Mỗi khi Trung - Nhật căng thẳng đều có ảnh hưởng xấu đến ASEAN vì ASEAN vốn có mối quan hệ chặt chẽ với cả hai. Đối với lần xung đột này thì ý nghĩa của nó để lại sẽ mạnh mẽ hơn và không dễ phai nhạt. Bắc Kinh đã xem những va chạm song phương về lãnh hải gần đây với Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN như một toan tính nhằm phá hoại sự phát triển cũng như ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Sự im lặng đáng ngờ của ASEAN đối với các vụ tranh chấp trên đảo cho thấy độ nhạy cảm cao của những tuyên bố chủ quyền trong vùng biển mà các thành viên ASEAN có tranh chấp. ASEAN đã chọn cách duy trì sự im lặng như 4 nước liên quan đến vùng biển tranh chấp là Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei hiện đang cố gắng nhằm chấm dứt sự bị động kéo dài 8 năm với Trung Quốc trong hợp tác chung tại Biển Đông. Sau Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN tháng 7 tại Hà nội, mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN đã thay đổi về căn bản; không còn nữa sự ứng xử qua lại lẫn nhau một cách ưu ái khi Biển Đông trở thành tiêu điểm chú ý của quốc tế. Đến nay, các nhà lãnh đạo ASEAN vẫn lắng nghe những phản ứng từ Trung Quốc, nhưng vẫn tăng cường quan hệ với Mỹ mà không đề cập đến những tranh chấp trong vùng Biển Đông. Đây là thắng lợi về ngoại giao của Trung Quốc, nhưng điều này không tồn tại lâu.

 

Sự phản ứng mạnh mẽ một cách bất bình thường của Trung Quốc đối với Nhật đã ảnh hưởng tiêu cực trong khu vực. Các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp chủ quyền cho rằng vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là không thể thỏa hiệp bất chấp nước nào liên đới. Vì thế, mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc trong tương lai liên quan tới vấn đề Biển Đông sẽ trở nên phức tạp hơn bởi hai bên đều đang tập trung quyết định xem có tiếp tục sự hợp tác trước khi giải quyết vấn đề tuyên bố chủ quyền hay không? Các nước ASEAN trong khu vực tranh chấp luôn lo ngại rằng không có một hiệp định thích hợp, sự hợp tác trong tương lai như được nêu trong Tuyên bố ứng xử Biển Đông năm 2002 sẽ không có kết quả.

 

Các nước ASEAN cũng lo ngại rằng liệu lập trường không khoan nhượng của Trung Quốc có ảnh hưởng đến cách xử lý tranh chấp trong vùng biển này và cản trở mọi giải pháp hòa bình hay không? Nếu điều này là thực tế thì có thể thấy con đường đầy chông gai trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN, cho dù ASEAN chẳng đứng về Trung Quốc hay Nhật Bản. Hiện nay, mối liên hệ các vấn đề an ninh hàng hải đang ngày càng gia tăng trong khu vục Đông Á, đặc biệt là sự tự do và an toàn trong giao thông đường biển đang thu hút sự chú ý và liên đới của quốc tế. Tất cả các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc đều phụ thuộc vào con đường hàng hải tự do và an toàn từ Eo biển Malacca, Lombok và Sunda tới Trung Quốc. Nhiều diễn đàn liên quan tới an ninh như Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đều có thể được sử dụng để thảo luận về vấn đề này. Tình trạng quan hệ Trung - Nhật sẽ là một phép thử cho sự đàn hồi ngoại giao tổng thể tại khu vực Đông Á trong một quãng thời gian dài. Hàng thập kỷ qua, các nước ASEAN đã hưởng lợi từ mối quan hệ đối thủ Nhật - Trung thông qua quan hệ song phương với từng nước, đặc biệt trong giai đoạn trước 2005. Chẳng hạn, ASEAN khôn khéo sử dụng chính sách hướng tới ASEAN của Trung Quốc, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do năm 2000 để mặc cả lấy sự tranh thủ từ Nhật. Với việc Trung Quốc gần đây thay thế Nhật chiếm vị trí thứ hai thế giới về kinh tế, Nhật đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối với ASEAN, vốn tập trung vào thương mại và đầu tư. Bước tiếp cận ngoại giao mới hướng tới ASEAN của chính phủ Naoto Kan sẽ được công bố tại Thượng đỉnh Đông Á tại Hà Nội vào cuối tháng này, theo đó sẽ tập trung mở rộng phạm vi hợp tác, đặc biệt là khoa học và công nghệ cũng như các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Sự liên kết và can dự hơn giữa Nhật và ASEAN ở một cấp độ mới sẽ diễn ra.

 

Thái độ ứng xử mạnh tay của Trung Quốc đối với Nhật Bản chắc chắn sẽ thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các thành viên ASEAN cộng 3 và Cộng đồng Đông Á. Diễn đàn Đông Á tập trung vào các vấn đề chiến lược có thể trở thành tâm điểm làm dịu bớt và cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn như thời kỳ đầu của Diễn đàn an ninh khu vực ARF. Với sự tham gia của Mỹ và Nga, Cộng đồng Đông Á sẽ nhanh chóng trở thành diễn đàn an ninh chính của Đông Á để các thành viên và nhóm thành viên thể hiện quan điểm về những vấn đề quan tâm chung. ASEAN không còn đóng vai trò như phương tiện gây sức ép mà đã trở thành một nhóm 10 thành viên. Vì thế, Trung Quốc cần phải nhanh chóng tìm ra một cách thức làm việc với ASEAN về Biển Đông. Nếu tiếp tục chậm chễ như giai đoạn 8 năm vừa qua, sẽ càng bị các nước ngoài khu vực khai thác. Tại thời điểm này, đàm phán về những tuyên bố tranh chấp trong vùng Biển Đông vẫn còn ở cấp song phương giữa Trung Quốc với các nước tuyên bố tranh chấp. Các nước càng nhanh chóng nhất trí về đường hướng hợp tác chung sẽ càng tốt hơn cho mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN và sự ổn định khu vực. Một khi tất cả các bên bắt đầu sự hợp tác, Trung Quốc và 4 nước ASEAN trong vùng tranh chấp sẽ ngồi vào bàn từng cặp một tiến hành đàm phán song phương để giải quyết chấm dứt xung đột./.

 

Trần Nhật (gt)

 

Nguồn: The Nation

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)