Tài liệu của Viện "Jamestown Foundation" (Mỹ) nhận định Mùa Xuân Arập, đặc biệt là cuộc nội chiến tại Libi và "hành động can thiệp nhân đạo" của NATO trong cuộc xung đột đó, đã thắt chặt hơn các mối quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Trung Quốc và Nga. Hợp tác toàn diện hơn giữa Bắc Kinh và Mátxcơva nhằm đối phó với các nỗ lực của Oasinhtơn, các đồng minh và Liên đoàn Arập núp dưới ngọn cờ "Những người bạn của Xyri" nhằm lật đổ chế độ Bashar al-Assad tại Xyri. Biểu hiện mới nhất về sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc là Đại sứ Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) kiên quyết phản đối bất cứ nghị quyết nào yêu cầu các quan sát viên LHQ giám sát việc thực thi ngừng bắn tại Xyri và đơn phương lên án Chính phủ Assad. Sau khi nghị quyết được thay đổi để phù hợp với các đề nghị của Trung Quốc và Nga, Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã thông qua với số phiếu thuận 15/15.

Nhưng bên cạnh hợp tác chiến thuật đối với cuộc khủng hoảng Xyri, vấn đề quan trọng là: toàn bộ nội dung của mối quan hệ hợp tác Trung Quốc-Nga sẽ bao gồm những vấn đề gì khi Tổng thống Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 và Trung Quốc tiến hành thay đổi đội ngũ lãnh đạo? Một số nhà phân tích ở Mátxcơva coi sự thất thế hiện nay của ông Bạc Hy Lai và gia đình ông ta là sự chuyển đổi sang cánh tả nhằm đối phó với vụ bê bối tham nhũng - hiện đặt ra nhiều câu hỏi về các cuộc xung đột hơn nữa trong Bộ Chính trị Trung Quốc trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo. Nhà bình luận Dmitry Trenin về chính sách đối ngoại của Nga thuộc Trung tâm Carnegie Endowment ở Mátxcơva đặt dấu hỏi: liệu trong thập kỷ qua, các mối quan hệ Trung Quốc-Nga đã biến đổi sâu sắc thành một trong "những người bạn tin cậy hay không". Ông Trenin nhận thấy sự thay đổi lớn trong quan hệ hai nước là Trung Quốc đã phát triển thành một cường quốc và nền kinh tế lớn, từ đó làm thay đổi vai trò của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu. Nga đã chấp nhận thay đổi này trong cán cân sức mạnh. Trung Quốc là cơ hội và cũng là thách thức của Nga. Ông Trenin nói: "Đối với nước Nga ngày nay, quan hệ với Trung Quốc sẽ mở ra hàng loạt cơ hội tích cực trong lĩnh vực chính trị cũng như kinh tế: Trung Quốc có thể trở thành một thị trường tiêu thụ các nhiên liệu thô của Nga, một cỗ máy phát triển kinh tế cho khu vực Viễn Đông Nga và một đối tác không phải phương Tây quan trọng trên chính trường toàn cầu". Nhưng Trung Quốc cũng là thách thức nghiêm trọng của Nga, đặc biệt khu vực Xibêri có các mối quan hệ với Trung Quốc. Trước khi Mátxcơva có thể đưa ra khái niệm lâu dài về các mối quan hệ với Bắc Kinh, Nga phải xây dựng một chiến lược phát triển trung thực cho đất nước và xem xét cụ thể vai trò của Nga trên thế giới. Do sức mạnh của Nga suy giảm, Trung Quốc trở thành cường quốc khu vực, vượt Nhật Bản về kinh tế và nổi lên thành cường quốc xuất khẩu lớn trên thế giới. Hiện nay, có những cuộc thảo luận coi Trung Quốc như một cỗ máy kinh tế để khắc phục suy thoái toàn cầu và một nguồn vốn để ổn định cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro.

Trong một hệ thống quốc tế đa cực, Mátxcơva và Bắc Kinh có một số đánh giá nhất quán về các vấn đề quốc tế như: không tin hành động can thiệp nhân đạo của phương Tây và ủng hộ chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của các nhà nước có chủ quyền. Nhưng Nga vẫn là nước Âu-Á có nhiều vấn đề liên quan đến nhà nước, xã hội và kinh tế cần phải giải quyết. Nga sẽ khuất phục trước những hành động quyết đoán của Trung Quốc về quyền và lợi ích xung quanh lãnh thổ của họ, bất chấp những sự quyết đoán đó có thể dẫn đến các cuộc xung đột với các nước láng giềng và các nước lớn khác. Điều này không có nghĩa là Mátxcơva và Bắc Kinh không quan tâm đến tương lai của các mối quan hệ giữa hai nước. Báo chí Nga đăng nhiều ý kiến của các chuyên gia Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ nền kinh tế Nga. Chiến lược 2020, một tài liệu được chuẩn bị cho Tổng thống Putin, coi Trung Quốc như một thách thức kinh tế của Nga "đẩy Nga khỏi các thị trường truyền thống và làm giảm sức mạnh chính trị của Nga". Báo chí Nga cũng đăng sự chỉ trích quá lời của Chính phủ Trung Quốc về những nhược điểm lớn trong nền kinh tế Nga, từ đó hạn chế khả năng của Nga trở thành một đối tác kinh tế quan trọng. Trung Quốc hy vọng Chính quyền Putin sẽ nhanh chóng sửa chữa 6 nhược điểm của nền kinh tế như:

- Quá lệ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu thô và năng lượng;

- Bầu không khí kinh doanh không thuận lợi và dựng lên nhiều rào cản đầu tư;

- Tình hình kinh doanh, khoa học và công nghệ có nhiều phức tạp;

- Năng lực cạnh tranh thấp;

- Mức phát triển vốn xã hội thấp, khả năng tự tổ chức và tự điều chỉnh của các công ty tư nhân yếu kém;

- Không cải thiện các chỉ số dân số và thiếu lao động nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, cũng có dư luận đặt dấu hỏi về việc hợp tác quân sự của Nga với Trung Quốc, đặc biệt là các kế hoạch bán công nghệ hiện đại cho Trung Quốc như các máy bay chiến đấu Sukhoi PAK-FA thế hệ 5. Nhà phân tích Aleksandr Khramchikhin cảnh báo tốc độ hiện đại hóa quân đội và các lực lượng Trung Quốc đang tạo nên mối đe dọa tiềm tàng cho vị thế của Nga ở Viễn Đông và Xibêri. Ngoài ra có dư luận đề nghị Chính phủ Nga tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược thân thiện hơn hoặc thậm chí là liên minh quân sự với Trung Quốc nhằm chống lại Mỹ và NATO. Cuối tháng 2/2012, Đại tướng nghỉ hưu Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện Các Vấn đề Địa Chính trị, phát biểu trước hội nghị của các chuyên gia quốc phòng về sự cần thiết phải tăng cường mối quan hệ chiến lược thân thiện nhất với Trung Quốc, kể cả hợp tác tích cực để xóa bỏ các kế hoạch địa chính trị của Mỹ. Đại tướng Ivashov cho biết Tổng thống Putin bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải chống lại các kế hoạch của Mỹ-NATO và thậm chí Tướng Ivashov đề nghị Nga và Trung Quốc cần đạt được một thỏa thuận sử dụng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga và Trung Quốc nhằm chống lại cuộc xâm lược của Mỹ-NATO.

Nhưng chiều hướng chung của mối quan hệ Trung Quốc-Nga đang phát triển theo hướng "quan hệ đối tác chiến lược" của Hồ Cẩm Đào. Hai diễn biến khu vực gần đây đề cập đến các khía cạnh cơ bản của mối quan hệ đối tác này: ông Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển kinh tế hơn nữa ở khu vực Xibêri và Viễn Đông của Nga; các ưu tiên chính của ông Putin trong chiến dịch tranh cử là phát triển khu vực này. Ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Putin là khôi phục vị thế của Nga như một cường quốc thế giới và phát triển Xibêri cũng như Viễn Đông là vấn đề cơ bản để đạt được vị thế này. Do đó, dưới sự chỉ đạo của ông Putin, Bộ Kinh tế Nga đã soạn thảo dự luật mới, trong đó sẽ thành lập một công ty mới trực thuộc nhà nước và hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống nhằm phát triển kinh tế ở Xibêri và Viễn Đông - nơi có 16 đơn vị lãnh thổ và chiếm 60% lãnh thổ của Liên bang Nga. Các khu vực dưới sự quản lý của công ty trực thuộc nhà nước Nga gồm một số nước cộng hòa và các vùng như: các nước cộng hòa Aktai, Burytia, Sakha (Iakutiia); Tyva và Khakasiia, Zabaikal’, Kamchatka, Krasnoiarsk, Primorsk, Kabarovsk và Amur Krais; các vùng Amur, Irkutsk , Magadansk, Sakhalinsk và Evreisk, cũng như khu tự trị Chukotsk. Công ty mới của nhà nước sẽ tồn tại 25 năm và chỉ đạo khu vực Xibêri và Viễn Đông phát triển về kinh tế hội nhập vào khu vực kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lớn hơn. Những người chỉ trích coi đề nghị của ông Putin giống như dự án kiểu Xtalin dưới sự chỉ đạo của NKVD (Cơ quan Dân ủy phụ trách các vấn đề nội bộ trong và sau cuộc Cách mạng Tháng 10 ở Liên Xô). Họ nghi ngờ dự án có khả năng thu hút các nguồn vốn tư nhân lâu dài.

Diễn biến lớn thứ hai ảnh hưởng đến "mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung Quốc" là cuộc diễn tập Hải quân Trung Quốc-Nga gần đây ở biển Hoàng Hải. Các cuộc diễn tập Hải quân hai nước không phải là mới và được tiến hành từ năm 2005 trong khuôn khổ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Nhưng cuộc diễn tập "Hành động Chung Trên Biển 2012" gần đây có một số khía cạnh mới. Thứ nhất, diễn tập diễn ra đúng dịp kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc và làm sống lại những năm đầu của việc hợp tác giữa lực lượng Hải quân Trung Quốc và Liên Xô. Thứ hai, nhiệm vụ chính của cuộc diễn tập là nhằm bảo vệ các tuyến thông tin liên lạc, phòng không và chiến tranh chống tàu ngầm - tất cả gắn với các vấn đề kiểm soát biển hiện nay. Thứ ba, diễn tập diễn ra ở thời điểm nhiều căng thẳng xuất hiện trên các vùng biển quanh Trung Quốc do xung đột giữa các nước tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực có khả năng chứa nhiều dầu lửa và khí đốt. Báo Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết mở đầu cuộc diễn tập hải quân hai nước là những chiến thuật hải quân nhằm cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào những bất đồng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Trung Quốc. Lực lượng Hải quân Nga tham gia diễn tập, gồm các đơn vị thuộc Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội Biển Bắc như tuần dương hạm ASW "Admiral Tributs" và 2 tàu yểm trợ khác, đã hoàn thành đợt triển khai tại vịnh Aden như một phần của các chiến dịch chống cướp biển quốc tế tại đó. Hướng về phía Đông, ông Putin nhận thấy cả thách thức chính trị lẫn kinh tế. Để đóng vai trò trong thế kỷ châu Á, Nga phải phát triển các nguồn lực khổng lồ của Xibêri và Viễn Đông và điều đó đòi hỏi huy động một bộ phận dân số để thực hiện nhiệm vụ - vấn đề hiện Nga không có. Một chiến lược dài hạn để đạt được vai trò của Nga ở châu Á cũng đòi hỏi Nga có một đối tác chiến lược. Do căng thẳng với Mỹ về Trung Đông và Viễn Đông, Mátxcơva dường như đang tiến gần hơn đến Bắc Kinh. Thế giới đang chứng kiến việc trở lại thể chế chính trị cường quốc theo hình mẫu của thế kỷ 19, nhưng với một trục rất khác ở khu vực Âu-Á. Nga cuối cùng dường như đã chấp nhận khái niệm của một thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc sẽ là một đối thủ quan trọng và vai trò của Nga sẽ lệ thuộc vào sự phát triển thành công của Xibêri và Viễn Đông của Nga./.

Theo Jamestown Foundation