Thứ nhất, TPP giúp Nhật Bản có được vị trí thuận lợi nhất trong cuộc cạnh tranh hội nhập kinh tế khu vực. Mỹ tham gia TPP, nhưng không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Trung Quốc tham gia RCEP, nhưng lại không có mặt trong TPP, trong khi Nhật Bản là thành viên của cả TPP và RCEP. Hơn nữa, Nhật Bản không những tham gia vào đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Trung-Hàn-Nhật, mà còn là một bên trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Nhật Bản, và sẽ là một thành viên của Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai. Về lâu dài, Nhật Bản sẽ tiếp tục giành được những ưu thế trong chiến lược tự do hóa khu vực do Trung Quốc thực hiện, đồng thời cũng có khả năng củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ thương mại truyền thống với Mỹ.

Nhật Bản và Mỹ, mỗi bên đều đã ký FTA với một số nước khác, song khả năng hai bên ký FTA với nhau là rất thấp. Nguyên nhân là do các nhóm lợi ích tại Nhật Bản phản đối mạnh mẽ các cuộc đàm phán FTA với Mỹ. TPP trở thành “vật thay thế” cho FTA Nhật- Mỹ, và sự ra đời của TPP đã giải quyết tình trạng khó xử này. Đàm phán TPP khiến cho các cuộc tranh luận trong Nhật Bản chuyển hướng sang việc họ có thể được lợi như thế nào từ TPP. Việc hoàn tất đàm phán TPP giữa các nước thành viên cũng mở đường cho quá trình đàm phán FTA giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Một khi Nhật Bản hoàn thành đàm phán FTA với EU, điều này đồng nghĩa với việc các quy định mới của kinh tế thế giới do ba nền kinh tế lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản đề ra, sẽ được thống nhất.

Thứ hai, TPP cung cấp cơ chế giúp Nhật Bản thúc đẩy cải cách. Trên thực tế, ngành nông nghiệp được bảo hộ cao của Nhật Bản khiến cho việc cải cách chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp rất khó được thực hiện. Trong khuôn khổ TPP, Nhật Bản xóa bỏ hầu hết mức thuế cho nông nghiệp, gia tăng số lượng hạn ngạch thuế quan, và mở cửa thị trường sản phẩm nông nghiệp. Chẳng hạn Nhật Bản cam kết trong vòng 16 năm sau khi TPP chính thức có hiệu lực sẽ bãi bỏ 74% thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm sữa và thịt bò. Trong các thỏa thuận thương mại tự do trước đây Nhật Bản đều không chấp nhận tự do hóa thị trường gạo, nhưng hiện đã cam kết trong vòng 13 năm sau khi TPP được thực hiện sẽ tăng hạn ngạch gạo của Mỹ từ 5 vạn tấn lên 7 vạn tấn. Mặc dù mức độ mở cửa của Nhật Bản là không cao, song sự nhượng bộ lần này của Nhật Bản để tham gia TPP sẽ thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế trong nước.

Thứ ba, TPP giúp Nhật Bản giành được những lợi ích kinh tế nổi trội. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), Nhật Bản sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thành viên TPP. Đến năm 2025, xuất nhập khẩu hàng năm của Nhật Bản sẽ tăng thêm 140 tỉ USD, và GDP hàng năm sẽ tăng thêm hơn 100 tỉ USD. Trước hết, việc nới lỏng các quy định tham gia vào thị trường của doanh nghiệp Nhật Bản giúp các doanh nghiệp nước này có cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài. Bên cạnh đó, việc TPP yêu cầu theo từng giai đoạn giảm thuế quan và các quy tắc xuất xứ chính là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành xe hơi Nhật Bản. Cuối cùng, việc TPP yêu cầu giảm thuế quan của các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm sữa và các sản phẩm khác sẽ có lợi cho người tiêu dùng Nhật Bản.

Thứ tư, các lợi thế của Nhật Bản trong chiến lược quốc gia và mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Nhật Bản và Mỹ trong khuôn khổ TPP cũng giúp củng cố quan hệ đồng minh quân sự Nhật- Mỹ. Nhật Bản sẽ cảm nhận được sự bảo đảm an ninh từ Mỹ.

Ngày nay, quan sát mối quan hệ kinh tế Nhật- Mỹ không thể chỉ đơn giản nhìn nhận vấn đề thông qua việc số lượng trao đổi mậu dịch nhiều hay ít, mà trọng tâm của toàn cầu hóa kinh tế trong thế kỷ 21 đã chuyển sang đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế xuyên quốc gia đã trở thành đặc trưng quan trọng trong việc vận hành nền kinh tế thế giới. Xem xét quan hệ thương mại Nhật-Mỹ từ góc độ đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể nhận ra rằng quan hệ thương mại Nhật- Mỹ ngày càng hội nhập sâu hơn. Ngành công nghiệp ôtô là một ví dụ điển hình phản ánh sự hội nhập kinh tế Nhật- Mỹ. Những năm 80 của thế kỷ trước, để tránh các rào cản thương mại, các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản đã bắt đầu cho xây dựng các nhà máy sản xuất xe hơi ở Mỹ. Sau năm 2000, tỉ trọng xe hơi sản xuất tại Mỹ và Nhật Bản so với lượng xe hơi sản xuất tại Bắc Mỹ không ngừng gia tăng, tỉ trọng này năm 2012 là 70% và năm 2013 tăng lên 71%.Trong số 10 hãng tiêu thụ ôtô lớn nhất ở thị trường Mỹ được công bố tháng 1/2015, có tới 7 hãng là của Nhật Bản.

Theo Báo Liên Hợp Buổi sáng

Hoàng Lan (gt)