southchinasea-400x281.jpg

Tổng thống Trump đang tăng cường triệt để các hình thức bảo hộ thương mại quốc gia bằng cách ban hành một loạt biện pháp đơn phương, bao gồm tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu trên cơ sở an ninh quốc gia và thông báo kế hoạch áp thuế lên tới 60 tỷ USD đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sự không chắc chắn trong việc có thể tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ đã khiến các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà thương mại là nguồn lực chính duy trì kinh tế, phải lựa chọn xoay trục để vượt qua các khó khăn do chính sách bảo hộ của ông Trump bằng cách thông qua chính sách ba bước: thúc đẩy các Hiệp định tự do thương mại (FTA) đa phương, tăng cường kết nối khu vực và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế liên vùng.

Nhật Bản và Úc đã đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà không có Mỹ. Thỏa thuận này đã được ký kết vào ngày 8/3 vừa qua và có khả năng sẽ sớm có hiệu lực vào đầu năm 2019, sau khi ít nhất 6 trên 11 quốc gia thành viên thông qua. Mặc dù CPTPP "đóng băng" hay sửa đổi tới 22 điều khoản do Mỹ yêu cầu từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây vẫn được xem là một thỏa thuận tiêu chuẩn vàng. CPTPP giúp loại bỏ tới 95% thuế hàng hóa thương mại giữa các quốc gia thành viên, đồng thời phá vỡ rất nhiều nguyên tắc cơ bản liên quan tới thương mại quốc tế trong thế kỷ 21. CPTPP hứa hẹn đem đến những lợi ích kinh tế to lớn, bất chấp không có sự tham gia của Mỹ.

Một vài quốc gia khác cũng thể hiện ý định tham gia CPTPP. Hàn Quốc cho biết đang xem xét hiệu quả của CPTPP trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Indonesia, Thái Lan và thậm chí cả Anh cũng đều thể hiện sự quan tâm đối với hiệp định này. Thậm chí, Trump cũng đã tuyên bố sẽ quay lại CPTPP khi hiệp định này tạo ra nhiều thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ. Mặc dù vậy, rất khó để khả năng này xảy ra trong ngắn hạn.

Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand. CPTPP thành công sẽ là nhân tố thúc đẩy tiến trình đàm phán RCEP. Các quốc gia thành viên của RCEP tin tưởng rằng đàm phán sẽ kết thúc trong năm 2018, tại thời kỳ Singapore làm Chủ tịch ASEAN. Để thúc đẩy RCEP, ý tưởng về một công thức “RCEP trừ X” đã được thúc đẩy.

Vì RCEP là một thỏa thuận thương mại đa phương bao gồm hầu hết các quốc gia đang phát triển nên hiệp định này sẽ không tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ giống như CPTPP. Tuy nhiên, các thỏa thuận tự do thương mại của RCEP vẫn mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên. Ước tính trong trung hạn, RCEP sẽ đạt tổng phúc lợi vào khoảng 127 tỷ USD, so với mức 35 tỷ USD của CPTPP. Campuchia và Thái Lan được xem là thu lợi nhiều nhất từ hiệp định này.

Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng đang từng bước thúc đẩy kết nối khu vực thông qua phát triển cơ sở hạ tầng, như là một mũi nhọn thứ hai nhằm khắc phục các chướng ngại vật do xu hướng bảo hộ thương mại của Mỹ. Năm 2016, ASEAN công bố kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN, được hy vọng sẽ tạo ra sự liền mạch và kết nối bao trùm và thống nhất ASEAN vào năm 2025. Kế hoạch bao gồm một vài dự án phát triển cơ sở hạ tầng rộng khắp khu vực, ví dụ như xây dựng hệ thống đường sắt ASEAN.

Sáng kiến về việc xây dựng cơ sở hạ tầng chung cho khu vực lấy ý tưởng ban đầu từ kế hoạch “Vành đai và Con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng từ năm 2013. Sáng kiến này có tham vọng kết nối hơn 70 quốc gia trên khắp các lục địa châu Phi - Âu - Á thông qua dự án quy mô lớn bao gồm đường sắt, đường bộ, cầu, cảng và hệ thống đường ống. Bất chấp những lời chỉ trích về việc thiếu minh bạch và các bẫy nợ ngoại giao của Trung Quốc, rất nhiều quốc gia đang phát triển, đang tìm kiếm các nguồn đầu tư tài chính từ bên ngoài, vẫn xem sáng kiến này là một đề xuất hấp dẫn.

Có hai đề xuất kết nối khác có thể được xem là lựa chọn thay thế cho sáng kiến trên. Ấn Độ đang hợp tác với Nhật Bản trong khuôn khổ đề án Hành lang tăng trưởng Á-Phi để phát triển sự liên kết hàng hải dọc châu Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á. Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ cũng đang tham gia một liên kết khác có tên là Quan hệ đối tác Ấn Độ-Thái Bình Dương. Cả hai đề xuất này đều đang trong giai đoạn tham vấn.

Mũi nhọn thứ ba mà châu Á-Thái Bình Dương sử dụng để chống lại sự gia tăng bảo hộ thương mại của Mỹ là thúc đẩy hợp tác kinh tế liên vùng. Ngày 5/3/2018, Philippines phê chuẩn FTA với Hiệp hội tự do thương mại châu Âu. Úc và New Zealand cũng đang hy vọng sẽ bắt đầu đàm phán thương mại với Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay, trong khi ASEAN dự tính sẽ khôi phục tiến trình đàm phán FTA giữa hai khu vực lớn ASEAN và EU trong một vài tháng tới. Tháng 2/2018, Hàn Quốc đã ký FTA với Liên minh các quốc gia Thái Bình Dương (gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru).

Vậy những mẫu thiết kế kiến trúc thương mại khu vực sẽ có hình thái như thế nào? Các quốc gia sẽ hưởng lợi nếu gia nhập nhiều hơn một hiệp định thương mại đa phương. Ví dụ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Việt Nam sẽ tăng 1,5% khi gia nhập CPTPP hoặc 3,3% khi gia nhập RCEP. Nếu Việt Nam tham gia cả 2 hiệp định này, GDP thực tế của quốc gia này sẽ tăng khoảng 4,2%.

Một khi CPTPP được phê chuẩn, các quốc gia chỉ là thành viên của CPTPP như Canada, Mexico, Peru và Chile sẽ tìm kiếm các cơ hội từ các thành viên của RCEP. Một cách đơn giản, các quốc gia chỉ là thành viên của RCEP như Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Myanmar, Phillipines, Hàn Quốc và Thái Lan sẽ tìm kiếm các thành viên của CPTPP. Điều này sẽ dẫn đến kết quả hình thành một khối gồm 20 quốc gia của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các thành viên của cả 2 hiệp định CPTPP và RCEP.

Lợi thế của thành viên kép trong 2 hiệp định là việc thâm nhập được thị trường Trung Quốc và Ấn Độ thông qua RCEP và tạo ra giá trị tiếp cận được với các quy định tiêu chuẩn cao của CPTPP. Các quốc gia thành viên sẽ không phải lựa chọn theo bên nào giữa hiệp định CPTPP do Nhật Bản và Úc dẫn đầu hay RCEP do ASEAN tiên phong. Ông Trump đã làm rất nhiều việc để thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn cả chính khu vực này đã tự thực hiện được.

Tác giả là Phó Giáo sư Pradumna B Rana và nghiên cứu sinh Tiến sỹ Xianbai Ji của trường Đại học quốc tế Rajaratnam thuộc trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Bài viết đăng trên trang “Diễn đàn Đông Á.”

Hương Trà (gt)