đóng băng quan hệ song phương khiến cho quan hệ hai nước rơi vào tình huống khó xử, mà còn thông qua chính sách tiếp xúc tích cực để “định hướng” các hành vi của Triều Tiên. Trong một thế giới có sự đan xen lợi ích lẫn nhau, quan hệ giữa các nước ở mức độ khác nhau và các lĩnh vực khác nhau sẽ xuất hiện trạng thái “thân sơ” khác nhau, song nếu đem sự “thân sơ” này mà đo toàn bộ quan hệ giữa hai nước quả thực là không khách quan và quan hệ Trung-Triều chính là ở trong trường hợp này. 

Phát triển không cân bằng trong quan hệ Trung-Hàn 

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sau khi lên nắm quyền đã thực hiện chuyến thăm đến Trung Quốc để đưa quan hệ Trung-Hàn phát triển hướng tới tầm cao mới. Một năm sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đích thân tới thăm Hàn Quốc, đưa quan hệ Trung-Hàn phát triển nhanh chóng. Gần đây, Park Geun-hye đã đến Trung Quốc để tham dự lễ duyệt binh, tranh chủ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc đồng thời công bố chi tiết chuyến thăm với giới truyền thông, để cho các phương tiện truyền thông tung hô hơn nữa thời kỳ trăng mật trong quan hệ Trung-Hàn. Tuy nhiên, dù hiện tại quan hệ Trung-Hàn được xem là đang rất nồng ấm, song giới tinh hoa cho rằng đều tập trung trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Hàn Quốc như ký kết khu vực thương mại tự do cũng như tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đều là những hành động thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại song phương. Có thể nói, hợp tác kinh tế luôn là một hướng phát triển quan trọng trong quan hệ Trung-Hàn. 

Về lĩnh vực ngoại giao, sau khi Park Geun-hye lên nắm quyền, việc hai nước Trung-Hàn không ngừng có điều chỉnh về lập trường trong chính sách ngoại giao để liên kết đối phó với Nhật Bản, cũng như tăng cường phối hợp với nhau nhằm duy trì ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên là một sự thực không thể tranh cãi. Tuy nhiên, việc Trung-Hàn tăng cường quan hệ chủ yếu là nhằm vào Nhật Bản. Đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, sự khác biệt trong nhận thức giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn còn rất rõ. Hàn Quốc hy vọng Trung Quốc có thể gây sức ép lớn hơn nữa đối với Triều Tiên, giảm bớt viện trợ cho Triều Tiên, cũng như mong muốn thực hiện mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên theo phiên bản Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tránh có những cáo buộc trực tiếp đối với Triều Tiên, và rất thận trọng sử dụng ảnh hưởng có giới hạn của mình. Không những thế, Trung Quốc còn mở rộng hợp tác kinh tế với Triều Tiên, khuyến khích Triều Tiên tiến hành cải cách kinh tế. Đối với kế hoạch thống nhất bán đảo Triều Tiên theo phiên bản Hàn Quốc, Trung Quốc rõ ràng vẫn còn rất nhiều mối quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng. Ngoài ra, trong một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu, việc hợp tác giữa Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn còn thiếu động lực. Trong vấn đề này vừa có sự tác động của nhân tố Mỹ, đồng thời vị thế của Trung Quốc và Hàn Quốc trong việc can dự vào các vấn đề quốc tế cũng khác nhau. 

Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, cho dù mức độ coi trọng đối thoại an ninh của Trung Quốc đối với Seoul đang được cải thiện, song Trung Quốc không cho thấy mong muốn mạnh mẽ về hợp tác trong thời gian tới. Trong khi đó, mức độ đi sâu trong hợp tác quốc phòng thường là một tiêu chí quan trọng để đo mức độ phát triển của quan hệ song phương. Ngoài ra, việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc cũng là một trở ngại cho quan hệ Trung-Hàn. Vì vậy, giới quan sát bên ngoài đang đề cao quá mức sự phát triển trong quan hệ Trung-Hàn cần phải có những phân tích thận trọng hơn. Trong mối quan hệ nồng ấm Trung-Hàn hiện nay vẫn sẽ có những khác biệt ở những lĩnh vực khác nhau.

Theo Liên hợp Buổi sáng (Singapore)

Hoàng Lan (gt)