trump amerca first.jpg

 

 

Tổng thống Trump đã đưa ra một phép thử khó khăn đối với châu Âu và các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như toàn thế giới. Trên thực tế, dưới góc độ nào đó thì chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã được đề cập đến trong chính sách ngoại giao của Mỹ cách đây khoảng hơn 8 thập kỷ.

Tổng thống Trump từng nói rằng ông tin tưởng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin như nhau. Phải chăng cách nói này ám chỉ rằng Mỹ sẽ theo đuổi chính sách cân bằng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU)? Đây không phải là câu nói đùa vì ông Trump từng thể hiện rõ rằng các mối quan hệ đối tác, đồng minh cũng như những hiệp định sẽ ít có ràng buộc đối với ông.

Tuy nhiên, cho dù cho Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không quan tâm nhiều đến quan hệ đồng minh với EU đi nữa thì có lẽ Mỹ vẫn sẽ coi EU như một đối tác. Thay vì quay lưng lại với Mỹ, châu Âu sẽ hợp tác với những người thuộc chính giới Mỹ cam kết duy trì quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương, bao gồm cả những người trong chính quyền mới và những người trong Quốc hội có quan điểm ủng hộ quan hệ đối tác này. EU có thể tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước ủng hộ tự do thương mại toàn cầu, có thể đồng thuận với Trung Quốc về vấn đề chống chủ nghĩa bảo hộ.

Tuy nhiên, việc EU thực thi các chính sách đối trọng lại với Mỹ là điều không tưởng vì trong ngắn hạn và trung hạn, EU vẫn rất cần sự đảm bảo an ninh của Mỹ. Do đó, EU sẽ phải nỗ lực để thuyết phục Chính quyền mới của Mỹ về tầm quan trọng của việc đảm bảo một EU hòa bình và đoàn kết. Chính vì vậy, lựa chọn tốt nhất của EU là xích lại gần hơn với Chính quyền mới của Mỹ và EU có những cơ sở để hy vọng về điều này khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và nhiều nghị sĩ ở cả hai viện đều tham gia hội nghị an ninh Munich. Đây là cơ hội tốt để các đại biểu EU chia sẻ, thuyết phục Chính quyền mới của Mỹ dù có thể nhiều người châu Âu không thích điều này.

Trong một kịch bản xấu nhất, Chính quyền mới của Mỹ thực thi chính sách làm ảnh hưởng tới sự cố kết của EU thì vẫn có thể chắc chắn một điều rằng những cuộc mặc cả giữa Nga và Mỹ sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lợi ích của EU. Trong bối cảnh đó, Mỹ khó tìm được sự ủng hộ của EU đối với nhiều vấn đề trên thế giới. Đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran, EU có lẽ sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào nếu Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Nếu Chính quyền của ông Trump sử dụng việc đánh thuế để thúc đẩy hàng hóa sản xuất tại Mỹ làm ảnh hưởng tới lợi ích của EU, liên minh này có thể sẽ thực thi chính sách tương tự để đáp trả. Hiện châu Âu vẫn là thị trường quan trọng hàng đầu của Mỹ. Tỉ trọng thương mại giữa Mỹ-EU gấp 37 lần so với Mỹ-Nga, do đó việc Mỹ bỏ EU chuyển hướng hẳn sang Nga là điều khó xảy ra. Mặt khác, nếu thực thi chính sách ảnh hưởng đến lợi ích của EU, điều này sẽ góp phần hình thành các làn sóng phản đối Chính quyền của ông Trump tại châu Âu, gây khó khăn cho chính quyền mới trong việc thực thi quan hệ hợp tác gần gũi với các đối tác tại châu Âu. Do đó, có nhiều lý do để Mỹ vẫn phải duy trì quan hệ với EU.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng hiện nay là dưới thời Tổng thống Trump, châu Âu sẽ phải tự lực nhiều hơn, sẽ phải làm nhiều hơn để đảm bảo an ninh cho chính mình. Và châu Âu đang có sự thay đổi theo hướng này, bao gồm cả việc gia tăng các hoạt động can dự quân sự. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách quân sự chung của EU không có sự tham gia của Mỹ vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa mới có thể trở thành hiện thực.

Sự cố kết và việc đảm bảo an ninh trong và ngoài khối của EU không thể thực hiện nếu không có kinh phí. Do đó, EU sẽ phải tìm cách để tăng nguồn ngân sách cho các vấn đề chung này, dù cho điều này có thể ảnh hưởng đến ngân sách của các quốc gia thành viên. Do vậy, thay vì ngồi chờ đợi và lo lắng về các lời bình luận của ông Trump trên trang cá nhân Twitter, EU có thể sẽ tự xây dựng nền tảng cho an ninh của chính họ cùng với việc thúc đẩy phát triển các giá trị của phương Tây.

Tác giả là Giáo sư về chính sách an ninh và ngoại giao Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ. Bài viết đăng trên trang "Project-Syndicate".

Hùng Sơn (gt)