Báo cáo của Global Witness được công bố với đầu đề “Đế chế công ty của gia đình cầm quyền Campuchia” đã nêu lên chi tiết những “cổ phần khủng” của gia tộc Hun Sen trong 20 lĩnh vực, chỉ ra 27 người họ hàng của thủ tướng liên kết với hàng loạt công ty nắm giữ cổ phần chính thức trị giá hơn 200 triệu USD.

Các tài liệu trên, được tập hợp từ đăng ký kinh doanh với Bộ Thương mại, không thể đưa ra thông tin chính thức về doanh thu hoặc lợi nhuận, có nghĩa là số liệu được giới thiệu chỉ là phần nhỏ giá trị của các công ty. Hơn nữa, báo cáo – cũng như các nguồn thông tin đến Phnom Penh Post - nhấn mạnh rằng những chi tiết của tài liệu chỉ là “phần nổi của tảng băng”, cho thấy gia tộc đã sử dụng sự ủy nhiệm để che giấu mức độ thực sự của đế chế kinh doanh và tài sản riêng của các thành viên trong dòng họ, mà theo Phnom Penh Post có thể lên đến 1 tỷ USD.

Báo cáo trên cho biết: “Hun Sen bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ thủ tướng để cho phép họ hàng của ông ta kiểm soát hoặc có những cổ phần lớn trong hầu hết các ngành lớn của Campuchia”. Báo cáo trên viết tiếp: “Tuy nhiên, đây không chỉ là sự làm giàu của cá nhân hoặc sự liên kết riêng biệt giữa gia tộc Hun Sen và các công ty riêng biệt – sự thống trị của gia tộc Hun Sen trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân đã dẫn đến hậu quả của việc Hun Sen kiểm soát gần như toàn bộ đất nước”. Khi được liên hệ, Quốc vụ khanh Nhà nước, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Phay Siphan, từ chối bình luận những phát hiện của Global Witness, nhưng cho rằng tổ chức này đang ra sức kích động một “cuộc khởi nghĩa” chống lại thủ tướng và lưu ý rằng ông là “người phát ngôn chứ không phải luật sư của Thủ tướng”.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Soeng Sophary thừa nhận rằng cần phải cải thiện quy chế hoạt động của bộ phận tư nhân, nhưng sự cống hiến của họ hàng thủ tướng và danh tiếng tốt của họ có thể thu hút các nhà đầu tư. Ông này nói: “Điều này chưa được hoàn hảo… nhưng Campuchia hiện nay là một thị trường tự do, những người có tiền có thể đầu tư vào lĩnh vực nào mà họ muốn, họ là ai không thành vấn đề”. Những tiết lộ của Global Witness về đế chế kinh doanh được thể hiện một cách cụ thể và gay gắt. Năm 2011, Thủ tướng Hun Sen công bố tài sản của ông cho Cơ quan chống tham nhũng (ACU) mới được thành lập để chống lại tệ nạn tham nhũng do một trợ thủ thân cận là Om Yentieng đứng đầu. Ông Hun Sen cho biết ông chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất từ lương thủ tướng là 1.150 USD hàng tháng, hoặc 13.800 USD mỗi năm.

Trích dẫn số liệu này, Global Witness cáo buộc Hun Sen về việc phá vỡ điều khoản “làm giàu bất hợp pháp” của luật chống tham nhũng, bằng cách chỉ ra sự không nhất quán giữa sự công khai thu nhập của thủ tướng với lối sống lãng phí, nhiều nhà cửa xa hoa và những khoản tiền mà ông tài trợ cho các dự án và các hoạt động từ thiện vượt quá thu nhập cá nhân của ông ta.

Theo báo cáo, gia tộc Hun Sen nắm giữ cổ phần tại ít nhất 17 công ty thương mại, 10 công ty tài chính, 10 cơ sở vui chơi giải trí, 8 công ty du lịch và bán lẻ, công ty xây dựng và bất động sản. Các cổ phần của họ cũng trải dài từ các lĩnh vực năng lượng, khai thác mỏ và nông-lâm nghiệp, truyền thông, nơi mà gia đình thủ tướng, đặc biệt là con gái Hun Mana, chủ của hãng phát thanh, truyền hình Bayon – có cổ phần trong 5 công ty; đến lĩnh vực vận tải, một lĩnh vực có 5 thành viên của gia đình có cổ phần.

Ngoài ra, gia tộc thủ tướng còn có cổ phần trong hai công ty viễn thông, kể cả 6% cổ phần của Hun Mana - trị giá 44 triệu USD - trong công ty Viettel Cambodia, một phần của Tập đoàn viễn thông do quân đội Việt Nam kiểm soát, là chủ của Metfone.

Trong các thí dụ của việc “đối xử đặc biệt” cho các công ty được chỉ ra trong báo cáo là việc bảo lãnh cho các nhà cung cấp các dịch vụ điện thoại di động, với việc ông ta (Hun Sen) tư vấn cho tất cả binh sĩ sử dụng. Công ty đã không trả lời một loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề này của báo chí. Global Witness cũng lưu ý rằng Bộ Du lịch Campuchia đã chọn nước uống Vital Premlum Water – sản phảm của công ty NVC do Hu Mana làm Chủ tịch - làm nước uống chính thức trong tất cả mọi cuộc lễ quốc gia, theo website của Vital.

Tỷ lệ cổ phần lớn của gia đình cũng nằm trong hai công ty chế tạo, hai công ty luật và thuế, hai công ty hoạt động trong lĩnh vực casino, hai công ty trang phục an ninh, cổ phần trong hai đặc khu kinh tế và một liên doanh dược phẩm. Trong số 114 công ty có 103 thành viên gia tộc Hun Sen là chủ tịch hoặc giám đốc hay có cổ phần chiếm hơn 25%.

Global Witness đồng thời nhấn mạnh nhiều mối liên hệ giữa các chi nhánh quốc tế và gia tộc Hun Sen, những người mà báo cáo gọi là “những kẻ canh cửa lớn” cho những nhà tư bản nước ngoài đang tràn vào tìm cách làm ăn ở Vương quốc Campuchia. Những tên tuổi đa quốc gia lớn như Apple, Canon, LG Electronics, Lenovo, IBM, Nokia, Electrolux và Pioneer cung cấp sản phẩm của họ thông qua các công ty liên quan đến gia tộc Hun Sen. Ngoài ra, các sản phẩm như Nescafe Gold, các loại khăn giấy Kleenex, thậm chí cả bao cao su Durex cũng nhập khẩu thông qua một công ty liên quan đến em gái của thủ tướng, người đồng thời là chủ tịch của một công ty có giấy phép độc quyền bán các loại rượu Johnnie Walker, Hennessy và bia Corona.

Ear Sophal, phó giáo sư về ngoại giao và các vấn đề quốc tế tại trường Occidental College ở Los Angeles, nói về những phát hiện của Global Witness: “Điều đó cho thấy ở Campuchia, cũng như nhiều nơi khác, nơi đây thậm chí không phải là 1%, mà là 0,01%. Chúng ta đang nói về một nhóm người mà họ có trong tay tất cả mọi thứ”.

“Anh không thể tưởng tượng làm thế nào mà những lợi ích của toàn cầu hóa có thể được chia sẻ một cách rộng rãi hơn và bị biến tướng nhiều hơn dưới những hoàn cảnh khác nhau? Tất cả những cái đó đều là các đường dây ở bên trong Campuchia. Anh sinh ra từ đâu sẽ quyết định anh sẽ đi xa được đến đâu. Đó thật là điều không may và thật đáng tiếc ở Campuchia!”.

Global Witness còn chỉ ra những con người cụ thể của gia tộc Hun Sen (và cả bạn bè) tham gia đế chế kinh doanh. Dưới sự lãnh đạo của Hun Sen, những thành phần “tinh hoa” của Campuchia cố kết với nhau trong việc kiểm soát đất nước thông qua sự pha trộn một chiến lược kết thông gia với nhau, lợi ích kinh doanh và các chức vụ trong các cơ quan công quyền.

Trong số 27 thành viên gia tộc Hun Sen và các cộng sự được đề cập đến trong báo cáo, ít nhất 4 người có các cổ phần trong lĩnh vực tư nhân nhưng lại đồng thời giữ các chức vụ trong các lực lượng an ninh quốc gia.

Trong số này gồm cả con trai giữa của thủ tướng, Hun Manith, một viên tướng quân đội, cũng như con rể là Dy Vichea và cháu là Hun Chea, những người là quan chức trong lực lượng cảnh sát quốc gia, và con rể Yim Leang, một viên tướng quân đội. Đối với Hun Manith, Cục trưởng Cục tình báo quân đội, Global Witness cho biết ông ta đồng thời là giám đốc và có cổ phần trong công ty tư nhân cung cấp điện của Campuchia, một điều vi phạm luật của Campuchia. Bởi vì, điều 25 về tướng lĩnh quân đội trong các lực lượng vũ trang Hoàng gia (RCAF) nghiêm cấm các cá nhân theo nghề binh nghiệp “trở thành các thành viên lãnh đạo trong một ban giám đốc hoặc người quản lý trong một công ty tư nhân”.

Phnom Penh Post đã không thể nào liên lạc được với Hun Manith để đề nghị bình luận về điều này! Trong khi đó, được biết, vợ của ông ta là Hok Chendavy - cháu của cố Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quốc gia Hok Lundy, khi sinh thời là một cộng sự thân cận của ông Hun Sen, lại nằm trong danh sách các nhà quản lý của đặc khu kinh tế ở thành phố Bavet. Đại tướng Chhum Socheat, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia đã từ chối bình luận về cáo buộc mâu thuẫn lợi ích đối với tướng Manith. Báo cáo đã không chỉ đích danh mối liên hệ của con trai cả của Hun Sen, Hun Manet, đại tướng, và con trai út của ông ta, Hun Many, một nghị sĩ, đối với bất kỳ một công ty nào nhưng đã đề cập đến quan hệ của họ thông qua các mối liên hệ thông gia đối với các công ty lớn. Vợ của Manet, Pich Chammony – con gái Quốc vụ khanh Nhà nước Pich Sophoan của Bộ Lao động – có mối liên hệ với 8 công ty, trong đó bà này giữ chức vụ chủ tịch của công ty Legend Cinema và G Gear, vốn có giấy phép độc quyền bán các sản phẩm của LG. Trong khi đó, Yim Chhay Lin, vợ của Many, con gái của Phó Thủ tướng Yim Chhay Ly, giữ vai trò lãnh đạo tại 6 công ty, trong đó có có chức giám đốc của một công ty khai thác mỏ và chủ tịch đồng thời nắm giữ 20% cổ phần trong một công ty dược phẩm. Chhay Lin trong thời gian gần đây đã chuyển nhượng 51% trong một dự án đồng sở hữu khách sạn trị giá 250 triệu USD tại một khu phát triển ở Phnom Penh với một đối tác Singapore.

Tuy nhiên, trong khi người ta thường nhấn mạnh đến các phi vụ làm ăn của các con trai gia tộc Hun Sen, thì thực sự những người đàn bà trong dòng họ này có ưu thế hơn nhiều trong việc kinh doanh, đặc biệt là người con gái lớn Hun Mana. Hun Mana từ lâu đã được biết đến như một người có thế lực trong lĩnh vực kinh doanh, với 22 cổ phần được Global Witness nhận diện từ các lĩnh vực như nắm giữ các cơ quan truyền thông, quảng cáo và truyền hình đến các dịch vụ hàng không cho VIP, bảo tàng quốc gia ở Siem Reap và cổ phần trong tập đoàn Roay Group của tỷ phú Kith Meng. Trong khi đó, em gái Hun Maly của cô có phần hùn trong 7 công ty, kể cả làm chủ tịch của trung tâm mua sắm hàng đầu ở Phnom Penh TK Avenue. Các ông chồng của Mana và Maly là Dy Vichea, một viên tướng ba sao, con trai của cố Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát quốc gia Huk Lundy, hiện là Cục trưởng một cục trung tâm thuộc Bộ Nội vụ, và Sok Puthyvuth, con trai của Phó Thủ tướng Sok An, đều quản lý những công ty lớn. Vichea là giám đốc đồng thời có cổ phần trong công ty casino Poseidon, theo một danh sách về các công ty kinh doanh ở Campuchia của Bloomberg. Theo các tin tức truyền thông năm 2008, một công ty kỹ thuật của Philipines Diversified Financial Network Inc (DFNN) đã thông qua trung gian ở Singapore để mua Poseidon với giá 4,2 triệu USD. Từ cái lõi trung tâm là gia tộc Hun Sen, đã vươn ra đến các chi nhánh với cả quan hệ huyết thống cũng như quan hệ thông gia. Nhưng dù ở mức quan hệ nào thì hoạt động kinh doanh của dòng họ Hun Sen đều bị đặt câu hỏi là đã đứng trên luật pháp.

Một website của công ty luật do Hun Kimleng, cháu của thủ tướng, đã nhấn mạnh một trong những lợi thế của nó là có thể đưa đến cho khách hàng sự vận động hành lang. Công ty tư vấn luật HML có “một vị trí rất đặc biệt để bảo đảm sự hợp tác với kết quả tốt” từ việc vận động các bộ, ngành và các văn phòng thuộc chính phủ. Trong báo cáo, Global Witness cho rằng các công ty liên hệ đến gia tộc đã nhận được sự “đối xử đặc biệt” trong các thương vụ liên quan đến nhà nước, trong khi có cáo buộc về sự thống trị của đảng cầm quyền (CPP) đối với hệ thống tòa án đã cho phép họ hoạt động với sự miễn trừ trước luật pháp vốn được soạn thảo để ngăn chặn tham nhũng, bảo đảm sự minh bạch và trừng phạt những vụ vi phạm pháp luật. Phnom Penh Post không liên lạc được với đại diện của HML để có bình luận của họ về việc này. Trong thế giới u ám của việc kinh doanh ở Campuchia, các mối liên hệ đúng chỗ thường là cần thiết.

Một nhà tư vấn kinh doanh người nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm ở Campuchia yêu cầu dấu tên nói rằng trong khi một số người, giống như Kimleng, công khai mức độ quan hệ với gia tộc, vốn có “siêu giá trị” khi họ làm việc với chính quyền, một số người họ hàng khác giữ miệng về việc tham gia của họ, để bảo vệ danh tiếng của gia đình và các đối tác của họ. Nhà tư vấn này nói: “Một bộ phận chắc chắn biết những gì thuộc về họ, hoặc những gì thuộc về người khác. Họ sở hữu rất nhiều thứ mà anh không hề thấy trong văn bản ở bất kỳ đâu”. Một nguồn khác, có chuyên môn lâu năm về luật pháp, cũng đồng thời đề nghị giấu tên do lo ngại khả năng bị các tác động ngược, nói rằng các thành viên của gia tộc – và các nhân vật quyền lực khác có mối quan hệ với đảng cầm quyền CPP, thường làm việc như là những đối tác không ồn ào, “bôi trơn” để điều chỉnh tiến trình công việc, trong khi nhiều công ty nước ngoài mang đến vốn và kinh nghiệm. “Họ giúp lấy giấy phép đúng thời gian theo ý mình” họ thậm chí đưa ra “sự dự phòng tốt” trong trường hợp có những rắc rối và lưu ý nó sẽ khiến “một thanh tra khi kiểm toán một công ty có liên hệ với gia tộc Hun Sen sẽ phải hành động hạn chế trong nghề nghiệp của mình”. Tuy nhiên, việc tham gia cùng hội với dòng tộc - hoặc với bất kỳ nhân vật quyền thế nào ở Campuchia – có thể nhanh chóng trở nên vô giá trị nếu các hợp đồng không được tôn trọng.

Theo tổ chức minh bạch quốc tế, các cơ quan công quyền của Campuchia, đặc biệt là hệ thống luật pháp, bị coi là tham nhũng nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tài liệu “Thuận lợi trong hoạt động kinh doanh” của Ngân hàng thế giới (WB) xếp Campuchia đứng thứ 127 trong số 189 nước, với “hiệu lực của các hợp đồng” hầu như đều có vấn đề. Theo báo báo, các thương vụ kinh doanh có mối liên hệ gia đình đang mua bán các dự án từ các hợp đồng nhà nước, khai thác nguồn lợi thiên nhiên, gồm cả trồng cao su, khai thác mỏ và cát, họ bảo đảm các quyền phát sinh lợi nhuận, bao gồm cả giấy phép mở casino và quyền phát triển các khu công nghiệp. Theo tài liệu, các công ty có mối liên hệ gia đình nắm giữ các quyền chuyển nhượng khai thác mỏ ở 5 tỉnh, trong đó có khu đất rộng 20.000 ha thuộc quyền của tập đoàn World Investment Group ở tỉnh Oddar Meanchey. Công ty này do Hun Kimleng, một người cháu của Hun Sen, nắm giữ, người này đồng thời là chủ tịch của công ty luật HML. Trên website của mình, World Investment Group tuyên bố rằng đây là một khu vực rộng lớn nằm ở miền duyên hải, đồng thời lưu ý rằng công ty đã có một giấy phép khai thác cát dài 4 km dọc sông Mekong.

Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã được đề cập trong đó có ít nhất 3 khu đất chuyển nhượng, với 2 nơi đang có những rắc rối vì nằm trong vùng đất đang tranh chấp – đã có giấy phép mở casino thuộc về công ty Vina (HK). Các tác giả của báo cáo kết luận cần phải đưa ra lịch sử sự thiếu minh bạch của bộ phận dịch vụ công không trong sáng của Campuchia, để những kiểu làm ăn này cần phải có những tiếng chuông cảnh báo nghiêm túc, đặc biệt đối với việc xung đột lợi ích giữa quyền lực chính trị và các vị trí làm kinh tế./.

Theo “Phnom Penh Post” (ngày 7/7)

Vũ Hiền (gt)