I.    “Phản ứng khẩn cấp” và nỗi lo âu của Mỹ 

Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương là bộ phận hợp thành quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, cũng là “phản ứng khẩn cấp” trong “thời đại lo âu” hình thành sau khi Mỹ tụt dốc từ đỉnh cao của chủ nghĩa đơn cực. Điều này chủ yếu là do sự trỗi dậy của hai nước lớn mới nổi ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, khiến cho Mỹ thiếu tự tin đối với cục diện đa phương đan xen lẫn nhau của châu Á, lo ngại quyền chủ đạo của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị yếu đi. Do vậy, mới hình thành “thế tiến công ngoại giao” phô trương sức mạnh quân sự của Mỹ, Obama phải tự ra tay, tìm cách thông qua “ngoại giao tiền duyên”, tăng cường quyền chủ đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

1.  Mỹ tụt dốc từ đỉnh cao của chủ nghĩa đơn phương 

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ trở thành nước lớn siêu cường duy nhất trên thế giới, chiến lược chủ nghĩa bá quyền toàn cầu của Mỹ dần dần đi theo con đường chủ nghĩa đơn phương. Trong thời kỳ cầm quyền, Tổng thống Bush (con) đã lần lượt phát động chiến tranh Ápganixtan và chiến tranh Irắc, khiến Mỹ lún sâu vào vũng lầy, tiêu hao sức mạnh quốc gia tổng hợp; cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp của Mỹ diễn biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu, khiến cho sức mạnh của nền kinh tế Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, mâu thuẫn trong nước ngày càng trầm trọng. Tiến trình nhất thể hóa châu Âu cũng đang bị cản trở nghiêm trọng; cuộc khủng hoảng nợ công đang ảnh hưởng đến hệ thống tiền tệ quốc tế với đồng USD là trung tâm kết toán. Cục diện chính trị Nhật Bản liên tục bất ổn, lời kêu gọi của “chiến lược quay trở lại châu Á” ngày một lớn, khiến cho hệ thống đồng minh châu Á, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không ngừng bị thách thức; đàm phán hạt nhân Mỹ-Nga và chính sách “cân bằng hạt nhân” tiến triển chậm, việc bố trí hệ thống đánh chặn tên lửa ở Đông Âu bị cản trở; vấn đề “hạt nhân Bắc Triều Tiên” và “hạt nhân Iran” làm cho Mỹ rất đau đầu, Ấn Độ lại trở thành “quốc gia sở hữu hạt nhân” thực sự, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế bá quyền hạt nhân của Mỹ; tiêu chuẩn kép về vấn đề chống khủng bố cũng như các chính sách ở khu vực châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh của Mỹ bị hoài nghi và chỉ trích ở các nơi. Tất cả những điều này đều khiến cho Chính quyền Obama cảm nhận một cách sâu sắc xu thế phát triển quan hệ quốc tế có “tính không xác định” tương đối lớn. Trong diễn văn khi nhậm chức, Tổng thống Obama cũng buộc phải thừa nhận: “Chúng ta đã lún sâu vào khủng hoảng”. 

Từ vụ khủng bố “11/9” đến nay, sự phức tạp khó lường trong quan hệ quốc tế và khả năng đối phó với các sự kiện phức tạp của Mỹ đã giảm đi, điều này chứng tỏ Mỹ đã bị tụt dốc từ đỉnh cao của chủ nghĩa đơn phương. Cho dù chủ nghĩa bá quyền trong chiến lược toàn cầu của Mỹ thực chất không thay đổi, nhưng tầng lớp xã hội chủ yếu của Mỹ phần lớn đã mắc “chứng lo âu thời đại” và “chứng sợ hãi thế kỷ”. Theo đánh giá điều tra của Viện Brookings và Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) Mỹ về vấn đề trong 10 năm tới, nước nào có hy vọng vượt qua Mỹ thì có 59% số người được hỏi cho là Trung Quốc, 16% cho là Nhật Bản, 25% cho là Ấn Độ. Tâm lý lo ngại sợ nước khác vượt lên, khiến cho Tổng thống Obama nhiều lần tỏ rõ “Mỹ tuyệt đối không thể đứng thứ hai thế giới”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố: “Từ ngày đầu tiên khi Chính quyền Obama lên cầm quyền, chính sách tiếp xúc châu Á chính là việc ưu tiên xem xét của chúng ta”; “mục tiêu cuối cùng của chúng ta chính là duy trì và tăng cường vị thế lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cải thiện tình hình an ninh khu vực, thúc đẩy phồn vinh khu vực, phổ biến quan điểm giá trị của Mỹ”. Do vậy, mức độ quan tâm của Mỹ đối với thế giới đã ưu tiên chuyển sang châu Á, với trọng điểm là Đông Nam Á và Nam Á, mưu đồ thông qua việc kiểm soát khu vực này, tăng cường quyền chủ đạo của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, duy trì “vị thế lãnh đạo” của Mỹ trên thế giới. 

2.   Cục diện đa phương đan xen lẫn nhau ở châu Á 

Trong tiến trình toàn cầu hóa, đa cực hóa thế giới, châu Á trở thành khu vực quốc tế có sức phát triển nhất. Trong tiến trình này, trào lưu hòa bình, phát triển và hợp tác trở thành động lực thúc đẩy chủ yếu nhất, đã hình thành cấu trúc hợp tác và diễn đàn phát triển đan xen lẫn nhau ở châu Á. Tạp chí Economist của Anh gọi mối quan hệ hợp tác và mô hình phát triển này là cục diện đa phương đan xen lẫn nhau. Trong đó, ảnh hưởng của Trung Quốc đã phát huy vai trò quan trọng, điều này làm cho Mỹ cảm thấy bất an. 

Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Ở Đông Bắc Á, sự gắn bó chặt chẽ về kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hình thành “mối quan hệ mật thiết” – “Trong anh có tôi, trong tôi có anh”. Tuy Nhật Bản và Hàn Quốc có quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng “mối quan hệ mật thiết” này đang cân bằng và hạn chế liên minh quân sự và ý thức hệ của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt là việc Trung Quốc đã phát huy vai trò chủ đạo trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và cục diện hòa bình của Đông Bắc Á. Ở Trung Á, “Kế hoạch Đại Trung Á” của Mỹ chính là muốn lấy cuộc chiến Ápganixtan làm trọng điểm, lấy việc chống khủng bố làm trục chính, để bao vây Trung Quốc, tấn công vào mạn sườn của Nga, tiến hành thâm nhập đối với các nước Trung Á. Trong “Tổ chức hợp tác Thượng Hải” (SCO), Trung Quốc và Nga đã liên hợp với các nước Trung Á khác tấn công chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai, đồng thời hình thành cấu trúc hợp tác về các mặt như kinh tế, an ninh, năng lượng, tất cả những điều này đã kiềm chế mạnh mẽ chiến lược Trung Á của Mỹ. Ở Nam Á, Mỹ xác định Ấn Độ là con bài cân bằng chiến lược ở châu Á”, mưu đồ lợi dụng mâu thuẫn về vấn đề biên giới và Tây Tạng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, để kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Nhưng chủ nghĩa dân tộc và chiến lược “ngăn chặn xâm nhập khu vực” mạnh mẽ của Ấn Độ, khiến cho chiến lược Nam Á của Mỹ rất khó thực hiện. Trái lại, việc Trung Quốc và Ấn Độ thông qua quan hệ đa phương của “BRICS” và quan hệ song phương Trung-Ấn, không những khiến cho mối quan hệ kinh tế thương mại phát triển đi lên, mà còn có lợi ích và lập trường tương đồng hoặc gần giống nhau trong rất nhiều vấn đề quốc tế. Ở Đông Nam Á, các cấu trúc hợp tác kinh tế nhiều tầng nấc đã làm nổi bật vai trò chủ đạo của các nước ASEAN, các cấu trúc hợp tác kinh tế như “ASEAN+1”, “ASEAN+3” đã thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực, củng cố các diễn đàn hợp tác như “Diễn đàn khu vực ASEAN” (ARF), “Hội nghị cấp cao Đông Á” (EAS). Ngoài ra, còn có Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đều đang phát huy vai trò quan trọng trong những cơ chế hợp tác này. Về mối liên hệ kinh tế giữa Đông Nam Á và Nam Á, “Diễn đàn hợp tác giữa 4 nước Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađét và Mianma” đã phát huy vai trò giao lưu và thúc đẩy. Ấn Độ đã trở thành nước quan sát viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Trung Quốc cũng trở thành nước quan sát viên của “Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á”. 

Những cấu trúc nhiều tầng nấc và diễn đàn hợp tác này khiến cho Mỹ nảy sinh cảm giác trống rỗng và thất vọng mạnh mẽ. Để đối phó với cục diện đa phương đan xen lẫn nhau của châu Á, Mỹ cho rằng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) do Mỹ chủ đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã quá rời rạc, Mỹ đã né tránh “Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mê Công mở rộng” do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chủ đạo, và đứng ra tổ chức “Chương trình hợp tác Mỹ và các nước hạ lưu sông Mê Công” với sự tham gia của Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào do Mỹ chủ đạo, để loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều quan trọng hơn nữa là Mỹ cùng với các nước sáng lập là Chilê, Xinhgapo, Niu Dilân, Brunây, thu hút Ôxtrâylia, Pêru, Việt Nam, Nhật Bản tham gia Tổ chức “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP), thậm chí còn muốn thu hút Đài Loan cùng tham gia, thành lập tổ chức khu vực có tính chất kinh tế thực dân, để bảo vệ và củng cố vị thế bá quyền và vai trò chi phối của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

3.   Mỹ phô trương sức mạnh quân sự để bao vây Trung Quốc 

Năm 2011 là năm có nhiều sự kiện của khu vực Đông Á. Để đối phó với cuộc bầu cử trong nước vào năm 2012, Obama nhấn mạnh Mỹ là “Quốc gia Thái Bình Dương”, tuyên bố mình là “Tổng thống Thái Bình Dương”, đưa sự chú ý và bất mãn của công chúng Mỹ hướng ra bên ngoài. Trực tiếp nhằm vào khu vực Đông Á, cao giọng “Quay trở lại châu Á”, lấy thủ đoạn “can dự sâu sắc”, để can thiệp vào các công việc châu Á từ ba mặt kinh tế, chính trị, quân sự, chèn ép không gian chiến lược của Trung Quốc, phát động thế tiến công chiến lược “ngoại giao tiền duyên”, xây dựng lại hình tượng bá chủ của Mỹ ở châu Á, duy trì quyền chủ đạo trong các sự vụ của châu Á. 

Sáu tháng đầu năm 2011, nhân “vụ tàu Cheonan” xảy ra giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, Mỹ đã điều động đội tàu sân bay, kết hợp với Nhật Bản và Hàn Quốc, tổ chức tập trận quân sự quy mô lớn trên vùng biển Hoàng Hải cửa ngõ của Bắc Kinh – Thiên Tân Trung Quốc. Điều này không chỉ tạo nên tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, mà còn tạo nên mối đe dọa hiện thực cho an ninh quốc phòng của Trung Quốc. Trung Quốc bình tĩnh đối phó với tình hình này, về quân sự có sự chuẩn bị cần thiết, về ngoại giao điều chỉnh lập trường với Nga và Bắc Triều Tiên; về đạo nghĩa, đã phản đối và vạch trần âm mưu của Mỹ, hóa giải một cách có hiệu quả cuộc khủng hoảng này. 

Sáu tháng cuối năm 2011, “thế tiến công mùa Đông” của Mỹ ngày càng mạnh mẽ. Obama đích thân dẫn theo phái đoàn ngoại giao hùng hậu đến thăm châu Á, tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á. Ở Ôxtrâylia, Obama đề xuất tăng cường hợp tác phòng vệ giữa hai nước, dự định trong vòng 5 năm sẽ điều động 2500 lính thủy đánh bộ từ Nhật Bản đến đồn trú tại nước này. Mục đích của việc làm này chủ yếu là muốn xây dựng căn cứ bao vây bên ngoài, triển khai “Tác chiến liên hợp không quân – hải quân” ở các khu vực tung thâm chiến lược Tây Thái Bình Dương, Đông Ấn Độ Dương, Châu Đại Dương, để cùng với đảo Guam tạo nên thế gọng kìm, khi Biển Đông hoặc eo biển Đài Loan xảy ra chuyện gì sẽ nhanh chóng cung cấp chi viện chiến lược. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á, Obama có ý đồ đưa vấn đề chủ quyền Biển Đông vào chương trình nghị sự, bao vây công kích Trung Quốc. Đầu tháng 12/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến thăm Mianma, hứa xóa bỏ trừng phạt cho nước này, nhưng với điều kiện là Minama phải tiến hành cải cách dân chủ và tránh xa Trung Quốc. Tất cả những điều này cho thấy “bao vây Trung Quốc” là ý đồ chiến lược quan trọng trong việc Mỹ cao giọng “Quay trở lại châu Á”. 

Mùa Xuân năm 2012, Mỹ cùng với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo, Thái Lan, Inđônêxia và Malaixia, tổ chức cuộc tập trận quân sự “Hổ mang vàng 2012”. Khu vực của lần tập trận này tương đối nhạy cảm, từ Vịnh Thái Lan ở miền Đông Nam Thái Lan có thể trực tiếp ra thẳng Biển Đông, từ biển Andaman ở miền Tây và miền Nam Thái Lan đi xuống phía Nam có thể ra thẳng eo biển Malắcca. Việc tiến hành tập trận quân sự quy mô lớn ở đây, ngoài việc thọc sâu hơn nữa vào vấn đề Biển Đông, còn tăng cường khả năng kiểm soát của Mỹ đối với eo biển Malắcca, từ đó chẹn lấy “yết hầu” của các tuyến đường hàng hải vận chuyển năng lượng của Trung Quốc. Tiếp đến, Mỹ lại tiến hành tập trận đổ bộ với Hàn Quốc, điều này làm cho mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên tăng lên, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng gay gắt. Tháng 4/2012, Mỹ lại tiến hành tập trận quân sự chung với Philíppin, lần đầu tiên đưa ra cơ chế tham dự nhiều bên, mời hơn 20 nước tham gia và quan sát cuộc tập trận. Hành động quá khích mà Mỹ đã áp dụng, bề ngoài cho thấy là nhằm vào Trung Quốc, trên thực tế có hàm nghĩa chiến lược sâu xa hơn. Tính toán chiến lược của Mỹ là cần phải thông qua việc phô trương sức mạnh quân sự để gây sức ép, tiến hành “lôi kéo chia rẽ” trong các nước châu Á, làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc, củng cố vị thế bá quyền của Mỹ. 

II.   Những tính toán địa chính trị trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ 

Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là bộ phận nổi bật trong chiến lược bá quyền toàn cầu của nước này. Xem xét từ góc độ địa chính trị, sau khi cục diện hai cực tan rã, Mỹ chuyển trọng điểm chiến lược từ châu Âu sang châu Á, nhưng từ trước đến nay Mỹ chưa từng rời khỏi châu Á. Cái gọi là “Quay trở lại châu Á”, chẳng qua chỉ là để phản ánh việc Mỹ tái tăng cường sự hiện diện ở châu Á do chống khủng bố đã nới lỏng việc quan tâm đối với Đông Á. Để bảo đảm chắc chắn vị thế bá quyền ở châu Á, nội hàm sâu xa trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ có mấy điểm sau: 

1.   Lấy việc củng cố quan hệ đồng minh truyền thống ở châu Á-Thái Bình Dương làm nền tảng 

Chiến lược an ninh quốc tế của Chính quyền Obama nhấn mạnh “Đồng minh là bộ máy tăng cường sức mạnh”, các nhiệm kỳ chính phủ Mỹ đều cho rằng vị thế tối cao của Mỹ trên toàn cầu được tạo dựng bởi hệ thống vững chắc do các đồng minh và liên minh tạo nên bao phủ toàn cầu”. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là lấy việc củng cố quan hệ đồng minh truyền thống ở châu Á-Thái Bình Dương làm nền tảng, tăng cường sự khống chế và lợi dụng các nước đồng minh, hoặc lôi kéo các nước làm tay sai cho Mỹ, để Mỹ thừa cơ trục lợi. 

Đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin, Thái Lan, Pakixtan và Ôxtrâylia. Nhật Bản là nước bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, việc Mỹ xây dựng nhiều căn cứ quân sự tại nước này, một mặt là muốn kiềm chế Nhật Bản; mặt khác, thực hiện chính sách giúp đỡ Nhật Bản, tìm cách phát huy vai trò chủ đạo của Nhật Bản ở châu Á. Trên nền tảng phát triển kinh tế, việc Nhật Bản đang chuyển đổi theo hướng “quốc gia bình thường”, chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn với Mỹ . Những năm gần đây, nội các Nhật Bản liên tiếp thay đổi, điều này cũng đã phản ánh mối quan hệ tế nhị giữa kiềm chế và kiểm soát trong xu hướng chiến lược của Mỹ và Nhật Bản. Sau “vụ tàu Cheonan” và “vụ pháo kích ở đảo Yeonpyeong”, quan hệ Mỹ-Hàn có phần tăng cường, Mỹ tìm cách thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc xây dựng đồng minh quân sự, nhưng do tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo (Nhật Bản gọi là Takeshima), Mỹ rất khó liên kết hai nước này lại với nhau. Philíppin từng là thuộc địa của Mỹ, việc Mỹ lợi dụng mối quan hệ trước kia với Philíppin, xúi giục Philíppin “gây chuyện” trong vấn đề Biển Đông, đã gặp phải sự ngăn cản của Trung Quốc. Thái Lan từng tham gia “Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á”, từng có một quãng thời gian có quan hệ đồng minh quân sự với Mỹ. Sau khi tổ chức này tan rã, Thái Lan phát triển ngoại giao đa nguyên, quan hệ đồng minh với Mỹ đã vô cùng phai nhạt. Pakixtan từng là nước đồng minh của Mỹ ở Nam Á, những năm gần đây, do Mỹ nhiều lần xâm phạm chủ quyền của Pakixtan trong vấn đề chống khủng bố, nên quan hệ Mỹ-Pakixtan đã rất căng thẳng. Ôxtrâylia ở tận Châu Đại Dương, có mối quan hệ đồng minh tương đối mật thiết với Mỹ. Nhưng Trung Quốc và Ôxtrâylia là đối tác thương mại của nhau, nếu Ôxtrâylia cùng Mỹ tham gia bao vây Trung Quốc, thì bản thân nước này cùng bị tổn hại. Gần đây, thế giới lưu truyền rộng rãi tin Mỹ, Ôxtrâylia và Ấn Độ muốn kết thành liên minh tam giác để chống lại Trung Quốc, nhưng Ôxtrâylia và Ấn Độ đều phủ nhận điều này. 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của việc Mỹ “Quay trở lại châu Á” là điều chỉnh mối quan hệ đồng minh truyền thống, nhưng vì Mỹ thực hiện rộng rãi chính sách bá quyền toàn cầu, đòi hỏi các nước đồng minh lấy lợi ích và xu hướng ngoại giao của Mỹ làm tiêu chí hành động, điều này chắc chắn phải khiến cho các nước đồng minh phải đưa ra “nhượng bộ chủ quyền” tương đối nhiều, làm tổn hại lợi ích các nước này. Trước xu thế lớn của toàn cầu hóa, đa cực hóa trên thế giới, xu hướng giá trị của địa chính trị không thể thay thế xu hướng lợi ích của bản thân các nước. Vì vậy, nền tảng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là phải củng cố mối quan hệ đồng minh truyền thống, nhưng muốn đạt được mục đích này cũng không dễ dàng.

2.   Lấy việc hóa giải những biến số không xác định do sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ đưa tới làm trọng điểm 

Bộ phận trọng điểm trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là phải hóa giải thách thức của những biến số không xác định do sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ đưa tới. Từ tổng lượng kinh tế cho thấy Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành thể kinh tế lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ phát triển nhanh chóng đang bám sát theo sau Nhật Bản trở thành thể kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Do vậy, Mỹ cho rằng sự trỗi dậy của các nước mới nổi đưa tới những thách thức và mối đe dọa đối với mô hình phát triển và lợi ích quốc gia của Mỹ. 

Về mô hình phát triển, Mỹ cho rằng toàn cầu hóa chính là “Mỹ hóa”, là “Tư bản chủ nghĩa hóa” dưới sự chỉ đạo của “Chủ nghĩa tự do mới”. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ đã xây dựng hệ thống bá quyền tiền tệ quốc tế với đồng USD làm đơn vị kết toán, đi theo con đường kinh tế thị trường tự do lấy “chính trị dân chủ” làm chủ đạo. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hầu như mỗi năm Mỹ đều phát động hoặc chủ đạo một cuộc chiến tranh cục bộ ở các khu vực nhạy cảm trên thế giới, dùng sức mạnh kinh tế và thực lực quân sự hùng hậu, để phổ biến rộng rãi “giá trị dân chủ” và “mô hình bành trướng” của mình. Sau khi cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn năm 2007 của Mỹ bùng nổ, thế giới nhanh chóng hình thành cuộc khủng hoảng tiền tệ, đã làm suy yếu Khu vực đồng euro (Eurozone), gây ra cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, khiến cho mô hình kinh tế chủ nghĩa tự do mới mất hết uy tín, thậm chí tự người Mỹ cũng cho rằng “chủ nghĩa tự do mới là nguyên nhân sâu sa của cuộc khủng hoảng tiền tệ lần này”. Theo dự tính của Ngân hàng thế giới (WB), trước hoặc sau năm 2050, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ lên đứng đầu thế giới, Mỹ sẽ bị tụt xuống vị trí thứ 2; còn vào năm 2013, tổng lượng kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản lên đứng thứ 3, Nga sẽ đuổi kịp Anh lên đứng vị trí thứ 6, Braxin sẽ vượt Pháp lên đứng vị trí thứ 8. Trong các nước mới nổi, “mô hình Trung Quốc” được đánh giá tốt. Trung Quốc được lợi từ việc thực hiện cải cách mở cửa, đi theo con đường phát triển hòa bình, là mô hình kết hợp giữa Chính phủ chủ đạo và kinh tế thị trường dưới sự chỉ đạo của hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội mang nét đặc sắc Trung Quốc. Mỹ không thừa nhận địa vị kinh tế thị trường của Trung Quốc, trái lại còn lên án mô hình phát triển của Trung Quốc là “mô hình kinh tế uy quyền”. Giới kinh tế Mỹ phổ biến cho rằng “mô hình Ấn Độ” ưu việt hơn “mô hình Trung Quốc”, mô hình kinh tế của Ấn Độ mới là mô hình phát triển của nhà nước dân chủ, thành tựu kinh tế của Ấn Độ đã chứng minh “chủ nghĩa tập trung dân chủ của Trung Quốc không phải là nhân tố tất yếu trong tăng trưởng kinh tế”. Một mặt, Mỹ lôi kéo Ấn Độ kiềm chế Trung Quốc; mặt khác, lại có tâm lý đề phòng cảnh giác đối với Ấn Độ. Tuy Ấn Độ theo đuổi “thế cân bằng chiến lược”, tìm kiếm cơ hội phát triển trong việc cân bằng các nước lớn, nhưng Mỹ vẫn có tâm lý cảnh giác đề phòng mạnh mẽ đối với sự trỗi dậy nhanh chóng của Ấn Độ. 

Từ trước đến nay, Mỹ luôn lấy lôgích bá quyền để duy trì lợi ích quốc gia của mình. Lôgích này đã thể hiện tính cường quyền và tính ký sinh của chủ nghĩa bá quyền. Lấy Ấn Độ là ví dụ, Mỹ gửi gắm hy vọng rất lớn đối với Ấn Độ, tìm cách nuôi dưỡng Ấn Độ trở thành lực lượng quan trọng kiềm chế Trung Quốc. Nhưng khi Mỹ trừng phạt Iran, cấm nước này xuất khẩu dầu lửa, trái lại Ấn Độ lại tăng lượng nhập khẩu dầu lửa từ Iran, Mỹ lập tức tiến hành gây sức ép và kiềm chế các công ty xuyên quốc gia của Ấn Độ. Lại lấy Trung Quốc làm ví dụ, từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng hơn 180 lần, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất và nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là 6.000 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người là 29.748 nhân dân tệ, tương đương 4.500 USD, điều này có tác dụng kích thích đối với sự phục hồi kinh tế của Mỹ; còn GDP cùng năm của Mỹ đạt 14.120 tỷ USD, gấp hơn hai lần của Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người 47.132 USD, gấp 10,5 lần Trung Quốc. Thực lực kinh tế của Trung Quốc và Mỹ vẫn quá chênh lệch, nhưng Mỹ lại ra sức tô vẽ “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”. Sự trỗi dậy của các nước mới nổi, không những không đe dọa đến lợi ích quốc gia của Mỹ, mà còn có tác dụng điều hòa nền kinh tế thế giới. Nhưng Mỹ luôn sợ các nước mới nổi phát triển sẽ làm lung lay nền tảng chủ nghĩa bá quyền của Mỹ, tìm cách thông qua việc lấy hình thức TPP để xây dựng “Đế quốc Thái Bình Dương”, thống trị toàn thế giới. Điều này không còn nghi ngờ gì nữa là muốn biến những nước này thành “nước phụ thuộc” vào Mỹ, thực hiện mô hình kinh tế thực dân trong khu vực. Vì thế trong diễn văn tranh cử, Tổng thống Putin chỉ trích Mỹ là “Ký sinh trùng của thế giới”. Sở dĩ chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ muốn chèn ép sự trỗi dậy của các thể kinh tế mới nổi, không chỉ vì sợ các nước châu Á (bao gồm cả Nhật Bản) vượt qua Mỹ, mà điều quan trọng hơn nữa là bảo vệ trật tự kinh tế chính trị quốc tế cũ dưới sự thống trị của thể chế bá quyền Mỹ, khiến cho kết cấu của cải thế giới có thể có lợi một cách lâu dài cho Mỹ. 

3.   Lấy việc nhúng tay vào các vấn đề nhạy cảm điểm nóng làm thủ đoạn 

Mục tiêu cơ bản trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là phải tăng cường quyền chủ đạo của Mỹ đối với các công việc châu Á-Thái Bình Dương, từ đó bảo vệ địa vị bá quyền của Mỹ trên thế giới. Trong điều kiện toàn cầu hóa, đa cực hóa, quan niệm thống trị thế giới của Mỹ xưa nay coi trọng “quản lý” mang tính khu vực, thông qua việc nhúng tay vào các vấn đề nhạy cảm điểm nóng, tạo ra tình hình căng thẳng trong khu vực, để kiểm soát và làm suy yếu các nước liên quan, tỏ rõ vị thế “lãnh đạo” của Mỹ. 

Châu Á là khu vực quốc tế có nhiều vấn đề nhạy cảm điểm nóng nhất. Ở Đông Bắc Á, việc Mỹ lợi dụng vấn đề “hạt nhân Bắc Triều Tiên” để làm to chuyện, tạo ra tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là có nhiều mục đích. Một là cô lập và tấn công Bắc Triều Tiên, hai là kiềm chế Trung Quốc và Nga, ba là củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, Hàn-Mỹ. Ở Trung Á, Mỹ thực hiện rộng rãi tiêu chuẩn kép về chống khủng bố, từ chối việc dẫn độ các phần tử khủng bố mang quốc tịch Trung Quốc về nước xét xử. “Kế hoạch Đại Trung Á” của Mỹ, là muốn thúc đẩy “tiến trình dân chủ hóa” ở các nước Trung Á, cho dù sau khi rút quân khỏi Ápganixtan, Mỹ cũng thông qua các thủ đoạn như “Cách mạng màu sắc”, “nhân quyền và dân chủ”, để phá vỡ sự ổn định an ninh của khu vực này, làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga ở Trung Á. Ở Nam Á, Mỹ thực hiện đường lối “coi trọng Ấn Độ xem nhẹ Pakixtan”, Pakixtan là nước tiền tuyến chống khủng bố, nhưng Mỹ lại bán nhiều vũ khí tối tân cho Ấn Độ, ủng hộ nước này tăng thêm quân đội ở khu vực biên giới Trung-Ấn, tìm cách thông qua tình hình căng thẳng ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ để kiềm chế sự phát triển của hai nước này. Ở Đông Nam Á, Mỹ tìm cách dùng phương thức chủ đạo Hội nghị cấp cao Đông Á, kiểm soát phương hướng phát triển của các nước ASEAN,, Mỹ còn có thể lấy cớ là thúc đẩy “dân chủ hóa Mianma”, để gây phiền phức cho Trung Quốc. Phía Tây Nam Trung Quốc rất có thể trở thành khu vực nhạy cảm đưa tới mâu thuẫn trong quan hệ Trung-Mỹ. 

III. Những ảnh hưởng từ chiến lược châu Á Thái Bình Dương của Mỹ đối với an ninh xung quanh Trung Quốc 

Tuy “Bao vây Trung Quốc” không phải là mục tiêu duy nhất trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, nhưng lại là nội dung quan trọng trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Chính quyền Obama thực hiện sách lược “hợp tác + kiềm chế” đối với Trung Quốc, chơi nước cờ “khuấy đục nước” ở Đông Á, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ khiến cho cục diện an ninh xung quanh Trung Quốc bị chấn động. 

1.  Cản trở tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á 

Về phương diện kinh tế, Mỹ quan ngại đối với sức sống kinh tế và sự phát triển nhanh chóng của khu vực Đông Á, đặc biệt là rất cảnh giác trước sự liên hệ và giao lưu về kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Để đề phòng Đông Á xuất hiện tổ chức nhất thể hóa kinh tế bài xích Mỹ, Mỹ ra sức cản trở tiến trình nhất thể hóa kinh tế Đông Á, từng lần lượt phủ quyết ý tưởng thành lập “Nhóm kinh tế Đông Á” (EAEG) do cựu Thủ tướng Malaixia Mahathir Mohamad đề xuất, cũng phản đối ý tưởng thành lập “Quỹ tiền tệ châu Á” do Nhật Bản khởi xướng. Chính quyền Obama cũng rất đề phòng đối với sự phát triển mạnh mẽ của Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN, chuyển sang đề xuất tổ chức TPP. Mỹ còn lấy việc mở rộng thương mại nhập khẩu làm mồi nhử để lôi kéo các nước ASEAN, đồng thời lấy vị thế bá quyền tham gia Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, tìm cách khiến cho Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN dần dần bị “rỗng ruột hơn”, hạ thấp ảnh hưởng của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Mâu thuẫn tiếp theo về kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, sẽ chủ yếu tập trung vào sự liên hệ kinh tế giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc, có thể ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ sẽ bố trí rào cản trong các vấn đề như tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, quyền sở hữu trí tuệ, thương mại mất cân bằng, lượng khí thải CO ­ 2, mua công trái Mỹ, theo đuổi tối đa hóa lợi ích kinh tế ở Đông Á, giảm bớt sức ép nền kinh tế trong nước đang suy sụp. 

2.  Thúc đẩy quốc tế hóa “tranh chấp Biển Đông” 

Về phương diện chính trị, Mỹ rêu rao “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”, hăm dọa các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc. Đặc biệt là trong “vấn đề Biển Đông”, Mỹ lôi kéo một số quốc gia ASEAN đưa ra thách thức chủ quyền đối với Trung Quốc, mưu đồ tạo ra cục diện phức tạp nhiều nước cùng chống lại Trung Quốc, “vấn đề Biển Đông” có thể trở thành nội dung quan trọng của cuộc đọ sức chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton còn đích thân đưa ra vấn đề “Quyền tự do hàng hải” trên Biển Đông, gây sức ép với Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ còn có thể lợi dụng các vấn đề như “tiến trình dân chủ hóa” của Mianma, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, đảo Điếu Ngư và các mỏ dầu khí ở biển Hoa Đông để gây khó dễ đối với Trung Quốc, chỉ trích Trung Quốc “không có trách nhiệm”. Trong một số vấn đề điểm nóng của cộng đồng quốc tế, Mỹ còn thường xuyên lấy “trách nhiệm nước lớn” để gây sức ép với Trung Quốc. Ví dụ trong các vấn đề như khí hậu thế giới, kinh phí và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, yêu cầu Trung Quốc đảm nhận nghĩa vụ quốc tế không phù hợp với khả năng phát triển của Trung Quốc, tìm cách tạo sự mất tín nhiệm đối với Trung Quốc ở các nước đang phát triển. Điều đặc biệt đáng chú ý là Mỹ còn kích động Ấn Độ gây rắc rối trong các vấn đề như biên giới Trung-Ấn và chọn người kế tục sau khi Đạtlai Lạtma qua đời..., làm trầm trọng hơn nữa tình hình căng thẳng biên giới Trung-Ấn. Ấn Độ thực hiện chính sách Hướng Đông, cũng đang lôi kéo các nước ASEAN  tìm cách thâm nhập vào “vấn đề Biển Đông”, tìm kiếm lợi ích trong đó. Toan tính của Mỹ là muốn lợi dụng tranh chấp Biển Đông để kiềm chế và chia cắt vùng biển của Trung Quốc, tạo bầu không khí mất tin cậy trong các nước xung quanh Trung Quốc, đạt được mục đích bao vây Trung Quốc. 

3.      Lấy “Tác chiến liên hợp không quân - hải quân” để tiến hành răn đe chiến lược 

Về phương diện quân sự, Mỹ đã đưa ra lý luận “Tác chiến liên hợp không quân - hải quân”. Mỹ cho rằng “Sự đầu tư vào chiến tranh mạng, vũ khí chống vệ tinh, vũ khí phòng không và chống tàu, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo của Bắc Kinh, có thể đe dọa đến việc Mỹ sử dụng các biện pháp quan trọng hàng đầu để điều động vận chuyển binh lực, giúp đỡ các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương, Mỹ phải bảo đảm chắc chắn có sự răn đe chiến lược đáng tin cậy”. Lý luận “Tác chiến liên hợp không quân - hải quân” của Mỹ là để đối phó với chiến lược “chống can thiệp” của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Mười “cuộc chiến tận thế” lớn mà các phương tiện truyền thông phương Tây dự đoán, bao gồm “sự tan rã của Pakixtan”, “sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên”, “Đại chiến Biển Đông”, “Chiến tranh eo biển Đài Loan”..., tuy trong một thời gian ngắn chưa thể xảy ra, nhưng vai trò răn đe chiến lược của lý luận “Tác chiến liên hợp không quân - hải quân” của Mỹ chắc chắn sẽ tạo nên sự chấn động về tâm lý đối với các nước láng giềng xung quanh Trung Quốc, một số nước không ngừng tăng cường trang thiết bị quân sự, mua vũ khí trang thiết bị từ nước ngoài, hình thành tình thế chạy đua vũ trang, đề phòng Trung Quốc. Ngoài ra, để cản trở sự nghiệp thống nhất của Trung Quốc, ngoài việc tăng cường bán vũ khí quân sự cho Đài Loan, tại Đông Á Mỹ còn lợi dụng sức mạnh của lực lượng không quân và hải quân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, tiến hành tập trận quân sự liên tiếp, tạo bầu không khí căng thẳng trên biển Hoa Đông, Hoàng Hải. 

IV.Suy ngẫm về việc đối phó với chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ 

Quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn liên quan đến sự khôi phục kinh tế và tiến bộ phồn vinh của thế giới. Trước tình hình căng thẳng do chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đưa tới, người dân và giới chiến lược của Trung Quốc cũng có những đánh giá khác nhau, nhưng xem xét từ cục diện lớn thế giới, mấy mặt sau có thể sẽ thu hút được sự quan tâm cao độ của chúng ta. 

1.   Công khai tuyên bố giới hạn cuối cùng về an ninh trong con đường phát triển hòa bình Trung Quốc 

Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, xưa nay luôn có tư duy quân sự và trí tuệ chính trị “thận trọng trong chiến tranh”. Việc Trung Quốc đi con đường phát triển hòa bình, không phải là kế sách tạm thời, mà là quốc sách đã định. Nhưng phát triển hòa bình có giới hạn cuối cùng về an ninh của nó. Chỉ cần nước khác không xâm phạm, không làm tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không phá hoại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì Trung Quốc đều có thể “Chung sống hòa bình, đối xử bình đẳng” với tất cả các nước trên thế giới, bao gồm cả các nước có chế độ xã hội khác nhau. 

Quan hệ song phương Trung-Mỹ phát triển đến ngày nay, đã thể hiện rõ hiện trạng “ngày càng mật thiết nhưng cũng ngày càng phức tạp”. Tháng 1/2011, trong cuộc hội đàm chính thức giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên đạt được nhận thức chung, xác định quan hệ Trung-Mỹ là “Quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi”. Điều mà Trung Quốc theo đuổi là sự hài hòa trong quan hệ quốc tế, giành lấy môi trường quốc tế hòa bình cho sự phát triển của Trung Quốc. Còn quan niệm lãnh đạo thế giới của Mỹ nhấn mạnh vị thế bá quyền của Mỹ và phồn vinh dưới sự chủ đạo của quan niệm giá trị Mỹ. Trung Quốc đã tuyên bố với thế giới rằng “không bao giờ xưng bá”, nên không thể hình thành thách thức, càng không thể tạo thành mối đe dọa đối với “vai trò lãnh đạo” của Mỹ. Tháng 5/2011, văn kiện khung được hình thành trong Đối thoại chiến lược Trung-Mỹ nêu rõ: “Mỹ hoan nghênh Trung Quốc phát huy vai trò lớn hơn trong các công việc kinh tế quốc tế. Trung Quốc thừa nhận vai trò quan trọng của Mỹ trong hệ thống kinh tế quốc tế và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời hoan nghênh Mỹ tham gia việc ổn định và phồn vinh kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đưa ra những đóng góp cho khu vực này”. Điều chủ yếu chưa giải quyết được trong quan hệ Trung-Mỹ là ở chỗ Mỹ thiếu hụt “sự tín nhiệm” cơ bản nhất đối với giới hạn cuối cùng trên con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc, ngôn hành bất nhất và tâm lý hoài nghi chiến lược của Mỹ là nguyên nhân chủ yếu gây nên mâu thuẫn giữa hai bên. Sau này quan hệ Trung-Mỹ phát triển ra sao, có lẽ vẫn còn phải mất một thời gian dài mới có thể hòa hợp. 

Ở xung quanh Trung Quốc, còn có một số quốc gia muốn dựa vào Mỹ, bất chấp giới hạn cuối cùng trên con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc, gây hấn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhìn nhận một cách sai lầm rằng Trung Quốc “sợ” Mỹ, “không dám sử dụng vũ lực”. Điều này là đánh giá hoàn toàn sai lầm tình hình. Việc Trung Quốc đi con đường phát triển hòa bình là chân chính, không có gì phải nghi ngờ, nhưng Trung Quốc tuyệt đối không hy sinh lợi ích cốt lõi của bản thân để đổi lấy hòa bình, “người không phạm ta, ta không phạm người; người nếu phạm ta, ta tất phạm người”. Để tránh nảy sinh những phán đoán sai lầm về chiến lược, khi nhấn mạnh con đường phát triển hòa bình, Trung Quốc phải tuyên bố “giới hạn cuối cùng” của mình với thế giới, cái nào là những lợi ích mà Trung Quốc “phải đấu tranh, phải bảo vệ, phải giữ vững”. 

2.   Tăng cường kết nối lợi ích chung, tạo dựng mối quan hệ xung quanh hài hòa 

Môi trường xung quanh Trung Quốc là khu vực lợi ích tập trung nhất, ảnh hưởng trực tiếp nhất đối với Trung Quốc, việc tạo dựng quan hệ xung quanh hài hòa phải là mục tiêu ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, cũng là điều kiện bên ngoài quan trọng không thể thiếu để tập trung sức mạnh phát triển bản thân. Mỹ đang “làm đảo lộn” khu vực xung quanh Trung Quốc, tạo ra các vấn đề phiền phức và nhạy cảm, điều này chắc chắn sẽ nảy sinh những ảnh hưởng bất lợi đối với an ninh xung quanh Trung Quốc. Chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ tuy có mặt kiềm chế và bao vây của Trung Quốc, nhưng mục tiêu trực tiếp của chiến lược này là thông qua việc kiểm soát các nước đồng minh để thể hiện rõ vị thế lãnh đạo của Mỹ. Còn mục tiêu mà Trung Quốc theo đuổi là sự hài hòa trong mối quan hệ xung quanh, điều này chứng tỏ mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và Mỹ có sự sai lệch nhất định, Trung Quốc nên lợi dụng sự “khác biệt” này, để tăng cường kết nối lợi ích chung với các nước xung quanh, thể hiện rõ thiện chí thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là bạn, ổn định mối quan hệ hữu nghị láng giếng với các nước xung quanh, tạo dựng cục diện xung quanh cùng có lợi cùng thắng lợi. Trong năm 2012, tình hình xung quanh Trung Quốc thể hiện xu thế “hài hòa về tổng thể, rắc rối trong cục bộ”, Trung Quốc phải căn cứ theo tình hình cụ thể của các phương hướng chiến lược khác nhau, thúc đẩy sự đồng thuận của các nước xung quanh đối với chính sách xung quanh và con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc, giảm bớt những ảnh hưởng bất lợi nảy sinh do việc Mỹ “làm đảo lộn” tình hình khu vực, tạo điều kiện bên ngoài có lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. 

3.   Giảm bớt mâu thuẫn Trung-Mỹ, tăng cường tin cậy lẫn nhau về chiến lược 

Từ khi Tổng thống Mỹ Nixon đến thăm Trung Quốc năm 1992 đến nay, quan hệ Trung-Mỹ có rất nhiều bài học kinh nghiệm. Một điều quan trọng trong đó là phải thông qua đối thoại chiến lược để tăng thêm niềm tin, xóa bỏ hoài nghi, gác lại tranh chấp, giảm thiểu hiểu nhầm và mâu thuẫn. Tháng 2/2012, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Mỹ, việc thực hiện nhận thức chung của nguyên thủ hai nước về “Quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi cùng thắng lợi”, đã làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và tin cậy chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, giảm nhẹ sự quan ngại của Mỹ, hạ thấp những rủi ro tiềm tàng trực tiếp nổ ra “xung đột gay gắt” và “mâu thuẫn” giữa hai nước. Các phương tiện truyền thông chủ yếu thế giới có rất nhiều bình luận, nhật báo “Yomiuri Shimbun” của Nhật Bản cho rằng: “Thế giới cần Trung Quốc và Mỹ duy trì mối quan hệ với nhiều thành quả và ổn định”, Trung Quốc đang “tràn đầy tự tin để tạo dựng quan hệ cân bằng Trung-Mỹ”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng đăng bài cho rằng: “Xung đột Trung-Mỹ trong tương lai không nhất thiết phải xảy ra”. Dư luận Xinhgapo cũng cho rằng quan hệ Trung-Mỹ đã bước vào “thời kỳ tương đối chín muồi”, tức là giai đoạn “hai bên đều có thể tôn trọng sự khác biệt, cố gắng xóa bỏ những bất đồng bằng biện pháp hiệp thương”. Hillary Clinton cũng đã thay đổi thái độ cứng rắn luôn chỉ trích Trung Quốc, trong diễn văn tại Viện Nghiên cứu hòa bình của Mỹ, bà cho rằng: “Trên thế giới, nếu không có sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc thì không giải quyết nổi vấn đề gì”, “sự trỗi dậy của Trung Quốc phù hợp với lợi ích của thế giới”, đồng thời xác định Trung Quốc là “bên tương quan lợi ích toàn diện”. 

Thực chất, cơn ác mộng của Mỹ không phải ở châu Á, mà là ở châu Âu. Mức độ nhất thể hóa khu vực châu Âu cao hơn so với châu Á, đa số các nước Liên minh châu Âu (EU) là nước tư bản chủ nghĩa già cỗi, mức độ phát triển cao hơn rất nhiều so với các nước mới nổi châu Á, họ có quyền phát ngôn nhiều hơn trong hệ thống quản lý cộng đồng quốc tế. Tuy Eurozone đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ, nhưng sức mạnh tổng thể về kinh tế của đồng euro lại không thể đánh giá thấp. Một khi EU hình thành chính sách tài chính thống nhất, thì có thể thoát khỏi bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ, hệ thống Bretton Woods do Mỹ chủ đạo có khả năng lại một lần nữa gặp phải thách thức, đồng euro có thể sẽ thay thế địa vị đồng tiền dự trữ thế giới của đồng USD. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sức mạnh quân sự của NATO tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông, sau khi mất đi sự đối kháng của đối thủ cũ – Liên Xô, NATO cũng đang dần dần thoát khỏi sự ràng buộc của Mỹ và tự điều hành hoạt động. Có lẽ một ngày nào đó khi thức tỉnh trong cơn ác mộng, Mỹ sẽ phát hiện việc chuyển từ châu Âu sang châu Á là một sai lầm chiến lược, việc gây sức ép với các nước mới nổi châu Á, đã đem đến cơ hội bành trướng “chính trị cường quyền” cho châu Âu. Cùng với toàn cầu hòa phát triển sâu sắc, đa cực hóa cục diện chính trị quốc tế là xu thế tất yếu, hệ thống thế giới sẽ phá vỡ sự kiềm chế của chủ nghĩa bá quyền, tiến vào thời đại “chung sống hòa bình, bình đẳng cùng có lợi”.

Theo Tạp chí Hòa bình và Phát triển

Văn Cường (gt)