Mặc dù là cường quốc ở Thái Bình Dương, nhưng Mỹ vẫn không có một chiến lược châu Á toàn diện. Thực tế, cách tiếp cận của Mỹ với châu Á chỉ tập trung chủ yếu vào khu vực Đông Bắc Á - Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên.


Một cách hợp lý, trong 5 năm qua Mỹ đã có sự chú ý đáng kể đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, kể từ sau Chiến tranh Việt Nam, sự chú ý của Mỹ tới Đông Nam Á luôn ngắt quãng và bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng.


Mặc dù Mỹ có tiềm năng sức mạnh lớn trong khu vực, nhưng chính sách của Mỹ đã không kết nối được các điểm và xây dựng nó thành một chiến lược hợp lý và ăn khớp. Phần còn thiếu cho chiến lược châu Á khôn ngoan chính là một chiến lược lâu dài, nghiêm túc và cân bằng đối với Đông Nam Á.


Giờ là lúc cần tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ đó. Việc Mỹ chưa quan tâm thường xuyên tới khu vực này đã giúp Trung Quốc củng cố được quyền lực ở khu vực này và gây tổn hại dần dần đến lợi ích của doanh nghiệp Mỹ, và rốt cuộc cả hai điều này đều làm giảm khả năng an ninh của Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc bây giờ Mỹ mới tập trung trở lại khu vực là quá muộn.


Chính quyền Obama đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc khỏa lấp khoảng trống này. Tổng thống Obama tự coi mình là "Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ" và mở màn cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN trong đó có cả 10 nhà lãnh đạo của ASEAN.


Các nước ASEAN hiện là nơi tiếp nhận đầu tư của Mỹ nhiều hơn hẳn so với Trung Quốc hay Ấn Độ. Khu vực này cũng là thị trường cho hàng hóa và dịch vụ Mỹ lớn hơn cả hai nước láng giềng của họ. Mỹ cũng có các mối quan hệ xã hội và văn hóa quan trọng với khu vực này, từ giáo dục, nghệ thuật đến các mối quan hệ giữa người dân với người dân.


ASEAN bao gồm 10 nước với hơn 600 triệu dân và tổng
GDP khoảng 1,3 nghìn tỉ USD. Các nước ASEAN cùng nhau cam kết tham gia các chương trình nghị sự toàn cầu.


Đây cũng là nhóm các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại thế giới. Inđônêxia, thành viên lớn nhất của ASEAN và là nước có số dân Hồi giáo ôn hòa đông nhất thế giới.


Về thương mại và đầu tư, ASEAN chiếm 153 tỉ USD đầu tư của Mỹ - nhiều gấp ba lần mức 45 tỉ USD vào Trung Quốc và gần 10 lần mức 16 tỉ vào Ấn Độ.

Con số này thậm chí còn chưa tính tới đầu tư vào ngành dầu khí, với số lượng có thể làm tổng số tiền tăng gấp đôi. Mỹ là thị trường lớn nhất của ASEAN, và ASEAN là thị trường lớn thứ tư của Mỹ, sau NAFTA, EU và Nhật Bản.

 
Cho dù Tổng thống Obama đã nói đến tầm quan trọng của thương mại ở châu Á trong bản Thông điệp Liên bang năm 2010 và trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 9/2009, thực tế là Mỹ vẫn chưa có một chiến lược thương mại rõ ràng. Việc chú ý tới vấn đề quan trọng này trong bối cảnh một chiến lược lớn hơn của Mỹ đối với khu vực sẽ là kịp thời và là chất xúc tác cho những sự tiến triển.


Về các lợi ích an ninh và chiến lược, ASEAN có hai trong số năm đồng minh của Mỹ ở châu Á - Philípin và Thái Lan. Xinhgapo hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ, tạo sự tiếp cận quan trọng với các phương tiện quân sự.


Các nước khác như Inđônêxia và Việt
Nam có những lợi ích chung quan trọng với Mỹ và nhiều khả năng sẽ trở thành các đối tác an ninh và chiến lược gần gũi hơn trong những năm tới.


Ngoài ra, một số tuyến đường vận tải biển quan trọng nhất trên thế giới nằm ở Đông Nam Á - eo biển Malắcca và Biển Đông. Khu vực này cũng có các nguồn tài nguyên quan trọng, trong đó có dầu lửa cũng như các nguồn đa dạng sinh học phong phú nhất trên hành tinh.


Về mặt văn hóa, cho dù trong cả thập kỷ qua các chính sách của Mỹ không được ủng hộ, đặc biệt là chính sách Trung Đông và các cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan, nhưng Mỹ vẫn được coi là một mẫu hình về quản trị, các quyền dân sự và tự do chính trị, kinh tế.


Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính được sử dụng trong kinh doanh và giáo dục - và một lượng lớn sinh viên các nước ASEAN đang theo học tại Mỹ.


Các thế mạnh này ở ASEAN sẽ không thể được duy trì nếu chính sách của Mỹ không thừa nhận và dựa trên có sở đó. Với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và Ấn Độ, các cuộc cạnh tranh để giành thị trường, tâm lý và quân sự cũng ngày càng tăng. Đây là cuộc cạnh tranh mà Mỹ nên hoan nghênh, do vị trí lãnh đạo quan trọng của mình.


Đó là lý do giải thích vì sao một chiến lược toàn diện của Mỹ đối với châu Á sẽ không đầy đủ nếu không có một chiến lược cốt lõi mạnh mẽ và rõ ràng với ASEAN. ASEAN là nơi các quốc gia quan trọng nhất ở châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau và cạnh tranh - và Mỹ không thể rút lui hay đánh giá quá thấp những lợi ích căn bản của mình trong khu vực hết sức quan trọng này.


Theo nghĩa này, một chiến lược ASEAN phải tính tới sự trỗi dậy của cả Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như những lợi ích cốt lõi với các quan hệ đồng minh của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ôxtrâylia. Lối tư duy truyền thống thời hậu thuộc địa là tách Đông Á khỏi Nam Á đã không còn hợp thời.


Ấn Độ có các lợi ích truyền thống về văn hóa, thương mại và kinh tế với Đông Nam Á tương đương với Trung Quốc. Mặc dù trong hai thập kỷ qua Ấn Độ chú ý nhiều đến đối nội hơn Trung Quốc, nhưng các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các nhà giáo dục và nhà làm phim đã tái khám phá ASEAN.

 
Mỹ sẽ được lợi từ việc kéo Ấn Độ vào một cấu trúc khu vực ở châu Á, không vì lý do nào khác ngoài vai trò giúp cân bằng với một nước Trung Quốc đang lên nhanh và rất tập trung.


Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, ASEAN nằm ở trung tâm của các hoạt động thương mại tự do toàn cầu. Đối với ASEAN, đây là một vấn đề sống còn vì đây là tập hợp các nước phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trên thế giới. Thực tế, các nước như Xinhgapo, với kim ngạch thương mại nhiều hơn gấp ba lần
GDP, sẽ không thể tồn tại mà không có thương mại và suy yếu nếu thương mại không gia tăng.


Ngày
1/1/2010, Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực. ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Ôxtrâylia và Niu Dilân - và một FTA với Ấn Độ. Hiện còn có các FTA với Nhật Bản và Hàn Quốc.

 
Các thành viên của ASEAN là Xinhgapo, Brunây và Việt Nam là ba trong số 8 nước sáng lập viên của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (
TPP), và các thành viên ASEAN chiếm một phần ba số thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).


Mỹ hiện có một Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) với ASEAN, mặc dù các cuộc đàm phán hiện không mấy tích cực. Một kế hoạch tốt của Mỹ với ASEAN phải dựa trên đánh giá về việc liệu giá trị kinh tế và chiến lược của một bản FTA giữa Mỹ và ASEAN có đáng để hai bên phải nỗ lực giải quyết những vấn đề vốn đang cản trở các cuộc đàm phán vào thời điểm này hay không.

 
ASEAN cũng là một đối tác chủ chốt trong các vấn đề toàn cầu xuyên quốc gia, như cuộc chiến chống khủng bố. Do người Hồi giáo ở ASEAN rất ôn hòa, nên các nhóm cực đoan đã lợi dụng các khu vực biên giới được kiểm soát mỏng, yếu và các cơ cấu cảnh sát, an ninh đã lỗi thời.


Chúng đã biến một số tổ chức nhỏ trở nên quá khích và tấn công vào nhiều mục tiêu, trong đó có Inđônêxia, Philíppin và Thái Lan. Ngoài ra, các nước ASEAN có vai trò chủ chốt trong các vấn đề xuyên quốc gia như phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, bền vững, kiểm soát dịch bệnh, viện trợ nhân đạo và khắc phục thảm họa.


Tóm lại, Mỹ phải chấm dứt sự thiếu nhất quán về chính sách ở Đông Nam Á như đã diễn ra kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt
Nam . Các lợi ích của Mỹ ở ASEAN là quan trọng. Một chiến lược cân bằng tốt và được xác định rõ ràng đối với ASEAn là cơ sở cho một chính sách thực tế và lâu dài với châu Á.


Nếu không có một cách tiếp cận như vậy, an ninh quốc gia Mỹ và sự phồn thịnh trong tương lai của nước Mỹ sẽ chịu rủi ro nghiêm trọng, và rốt cuộc là sẽ ảnh hưởng tới vị thế cường quốc Thái Bình Dương của Mỹ./.