Một cách tiếp cận thay thế để đương đầu với Trung Quốc 

Những sự thử sức trong lĩnh vực quản lý nhà nước bằng chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump - việc ông đánh thuế thép và nhôm, và sắp đánh thuế vào các mặt hàng Trung Quốc để phản ứng lại cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ - là những chiến lược tồi để giải quyết các lợi ích của Mỹ. Sau một năm suy tính cách thức để gây sức ép buộc Trung Quốc phải tôn trọng các nguyên tắc thương mại quốc tế, động thái đầu tiên của Trump hầu như không có tác động gì tới Trung Quốc, vì phần lớn kim loại nhập khẩu của Mỹ không phải từ Trung Quốc, mà là từ chính các đồng minh mà Mỹ cần hợp tác để cùng khuyến khích việc tự do hóa ở Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Mỹ, Trung Quốc là nước xuất khẩu thép lớn thứ 10 vào Mỹ, chỉ chiếm 2% tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong năm 2017 (giảm 31% so với năm 2011). Trung Quốc xếp cao thứ hạng cao hơn trong vai trò là nước xuất khẩu nhôm sang Mỹ (đứng thứ 3), chiếm 11% trong tổng số 5 triệu tấn nhôm Mỹ nhập khẩu vào năm 2017. Các loại thuế quan gắn với tài sản trí tuệ sẽ gần như chắc chắn kéo theo sự trả đũa, và trong bất kỳ trường hợp nào sẽ đẩy giá cả lên đối với người Mỹ, đặc biệt với các hộ gia đình thu nhập thấp vốn quen thuộc nhất với hàng nhập khẩu giá rẻ. 

Vì Trung Quốc hiện dường như quyết tâm thay đổi và ít nhấn mạnh hơn đến các yếu tố quan trọng của việc thị trường hóa mà họ đã theo đuổi trong quá khứ, Trump có vẻ tin rằng không có lựa chọn nào khác ngoài một cuộc chiến tranh thương mại. Trên thực tế, có một số lựa chọn. Thứ nhất, nếu các nền kinh tế tiên tiến đưa ra một hàng rào bảo vệ chung gồm các nguyên tắc thị trường đối với Trung Quốc, thì vẫn có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh xu hướng tập quyền trung ương của mình. Nhưng do Trump đả kích các nền kinh tế tiên tiến khác cũng nhiều như với Trung Quốc, nên sự liên kết như vậy không phải là một ván cược đáng tin cậy. Vì thế ngay cả nếu việc đánh giá lại trong thời điểm hiện tại phải được tiến hành thông qua các thỏa thuận song phương thay vì đa phương, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ có thể và nên cùng giải quyết việc ngừng can dự thay vì chỉ trích bừa bãi. Các nước có hệ thống phi hội nhập, có nghĩa là những nước không theo đuổi cùng mô hình quản lý nhà nước cơ bản về kinh tế, không thể can dự và tương tác ở mức độ tương tự như các bên có tư tưởng tương đồng. Không có gì đáng tiếc khi nói rõ điều này. Do đó sẽ cần phải tách rời một khối lượng thương mại và đầu tư nào đó, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu điều này được thực hiện một cách có kiểm soát thay vì bằng cách đơn phương đe dọa, áp dụng các biện pháp bảo hộ, trả đũa và miễn cưỡng leo thang tình hình. 

Khi nào không nên ngừng can dự 

Có nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến có thể tránh cắt đứt quan hệ kinh tế. (Lưu ý rằng lôgích ở đây áp dụng cho cả Mỹ lẫn các nền kinh tế tiên tiến khác.) Chúng bao gồm những hoạt động mà không có sự chuyển giao công nghệ mang lại thông tin độc quyền hay bất kỳ lợi thế chiến lược nào, không có khả năng bị thiệt hại vì phụ thuộc về cung hay cầu vào nước kia, và không mối có lo ngại về việc thị trường của nhau sẽ bị "ăn tươi nuốt sống". Phần lớn hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, dù Trump tuyên bố đó là cơ sở để áp đặt thuế quan cho thép và nhôm. Chúng cũng không đe dọa "sức khỏe" của các hệ sinh thái kinh tế của Mỹ. Các mặt hàng nhập khẩu này gồm những sản phẩm Trung Quốc giá rẻ như quần áo, đồ chơi, đồ nội thất và đồ điện tử tiêu dùng mà người Mỹ thu nhập thấp tin dùng. Chúng gồm hơn 40% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và có thể dễ dàng đưa vào danh sách trắng. Điều này cũng áp dụng với phần lớn hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, trong đó có đồng, gỗ làm giấy, chất dẻo, gỗ khúc, gỗ xẻ và thiết bị y tế. Các sản phẩm này gộp lại chiếm 12% tổng hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Mỹ có thể và nên tiếp tục mua các sản phẩm này từ Trung Quốc và ngược lại. Đương nhiên, cả 2 nước có thể tìm các nguồn hàng hóa này ở nơi khác nhưng sẽ phải đối mặt với giá thành cao hơn nếu làm như thế. 

Theo quan điểm của Trung Quốc, các loại hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc có sử dụng những công nghệ tiên tiến hơn (như chất bán dẫn hay máy bay), hoặc có ý nghĩa then chốt đối với an ninh lương thực (như đậu nành) hay an ninh năng lượng (như dầu lửa, khí đốt và than đá) khó đưa vào danh sách trắng hơn. Nếu Mỹ là nước duy nhất sản xuất các mặt hàng này, hoặc nếu không có khả năng Trung Quốc dự trữ được chúng, giúp họ có nhiều thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình nguồn cung bị cắt đứt như cấm vận, thì Trung Quốc có thể tuyên bố các sản phẩm này không phù hợp để đưa vào danh sách trắng. Thực tế là Trung Quốc có thể tìm thấy nhiều nhà cung cấp thay thế cho phần lớn các sản phẩm này. Nước này cũng có thể tích trữ các mặt hàng, quay sang các nguồn cung thay thế hoặc nếu không thì phải tránh rủi ro bị Mỹ cắt đứt nguồn cung. Do đó, việc hàng hóa của Mỹ chiếm tỷ lệ cao trong số hàng nhập khẩu vào Trung Quốc không nhất thiết loại trừ tiềm năng được đưa vào danh sách trắng. 

Bằng cách làm việc cùng nhau để nhận diện những lĩnh vực thương mại mà trong đó các mô hình chính trị, phát triển và chiến lược đa dạng không gây ra rủi ro đối với an ninh quốc gia, Mỹ và Trung Quốc, cùng các nước tiên tiến khác, có thể giảm phí tổn của việc ngừng can dự. 

Ngừng can dự một cách hòa bình khi cần thiết 

Trong những lĩnh vực mà các nền kinh tế tiên tiến tin rằng làn sóng tập quyền trung ương ở Trung Quốc không đòi hỏi phải có những rào chắn cao hơn, mục tiêu nên là ngừng can dự một cách hòa bình thay vì đe dọa một cách hiếu chiến để phá hoại 40 năm xây dựng mạng lưới toàn cầu. Sẽ có nhiều lĩnh vực mà ở đó hoạt động được khuyến khích trước đây có thể không còn được coi là thích hợp, hoặc có thể cần được rút bớt. Chẳng hạn, để chuẩn bị cho việc Trung Quốc hội nhập với các nguyên tắc kinh tế thị trường, kể từ năm 2000 Mỹ đã cho phép Trung Quốc mua lại các công ty Mỹ mà phần lớn không bị ràng buộc, điều thường không được cho phép giữa các đối thủ cạnh tranh. Quả thực, không có bằng chứng rõ rệt hơn cho thấy những ý định mang tính tự do và hy vọng của Mỹ đối với Trung Quốc so với sự cởi mở với các vụ mua lại này. Trong một loạt lĩnh vực mà Trung Quốc ngăn cấm hoặc hạn chế sự tham gia của nước ngoài - năng lượng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính, xe hơi, truyền thông và giải trí, và những ngành khác - Mỹ và các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vẫn duy trì một cánh cửa rộng mở. Cơ sở dữ liệu của Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài Mỹ-Trung của công ty Rhodium Group cho thấy rõ điều này. Các thước đo sự cởi mở giữa Trung Quốc và các nước đó cho thấy mức độ cởi mở của họ vẫn cách xa nhau như thế nào trong thời điểm này. 

Nếu Trung Quốc không tán thành việc hội nhập trong quá khứ, thì các nền kinh tế tiên tiến hẳn sẽ không mở rộng cửa như họ đã làm với thương mại và đầu tư. Nếu Trung Quốc xa rời mô hình của OECD hiện nay, thì các đối tác trước kia sẽ đòi hỏi phải có sự tương hỗ trong tương lai và đánh giá lại hoạt động hiện có từ thời điểm trong quá khứ. Việc Trung Quốc không hội nhập đã rõ trong các chính sách, như Sản xuất tại Trung Quốc 2025, vốn xác định trước thị phần cho các công ty trong nước và nước ngoài thay vì để các lực lượng thị trường quyết định kết quả. Cạnh tranh là gốc rễ của văn hóa kinh tế và chính trị Mỹ, và gần như của tất cả các nền kinh tế tiên tiến khác. Nếu Trung Quốc đi chệch khỏi hướng đó, thì các nước phương Tây sẽ tự nhiên chuyển từ hội nhập có quản lý sang một điều gì đó mang tính tự vệ hơn. 

Bước ngoặt này sẽ đòi hỏi điều gì? Một mặt, thay vì nói chung coi đầu tư là tốt lành trừ khi được chứng minh là ngược lại (vốn là cách làm hiện tại), các nước phát triển có thể đảo ngược trách nhiệm chứng minh và đề nghị các công ty thuộc những nước phi hội nhập thể hiện sự thân thiện với thị trường của họ trong từng trường hợp. Điều đó có thể bao gồm việc phân tích chi phí vốn của một công ty, các quy chuẩn quản trị, tỷ suất hoàn vốn nội bộ hoặc các biến số khác mà có thể sự bóp méo bị bởi can thiệp nặng nề của nhà nước kiểu Trung Quốc. 

Đối với hoạt động thương mại và kinh tế mà không còn đáp ứng được các tiêu chí để đưa vào danh sách trắng, các quan chức Mỹ và Trung Quốc cần làm việc cùng nhau để quyết định làm thế nào để tiếp tục, thay vì phải dùng đến những mối đe dọa kiểu Chiến tranh Lạnh là cách ly và ngăn chặn. Đối với một số lĩnh vực của thương mại, có thể ngăn chặn việc ngừng can dự bằng cách có các bước để chứng minh rằng không có lý do để lo ngại. Chẳng hạn, nếu vấn đề là quyền tiếp cận thị trường của nhau, thì Trung Quốc có thể có các bước để mở cửa hoàn toàn cho sự tham gia của nước ngoài vào nền kinh tế nội địa của mình. Sẽ có những trường hợp khác mà có thể giảm bớt rủi ro. Chẳng hạn, Mỹ có thể thoải mái với các khoản đầu tư liên doanh hay vai trò thiểu số của Trung Quốc hơn là việc nước này kiểm soát hoàn toàn một thực thể ở Mỹ. Trong thương mại, Mỹ có thể chịu mở cửa cho hàng nhập khẩu từ một nhóm cụ thể các công ty đang hoạt động ở Trung Quốc thay vì đóng hoàn toàn một hạng mục thương mại. Cuối cùng, trong những trường hợp mà cả việc ngăn chặn lẫn giảm rủi ro đều không thực hiện được, việc ngừng can dự hoàn toàn nên được xử lý với mục tiêu ít gây tổn hại và gián đoạn nhất cho khu vực kinh doanh thay vì gây bực dọc cực độ, như các chính trị gia ngày nay đang đe dọa. 

Việc ngừng can dự sẽ gây ra phí tổn nghiêm trọng cho Trung Quốc, Mỹ và các bên thứ 3. Có thể khi Trung Quốc và Mỹ nhìn thẳng vào những hiện thực khắc nghiệt này, với chi phí điều chỉnh có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD trong thập niên tới, họ sẽ tìm kiếm một giải pháp thay thế cho việc ngừng can dự. Nhưng với việc Bắc Kinh đang làm việc nghiêm túc nhằm kết nối hệ thống của mình để không hội nhập với các mô hình kinh tế tiên tiến, điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Liệu Trung Quốc có sẵn sàng hủy bỏ hoặc giảm bớt các chính sách như Sản xuất tại Trung Quốc 2025, với tỷ lệ thị phần được nhà nước định trước cho hàng hóa của Trung Quốc và hàng hóa không phải của Trung Quốc ở trong và ngoài nước? Liệu châu Âu, Nhật Bản, Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác có thể ngủ yên khi cho phép Trung Quốc cạnh tranh đầy đủ ở thị trường của họ mà không được tiếp cận ngược lại thị trường Trung Quốc? Một số người nhận thấy phương Tây giải quyết câu hỏi hóc búa này bằng cách dùng những chính sách giống Trung Quốc. Nhưng mô hình kinh tế "hãy cứ tin tôi đi" của Trung Quốc không khả thi với phương Tây theo tư tưởng tự do. Vẫn chưa rõ liệu thậm chí nó có hiệu quả với Trung Quốc hay không; nhưng với việc nhiều nhóm dữ liệu kinh tế cơ bản không còn được công khai, điều đó rất khó nói. Việc tiết chế chi phí điều chỉnh bằng cách ngừng can dự có quản lý, thay vì mạo hiểm với một cách tiếp cận chiến tranh thương mại không kiểm soát, sẽ là động thái có trách nhiệm. 

Chừa lại không gian để tái can dự trong tương lai 

Nếu Trung Quốc và Mỹ cạn kiệt giải pháp thay thế và chọn con đường ngừng can dự, thì sẽ là khôn ngoan nếu các chuyên gia chính sách của họ tính đến các cơ hội tái can dự trong tương lai, vì sự khác biệt hiện nay về mô hình kinh tế và chính trị có thể không tồn tại mãi. Trung Quốc đã trải qua nhiều chu kỳ yêu-ghét với những ảnh hưởng của nước ngoài lên lịch sử của họ, đặc biệt trong 200 năm qua. Chủ nghĩa bản địa bài ngoại đã ngăn cản Trung Quốc tiềm năng kinh tế của nước này, điều lý giải tại sao vào cuối chu kỳ bài ngoại cuối cùng vào năm 1978, thu nhập tính theo đầu người là khoảng 350 USD/năm - bằng một nửa của Togo trong năm đó. Nếu phương Tây tiếp tục trung thành với thị trường tự do, thì vẫn còn lý do hợp lý để cho rằng cuối cùng Trung Quốc sẽ muốn làm một phần của động lực kéo theo đó và cân nhắc lại những lựa chọn chính sách của mình trong tương lai. 

Mỹ có thể xây dựng các con đường dẫn tới cuộc đối thoại đó bằng cách vạch rõ những yếu tố nào của chủ nghĩa tự do thị trường là cốt yếu, và sau đó phán đoán một cách khách quan liệu Trung Quốc hội nhập với chúng hay tách rời chúng. (Đây là mục đích của chương trình China Dashboard mà Rhodium Group duy trì với Viện chính sách xã hội châu Á Mỹ, vốn theo dõi liệu Trung Quốc có đang tiến hành những cải cách kinh tế họ đã đặt ra vào năm 2013 hay không). Ở cấp chính phủ, ngay cả nếu việc can dự không còn tiêu biểu cho chiến lược của Mỹ, thì nên tận dụng nó để làm giảm rủi ro xung đột với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Điều này có nghĩa đối thoại vẫn là thiết yếu. Nó phải được thực hiện thường xuyên, không phải để tạo ra một vẻ ngoài giả tạo là kết hợp các quy chuẩn mà đơn thuần để tránh những cơn phẫn nộ không cần thiết và phản tác dụng. Không dễ để thắng trong những cuộc chiến tranh thương mại. Mặt khác, về cơ bản không dễ để thua trong các cuộc đối thoại.

Daniel Rosen là Đối tác Sáng lập Tập đoàn Rhodium, Mỹ. Bài viết được đăng trên Foreign Affairs.

Văn Cường (gt)