Trong những thập kỷ tới, sức mạnh ở Đông Á sẽ ngày càng được quyết định trên biển chứ không phải trên bộ. Điều này có nghĩa rằng nhu cầu và chiến lược của Hàn Quốc đã được xác định bởi môi trường hàng hải của chính nước này. Trước đây, Hàn Quốc chỉ chú trọng vào lực lượng trên bộ để đương đấu với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên (BTT) trong khi phụ thuộc phần lớn vào Mỹ trong bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Mặc dù, Bình Nhưỡng vẫn là mối quan ngại an ninh trước hết của Xơun, tham vọng củng cố vị trí trong khu vực, hiện do Trung Quốc và Nhật Bản chi phối, sẽ xác định chính sách ngoại giao của nước này trong những năm tới. Theo Stratfor, 3 nhân tố cấu thành chiến lược hải quân của Hàn Quốc gồm: Thứ nhất là sự nổi lên của Đông Á như một khu vực hàng hải chính, vì vậy Xơun đã chuyển sang một chính sách quân sự cân bằng hơn, giảm bớt sự tập trung vào các mối quan hệ với BTT. Thứ hai là sự hiện diện quân sự gia tăng của Mỹ xung quanh bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc đã trở thành một đối tác quân sự với Mỹ thay vì chỉ cho Mỹ thuê căn cứ quân sự như trước đó. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện trên bán đảo Triều Tiên nhưng không còn ở vị trí kiểm soát hoàn toàn cơ cấu chỉ huy của Hàn Quốc. Nhân tố thứ ba là nỗ lực của Xơun muốn xây dựng một lực lượng hải quân mạnh, tự lực hơn để bảo vệ những lợi ích thương mại quốc tế, các tuyên bố chủ quyền trên các đảo tranh chấp và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. 

Cạnh tranh khu vực 

Hàn Quốc rõ ràng là một quốc đảo nằm chèn giữa 2 cường quốc: Nhật Bản và Trung Quốc. Mục tiêu của Xơun là duy trì độc lập với những người láng giềng khổng lồ này thông qua chiến lược đa diện. Trước hết, quốc gia này theo đuổi mục tiêu cạnh tranh về kinh tế, hợp tác về chính trị với Nhật Bản và Trung Quốc trong khi vẫn mở rộng quan hệ với các nước này. Điều này sẽ hỗ trợ chiến lược kinh tế của Hàn Quốc trở thành điểm trung chuyển của tuyến đường hàng hải Đông Á, vừa là nơi neo đậu trung chuyển và vừa là trung tâm tài chính, đóng tàu. Ngay cả khi nước này cạnh tranh với các quốc gia khu vực khác về kinh tế, Hàn Quốc sẽ tìm cách trở thành trụ cột trong tuyến đường thương mại của khu vực. Xơun hy vọng biến điểm yếu địa chính trị lớn nhất của mình (nằm giữa các cường quốc lớn, cạnh tranh với nhau gay gắt) thành lợi thế của mình với mục tiêu trở thành điểm trung chuyển thương mại biển, kết nối khu vực. 

Điều này cũng tạo điều kiện cho Hàn Quốc đạt được mục tiêu hàng hải cơ bản hơn: bảo đảm nguồn tài nguyên và nguyên liệu thô chảy từ các quốc gia khác vào các hải cảng và nhà máy của Hàn Quốc. Đối với một quốc gia phải nhập hầu hết các nguyên liệu thô để phục vụ các ngành công nghiệp của mình, việc bảo vệ nguồn này đòi hỏi một lực lượng hải quân mạnh. Tuy nhiên, xây dựng được một lực lượng như thế sẽ mất thời gian và tiền bạc, thậm chí có thể tạo ra khoảng trống chính trị. Hàn Quốc đang nằm ở một khu vực sôi động và nước này đang cạnh tranh với 2 cường quốc có sức mạnh hải quân lớn hơn, ngân sách nhiều hơn và ảnh hưởng quốc tế rộng rãi hơn. Như vậy, ở góc độ nào đó, vai trò hỗ trợ mong manh của Hàn Quốc trong cấu trúc sức mạnh chính của châu Á buộc Xơun phải phát triển một chiến lược hải quân tinh vi và đa dạng hơn những ông bạn láng giềng hùng mạnh. 

Giải quyết mối đe dọa phía Bắc và chủ quyền biển đảo 

Nhu cầu chiến lược cơ bản của Hàn Quốc vẫn nhằm ngăn chặn tình hình bất ổn trong quan hệ của nước này với Bắc Triều Tiên. Dù căng thẳng với phía Bắc chủ yếu xung quanh khu phi quân sự, các cuộc đối đầu cũng đã diễn ra ở vùng duyên hải khi 2 nước phô diễn sức mạnh quân sự. Xơun nhìn BTT ở 2 khía cạnh: Bình Nhưỡng tiếp tục là mối đe dọa thật sự đối với an ninh hàng hải Hàn Quốc khi BTT có khả năng tấn công dọc vùng duyên hải của Hàn Quốc (bao gồm cả Xơun) hoặc đặt thủy lôi dọc tuyến đường hàng hải của nước này. Mặt khác, mối đe dọa từ Bình Nhưỡng giúp Xơun có cớ để phát triển hải quân như lực lượng phòng vệ. Điều này cho phép Hàn Quốc phát triển một lực lượng hải quân có thể bảo vệ lợi ích ở các khu vực khác như các quần đảo Jeju và Dokdo trước mối đe dọa của Trung Quốc và Nhật Bản. 

Hải quân Hàn Quốc được bố trí chủ yếu nhằm bảo vệ chống lại các lực lượng hải quân và duyên hải của BTT. Thực tế, trong những năm gần đây, hải quân Hàn Quốc đã phát triển lực lượng đáng kể nhằm ngăn chặn tàu trang bị tên lửa, thủy lôi và tàu ngầm của BTT. Hải quân cũng luôn cảnh giác với âm mưu thâm nhập các lực lượng đặc biệt sang phía Nam bằng tàu đổ bộ và tàu ngầm nhỏ. Bằng việc phát triển các loại tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Sejong, Hàn Quốc đã tăng cường năng lực chống lại mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của BTT. Tàu khu trục được trang bị tên lửa phòng không, đất đối đất cũng như hệ thống rađa Aegis, có thể tìm và giám sát việc phóng tên lửa của đối phương. 

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đang tích cực mở rộng khả năng bảo vệ lợi ích kinh tế và năng lượng ở khu vực châu Á rộng lớn hơn. Hải quân đang tập trung mở rộng đội tàu ngầm, lực lượng được xem là nòng cốt sức mạnh hải quân của Hàn Quốc. Cùng lúc đó, hải quân cũng bổ sung thêm đội tàu khu trục và tàu chiến nhỏ nhằm hỗ trợ nước này có sức mạnh tương đối trên mặt nước nhằm chống lại các mối đe dọa từ phía Bắc cũng như sử dụng trong các tình huống ở nước ngoài. Xơun cũng đang đặt mua tàu đổ bộ nhằm nâng cao khả năng bố trí các hoạt động hải quân ở khu vực và quốc tế. 

Ở góc độ nào đó, việc phát triển này đặt nền móng cho một lực lượng hải quân với những lợi ích chiến lược và an ninh mở rộng hơn, vượt qua cả thỏa thuận khung về an ninh với Mỹ trước đây. Nhìn chung, Mỹ hoan nghênh sự thay đổi này. Nó đòi hỏi ít hơn sự can thiệp trực tiếp của binh sỹ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và cũng đáp ứng lợi ích cơ bản của Oasinhtơn ở Đông Á: Duy trì một cấu trúc nhằm ngăn chặn Trung Quốc (hoặc Nhật Bản) trở thành bá chủ khu vực. Với Mỹ, BTT tồn tại như một tàn dư của thỏa thuận sau Chiến tranh Lạnh, thỏa thuận này hiện không còn tồn tại. 

Thay đổi ưu tiên hàng hải 

Khi sự tập trung của Xơun chuyển từ phía Bắc sang phía biển, chính sách ngoại giao và thương mại sẽ trở thành công cụ căn bản để đảm bảo vị trí của quốc gia này như điểm trung chuyển hàng hải của khu vực. Trong thập kỷ qua, các chính quyền cánh hữu cũng như cánh tả tiến hành hàng loạt các cuộc đàm phán tự do thương mại với EU, ASEAN và các nước Mỹ Latinh (Côlômbia, Chilê, Pêru và Mêhicô), Bắc Mỹ (Canađa và Mỹ), Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ) và châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản). Một vài trong số những thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối đáng kể và một số chắc chắn sẽ thất bại. Nhưng nhìn chung, những thỏa thuận này cho thấy nỗ lực tối đa hóa lợi thế cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn đan xen lợi ích kinh tế và năng lượng. 

Cùng lúc đó, Hàn Quốc biết rằng các thỏa thuận thương mại dù có nhiều lợi ích, nhưng thường chịu sự rủi ro chính trị trong nước, khủng hoảng bên ngoài hoặc can thiệp quân sự bên ngoài. Xơun cũng hiểu rằng cách duy nhất để chống lại rủi ro này là phát triển lực lượng quân đội của riêng mình. Với 3 mặt giáp biển, Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi phải cần đến lực lượng hải quân. Và mặc dù khả năng bố trí lực lượng vượt ngoài lãnh hải Đông Á sẽ bị kìm hãm bởi các cường quốc lân cận, Xơun sẽ vẫn tiếp tục xây dựng lực lượng hải quân có khả năng ngăn chặn sự can thiệp trước hết của Trung Quốc và Nhật Bản. 

Cuối cùng, Hàn Quốc phải thực hiện chiến lược này vì nước này tồn tại trong một khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn. Sức mạnh hải quân của Hàn Quốc sẽ tiến triển tới mức nào phụ thuộc phần lớn vào những diễn tiến ở Trung Quốc và Nhật Bản. Một Nhật Bản chậm chạp kết hợp với một Trung Quốc ổn định và hiếu chiến hơn là một loại đe dọa. Đổ vỡ kinh tế ở Trung Quốc kết hợp với một Nhật Bản phát triển và mở rộng trở lại là mối đe dọa khác. Một môi trường ở đó Trung Quốc và Nhật Bản đều mạnh và cạnh tranh nhau sẽ làm suy yếu tính cạnh tranh của Hàn Quốc và là những mối đe dọa thực sự đối với chủ quyền của nước này. Xơun phải sẵn sàng cho mọi khả năng cả về quân sự và ngoại giao.

Theo Stratfor (ngày 19/7)

Mỹ Anh (gt)