Tăng cường liên minh với Mỹ

Bộ Quốc phòng Nhật Bản vừa công bố báo cáo "Quốc phòng Nhật Bản năm 2012". Là ấn phẩm hàng năm, cuốn Sách Trắng này điểm lại thực trạng các mối đe dọa và tiến triển trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Như Bộ trưởng Quốc phòng nước này Satoshi Morimoto nhận xét, "môi trường an ninh quanh Nhật Bản trở nên ngày càng khắc nghiệt". Về Bắc Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng nước này vẫn là một mối đe dọa. Sau khi Chủ tịch Ủy ban quốc phòng quốc gia Kim Châng In chết, con trai ông là Kim Châng Un nhiều lần đến thăm các đơn vị quân đội và nói nhiều đến tầm quan trọng của quân đội. Lập trường của Kim Châng In, theo đó quân đội là quan trọng và cần phải trông cậy vào quân đội, có thể sẽ được duy trì. Cuốn Sách Trắng bày tỏ mối quan ngại trước chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt của Bắc Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng có thể thành công trong việc thu nhỏ vũ khí hạt nhân, từ đó cho phép đặt các vũ khí đó trong tên lửa đạn đạo…

Liên quan đến Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói đến nguy cơ đối với an ninh của mình là vai trò ngày càng tăng của quân đội trong hoạch định chính sách đối ngoại của nước này. Nhiều người cho rằng mối quan hệ giữa Quân giải phóng nhân dân và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trở nên phức tạp hơn và đó chính là vấn đề gây lo ngại. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tình hình đó cần được lưu ý với tư cách là vấn đề kiểm soát nguy cơ. Cuốn Sách Trắng được công bố vào lúc ở Trung Quốc xuất hiện nhiều tiếng nói đòi chính quyền có chính sách cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa nước này và các nước láng giềng.

Theo cuốn Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ngày càng can dự nhiều hơn vào lĩnh vực chính trị, dẫn đến những thay đổi đáng kể về chính trị-quân sự. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng ảnh hưởng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc có thể suy giảm nếu số chỉ huy quân sự cấp cao giảm trong các cấp lãnh đạo chính trị vào dịp thay đổi ban lãnh đạo vào mùa Thu tới.

Cũng như cách đây một năm, Tôkyô lo ngại trước sức phát triển quân sự nhanh của Trung Quốc, cụ thể là hải quân. Ngân sách quốc phòng của nước này tăng 30 lần kể từ năm 1988 đến nay. Tháng 3/2012, Thủ tướng Ôn Gia Bảo thông báo trước Quốc hội rằng trong năm 2012, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa quân đội sau khi công bố mức tăng hai con số (11,2%) đối với ngân sách quốc phòng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh rằng cho dù mục tiêu của chương trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc trước hết là ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập, song Trung Quốc tăng cường năng lực triển khai sức mạnh. Hơn nữa, Trung Quốc mở rộng và tăng cường hoạt động ở các vùng biển quanh Nhật Bản. Cùng với việc Trung Quốc thiếu minh bạch trong các vấn đề quân sự và an ninh, những tiến triển đó là đáng lo ngại đối với vùng này và cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản, và cần phải được phân tích một cách thận trọng.

Trước các mối đe dọa đa dạng đó, Tôkyô tái khẳng định tầm quan trọng của việc liên minh với Mỹ. Báo cáo của Bộ Quốc phòng cho biết sự có mặt của lực lượng quân sự Mỹ ở Nhật Bản là một tác nhân răn đe (trong vùng) và giúp các nước trong vùng có cảm giác an toàn. Hơn nữa, Mỹ chính thức một lần nữa đưa ra bảo đảm trong bối cảnh dư luận phản đối việc Mỹ triển khai máy bay Osprey ở căn cứ Okinawa , do các vấn đề liên quan đến độ an toàn của loại máy bay này.

Liên minh với Mỹ được tăng cường thông qua việc gia tăng các cuộc tập trận chung và mở rộng hợp tác trong khuôn khổ phòng thủ tên lửa. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh đến hợp tác trong vùng, kể cả ở ngoài vùng Đông Á. Đó là một trong những trụ cột trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Liên minh được thực hiện trong khuôn khổ các diễn đàn vùng về an ninh như các "cuộc họp Mở rộng" giữa Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +), và thông qua hợp tác với nhiều nước như Ôxtrâylia, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tháng 6/2012, các cuộc tập trận hải quân lớn được tổ chức với Ấn Độ và Hàn Quốc và Mỹ. Hơn nữa, đó là các cuộc tập trận hải quân đầu tiên kiểu này với sự tham gia chung của Ấn Độ và Nhật Bản ở ngoài khơi Vịnh Sagami.

Chắc chắn là báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản không được nhìn nhận một cách tích cực, đặc biệt là ở Trung Quốc, nước coi đây là minh chứng cho việc Nhật Bản trở lại với chủ nghĩa quân phiệt trái ngược với "môi trường nhìn chung là hòa bình trong vùng". Trung Quốc nói ra điều này trong lúc họ gia tăng hành động khiêu khích, cụ thể ở Biển Đông. Nhưng ngày 31/7 Hàn Quốc cũng tỏ thái độ phật ý vì báo cáo nhắc lại đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản đối với hòn đảo Dokdo tranh chấp.

Tình hình trong vùng như vậy là đặc biệt căng thẳng và Tôkyô phải duy trì nỗ lực quốc phòng trong khi ngân sách lại eo hẹp, từ đó khiến phương trình phức tạp thêm. Nguồn lực sẽ thực sự được tập trung vào các chức năng thực sự cần thiết, song điều đó không cản trở việc mua trang thiết bị đắt tiền như máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ hay các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực không gian về truyền thông và tình báo.

Nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí

Ngày 27/12/2011, Chính phủ Nhật Bản quyết định nới lỏng quy định cấm xuất khẩu vũ khí mà nước này tự áp đặt cho mình từ hơn 40 năm nay, từ đó mở đường cho các công ty trong nước tham gia các dự án sản xuất vũ khí với nước ngoài. Ông Edouardo Moulimo đánh giá đó là một bước ngoặt mang tính chất lịch sử trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản.

Sau khi buộc phải đầu hàng vào tháng 8/1945, Nhật Bản thông qua một bản Hiến pháp Hòa bình cấm nước này sử dụng vũ khí, trừ trường hợp để bảo vệ lãnh thổ. Khi Chiến tranh Lạnh lên tới đỉnh điểm, Thủ tướng Eisaku Sato ra lệnh cấm bán bất kỳ thứ vũ khí nào cho các nước cộng sản, các nước trực tiếp can dự vào các cuộc xung đột quốc tế hay các nước chịu lệnh cấm vận của Liên hợp quốc. Đó chính là "bước ngoặt đối với chính sách quốc phòng của Nhật Bản" và là hệ quả của diễn biến tình hình chậm chạp, rồi được thúc đẩy nhanh từ những năm 2000.

Ngày 1/12/1949, luật thương mại và trao đổi với nước ngoài (luật số 228) được thông qua, trong đó có hai điều khoản chủ chốt. Điều khoản 25, đoạn 1 công nhận nguyên tắc theo đó Nhật Bản nên tránh gây phương hại tới hòa bình và an ninh quốc tế, do đó phải xác định giới hạn về loại vấn đề, công nghệ và kiến thức nghiên cứu do ngành công nghiệp nước này tạo ra và có thể chuyển ra nước ngoài, dù thông qua buôn bán tư nhân hay Nhà nước. Điều khoản 28, đoạn 1 xác định Bộ Thương mại và Công nghiệp (MITI) cần phải chú ý đến các loại nước trong quá trình xem xét xuất khẩu một số loại vũ khí hay công nghệ chế tạo vũ khí. Đó chính là ba loại đã nói ở trên.

Khó khăn nảy sinh từ đạo luật này là không có chỉ đạo cụ thể cho phép MITI đưa ra quyết định liên quan đến những gì có thể và không thể xuất khẩu được. Như vậy, cần có một bản "danh sách âm" các loại hàng hóa thuộc diện cấm. Sau này vấn đề mới được giải quyết khi chính phủ ban hành sắc lệnh (Sắc lệnh về kiểm soát xuất khẩu và thương mại) quy định rõ ràng những gì phải tuân thủ quy định hạn chế. Có tất cả 16 hạng mục hàng hóa, từ mũ sắt đến các phương tiện sinh học có thể được sử dụng trong chiến tranh sinh học và hóa học.

Từ năm 1967 đến năm 1981, Chính phủ Nhật Bản công bố ba quyết định tái khẳng định và tăng cường biện pháp hạn chế xuất khẩu vũ khí này.

Khi điều trần trước Quốc hội ngày 21/4/1967, Thủ tướng Eisaku Sato tuyên bố Nhật Bản không cần thiết phải hoàn toàn bị cấm xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài và không nên cấm xuất khẩu vũ khí sang các nước đáp ứng được ba điều kiện nêu trong bộ luật năm 1949. Như vậy, "Ba Nguyên tắc" đó được đưa ra trên cơ sở tư duy chính trị.

Các nguyên tắc này được tăng cường ngày 27/2/1976 khi "quan điểm tập thể của chính phủ" Thủ tướng Miki về xuất khẩu vũ khí được trình lên Hạ viện Nhật Bản. Nhìn chung, ý kiến này cho rằng cần cấm triệt để xuất khẩu vũ khí sang bất kỳ một nước nào và, trên thực tế, điều này gần như được thực hiện trong nhiều năm. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn văn bản này sẽ thấy Chính quyền Miki tiếp tục phân biệt giữa các nước hoàn toàn bị loại khỏi "Ba Nguyên tắc" trên và toàn bộ các nước khác. Người ta có thể chứng minh rằng không có lý do gì để không xuất khẩu vũ khí, công nghệ hay nghiên cứu chỉ để tránh khích lệ xung đột quốc tế, song MITI (nay là METI) vẫn cho phép một số trường hợp đặc biệt. Đó là lý do giải thích tại sao số vụ xuất khẩu ngoài quy định ngày càng tăng khiến các biện pháp hạn chế xuất khẩu vũ khí phần nào thiếu lôgích chung, đặc biệt là từ 10-15 năm trở lại đây.

Cuối cùng, Quốc hội Nhật Bản tháng 3/1981 thông qua nghị quyết tái khẳng định "nhãn quan tập thể" năm 1976 của Chính quyền Miki. Nhưng bắt đầu từ những năm 1980, dưới thời Chính quyền Nakasone, có những trường hợp ngoại lệ đặc biệt đối với Mỹ cũng như cá thể.

Trường hợp đầu tiên không khớp với ý kiến cho rằng "quan điểm tập thể" của Chính quyền Miki là cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí, là việc cấp phép chuyển giao công nghệ chế tạo vũ khí từ Nhật Bản cho Mỹ vào năm 1983. Hai trường hợp ngoại lệ đặc biệt hơn liên quan đến Mỹ diễn ra vào năm 2004. Một là vũ khí được chế tạo trong khuôn khổ phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) cùng phát triển và chế tạo giữa Nhật Bản và Mỹ có thể được xuất khẩu sang Mỹ. Quả thực là năm 2004, Chính quyền của Thủ tướng Junichiro Koizumi, do bị đe dọa tấn công bởi tên lửa Bắc Triều Tiên, đã biến vũ khí và công nghệ chế tạo vũ khí được phát triển cùng với Mỹ, thành điều khoản ngoại lệ đối với quy định cấm xuất khẩu. Trường hợp ngoại lệ thứ hai là Nhật Bản và Mỹ cùng phát triển và chế tạo vũ khí không liên quan đến phòng thủ tên lửa đạn đạo, cũng có thể được xuất khẩu sang Mỹ, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể sau khi các cơ quan có thẩm quyền của hai chính phủ tiến hành điều tra.

Ngoài ra cũng có một số trường hợp cá thể ngoại lệ, cụ thể là bắt đầu từ năm 1991 khi Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) -tên chính thức của quân đội nước này - bắt đầu tham gia nhiều sứ mệnh ở nước ngoài, từ gìn giữ hòa bình đến cứu trợ hay nhân đạo, do Nhật Bản thực hiện một mình hay cùng với một số nước khác. Tuy nhiên, hạn chế đối với quân đội cũng như việc triển khai phương tiện quân sự ra nước ngoài vẫn phải tuân thủ luật pháp Nhật Bản và hạn chế xuất khẩu vũ khí.

Trong số các biện pháp mạnh khác của Chính phủ Nhật Bản trong những năm 1990 liên quan đến ba nguyên tắc nói trên, có "quan điểm tập thể của chính phủ về xuất khẩu vũ khí lưỡng dụng" được trình lên Thượng viện năm 1993. Đó là tuyên bố khẳng định công nghệ và trang thiết bị lưỡng dụng không phải tuân thủ hạn chế đưa ra trong "Ba Nguyên tắc". Ví dụ điển hình vào thời đó là máy bay Boeing 767 và hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát của loại máy bay này có thể được sử dụng trong chiến tranh và chiến đấu. Hệ thống này được cho là không khác xa lắm so với những gì được sử dụng trong các máy bay thương mại và, như vậy, không phải tuân thủ chính sách cấm xuất khẩu vũ khí. Như vậy, quan điểm tập thể của Chính phủ Nhật Bản là công nghệ và sản phẩm ứng dụng trong quân sự có thể được sử dụng trong ứng dụng dân sự, không thuộc loại bị hạn chế xuất khẩu.

Một diễn biến khác mới đây là Mỹ đòi Nhật Bản dỡ bỏ "Ba Nguyên tắc" nói trên. Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2000 gây áp lực để Nhật Bản áp dụng nguyên tắc ngoại lệ đối với các quy định này nhằm cho phép Mỹ bán cho châu Âu tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA được phát triển cùng với Nhật Bản trong khuôn khổ phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Về phương diện đối nội, Keidanren, hiệp hội giới chủ hùng mạnh của Nhật Bản, năm 2004, rồi trong một báo cáo năm 2010, cho rằng dù vẫn phải giữ nguyên tắc chung, song cấm xuất khẩu nói chung thực sự không đáp ứng được lợi ích của Nhật Bản. Giới chủ nước này nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xem xét lại vấn đề chế tạo vũ khí trong nước và mua vũ khí theo nhu cầu của lực lượng quân sự hiện đại và tiến triển địa chính trị. Theo Kaidanren, việc xem xét lại "Ba Nguyên tắc" sẽ mang lại lợi ích vì cho phép Nhật Bản tham gia cùng phát triển và chế tạo vũ khí công nghệ quân sự cao.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng hoạt động rất tích cực để thúc đẩy vấn đề này và xác định ba lý do chủ chốt để xem xét lại hạn chế xuất khẩu vũ khí. Thứ nhất, để hoạt động hợp tác quốc tế đối với Nhật Bản có thể thực sự được thực hiện, cần áp dụng trường hợp ngoại lệ chung đối với trang thiết bị mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và các nước hợp tác muốn có để tiến hành các hoạt động đó. Thứ hai, muốn tăng cường liên minh Nhật-Mỹ và hợp tác quốc tế cùng phát triển và chế tạo vũ khí, sản phẩm được chế tạo theo giấy phép phải được cung cấp cho một số nước khác. Thứ ba, muốn có vũ khí giá hạ và để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và cơ sở công nghệ của lĩnh vực này, cần tiến hành hợp tác quốc tế về phát triển và cùng chế tạo, và thiết bị nhập khẩu vào Nhật Bản (cũng như xuất khẩu đi) cần được tính vào thành phẩm, từ đó tạo ra thương mại bù trừ.

Cuối cùng, Ủy ban chính trị an ninh và ngoại giao thuộc đảng DPJ cầm quyền đề xuất một loạt nguyên tắc khác. Đó là hạn chế xuất khẩu thành phẩm và hệ thống quân sự đối với các sản phẩm hay hệ thống hỗ trợ hòa bình và can thiệp nhân đạo; bảo đảm các nước khác phải tham gia và hỗ trợ kiểm soát xuất khẩu vũ khí khi Nhật Bản can dự vào dự án quốc tế cùng phát triển/cùng chế tạo; và bảo đảm các nước này có hệ thống và tiêu chuẩn phổ quát để ngăn chặn xuất khẩu những gì không được phép sang các nước thứ ba, cũng như khả năng giữ bí mật và bảo mật.

Như vậy, rõ ràng là có sự tiến triển từ từ cho phép tiến tới dỡ bỏ một phần hạn chế xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản. Theo quy định mới, Nhật Bản chỉ có thể xuất khẩu vũ khí cho các nước khác nếu số vũ khí này được sử dụng để xây dựng hòa bình và hỗ trợ nhân đạo, như trong trường hợp các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nhật Bản cũng sẽ có thể cung cấp trang thiết bị phòng thủ, như mũ sắt và áo chống đạn, cho các nước nơi Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được triển khai. Doanh nghiệp Nhật Bản cũng được phép cùng tham gia phát triển công nghệ quân sự với quốc tế.

Khi công bố quyết định này, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Osamu Fujimura, vẫn nhấn mạnh rằng ý tưởng cơ bản của "Ba Nguyên tắc" không thay đổi và xuất khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm số vũ khí đó không rơi vào tay các nhóm khủng bố hay được chuyển đến các nước đang có chiến tranh. Để tránh cho số vũ khí này được sử dụng vào mục đích khác hay được chuyển đến các nước thứ ba, Nhật Bản sẽ thiết lập một khuôn khổ riêng nhằm mục đích này.

Việc Chính phủ Nhật Bản quyết định ra chỉ thị về xuất khẩu thiết bị quân sự và công nghệ cho các nước khác cho thấy quyết tâm sắt đá của Thủ tướng Yoshihiko Noda và cho phép phát triển sâu rộng hơn liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ. Hơn nữa, quyết định này ngay lập tức cũng nhận được sự ủng hộ của Mỹ và nước này khích lệ Nhật Bản thúc đẩy chuyển giao công nghệ quân sự mà hai nước cùng phát triển cho các đồng minh khác. Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản ra thông cáo cho biết các chuẩn mực mới sẽ tạo vận hội cho Nhật Bản có lợi cho liên minh và phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của nước này liên quan đến chế độ kiểm soát xuất khẩu.

Sau quyết định được công bố ngày 20/12, ngày 27/12 Chính phủ Nhật Bản lại quyết định mua 42 chiếc máy bay F-35 Lightning II Joint Strike Fighter của hãng Lockheed Martin Corp để thay thế số máy bay Phantom F-4 đã cũ. Nhật Bản công bố ý định chi hơn 20,8 tỷ USD cho chương trình này trong hai chục năm tới. Nước này hy vọng bù đắp một phần trong số chi phí mua sắm vũ khí thông qua việc chế tạo máy bay ở trong nước và xuất khẩu linh kiện cho các nước mua máy bay F-35 khác. Chi phí tăng cộng với việc chế tạo trang thiết bị quân sự có thể chỉ được sử dụng ở Nhật Bản trong lĩnh vực kỹ thuật, là một yếu tố quan trọng khiến nước này phải xem xét lại chính sách cấm xuất khẩu vũ khí.

Bối cảnh lúc này là thuận lợi cho quyết định của Nhật Bản. Quả thực nước này một mặt phát triển công nghệ quân sự tiên tiến, mặt khác vẫn phải đối phó với tình hình tài chính xấu đi. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản - khoảng 4.600 tỷ yên vào năm 2011- giảm trong một thập kỷ nay, trong khi món nợ công lên tới 200% tổng sản phẩm quốc nội.

Máy bay F-35 được phát triển với sự hợp tác của 9 nước, trong đó có Mỹ và Anh. Nhật Bản đề nghị được tham gia dự án này, nhưng cho đến nay không có khả năng thực hiện do vướng phải quy định về xuất khẩu vũ khí.

Trong khi chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản có khả năng gây ra phản ứng quyết liệt và khiến người khác lo ngại sẽ vi phạm Hiến pháp, nhiều chuyên gia an ninh cho rằng đã đến lúc Nhật Bản phải nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí trong khi ngành công nghiệp quốc phòng của nước này tiếp tục suy yếu. Thậm chí có chuyên gia cho rằng ngành này có nguy cơ sụp đổ do không có tăng trưởng khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mới phải từ bỏ sản xuất trang thiết bị quân sự. Từ năm 2003, khoảng 20 doanh nghiệp Nhật Bản đã bỏ sản xuất liên quan đến ngành hàng không phòng thủ…

Xu thế quốc tế hiện nay là cùng phát triển và chế tạo các loại vũ khí tốn kém, nhưng Nhật Bản trước đây bị loại khỏi tiến trình này vì bị hạn chế xuất khẩu. Từ nay, Nhật Bản sẽ có khả năng phát triển công nghệ quốc phòng không những với Mỹ mà cả một số "nước bạn bè" khác, trong đó có Ôxtrâylia và các nước thành viên NATO, đồng thời giảm được chi phí.

Với quy định được nới lỏng như vậy, ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản sẽ có thể tham gia các dự án quốc tế để phát triển và chế tạo trang thiết bị quân sự công nghệ cao. Diện mạo lĩnh vực quốc phòng của Nhật Bản cũng sẽ thay đổi. Hiện nay, lĩnh vực này có ba đặc điểm: tuyệt đại đa số trang thiết bị quốc phòng được chế tạo bởi doanh nghiệp trong nước (được gọi là "kokusanka" hay sản xuất trong nước) hoặc theo giấy phép cho Mỹ (chẳng hạn loại máy bay F-15 J do tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries chế tạo), số trang thiết bị quốc phòng bán được chiếm tỷ lệ rất thấp trong kim ngạch của các tổ hợp Nhật Bản có hoạt động chế tạo vũ khí, và hoạt động dân sự hỗ trợ hoạt động quốc phòng. Do không tiếp cận được thị trường vũ khí thế giới và thị trường trong nước yếu nên các đặc điểm này không cho phép các công ty Nhật Bản tiết kiệm được công sức và ảnh hưởng tới độ tin cậy của các công ty chuyên về quốc phòng, từ đó cần phải hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng bằng lĩnh vực dân sự. Tình hình có thể được cải thiện, cho dù tỷ lệ thiết bị quốc phòng sản xuất trong nước vẫn là quan trọng, nhưng sẽ giảm với việc hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.

Cân bằng lực lượng không quân ở Đông Á

Cuối năm 2011, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông qua chương trình mua sắm hơn 40 máy bay chiến đấu trị giá 6 tỷ USD. Điều đáng nói là trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã lùi quyết định có tầm chiến lược này trong hơn ba năm qua. Chuyên gia Edouardo Moulimo, lý giải trên tạp chí "Đại Tây Dương" tại sao Nhật Bản mua số vũ khí này, đưa ra quyết định trong bối cảnh nào và tác động của kế hoạch này ra sao.

Để thay thế các phi đội máy bay Phantom F-4 dựa trên công nghệ của những năm 1970 và số F-15 Eagles, Nhật Bản quyết định mua từ 40 đến 60 chiếc máy bay chiến đấu mới. Vụ mua sắm máy bay này có tác động quan trọng đối với Nhật Bản về phương diện công nghiệp. Quả thực là Nhật Bản có truyền thống lâu đời tự chế tạo máy bay chiến đấu theo giấy phép, cụ thể là bởi tập đoàn Mitsubishi.

Dưới thời Thủ tướng Hatoyama, Nhật Bản từng làm mếch lòng Mỹ khi từ chối mua vũ khí của nước này, nay không muốn có thêm xích mích trong vấn đề nhạy cảm như quốc phòng. Hơn nữa, các hiệp định quốc phòng giữa hai nước là trụ cột trong phòng thủ của Nhật Bản, còn các chính trị gia và nhà công nghiệp nước này ý thức rõ điều đó. Ngoài cái được mất về công nghiệp đối với ngành hàng không quân sự của Mỹ và châu Âu, còn có thêm ván cá cược chiến lược đặt ra vấn đề cân bằng trong vùng về lực lượng không quân ở Đông Á.

Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng với nhịp độ rất nhanh. Chi phí quân sự của nước này tăng 12,7% (năm 2011) lên 601,1 tỷ nhân dân tệ (65,6 tỷ euro). Nhưng nhiều chuyên gia và chính phủ cho rằng con số thực phải cao hơn nhiều. Dẫu sao, mức tăng này cũng đánh dấu sự trở lại của tăng trưởng với hai con số, sau một thời gian giới hạn ở 7,5% vào năm 2010. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc thực hiện nhiều chương trình mang tính biểu tượng, chẳng hạn chế tạo máy bay tàng hình J-20 được một số chuyên gia cho là câu đáp trả của Trung Quốc đối với loại máy bay tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ. Đô đốc Mike Mullen, quan chức quân sự cao cấp Mỹ, cho rằng các chương trình vũ khí của Trung Quốc dường như là để chống lại Mỹ.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố vào tháng 8/2011, Bắc Kinh có thể tăng cường vũ khí ở eo biển Đài Loan và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình với việc trang bị thêm một số vũ khí mới. Báo cáo còn cho biết lợi ích kinh tế và địa chiến lược tiến triển khiến Trung Quốc thay đổi hẳn cách nhìn nhận về sức mạnh trên biển.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngay lập tức bị Bộ Quốc phòng Trung Quốc coi là không có cơ sở và cho rằng Mỹ phóng đại "cái được gọi là" mối đe dọa của Bắc Kinh đối với Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc cộng sản đòi chủ quyền.

Về không quân thì thế nào? Liệu có mối đe dọa đối với sự cân bằng trong vùng, đặc biệt là đối với Nhật Bản không?

Từ nhiều năm nay, số máy bay chiến đấu của Nhật Bản phần nào trở nên cũ kỹ. Theo Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản, lực lượng phòng vệ nước này có 202 máy bay Mitsubishi-Boeing F-15J, 93 chiếc Mitsubishi F-2 và 67 chiếc Mitsubishi-McDonnell Douglas F-4EJ Kai Pantoms. Trong khi số F-4 được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1970, số F-15J là một phần cấu thành lực lượng không quân của Nhật Bản từ đầu những năm 1980, từ đó khiến cho việc bảo dưỡng toàn bộ số máy bay của Không quân Nhật Bản trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Một bằng chứng cho thấy những bó buộc của Nhật Bản về phòng không là một chiếc Eagle F-15J đóng tại căn cứ không quân Naha ở Okinawa ngày 5/7/2011 rơi xuống Biển Hoa Đông trong một chuyến bay huấn luyện. Sau đó, một chiếc F-15 khác bị rơi thùng dầu phụ rỗng và một bộ phận của một quả tên lửa trong khi bay tập ở vùng Ishikawa.

Nga và Trung Quốc dường như khai thác được những điểm yếu này của Không quân Nhật Bản. Số phi vụ cất cánh khẩn cấp hay báo động được Không quân Nhật Bản công bố tăng đáng kể trong những năm gần đây nhằm chặn máy bay của Trung Quốc hay Nga xâm nhập không phận Nhật Bản. Các vụ cất cánh khẩn cấp lên tới 386 lần trong năm tài khóa 2010, cho thấy đây là con số cao nhất kể từ năm 1991 đến nay. Nga cùng Ấn Độ phát triển loại máy bay chiến đấu thế hệ năm T-50 (PAK-FA), trong khi Trung Quốc phát triển loại máy bay tiêm kích đa năng thế hệ năm của riêng mình là J-20. Đối với Nhật Bản, mối đe dọa từ trên không đang tăng lên.

Từ năm 2010, Nhật Bản đã có phản ứng trước những tiến triển về quân sự này, đặc biệt là của Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản phát động một cuộc cách mạng sâu rộng trong chiến lược quốc phòng của mình. Sau khi tổ chức hệ thống quân sự xoay quanh mối đe dọa của Nga trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản thông báo từ nay sẽ tập trung nỗ lực vào các vùng lãnh thổ nằm sâu hơn về phía Nam và Tây của mình, nơi sức mạnh quân sự của Trung Quốc thể hiện rõ rệt hơn. Trong Kế hoạch quốc phòng - tài liệu xác định đường nét chủ đạo trong chiến lược quân sự trong 10 năm tới của mình, Tôkyô dự tính giảm số quân đóng ở phía Bắc đảo Hokkaido để thành lập các đơn vị cơ động hơn có thể được nhanh chóng điều động đến các hòn đảo ở phía Nam và cả đảo nhỏ trong Biển Hoa Đông mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền. Để đối phó với việc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc hiện đại hóa và tham vọng mới của Trung Quốc về biển, Chính phủ Nhật Bản dự tính trang bị thêm cho hải quân tàu ngầm, mua thêm máy bay chiến đấu và tăng thêm số căn cứ quân sự trên các vùng đất nằm ở ngoài khơi Okinawa. Nhật Bản cũng đã thay một phần máy bay chiến đấu F-4 Phantom bằng loại F-15, cụ thể là ở căn cứ Naha

Mặt khác, Tôkyô tích cực mở rộng liên minh với Mỹ. Trong thời gian gần đây, nhiều nước châu Á - như Ấn Độ và Việt Nam - quay trở lại với Mỹ vì có thể các nước này nghi ngại trước tham vọng mới của Trung Quốc. Về khía cạnh này, chiến lược của Nhật Bản dường như là trở thành một đối tác quân sự hoàn chỉnh hơn của Mỹ. Đường hướng chính được công bố tháng 12/2010 cũng kêu gọi hòa nhập lực lượng quân sự của Mỹ và Nhật Bản với nhau bằng cách cùng sử dụng các trung tâm chỉ huy và tình báo.

Không phải chỉ có Nhật Bản phản ứng mà nhiều cường quốc châu Á cũng lao vào hiện đại hóa lực lượng không quân của mình để theo kịp sự phát triển của Trung Quốc. Tháng 1/2011, nước này lần đầu tiên công khai chiếc máy bay tiêm kích J-20 trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, Robert Gates, đang ở thăm Bắc Kinh.

Loại máy bay tàng hình này liệu có làm thay đổi tình thế chiến lược ở Đông Á khi được phiên chế cho Quân giải phóng nhân dân Trung quốc đang trong giai đoạn phát triển mạnh và hiện đại hóa không? Ý kiến về vấn đề này vẫn còn khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang làm thay đổi sự cân bằng vùng về không quân với lợi thế về lượng và chất. Sự xuất hiện của loại máy bay tàng hình J-20 được nhiều chuyên gia nhìn nhận như một mối đe dọa hay, dẫu sao, cũng đặt lại vấn đề đối với sự cân bằng chiến lược không quân trong vùng. Hơn nữa, nhiều chuyên gia còn chỉ ra điểm rất giống nhau giữa J-20 và F-22 Raptor của Mỹ. Ông Nate Hyghes, Giám đốc phân tích quân sự thuộc Stratfor, một tổ chức nghiên cứu an ninh, nhận xét với bề mặt bằng phẳng và vũ khí được giấu ở bên trong, J-20 có thể qua mặt được rađa của Mỹ và Đài Loan.

Trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Trung Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc Mỹ không thể bù đắp sự vượt trội về lượng của Trung Quốc bằng các loại máy bay tàng hình như F-22 hay F-35, vì Trung Quốc cũng có loại máy bay tương tự.

Về số lượng, rõ ràng Trung Quốc có lợi thế. Năm 2010, nước này có 315.000 người trong lực lượng không quân so với 34.760 của Nhật Bản và 160.000 của Nga. Hơn nữa, Trung Quốc có 2.446 máy bay quân sự so với 599 của Nhật Bản và 1.909 của Nga. Nếu chỉ tính số máy bay chiến đấu của Trung Quốc, có thể thấy số này lên tới 1.184 chiếc so với 250 của Nhật Bản và 804 của Nga. Về phần mình, Hàn Quốc có 467 chiếc, so với 388 chiếc của Bắc Triều Tiên và 244 của Đài Loan.

Lợi thế về lượng của Trung Quốc dường như ở trong thế áp đảo. Thêm vào đó là Trung Quốc muốn mở rộng tầm tác chiến cho số máy bay chiến đấu của mình. Để có được bán kính hoạt động tối đa, số máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Lạnh được rút khỏi phiên chế và thay thế bằng loại J-10 và đặc biệt là J-11 có tính năng cao hơn. Lực lượng không quân Trung Quốc đang tìm cách để có được khả năng tiến hành các chiến dịch đường không trong vòng bán kính 1.000 km tính từ vùng phụ cận của nước này vào năm 2010, một mục tiêu không được thực hiện đầy đủ, và mở rộng tới 3.000 km từ nay đến năm 2030. Như vậy, ở vùng Eo biển Đài Loan, tuy Trung Quốc có tới 1.680 máy bay chiến đấu so với 388 của Đài Loan, song chỉ có 330 chiếc có bán kính hoạt động đủ để bay tới hòn đảo này. Tuy vậy, nếu bán kính hoạt động đạt 3.000 km, toàn bộ các căn cứ quân sự của Nhật Bản có thể bị tấn công.

Song, sự vượt trội về lượng của Trung Quốc lại có ít giá trị áp đảo hơn nếu Nhật Bản và Đài Loan có thêm các lực lượng đồng minh, cho dù các lực lượng này không bao quát được cùng một không phận. Lập luận này cũng có thể được áp dụng cho lực lượng hải quân. Về phương diện chất, quả thực phải tính tới hạm đội hùng mạnh của Mỹ ở Thái Bình Dương vì chỉ riêng hạm đội này đã có tới năm nhóm tàu sân bay, khoảng 180 tàu chiến, 1.500 máy bay và 100.000 quân.

Mặt khác, máy bay Trung Quốc phần lớn vẫn là loại cũ. Nếu tính số máy bay hiện đại các loại cộng lại so với số máy bay được cho là loại cũ, ta sẽ có một bức tranh rất khác. Trung Quốc có 1.514 máy bay loại cánh cố định cũ và chỉ có 231 chiếc được coi là hiện đại. Về phần mình, Nhật Bản có 210 máy bay hiện đại và chỉ có 120 chiếc loại cũ. Hàn Quốc có 203 chiếc loại mới và 272 chiếc loại cũ, còn Đài Loan có 203 chiếc loại mới so với 142 chiếc loại cũ. Bắc Triều Tiên lại càng mất cân đối vì chỉ có 69 chiếc hiện đại trong khi số thuộc loại cũ lên tới 551 chiếc.

Quả thực là trong thời kỳ 2000-2010, số máy bay tiêm kích thế hệ hai trong Không quân Trung Quốc đã giảm 2/3 và số máy bay thế hệ bốn tăng hơn bốn lần. Trên thực tế, lực lượng của Trung Quốc chỉ mới được hiện đại hóa một phần. Hai phần ba trong số 1.600 chiếc máy bay phiên chế trong Không quân Trung Quốc vẫn luôn dựa vào số Mig-19 và Mig-21, và chưa đến ¼ số máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ tư. Cuối cùng, mặc dù chất lượng huấn luyện của Không quân Trung Quốc được cải thiện rõ rệt trong 10 năm trở lại đây, song vẫn còn thua xa tiêu chuẩn của Mỹ.

Hơn nữa, về máy bay tàng hình, trước hết cần nhận thấy rằng chiếc J-20 của Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn nguyên mẫu. Kể cả khi Trung Quốc phát triển được đầy đủ J-20, lợi thế về số lượng trong lĩnh vực này vẫn thuộc về Mỹ. Khi còn là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Gates, ngày 18/2/2011 tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng trong những năm tới, Mỹ sẽ duy trì một lực lượng máy bay chiến đấu rất hiện đại lớn hơn của Trung Quốc, mặc dù nước này đang thử nghiệm máy bay tàng hình.

Trung Quốc còn phải đi một quãng đường dài trước khi triển khai được máy bay tiêm kích tàng hình J-20. Ông Robert Gates dự báo vẫn sẽ tồn tại một khoảng cách rất lớn so với lực lượng máy bay chiến đấu của Mỹ. Ông hạ thấp tầm quan trọng của lực lượng không quân Trung Quốc, khẳng định Mỹ sẽ duy trì nhiều máy bay chiến đấu thế hệ năm hơn Trung Quốc trong nhiều năm. Theo ông, lực lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn còn rất hỗn tạp. Do các thách thức mà Mỹ từng phải đối mặt trong lĩnh vực này (máy bay tàng hình) từ hơn 20 năm nay, Trung Quốc còn phải đi một quãng đường rất dài mới có thể đưa loại J-20 trở thành máy bay chiến đấu tác chiến được. Ông cho rằng Trung Quốc có thể có 50 chiếc J-20 được triển khai bắt đầu từ năm 2020 và vài trăm chiếc đến năm 2025. Tháng 2/2011, ông Robert Gates tuyên bố rằng mặc dù số lượng máy bay chiến đấu F-35 được đặt mua giảm trong 5 năm trong khuôn khổ cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc, Mỹ vẫn sẽ có 325 chiếc F-35 có khả năng tàng hình từ nay đến năm 2016, không kể số F-22. Tổng cộng, Mỹ sẽ có khoảng 850 máy bay thế hệ năm vào năm 2020. Số này có thể lên tới 1.500 chiếc vào năm 2025.

Mặt khác, học thuyết của Mỹ đang có những bước tiến triển mới. Lầu Năm Góc đang lao vào một cuộc chiến chính trị thầm lặng để thông qua một chương trình quân sự mới nhằm tăng lực lượng Mỹ ở châu Á. Với tên gọi Air Sea Battle Concept, chương trình này được phát triển để đáp lại hơn 100 "trò chơi chiến tranh điện tử" từ những năm 1990 cho thấy quân đội Mỹ không có khả năng đánh thắng trong một cuộc chiến tương lai với Trung Quốc. Chương trình này nhằm có được vũ khí mới để chống lại vũ khí "chống tiếp cận" mà Trung Quốc đang phát triển. Trong số các vũ khí này, máy bay chiến đấu tàng hình và căn cứ không quân mới sẽ hỗ trợ lực lượng của Nhật Bản.

Cuối cùng, Mỹ khích lệ các đồng minh trang bị máy bay hiện đại hơn. Cuối tháng 9/2011, Mỹ thông báo chương trình bán vũ khí cho Đài Loan, với chi phí lên tới gần 5,88 tỷ USD và cho phép hòn đảo này hiện đại hóa toàn bộ số 145 máy bay chiến đấu F-16 của mình để có khả năng tự vệ thực tế hơn.

Nhìn chung, Mỹ đang thúc đẩy thị trường máy bay chiến đấu ở châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, Nhật Bản không bị lẻ loi. Cả Hàn Quốc cũng có liên quan đến tình hình này. Cuộc chạy đua quốc tế để thay thế số máy bay chiến đấu F-4 Phantom cũ kỹ cuối cùng đã nghiêng về phía F-15K của Nhật Bản. Quyết định này có nguy cơ mang tính chính trị rất lớn trong trường hợp của Nhật Bản, nhưng lại là cần thiết để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc.

Cuộc đấu tàu sân bay với Trung Quốc

Ngày 9/2, Bộ Quốc phòng và hải quân Nhật Bản tổ chức lễ đặt ki chế tạo chiếc tàu tuần dương chở trực thăng mới nhất tại nhà máy IHI Marine United, ở Yokohama (Nhật Bản). Lễ này là một truyền thống hàng hải ở Nhật Bản, khi khối chi tiết đầu tiên của một chiếc tàu được đặt vào vị trí của nó. Công việc đang tiến triển và, như nhận xét của nhà phân tích Edouardo Moulimo, không phải là không có ý nghĩa.

Chuyên gia Edouardo Moulimo cho biết quả thực đây là chiến hạm lớn nhất được đóng ở Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai đến nay. Được khởi công năm 2011, chiếc tàu này có thể được đưa vào phục vụ trong Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (Hải quân) vào thời kỳ 2014-2015. Lúc đầu, chi phí đóng chiếc tàu này được tính vào ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2010. Đây là một tàu tuần dương chở trực thăng có tên gọi 22DDH - chứ không phải là tàu sân bay, một cách nói thận trọng đối với Tôkyô vì không muốn các nước láng giềng phê phán Nhật Bản tái vũ trang- có kích thước lớn hơn các tàu chở trực thăng lớp Hyuga kiểu 16DDH. Tuy nhiên, ngay cả số tàu này, bao gồm hai tàu Hyuga và Ise, đã được tạp chí "Military Balance 2011" xếp vào loại tàu chở trực thăng. Chiếc tàu tuần dương chở trực thăng mới này là tàu gì ?

Tàu 22DDH có chiều dài dài hơn khoảng 25% so với chiều dài 197 mét của các tàu Hyuga 16DDH. Với chiều dài 248 mét, chiếc tàu tuần dương chở trực thăng mới có thể sánh với các tàu chở máy bay của châu Âu như Cavour của Italia (244 mét). Lượng giãn nước của tàu này là 19.500 tấn, tức là lớn hơn khoảng 44% so với lượng giãn nước của loại tàu 16DDH. Nếu chở đủ tải, lượng giãn nước của tàu này có thể lên tới 27.000 tấn, giống như tàu Cavour của Italia. Chiếc 22DDH, trị giá 1,04 tỷ USD, có thể mang theo 14 chiếc trực thăng, 4.000 lính và 50 chiến xa.

Tại sao Nhật Bản đóng một chiếc tàu giống một chiếc tàu sân bay như vậy? Chuyên gia Edouardo Moulimo dẫn một tài liệu năm 2010 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết chiếc tàu tuần dương chở trực thăng này được đóng để thay thế cho hai tàu lớp Shirane sẽ được rút khỏi phiên chế. Nhật Bản sẽ đưa vào sử dụng một tàu chiến mới để tiếp tục có khả năng tác chiến và duy trì các đội trực thăng tuần tra. Đây là tàu chiến kiểm soát tác chiến trên không khi tiến hành hoạt động chiến tranh chống tàu ngầm. Chiếc tàu tuần dương mới sẽ giúp nâng cao đáng kể chức năng chuyên chở của một tàu tuần dương dùng làm căn cứ nổi cho một loạt các sứ mệnh, từ gìn giữ hòa bình đến hỗ trợ trong trường hợp xảy ra thảm họa.

Như vậy, tàu tuần dương chở trực thăng 22DDH là lời đáp trả trước mối đe dọa ngày càng tăng nảy sinh từ lực lượng hải quân Trung Quốc đang gia tăng các cuộc tập trận hay thâm nhập vào gần các vùng biển của Nhật Bản, cụ thể là Okinawa, và nhận được ngày càng nhiều tàu chiến hiện đại. Một lý do khác được đưa ra là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong các sứ mệnh hỗ trợ và trợ giúp trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên hay để tiến hành các sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế.

Nhật Bản không cho là mình đang đóng "tàu sân bay" vì điều này có thể vi phạm Hiến pháp của nước này. Dưới ánh sáng của Điều khoản 9 -Nhật Bản không được phép có "lực lượng bộ binh, hải quân và không quân, cũng như một tiềm năng chiến tranh nào khác", Chính phủ Nhật Bản năm 1988 ra tuyên bố theo đó "vì tàu sân bay tấn công vượt quá tiềm năng chiến tranh cần thiết để bảo đảm mức độ phòng vệ tối thiểu, sở hữu các tàu như vậy là điều bị Hiến pháp cấm".

Tuy vậy, người ta vẫn thấy tiềm lực của hải quân Nhật Bản tăng mạnh. Trước khi có các tàu 16DDH và 22DDH, Nhật Bản đưa vào sử dụng một số tàu chở trực thăng tấn công lớp Osumi được bàn giao cho hải quân vào các năm 2002 và 2003. Đó là các tàu Shimokita và Kumisaki, với lượng giãn nước 11.600 tấn và chiều dài 178 mét, được đánh giá là các tàu lớn nhất của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản.

Đối với một số chuyên gia, thông qua cuộc chạy đua "ngoại cỡ" này, Nhật Bản cho thấy nước này đang phục hồi kỹ năng trong công nghệ chế tạo tàu sân bay. Ngoài năng lực công nghiệp đó, điều này còn bộc lộ nhiều hiện tượng khác. Trước hết, Nhật Bản cho thấy nước này có năng lực triển khai có thể được sử dụng trong các hoạt động hỗ trợ các chiến dịch của Liên hợp quốc. Nhưng điều đó cũng cho thấy Nhật Bản ngày càng can dự sâu hơn vào hệ thống phòng thủ của Mỹ khi cung cấp một tấm lá chắn di động cho sức mạnh tấn công của Mỹ. Cần nhắc lại rằng hải quân Nhật Bản can dự với Mỹ ở mức độ cũng đã lớn trong khuôn khổ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD). Cuối cùng, điều này cho thấy Nhật Bản phát triển năng lực tấn công nếu cần có thể được sử dụng và nếu hiến pháp hòa bình và cách hiểu hiến pháp đó tiến triển theo thời gian.

Đó chính là điều khiến Trung Quốc lo ngại vì cho rằng Nhật Bản có thể tương đối dễ dàng biến các tàu nói trên thành tàu sân bay, chẳng hạn bằng cách có được máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cất cánh thẳng đứng, mặc dù cả Bộ Quốc phòng lẫn Lực lượng phòng vệ nước này chưa bao giờ nói đến khả năng đó. Cựu Đô đốc Trung Quốc Yin Zhou lập luận rằng nhờ có mặt boong dài 200 mét, tàu 22DDH có thể cho phép hạ và cất cánh sáu chiếc F-35. Nhưng Nhật Bản lại phủ nhận điều này.

Trên thực tế, phía Nhật Bản cũng có mối quan tâm lớn và có thể được giải thích là do Lực lượng phòng vệ của nước này lớn mạnh. Mặt khác, Trung Quốc khiến nước khác quan ngại, đặc biệt là sức mạnh ngày càng tăng của hải quân nước này. Mối lo ngại của Nhật Bản lại càng lớn khi Trung Quốc có chương trình phát triển tàu sân bay riêng. Trung Quốc cũng khẳng định sự tồn tại của một tàu sân bay được tân trang từ tàu Varyag của Liên Xô mua lại của Ucraina năm 1998. Chiếc tàu này có thể được đưa vào sử dụng trong năm 2012 vì các cuộc thử nghiệm đều diễn ra trôi chảy như Từ Hồng Mãnh, Phó Tư lệnh hải quân Trung Quốc, thừa nhận. Các cuộc thử nghiệm với Thẩm Dương J-15, loại máy bay chiến đấu hải-không quân có thể hoạt động trên tàu sân bay, cũng đang tiến triển.

Dường như một chiếc tàu thứ hai - hoàn toàn do Trung Quốc chế tạo - đang được đóng và sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2015. Một số chuyên gia Trung Quốc, như tướng La Viện, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện khoa học quân sự Bắc Kinh, thậm chí nói rằng sẽ còn có chiếc thứ ba nữa. Nhưng viên tướng này quên nói rằng cả ba chiếc tàu sân bay của Trung Quốc sẽ có lượng giãn nước tổng cộng khoảng 185.000 tấn, trong khi lượng giãn nước của hai chiếc tàu lớp Hyuga và 22DDH của Nhật Bản cộng lại cũng chỉ đạt khoảng 60.000 tấn.

Liệu điều đó có đáng lo ngại không? Trên thực tế, phải mất một thời gian rất dài nữa các tàu sân bay của Trung Quốc mới có khả năng tác chiến và phải mất nhiều năm mới lập được một nhóm tàu sân bay hùng mạnh có khả năng đối đầu với các tàu của Nhật Bản, còn với các nhóm tàu sân bay của Mỹ lại càng không. Trái lại, các tàu của Trung Quốc có chức năng răn đe và vai trò vượt trội đối với các nước láng giềng ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ ở nhiều vùng. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc dường như sẽ đóng căn cứ ở đảo Hải Nam , từ đó có thể gia tăng sức ép ở vùng biển này.

Như vậy, Nhật Bản có thể thấy chương trình tàu sân bay của Trung Quốc là lý do giải thích tại sao mình lại muốn phục hồi tiềm năng chế tạo tàu sân bay, trong trường hợp Bắc Kinh tỏ ra hung hãn đối với mình hay đưa ra những đòi hỏi về lãnh thổ không tương xứng với quyền lãnh thổ của họ.

Viễn cảnh nào cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí?

Cơ quan hợp tác an ninh và quốc phòng Mỹ (DSCA) ngày 1/5/2012 cho biết Nhật Bản đã chính thức đặt mua bốn máy bay chiến đấu F-35 và có kế hoạch mua thêm 38 chiếc khác, với tổng chi phí khoảng 10 tỷ USD, tức 238 triệu USD/chiếc. Theo ông Edouard Moulim, nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), hợp đồng này làm dấy lên mối lo ngại đối với ngành công nghiệp hàng không nói riêng và ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản nói chung.

Phân tích trên tạp chí "Đại Tây Dương", chuyên gia Edouardo Moulimo khẳng định quả thực là chương trình này hiện đã đi quá xa nên Nhật Bản khó có thể tham gia chế tạo ở mức độ cao hơn, không giống như đối với các loại máy bay được mua trước đó như F-15 hay F-16 (trở thành F-2 đối với Nhật Bản), cả hai sản phẩm đều được hãng Mitsubishi chế tạo theo giấy phép của Mỹ. Tuy nhiên, giới công nghiệp quốc phòng Nhật Bản vẫn còn hy vọng vào dự án chế tạo máy bay tàng hình của Nhật Bản (ATD-X) sẽ được phát triển từ nay đến năm 2017.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản liệu có tránh được nguy cơ sụp đổ không? Vấn đề này từng được trung tâm nghiên cứu JJIA nói đến vào năm 2010 do ngành công nghiệp chế tạo vũ khí Nhật Bản không có đủ tăng trưởng và các nhà công nghiệp nước này cũng không có khả năng bán vũ khí ra nước ngoài, để từ đó cho phép tăng lợi nhuận và hạn chế tối thiểu rủi ro. Tình hình đó khiến hơn 200 công ty Nhật Bản từ năm 2003 đã phải ngừng hoạt động tham gia chế tạo máy bay.

Một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản xuất hiện vào cuối năm 2011 với việc một số bó buộc trong quy định liên quan đến xuất khẩu vũ khí được bãi bỏ. Cho dù khả năng xuất khẩu trên thực tế vẫn bị hạn chế do Nhật Bản bị cấm xuất khẩu các loại vũ khí có thể được sử dụng trong xung đột, các nhà chế tạo vũ khí nước này vẫn được rảnh tay hơn để tham gia các dự án chế tạo vũ khí quốc tế. Một ví dụ cụ thể mới đây là mối quan hệ hợp tác với Anh.

Chuyến thăm Nhật Bản đầu tháng 4/2012 của Thủ tướng Anh, David Cameron, trong đó ông có gặp Thủ tướng nước chủ nhà Yoshihiko Noda, mở đường cho hợp tác công nghiệp giữa hai nước trong một số dự án chế tạo vũ khí. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhấn mạnh phải mất một thời gian rất dài tiến trình này mới được định hình. Trước cuộc gặp ngày 10/4 tại Tôkyô, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Takaako Ohno, nhấn mạnh rằng Anh "(từng) là một đối tác tiềm tàng vì theo chính sách của Nhật Bản, các nước đối tác là các nước có khả năng hợp tác với Nhật Bản như đồng minh và Anh là thành viên NATO". Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược châu Á, cho rằng có thể Nhật Bản muốn có giải pháp thay thế cho hợp tác chuyên trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Như vậy, hợp tác với Anh, và có thể với cả các nước khác có năng lực công nghiệp quốc phòng tiên tiến như Pháp, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Vậy lĩnh vực nào có thể được đưa vào chương trình hợp tác? Nhật Bản và Anh ngày 10/4 thông báo một số kế hoạch để thực hiện chương trình chế tạo vũ khí chung khi nào có thể được, song không cho biết nhiều về các lĩnh vực hợp tác. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các chương trình này có thể được khởi động trong những tháng tới. Nhật báo theo khuynh hướng bảo thủ "Sankei Shimbun" có nói đến việc chế tạo loại pháo mới 155 ly. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) quả thực có quan tâm đến loại pháo M777 do tập đoàn BEA Systems chế tạo. Theo ông Shinichi Kiyotani, nhà phân tích các vấn đề quốc phòng Nhật Bản, trang phục chống vũ khí hạt nhân, vi trùng hay hóa học (NBC) và phát hiện mìn có thể là các lĩnh vực hợp tác khác được đề cập đến. Rộng hơn nữa, một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận này có thể mở đường cho xuất khẩu vũ khí cụ thể hơn, chẳng hạn tàu khu trục T26 của Anh. Cho đến nay, phi vụ xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Anh sang Nhật Bản là bán 14 máy bay lên thẳng Agusta Westland AW101 cho Lực lượng bảo vệ bờ biển nước này.

Một báo cáo được công bố hồi tháng 2/2012 phác thảo thực trạng ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản cũng như tình hình các mối đe dọa và vận hội đối với doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là Pháp, trong vấn đề bán vũ khí cho Nhật Bản. Rõ ràng ở đây có tiềm năng hợp tác và xuất khẩu, trong khi Nhật Bản có ngân sách quân sự đứng thứ năm thế giới. Một mặt, mối đe dọa Bắc Triều Tiên khiến nhu cầu về tên lửa và hệ thống phòng thủ tên lửa gia tăng. Mặt khác, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có nhu cầu lớn về huấn luyện và trang bị cho chiến tranh phi thông thường, về giám sát lãnh thổ hay trong lĩnh vực trực thăng tìm kiếm và cứu nạn. Công nghệ để phát hiện thiết bị tàng hình và rađa hàng không cũng rất cần, cụ thể là do Trung Quốc hiện đại hóa năng lực tàng hình, như máy bay chiến đấu J-20.

Dẫu sao, ngân sách quân sự 57,7 tỷ USD của Nhật Bản cũng giảm vào năm 2011, vốn là xu thế diễn ra từ hơn một thập kỷ nay. Điều này càng đáng ngạc nhiên khi mối đe dọa Trung Quốc tăng lên, từ đó khiến chính phủ Nhật Bản ngày càng phải quan tâm và xác định lại học thuyết và thiết bị quân sự của mình hướng về các vùng Tây-Nam lãnh thổ.

Tuy vậy, các nhà phân tích đang chờ đợi xu thế này đảo ngược và vũ khí được nhập khẩu nhiều hơn từ nay đến năm 2016, cụ thể liên quan đến máy bay chiến đấu. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc thiết lập chi nhánh ở Nhật Bản có thể tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp chế tạo vũ khí để cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Một thị trường xuất khẩu, nếu được hình thành ở Nhật Bản, có thể cũng cho phép các nước châu Âu bù đắp một phần việc giảm ngân sách quốc phòng ở Tây Âu./.

Vũ Hiền (gt)