Bằng cách nêu lên “tình hình tài chính đen tối của đất nước”, ngày 6/1/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã thông báo rằng quân số và vũ khí của quân đội Mỹ đang phải chịu hậu quả từ tình hình trên. Tuy nhiên, với 553 tỷ USD dự kiến vào năm 2012, như vậy là ngân sách quân sự Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng, với nguy cơ làm cho tình hình căng thẳng càng thêm nghiêm trọng.

Các sự kiện diễn ra liên tiếp dẫn đến cuộc nổi dậy ở đất nước Tuynidi đã chứng tỏ sự hão huyền trong chiến lược của Mỹ nhằm phân chia các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp hành tinh. Được thai nghén vào một thời kỳ mà khi đó trật tự quốc tế là do Mỹ thống trị, nước này chỉ quan tâm đến sự an toàn của nước Mỹ, chiến lược này giờ đây tỏ ra hoàn toàn không thích hợp nữa với tình hình mới. Bởi vì mối đe dọa hiện nay là xuất phát từ một nước nghèo (Iran), Trung Quốc hay một nước Nga đang hồi sinh. Vì vậy, tại khu vực Trung Đông, kịch bản ưu tiên dựa vào nỗi lo ngại rằng những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo sẽ lật đổ các chế độ thân Mỹ, thậm chí họ còn tấn công Mỹ và Ixraen. Tất nhiên, phần lớn các chính phủ đương thời đều là độc đoán, nhưng Mỹ đã nhận thấy tình hình như vậy là tự nhiên trong thế giới Arập, và ít có khả năng thay đổi trừ phi chính Mỹ là người nắm tình hình trong tay, cũng như Mỹ sử dụng nó – mà không đạt kết quả - ở Irắc và Ápganixtan.

Tính chất dân chủ, nhân dân, không tôn giáo, của các phong trào Arập mong muốn tiến hành các cuộc cải cách chính trị và trao cho những người Hồi giáo một vai trò ngoài lề đã khiến người ta ngạc nhiên. Ngoài ra, những người biểu tình ở Ai Cập và Tuynidi dường như đã không bị cản trở mấy bởi những phản ứng của Mỹ, nước chưa bao giờ tính đến việc tiến hành can thiệp về quân sự để bảo vệ các chế độ đồng minh, kể cả ở Baranh, nước có một căn cứ quân sự của Mỹ. Một sự can thiệp như vậy có lẽ sẽ bị Mỹ bác bỏ.

Tất nhiên, việc triển khai hiện nay các lực lượng Mỹ không phải là kết quả của sự vô ý thức, càng không phải là một sơ đồ chiến lược đã được suy nghĩ chín muồi. Trách nhiệm trước hết là thuộc một chế độ quan liêu không bị kiềm chế. Khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, nhiều gia đình người Mỹ đã yêu cầu rút nhanh chóng các đội quân đóng ở nước ngoài và giải tán một đội quân mà quân số chỉ thích hợp với một thời kỳ chiến tranh. Tiến trình này đã từng bị ngừng lại do tình hình căng thẳng nảy sinh từ tình trạng sẽ trở thành Chiến tranh Lạnh. 

Hơn một thập kỷ sau, cuộc can thiệp vào Việt Nam thể hiện bằng một sự mở rộng các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á nhưng, sau thất bại của họ, quân Mỹ đã bỏ rơi phần này của thế giới để tập trung vào cái mà khi đó họ coi là sứ mệnh hàng đầu: bảo đảm an ninh cho châu Âu chống lại khả năng xâm lược của Liên Xô. Một học thuyết quân sự mới đã được hình thành khi đó: một cuộc chiến tranh chớp nhoáng dựa vào các phương tiện quân sự đè bẹp, những mục tiêu rõ ràng và một sự rút quân nhanh chóng được cho là giả thiết bảo đảm sự ủng hộ của nhân dân là điều đã không có ở Việt nam. Quân đội Mỹ đã phản đối ý kiến về một sự triển khai quân ở Nam Tư cũ cho đến sự bất tài của châu Âu trong việc phản ứng lại những hành động tàn bạo ở Bôxnia và ở Côxôvô đã buộc họ phải cầm đầu một cuộc can thiệp của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Như Dana Priest đã chứng tỏ trong cuốn sách của mình mang tên The Mission, việc gia tăng các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài bắt đầu vào thời kỳ này đã diễn ra bất chấp báo chí và dư luận công chúng. Nó cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của một quân đội với ngân sách khổng lồ đối với Nhà Trắng, gây thiệt hại cho nền ngoại giao và CIA, ít may mắn hơn và thiếu những ý tưởng để đương đầu với các cuộc khủng hoảng quốc tế. Các nhà quân sự có được lợi thế trong việc đưa ra những giải pháp đơn giản và nhanh chóng, mà việc thực hiện các giải pháp này không đòi hỏi phải có những cuộc họp bí mật lâu dài. Họ truyền đi hình ảnh – có ích cả ở bên trong lẫn bên ngoài – về một nước Mỹ hùng mạnh và tin chắc vào ưu thế của mình.

Có ảnh hưởng hơn các đại sứ 

Do quân đội Mỹ khánh thành, hệ thống chỉ huy khu vực nằm rải rác trên khắp thế giới, mỗi khu vực có một tư lệnh, một tổ chức tự trị và các phương tiện tác chiến đã cho phép các lực lượng vũ trang giữ một vai trò ngày càng tăng trong việc điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ. Ảnh hưởng của các tổng tư lệnh khu vực này, những người có các phương tiện đáng kể và điều đình trực tiếp với các nhà cầm quyền chính trị và quân sự của các nước tập hợp trong vùng chỉ huy của họ, đã nhanh chóng vượt qua ảnh hưởng của các đại sứ.

Với sự lên cầm quyền của George W. Bush, Bộ trưởng Quốc phòng mới Donald Rumsfeld muốn khôi phục “sự kiểm soát dân sự của các nhà quân sự” và đưa chế độ quan liêu của Lầu Năm Góc vào khuôn phép mà ông cho là quá nặng nề và không có hiệu quả. Cuộc xâm lược của Mỹ vào Ápganixtan hồi năm 2001 đã tạo cơ hội cho ông thực hiện ý tưởng mà ông đã dự định: phái các đơn vị đặc biệt được trang bị công nghệ cao, các cuộc tấn công bằng không quân và tìm kiếm những sự ủng hộ của địa phương, tượng trưng bằng Liên minh phương Bắc. 

Cùng với những ý định thoáng qua của Bộ trưởng Quốc phòng, tại Irắc, được truyền cảm bởi học thuyết “cú sốc và sự bất ngờ”, chiến dịch quân sự năm 2003 đã cho phép Lầu Năm Góc đặt chính quyền của Irắc lệ thuộc vào mình. Điều này đã gây ra hậu quả - khi đó là bất ngờ - là đẩy nhanh đất nước tới tình trạng hỗn loạn. Phải đợi đến tháng 3/2010 thì chiến lược chống nổi dậy của Tướng David Petraeus, dựa vào việc phân phát tiền cứu trợ cho các bộ tộc “đồng minh” – nhiều nhất là người Sunni – đã dẫn đến việc tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội. Nhưng người dân Irắc không phải vì thế mà có được sự ổn định, và còn lâu mới được như vậy. Chương trình của Tướng Petraeus hiện đang được áp dụng ở Ápganixtan, với kết quả hạn chế như người ta đã biết. 

Việc gia tăng các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài nhằm bảo vệ những lợi ích của Mỹ trên thế giới và khiến cho các cuộc can thiệp quân sự trong tương lai trở nên thuận lợi hơn. Nó phản ánh hệ tư tưởng “xúc tiến nền dân chủ” đang chi phối chính sách đối ngoại của Mỹ từ khi Woodrow Wilson lên cầm quyền (1913 – 1921). Đối với quân đội Mỹ, hệ thống này tỏ ra là một sự kích động mạnh mẽ việc giao chiến ở ngoài biên giới của họ. 

Năm 1993, Samuel Huntington đã gây ấn tượng mạnh bằng cách khẳng định trên tạp chí Foreign Affairs rằng “cuộc chiến tranh thế giới sắp tới” mang hình thức không phải là một cuộc đối đầu giữa các Nhà nước mà là một sự “xung đột giữa các nền văn minh”. Để làm nền tảng cho luận thuyết của mình, ông đã đưa ra kịch bản về một cuộc chiến tranh giữa phương Tây và các nước Hồi giáo để tranh giành quyền kiểm soát thế giới. Ông cũng phỏng đoán rằng Trung Quốc – “nền văn minh đạo Khổng” – sẽ đứng bên cạnh khối Arập – Hồi giáo.

Lời tiên đoán tỏ ra sai – cũng sai như luận thuyết do ông Bush đưa ra hồi năm 2001 cho rằng chủ nghĩa Hồi giáo được giải thích bằng nỗi hận thù của người Hồi giáo đối với quyền tự do phương Tây. Trên thực tế, trào lưu chính thống Hồi giáo trở nên hùng mạnh là do một cuộc khủng hoảng nội bộ với đạo Hồi. Mục tiêu của những người Hồi giáo là “làm cho trong sạch” những việc làm mang tính tôn giáo của những người Hồi giáo và đẩy lùi ảnh hưởng của phương Tây, không để cho nó thâm nhập vào người Hồi giáo. 

Phong trào này được tăng cường bởi nhiều nhân tố đồng nhất: thất bại của các nước trong việc thay thế một dân tộc thống nhất bằng một đế quốc Ốttôman mà cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất đã gây ra sự sụp đổ, sự chia rẽ thực dân về khu vực Trung Đông giữa Pháp và Anh, cuối cùng là sự chia cắt Palextin và thành lập Nhà nước Ixraen.

Chính sách của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai là thiết lập liên minh với Arập Xêút và Vua Iran. Tại Mỹ, một số người lo ngại rằng đạo Hồi là một tôn giáo ôn hòa có xu hướng biến mất để dần nhường chỗ cho sự hiện đại của phương Tây. Cách nhìn này dựa vào sự ủng hộ của định đề sai lầm cho rằng tất cả các nền văn minh cần phải tiến triển tới cùng một số phận, vì Mỹ và các đồng minh có một bước tiến thuận lợi. Khoa học, công nghệ, nền văn hóa và các hệ thống chính trị chẳng phải đã đi theo con đường cấp tiến này đó sao? Nhưng như vậy là quên rằng Rôm đã áp đặt sự bá quyền của mình gây thiệt hại cho Aten, bản thân nước này đã bị các nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà và Ba Tư vượt qua. Điều không tưởng thấm đẫm chính sách đối ngoại của Mỹ xuất phát từ nguồn gốc: nó là di sản mang tính thế tục của cách nhìn của tổ tiên về khu định cư ở Massachusett, những người đã quan niệm Thế giới mới như một vùng lãnh thổ được Chúa ban ơn. Một sự miêu tả luôn hàm súc trong nền văn hóa chính trị Mỹ. 

Đối với nhà sử học Andrew Bacevich, chủ nghĩa quân phiệt mới của Mỹ chỉ là một hình thức xuất phát từ thuyết nghìn năm (chủ trương rằng chúa cứu thế sẽ xuất hiện trên thế gian và trị vì một nghìn năm) mang tính chính trị: ý kiến cho rằng toàn thế giới cuối cùng tất nhiên phải thấy rõ những ý định tốt đẹp và những lý tưởng dân chủ của Mỹ.

Theo Bacevich, khi cuộc Chiến tranh Việt Nam bắt đầu diễn ra, bản thân người Mỹ vẫn tin rằng nền an ninh của họ đang lâm nguy, rằng thế giới mà họ đang sống giờ đây nguy hiểm hơn bao giờ hết, rằng cần phải gia tăng nỗ lực. Vì vậy, kịch bản về một sự mở rộng quyền lực quân sự đối với nhiều bên của thế giới đã trở thành một tiêu chuẩn thực tiễn, một điều kiện thông thường dường như không chấp nhận một thế phải lựa chọn có thể chấp nhận được nào khác. 

Mỹ đang thể hiện những đặc tính của một xã hội quân phiệt, ở đó yêu cầu về an ninh trong nước và ngoài nước thắng thế mọi sự cân nhắc khác mà đầu óc tưởng tượng về chính trị bị ám ảnh bởi những mối đe dọa giả định. Với một chủ nghĩa lạc quan bất lịch sự, Mỹ quả quyết rằng Irắc đang trên con đường tiến tới nền dân chủ. Chính quyền Barack Obama dường như cũng đang tính đến việc rút quân Mỹ khỏi Ápganixtan, một ý định bị Lầu Năm Góc phản đối vì họ đang xây dựng ở đó một tổ hợp quân sự “lâu dài” nhằm sử dụng nó làm trung tâm chỉ huy mang tính chiến lược trong toàn khu vực. Thế nhưng, quân Taliban lại bác bỏ việc tiến hành mọi cuộc thương lượng hòa bình chừng nào các lực lượng đồng minh chưa rời khỏi đất nước họ. Vì vậy, ông Barack Obama sẽ phải đứng trước một sự lựa chọn đầy khó khăn.

Nếu ông tán thành việc rút quân, sự lựa chọn được chủ trương trong một báo cáo về chiến lược của Mỹ tại Ápganixtan được công bố hồi tháng 12 – vào một thời điểm mà khi đó sự ủng hộ của các công dân đối với cuộc chiến tranh đang giảm – thì ông có nguy cơ chuốc lấy những sự trừng phạt của phe đối lập Cộng hòa và có thể cả của Lầu Năm Góc vì họ coi cuộc rút quân này là một thất bại nhục nhã. Hệ thống các căn cứ quân sự của Mỹ thực sự là một trở ngại cơ bản cho mọi giải pháp trong khu vực.

Một quân đội đã chinh phục một dân tộc

Dù có một sức mạnh quân sự lớn hơn sức mạnh quân sự của tất cả các đối thủ và các đồng minh cộng lại, Mỹ vẫn không sùng bái lực lượng quân sự. Dự luật về các quyền, bổ sung cho Hiến pháp năm 1787 qui định trong lần sửa đổi thứ hai rằng “ một đội dân quân được tổ chức tốt là cần thiết cho nền an ninh của một Nhà nước tự do ”, nhưng sự tồn tại của một quân đội liên bang chỉ được đề cập trong phần 8 điều khoản I của Hiến pháp. Điều khoản trên trao quyền cho Quốc hội “hủy bỏ và duy trì các quân đội với điều kiện là không một sự sử dụng tín dụng nào nhằm mục đích này kéo dài trong thời gian hơn 2 năm”. Điều khoản II của Hiến pháp, nói về quyền hành pháp, nói rõ rằng “ Tổng thống sẽ là tổng tư lệnh quân đội và hải quân Mỹ và của đội dân quân của các bang khác nhau khi các cơ chế này được huy động phục vụ cho nước Mỹ ”. Hiến pháp là một văn kiện chống chủ nghĩa quân phiệt sâu sắc, được giải thích bằng sự phản đối của nhân dân đối với sự có mặt quân sự của Anh trong các nước thuộc địa. Cho đến giữa thế kỷ 20, một tình cảm thù địch nói chung đối với quân đội đã chi phối. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, quân đội của nước này chỉ gồm 175.000 quân. Sự giải ngũ nhanh chóng được tiến hành vào năm 1945 chỉ được ngừng do cuộc Chiến tranh Lạnh, và nguyên tắc về một quân đội tuyển quân theo lớp tuổi chỉ được từ bỏ sau cuộc can thiệp vào Việt Nam. Như vậy, cho đến những năm 1970, quân đội Mỹ vẫn là một quân đội “công dân”, mà nhiều sĩ quan xuất thân từ quân dự bị hoặc từ việc tuyển quân theo lớp tuổi. 

Bằng cách thay thế nó bằng một đội quân lành nghề, các nhà lãnh đạo chính trị đã tạo ra một công cụ quyền lực mà người dân không thể tác động đến được nữa. Đồng thời, ảnh hưởng của “tổ hợp quân sự - công nghiệp” đã gia tăng một cách đáng kể. Nền công nghiệp quốc phòng và an ninh là lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế chế tạo của Mỹ. Những lợi ích của nó lớn tới mức họ đã tự khẳng định như vậy tại Quốc hội cũng như tại chính phủ. Cách đây hai thế kỷ rưỡi, Mirabeau đã viết về đất nước khi đó hùng mạnh nhất châu Âu: “Nước Phổ không phải là một Nhà nước có một quân đội, đó là một quân đội đã chinh phục một dân tộc”. Nhận định này có thể áp dụng cho nước Mỹ hiện nay.

Giữa những bước đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh và cuộc chiến tranh hiện nay ở Ápganixtan, Mỹ đã không bỏ lỡ cơ hội nổ súng: cuộc chiến tranh triều Tiên, cuộc chiến tranh Việt Nam, cuộc xâm lược Campuchia, các chiến dịch quân sự ở Libăng, ở Grênađa, Panama, Cộng hòa Đôminica, Xanvađo và Nicaragoa (gián tiếp), Xômali (đầu tiên là dưới sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc, sau đó thông qua sự trung gian của Êtiôpia), hai cuộc xâm lược Irắc và một cuộc xâm lược Ápganixtan. Trừ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên, không một cuộc viễn chinh nào đạt được những kết quả phù hợp với những mục tiêu đề ra. 

Ngay cả trong biên giới của mình, Mỹ cũng vẫn không thể bị tổn thương trước mọi cuộc tấn công thông thường. Nhưng người ta không thể nói như vậy về quân đội Mỹ được triển khai trên khắp thế giới. An ninh của nước Mỹ chắc hẳn sẽ được bảo đảm tốt hơn nếu chính sách đối ngoại của nước Mỹ cuối cùng từ bỏ 50 năm theo chủ nghĩa can thiệp, nếu nước Mỹ tiến hành thương lượng việc rút quân khỏi Ápganixtan và Irắc mà không để lại các căn cứ quân sự ở đó và nếu Mỹ ngừng can thiệp một cách hung hăng vào công việc của nước khác. Một sự thay đổi như vậy chắc chắn sẽ phải trả giá đắt về chính trị cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Nhưng đã đến lúc các nhà lãnh đạo nước này phải định ra một phương hướng mới. Vấn đề là liệu họ có ý muốn hay có khả năng về chính trị và tư tưởng để làm điều đó hay không?

  Theo Le Monde diplomatique

 Mỹ Anh (gt)