Vào ngày 20/1/2017, Donald Trump sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại cấp bách nhất của ông sẽ là Triều Tiên - nước đang cải tiến năng lực hạt nhân và tên lửa ở tốc độ đáng báo động. Ông Trump sẽ không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên phải đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên. George Bush (cha), Bill Clinton, George Bush (con) và Barack Obama đều đã cố gắng nhưng thất bại trong giải quyết vấn đề này. Ông Trump không thể theo đuổi chính sách tương tự như những người tiền nhiệm với mong chờ có một kết quả khác được. Tuy nhiên, trước khi tìm kiếm một con đường khác thì Chính quyền mới nên giải đáp một số câu hỏi để giúp giải thích bản chất của vấn đề.

Thứ nhất, Triều Tiên nằm ở đâu trong danh sách ưu tiên của Chính quyền Trump? Nếu nó là ưu tiên hàng đầu thì Chính quyền có sẵn sàng gắn kết với nó và không bị sao nhãng. Triều Tiên bị coi là một mối nguy hiểm nghiêm trọng do chương trình hạt nhân của nước này, nhưng các chính quyền Mỹ trước đây đều bị sao nhãng bởi những vấn đề khác. Triều Tiên ít nhiều bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự của các quan chức cấp cao thời Bill Clinton trong vài năm đầu kể từ ký kết Hiệp định khung năm 1994. Chính quyền Bush (con) bị tác động mạnh bởi cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 và sau đó tập trung chủ yếu cho Trung Đông khi Mỹ đưa quân vào Iraq - một quốc gia không hề có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chính quyền Obama mặc dù có chiến lược tái cân bằng hướng tới châu Á nhưng lại phải giải quyết nhiều vấn đề với Nga và Trung Đông. Giải quyết vấn đề Triều Tiên cần phải có sự tập trung cao độ và sự ưu tiên về chính trị của Tổng thống đắc cử cũng như đội ngũ cố vấn của ông. Liệu Chính quyền Trump có thể duy trì sự tập trung này?

Thứ hai, nếu Triều Tiên thực sự là ưu tiên số một trong chính sách đối ngoại thì liệu Chính quyền Trump có sẵn sàng chấp nhận mối quan hệ tồi tệ hơn với Trung Quốc? Các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sẽ không có tác dụng trừ khi Trung Quốc quyết định thực thi một cách nghiêm túc, nhưng Bắc Kinh khó mà làm như vậy. Trung Quốc không muốn theo đuổi bất cứ chính sách nào có thể khiến Triều Tiên sụp đổ. Cách duy nhất để thực sự cô lập Triều Tiên với phần còn lại của thế giới là trừng phạt bất cứ cá nhân, tổ chức hay một thực thể nào có mối quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng. Điều này hiển nhiên có tác động xấu đối với Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Triều Tiên. Vậy Chính quyền Trump sẽ sẵn sàng đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung đến mức độ nào nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên?

Thứ ba, nếu cần thiết, Chính quyền Trump có sẵn sàng sử dụng vũ lực để hủy hoại hoặc ít nhất là giảm đáng kể năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên? Nếu không, Chính quyền có sẵn sàng chung sống với một quốc gia Triều Tiên có khả năng chạm tới lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân? Sử dụng vũ lực luôn là sự lựa chọn cuối cùng, nhưng nếu tất cả những cách khác đều thất bại trong bối cảnh Triều Tiên gần đạt đến năng lực phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thì Chính quyền Trump sẽ sẵn sàng hành động đến mức độ nào? Không sử dụng vũ lực có thể khiến Triều Tiên trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ, còn sử dụng vũ lực thì có thể dẫn tới sự khiêu khích hoặc trả đũa từ Triều Tiên, cụ thể là đối với Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Hơn nữa, Mỹ cũng phải xem xét Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào với một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Triều Tiên. Việc có sử dụng vũ lực hay không là một vấn đề mà Chính quyền Trump sẽ phải đối mặt.  

Cuối cùng, liệu Chính quyền Trump có sẵn sàng cử đặc phái viên cấp cao đến gặp và nói chuyện với Kim Jong-un vô điều kiện? Quan điểm đối thoại trực tiếp với Kim Jong-un có vẻ như không có cơ sở bởi quan điểm của Triều Tiên là sẽ không mang vấn đề vũ khí hạt nhân ra bàn đàm phán. Các quốc gia trong khu vực có thể sẽ gia tăng lo ngại về những cuộc đàm phán kiểu “loại trừ” này. Tuy nhiên, phương pháp này có thể là cách duy nhất để có được bất cứ tiến triển ngoại giao nào với Triều Tiên. Liên lạc qua các kênh công chúng hay nói chuyện với các quan chức Triều Tiên đều có tác dụng hạn chế. Chế độ Kim Jong-un sẽ rất lưỡng lự trong thỏa hiệp công khai bởi lo ngại bị mất mặt, trong khi quan chức Triều Tiên không có quyền thay đổi quan điểm chính thống của chế độ này. Cách duy nhất để tạo ra sự linh hoạt ngoại giao có thể là gửi đặc phái viên cấp cao có đủ uy tín - nhân vật mà Kim Jong-un sẵn sàng đón tiếp và cho phép tham gia các cuộc thảo luận cá nhân với vị lãnh đạo này.

Những câu hỏi này cần phải hỏi và trả lời theo một cách thẳng thắn bởi cuối cùng thì hoạch định chính sách là về thỏa hiệp và đánh giá. Một số vấn đề đối nội và đối ngoại sẽ cạnh tranh giành sự chú ý của tân Tổng thống Mỹ, nhưng ông sẽ không đạt được điều gì nếu tập trung vào tất cả. Để tạo ra một chính sách đạt được một số mục tiêu nhất định có nghĩa là phải chấp nhận sự sụt giảm trong quan hệ với một số quốc gia, kể cả những quốc gia vô cùng quan trọng. Tân Tổng thống Mỹ sẽ phải cân nhắc hậu quả của việc sử dụng hay không sử dụng vũ lực đối với bán đảo Triều Tiên. Nếu không hiểu về những điều này thì Triều Tiên nhiều khả năng sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn đối với Mỹ và các đồng minh trong tương lai.

Tác giả Sungtae Park là chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bài viết đăng trên "The Diplomat" (ngày 4/1).

Lê Quang (gt)