Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017, dường như Chính quyền Trump vẫn chưa đưa ra được các nét chính trong chính sách đối ngoại. Theo trang mạng của Nhà Trắng, ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Mỹ vẫn là “đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo cùng các tổ chức khủng bố Hồi giáo lớn”. Điều này khiến người ta lo ngại rằng Trump có thể sao nhãng Châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực có triển vọng phát triển kinh tế mạnh mẽ cũng như có rất nhiều thách thức đối với cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ.

Sau 100 ngày tại vị Tổng thống, chính sách Châu Á của Chính quyền Trump chưa thực sự rõ ràng, có một số nét kế tục nhưng cũng có nhiều nét khác biệt so với Chính quyền tiền nhiệm, thể hiện ở một số điểm sau:

Không còn sử dụng cụm từ “Tái cân bằng Châu Á” nhưng tiếp tục tập trung chiến lược vào Châu Á.

Ngày 17/3, khi quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton phát biểu rằng cụm từ “Xoay trục về Châu Á” là khái niệm mô tả chính sách của Chính quyền Obama và Chính quyền Trump có “công thức” của riêng mình, giới quan sát đã nhanh chóng nhận định cụm từ “xoay trục sang Châu Á” đã bị khai tử. Tuy nhiên, Washington sẽ tiếp tục tập trung sự chú ý cho khu vực này. Bằng chứng là trong thời gian qua, Mỹ đã giữ mối liên lạc cấp cao với Châu Á như việc cử Bộ trưởng Quốc phòng Mattis, Ngoại trưởng Tillerson và Phó Tổng thống Pence tới khu vực Đông Á; sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một động thái được coi là vô cùng hiếm thấy; tính đến ngày 24/4, Trump cũng đã có tới 5 lần liên lạc trực tiếp với Thủ tướng Nhật Bản Abe.

Tiếp tục củng cố các mối quan hệ Đồng minh.

Về vấn đề này, Chính quyền Trump dường như sẵn sàng củng cố cam kết với các đồng minh hơn là đòi hỏi những chia sẻ về gánh nặng kinh tế đối với việc duy trì quân đội Mỹ trong khu vực.

Khi còn tranh cử, Trump đã nhấn mạnh nhiều lần cam kết của Mỹ đối với Hàn Quốc, Nhật Bản. Sau khi tại vị, Trump đã cử nhân sự cấp cao (Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng, Phó Tổng thống) công du Châu Á để khẳng định tiếp tục những cam kết với các nước đồng minh. Tại Hàn Quốc, dựa theo thông cáo sau các chuyến thăm, có thể thấy phía Mỹ đã nhấn mạnh nhiều đến cam kết của Mỹ bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa Triều Tiên mà dường như không đòi hỏi phía Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn vào việc giúp duy trì lực lượng quân đội Mỹ tại khu vực này.

Với Nhật Bản, khi Tổng thống Mỹ tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản, hai bên đã khẳng định lại cam kết quốc phòng của Mỹ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Cam kết này tiếp tục được khẳng định trong các chuyến thăm Nhật của các quan chức Mỹ.

Chuyển từ “Kiên nhẫn chiến lược” đến “Mất kiên nhẫn chiến lược”?

Đối với vấn đề Triều Tiên, “Kiên nhẫn chiến lược” đề cập đến những tính toán của Chính quyền Obama cho rằng có thể chờ đợi Triều Tiên quay trở lại tiến trình phi hạt nhân hóa khi Mỹ và các đồng minh áp dụng các biện pháp thúc đẩy tiến trình này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và sau đó là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng khẳng định thời kỳ “kiên nhẫn chiến lược” đã chấm dứt, mọi phương án đều sẽ được tính đến.

Trên thực tế, Mỹ không thể tiếp tục kiên nhẫn sau hai vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên, thể hiện những tiến bộ nhanh chóng của nước này trong công nghệ hạt nhân tên lửa. Tuy nhiên, vấn đề phức tạp ở chỗ nếu chỉ áp dụng phương án đàm phán hoặc phương án quân sự thì sẽ chưa đủ để giải quyết vấn đề. Mặt khác, đối thoại với Triều Tiên rõ ràng không phải là lựa chọn hấp dẫn vì thiếu vắng lòng tin giữa hai bên, bắt nguồn từ các vòng đàm phán thất bại trước đây. Hơn nữa, tấn công ngăn ngặn có thể sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh Triều Tiên tàn phá bán đảo này.

Mặc dù nhấn mạnh không còn “kiên nhẫn chiến lược” nhưng Chính quyền Trump vẫn chưa xác định được rõ ràng có tiếp tục hay từ bỏ chính sách Triều Tiên của Chính quyền cũ hay không. Khi thăm Seoul và Tokyo, cả Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ đều khẳng định sẽ áp đặt những hình phạt nghiêm khắc đối với Bắc Triều Tiên, đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn. Dường như các biện pháp đó chỉ là sự mở rộng chính sách thời Obama là một mặt tăng cường trừng phạt Triều Tiên, mặt khác thúc đẩy đối thoại cấp cao để giải quyết vấn đề.

Điểm khác biệt chính giữa Trump và Chính quyền tiền nhiệm là cách tiếp cận với nhân tố Trung Quốc. Cho đến nay, Trump đã phân tích lợi, hại cho Trung Quốc trong vấn đề này. Nếu Trung Quốc phát huy vai trò tích cực, Trump sẵn sàng tạo điều kiện thương mại thuận lợi cho Trung Quốc. Nếu không, Mỹ sẽ hành động cùng với các đồng minh Châu Á.

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung: cơ chế đối thoại và các nguyên tắc lâu dài.

Sau thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã công bố sáng kiến Đối thoại toàn diện Trung - Mỹ, dựa trên 4 trụ cột: Đối thoại ngoại giao và an ninh; Đối thoại kinh tế toàn diện; Đối thoại an ninh mạng và thực thi luật pháp; Đối thoại các vấn đề văn hóa xã hội. Sáng kiến này thực chất là sự tiếp nối của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế giữa hai nước trước đây.

Rút khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương.

Việc ông Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách Châu Á của Washington. Đã có lúc sự thịnh vượng đến từ hội nhập kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trở thành trụ cột chính của chiến lược Châu Á của Mỹ và Chính quyền Obama đã rất cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán để đạt được TPP. Nhiều thành viên của TPP đã nỗ lực cải tổ để đạt được các nhượng bộ. Việc Mỹ rời bỏ TPP sẽ làm giảm lòng tin của các nước trong khu vực đối với Mỹ. Các bên sẽ ngờ vực cam kết của Mỹ sau các điều chỉnh chính sách lớn. Các thành viên TPP cũng có thể hiểu rằng, trong ngắn hạn đây là tín hiệu Mỹ chuyển dần sang chính sách bảo hộ và trong dài hạn đây trở thành trở ngại lớn để đạt được tầm nhìn chung cho Khu vực Tự do Thương mại Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Hơn nữa, quyết định của Mỹ cũng khiến cho tương lai hoàn tất TPP trở nên xa vời.

Lo lắng về thâm hụt thương mại.

Chính quyền Trump coi thâm hụt thương mại với khu vực Châu Á là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ. Trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc, Trump đã từng bày tỏ lo ngại về vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc và hai bên đã đi đến thống nhất về kế hoạch 100 ngày tìm ra phương cách cắt giảm thâm hụt thương mại song phương. Phó Tổng thống Mỹ Pence khi kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc cũng thể hiện lo lắng về mức thâm hụt thương mại Mỹ - Hàn vốn đã tăng gấp đôi kể từ khi 2 nước thông qua Hiệp định Thương mại Tự do song phương.

Việc Mỹ quá chú trọng đến thâm hụt thương mại sẽ không giúp thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Châu Á, cũng như không giúp nền kinh tế Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Quá chú trọng vào thâm hụt thương mại và tăng cường các rào cản thương mại sẽ khiến cho các đồng minh trong khu vực lo lắng và quan ngại về việc liệu Mỹ có tiếp tục theo đuổi các cam kết về quản trị kinh tế toàn cầu và tự do thương mại hay không. Hơn nữa, không giống như tính toán của chính quyền Trump, thâm hụt thương mại không phải là trò chơi bên được - bên không, trên thực tế có rất nhiều nhân tố quyết định quy mô thâm hụt thương mại của một nước. Thay vì cố cắt giảm một nửa thâm hụt thương mại hiện nay, chính quyền Mỹ nên tập trung giành lại vị thế thủ lĩnh kinh tế khu vực, sau khi rút khỏi TPP.

Chính sách về chống Biến đổi khí hậu.

Chính sách về vấn đề này của Mỹ cũng đã có sự thay đổi. Nếu trước kia, trong ba cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Trung, hai bên đều tái khẳng định cam kết về trách nhiệm và vai trò trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thì trong Hội nghị thượng đỉnh Trump - Tập mới đây, hai bên không đề cập gì đến vấn đề này.

Chính quyền Trump chưa cho biết có rút khỏi Hiệp định Paris hay không nhưng Giám đốc cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ Scott Pruitt từng cho rằng Mỹ có thể sẽ rút khỏi Hiệp định này. Hơn nữa, Trump đã ký sắc lệnh xóa bỏ các kế hoạch phát triển năng lượng sạch của người tiền nhiệm Obama.

Nếu Mỹ rút khỏi Hiệp định thì quyết định này sẽ có tác động lan truyền đến hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu khi nhiều quốc gia có thể sử dụng đây làm cái cớ để rút khỏi các cam kết. Nhưng quan trọng hơn, khi Mỹ rút khỏi Hiệp định mà Trung Quốc vẫn tuân thủ Hiệp định và các thỏa thuận về môi trường khác, Mỹ sẽ mất dần vai trò lãnh đạo thế giới vào tay Trung Quốc, ít nhất trước mắt là trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và dần dần là trong các lĩnh vực khác./.

Theo “The Diplomat

Anh Thư (gt)