Các cuộc khủng hoảng trên thế giới không còn nghi ngờ gì nữa sẽ tiếp tục là tiêu điểm và là chủ đề chính trong các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Trong bối cảnh đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng sẽ phải đứng trước thách thức đáng kể là làm sao đảm bảo tiếp tục duy trì sự tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với quân đội và an ninh quốc gia Mỹ song lại không cấp bách bằng các vấn đề thường nhật khác. Bảy học giả thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của CSIS đã khuyến nghị về 7 vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. 

Vấn đề thứ nhất: Cải thiện quân dụng quốc phòng

Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, không dễ chịu gì khi đề cập đến vấn đề quân dụng quốc phòng. Tương tự như hàng tiền đạo của một đội bóng, khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì không ai chú ý tới. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được hỏi về hệ thống quân dụng, nó thường có nghĩa là một cái gì đó đang có vấn đề. Vì lý do này và do quân dụng đòi hỏi kỹ thuật cao nên nó có thể làm cho Bộ trưởng Quốc phòng mới tập trung sự chú ý vào những lĩnh vực khác, đặc biệt là trong những ngày đầu. Cũng như kết quả của hàng tiền đạo là rất quan trọng cho sự thành công của một đội bóng thì hiệu năng vững chắc của hệ thống quân dụng là điểm cốt lõi đối với kỳ vọng về một nhiệm kỳ thành công của một Bộ trưởng Quốc phòng. 

Quân dụng quốc phòng là một công việc lớn liên quan đến khoản chi tiêu khoảng 150 tỷ USD hàng năm cho nghiên cứu và phát triển, mua sắm công nghệ cũng như các khoản chi tiêu cho hợp đồng trị giá tổng cộng hơn 300 tỷ USD hàng năm. Một cải thiện nhỏ trong hoạt động của hệ thống quân dụng thậm chí có thể tạo ra sự khác biệt của hàng tỷ USD chi phí về trang bị quốc phòng. Mặc dù còn nhiều bi quan về triển vọng cải thiện quân dụng quốc phòng, cơ hội để có được sự tiến bộ là có thật. Vấn đề mới nhất trong báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về hiệu suất của hệ thống quân dụng quốc phòng cho thấy sự cải thiện khiêm tốn trong các xu hướng liên quan đến gia tăng chi phí. Trong khi tiến bộ gần đây là đáng khích lệ thì sức ép cắt giảm tự động và sự thiếu chắc chắn về ngân sách do các nghị quyết và khả năng đóng cửa chính phủ vẫn còn tiếp diễn đang đe dọa làm đảo ngược xu hướng này. Kết quả sẽ là một con đường dẫn tới sự hủy diệt ngày càng tăng do ngân sách quốc phòng vốn đã eo hẹp. 

Tuyên bố gần đây của Sáng kiến Đổi mới Quốc phòng cũng cho thấy tầm quan trọng chiến lược của quân dụng đối với Bộ Quốc phòng Mỹ. Như Định hướng Chiến lược Quốc phòng 2012 và Đánh giá Quốc phòng 4 năm một lần 2014 đã chỉ rõ sự đổi mới là chìa khóa cho tương lai của quân đội. Cuối cùng, hệ thống quân dụng chịu trách nhiệm lớn nhất cho việc tạo ra sự đổi mới này. Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là quân dụng sẽ chiếm vị trí rất quan trọng trong mối quan hệ giữa Bộ trưởng Quốc phòng với Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ John McCain sẽ tiếp quản chức Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện trong Quốc hội mới. Mối quan tâm cũng là quan ngại của ông về hệ thống quân dụng là quá rõ. Phía bên kia của Đồi Capitol, Ủy ban Quân lực Hạ Viện đã và đang đánh giá các tiến triển đối với quân dụng quốc phòng trong hơn một năm qua dưới sự chỉ đạo của hạ nghị sỹ Mac Thornberry, người được chỉ định vào vị trí Chủ tịch Ủy ban này cùng với một thành viên cấp cao của ông, hạ nghị sỹ Adam Smith.

Có những bước đi rõ ràng cho tân Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện. Một là, sớm gặp gỡ trao đổi với lực lượng trong ngành và thống nhất một tiếng nói chung. Bộ Quốc phòng Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng trong việc cung cấp công nghệ tiên tiến. Không có gì để mất và có nhiều thứ đạt được nếu duy trì sự trao đổi cởi mở. Hai là, tham gia cùng Quốc hội để cải thiện quân dụng quốc phòng. Bộ Quốc phòng đã mất một năm qua để phát triển một đề xuất mang tính pháp lý nhằm cải thiện quân dụng quốc phòng, điều có thể tạo ra một cơ sở vững chắc cho sự hợp tác lưỡng đảng. Ba là, theo đuổi Sáng kiến Đổi mới Quốc phòng và Sức mua Tốt hơn 3.0 như là các ưu tiên chính. Những sáng kiến này là rất cần thiết nhằm duy trì lợi thế chất lượng vượt trội của quân đội Mỹ.

Vấn đề thứ hai: Các vấn đề ngân sách đối với tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã ở vào vị thế phải thực hiện nhiệm vụ cắt giảm ngân sách. Bộ trưởng Quốc phòng kế nhiệm sẽ ở vào vị thế phải có trách nhiệm giải quyết một loạt mối đe dọa toàn cầu trong điều kiện các thách thức về ngân sách nhiều khả năng không giảm. Ngân sách năm tài khóa 2015 vẫn còn chưa chắc chắn với việc ngân sách hiện tại hết vào ngày 11/12. Các mức ngân sách cắt giảm tự động sẽ được tiếp tục trong năm tài khóa 2016. Mặc dù cả Quốc hội và chính quyền đã lên án việc cắt giảm tự động này, song hiện họ vẫn không tiến gần hơn đến việc giải quyết các khác biệt cốt lõi. Ngân sách tài khóa 2016 nhiều khả năng chạm đáy của xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng, song vẫn còn vô vàn câu hỏi về ngân sách chưa được giải quyết ẩn dưới bề mặt của mức ngân sách này.

Bộ trưởng Hagel từ chức vào thời điểm rất bất lợi cho chu kỳ ngân sách. Đề nghị ngân sách năm tài khóa 2016 của tổng thống theo quy định của Quốc hội là vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Hai. Nếu được phê chuẩn nhanh chóng, tân Bộ trưởng Quốc phòng có thể phải bảo vệ đề nghị ngân sách của tổng thống mà không có bất kỳ đầu vào nào về việc lập ra nó. Nếu quá trình phê chuẩn diễn ra chậm hơn, một số lãnh đạo Bộ Quốc phòng như Bộ trưởng Hagel, Thứ trưởng Work, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Dempsey, và Đô đốc Winnefeld sẽ phải đánh giá tóm tắt về đề nghị ngân sách này tại Quốc hội Mỹ. Bất kể là được phê chuẩn khi nào thì Bộ trưởng Quốc phòng mới sẽ phải đối mặt với các câu hỏi hóc búa từ phía Quốc hội về các vấn đề ngân sách năm tài khóa 2016 với khả năng lặp lại nhiều cuộc tranh luận từ năm tài khóa 2015, khi Quốc hội đã từ chối rất nhiều sáng kiến mà Bộ Quốc phòng đề xuất. Ngân sách năm tài khóa 2016 sẽ là ngân sách cuối cùng được xây dựng và thực thi bởi Chính quyền Obama. Do đó, Nhà Trắng sẽ không muốn thỏa hiệp về một số lựa chọn khó khăn mà họ tin rằng cần phải được thực hiện.

Cải cách việc bồi thường quân sự vẫn là mục tiêu khả dĩ đối với chính quyền và hiện chủ đề này vẫn là đề tài gây tranh cãi tại Quốc hội với tranh luận xung quanh việc đồng chi trả trong Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng. Hoạt động bổ sung này nhiều khả năng sẽ được đề cập trong ngân sách tài khóa 2016 đi cùng báo cáo từ Ủy ban hiện đại hóa chế độ hưu trí và bồi thường quân sự, hạn chót vào ngày 1/2/2015. Các cấp độ nhân sự cũng cần phải được giải quyết khi Chương trình quốc phòng tương lai năm tài khóa 2015 đã không cấp ngân sách cho lực lượng Lục quân trên 420.000 người cũng như lực lượng lính thủy đánh bộ trên 175.000 người. Chính quyền đang tiếp tục theo đuổi những thay đổi về cơ cấu lực lượng với khả năng ngừng sử dụng loại máy bay A-10, đưa vào sử dụng các “chiến binh” trên mặt nước của lực lượng Hải quân, loại bỏ các máy bay tiếp dầu KC-10, loại bỏ một tàu sân bay. Các quyết định hiện đại hóa cũng sẽ được đặt lên bàn, trong đó có các lựa chọn xung quanh việc mua sắm máy bay F-35, các tàu tuần duyên (LCS), máy bay không người lái và máy bay cánh quay (máy bay trực thăng). Việc đóng cửa và tái bố trí các căn cứ (BRAC) nhiều khả năng sẽ được đề xuất một lần nữa.

Cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng mới cũng sẽ có trách nhiệm hoạch định ngân sách tài khóa 2017. Đối với cả hai năm tài khóa 2016 và 2017, nhiệm vụ của Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo trong lĩnh vực ngân sách sẽ là tiếp tục theo định hướng mà chính quyền đã thúc đẩy trong ba năm qua: nhu cầu cấp ngân sách trên mức trần Đạo luật Kiểm soát Ngân sách và thực hiện việc cắt giảm và cải cách nhằm giúp hợp lý hóa, cân bằng các chương trình quốc phòng. Thành công của các mục tiêu khiêm tốn này cuối cùng phụ thuộc vào chính Quốc hội.

Vấn đề thứ ba: Vượt qua sự trì trệ quan liêu và tư duy "cuộc chiến kế tiếp"

Để thực hiện thành công các ưu tiên đòi hỏi phải nhận thức được sự trì trệ về mặt thể chế. Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp sẽ không có không gian rộng cho việc hoạch định chương trình nghị sự an ninh quốc gia, song sẽ phải có trách nhiệm đặt ra các ưu tiên và đưa ra định hướng chiến lược. Ưu tiên thành công đòi hỏi phải cân bằng giữa các nhu cầu của cả các mối đe dọa hiện tại lẫn tương lai. Các Bộ trưởng Quốc phòng khác nhau đã đưa ra ưu tiên khác nhau, nỗ lực đối phó với các xu hướng nổi trội của mỗi thời kỳ. Chương trình nghị sự của Bộ trưởng Gates là rõ ràng: đặt ưu tiên cho các cuộc chiến đang diễn ra ở Iraq và Afghanistan trên mọi thứ khác. Ông đã lên án "các xu hướng của nhiều cơ sở quốc phòng ủng hộ cho cái có thể cần thiết cho một cuộc xung đột trong tương lai", điều mà ông gọi là "cuộc chiến kế tiếp".

Các xu hướng hiện nay cho thấy một vấn đề trái ngược. Báo cáo Hợp đồng Quốc phòng mới nhất của CSIS cho thấy nghiên cứu và phát triển (R&D), yếu tố cốt lõi cho năng lực trong tương lai, đã phải chịu việc cắt giảm ngân sách thiếu cân xứng gần đây. Ưu tiên ngắn hạn được coi trọng hơn dài hạn bất chấp đánh giá của Thứ trưởng Kendall rằng ở mức độ R&D hiện nay, "chúng ta vẫn sẽ có một vấn đề lớn trong vài năm tới". Những cắt giảm này không phải là một quyết định có chủ ý nhằm đưa đến hậu quả lâu dài. Mặc dù phản ánh các xu hướng tạm thời đối lập song cả hai vấn đề về trang bị quân nhu nhanh chóng và loại bỏ các chi tiêu R&D đều có thể được giải thích bởi sự trì trệ về thể chế. Hiện trạng thiên vị này thường được củng cố bởi chính Quốc hội và các đơn vị quốc phòng, gây cản trở các ưu tiên và quyết định chiến lược đặc biệt quan trọng trong việc cân bằng các nhu cầu cạnh tranh nhau.

Trong bối cảnh áp lực từ các hoạt động đang diễn ra và căng thẳng ngân sách, các lựa chọn chiến lược sẽ không diễn ra nếu không có định hướng từ cấp cao nhất. Bộ trưởng Quốc phòng mới cần làm rõ tầm nhìn và đặt nền tảng cho các quyết định chính sách và có tính thực tế trong tương lai. Người đứng đầu Lầu Năm Góc có nhiều thẩm quyền trong việc đề ra các ưu tiên, sự hy sinh cần thiết và các chính sách hỗ trợ. Sự rõ ràng này không chỉ hỗ trợ cho những người thuộc Bộ Quốc phòng mà cả những người liên quan đến ngành quốc phòng thường xuyên phàn nàn về sự thiếu vắng các tín hiệu rõ ràng như định hướng của các chi tiêu R&D. 

Tránh việc tự tổn thương do có quá nhiều mối đe dọa, thách thức cùng lúc. Như Bộ trưởng Gates đã cho thấy sự lãnh đạo quyết đoán nhiều khi chỉ có thể tạo đột phá đối với một hoặc hai vấn đề. Để tránh đưa ra quá nhiều ưu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng mới cần phải tránh kiểu "lạm phát mối đe dọa" do chu kỳ tin tức 24 giờ chi phối ngày nay. Sự cám dỗ này là đương nhiên. Việc nhấn mạnh đến quá nhiều mối nguy cơ sẽ buộc phải tăng ngân sách và nỗ lực hành động nhằm bảo vệ trước những chỉ trích sau này. Tuy nhiên, việc xác định tất cả các cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay là các mối đe dọa sắp xảy đến với Mỹ tạo ra ấn tượng rằng các tin tức nóng trong ngày hôm nay đều báo hiệu mối nguy cơ lớn nhất đối với lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. "Lạm phát nguy cơ" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ cho phép các nhóm lợi ích về thể chế sử dụng ngôn từ chống lại bất kỳ chương trình nghị sự và chính sách nào nằm ngoài phạm vi ưu tiên của họ.

Vấn đề thứ tư: Hơn cả trận chiến không – hải

Trong khi có sự cạnh tranh rất lớn về việc vấn đề nào sẽ nổi lên trở thành mối quan tâm cao nhất của Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp, thì việc cân nhắc quan niệm của Lầu Năm Góc về các mối đe dọa trong tương lai nên được ưu tiên tuyệt đối. Hiện nay, bộ máy Bộ Quốc phòng Mỹ đang hướng đến quan điểm rằng năng lực chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) là mối đe dọa nghiêm trọng nhất, và rằng sự phụ thuộc lớn hơn vào sự thống trị trên không và trên biển là cách tốt nhất để có thể vượt qua nó. Mối đe dọa này là có thật, song các giải pháp được đề xuất là không đầy đủ trong điều kiện tốt nhất. Hơn nữa, sự tập trung xử lý này không tính tới các thách thức lớn khác, trong đó đáng chú ý nhất là các cách tiếp cận "cuộc chiến chưa phân rõ trắng đen" mà các đối thủ không chỉ phát triển mà còn đang triển khai trên toàn cầu.

Trước tiên Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp cần phải bỏ qua lối suy nghĩ thông thường về cách tốt nhất để giải quyết mối đe dọa A2/AD đang hiện hữu. Khả năng các đối thủ chặn được sự tiếp cận của Mỹ tới một khu vực thông qua năng lực nhắm bắn chính xác với mức độ bằng hoặc thậm chí lớn hơn cả Mỹ là có thực và hết sức quan trọng. Một lực đẩy chính trong cách tiếp cận của Mỹ nhằm vượt qua thực tế này đã được thực hiện là theo đuổi công nghệ cho phép các lực lượng Mỹ "ẩn nấp" tốt hơn, có thể là dưới mặt biển hoặc với các căn cứ không quân có tầm bắn mở rộng và khả năng bị phát hiện thấp.

Trong khi việc những công nghệ này không còn nghi ngờ gì là sẽ mang lại một số giá trị, thì tính bền vững của cách tiếp cận này đang bị đặt dấu hỏi. Khi Mỹ và các đối thủ của nó phát triển các năng lực tách các tín hiệu cần phân tích từ tiếng ồn, Mỹ đang đánh cược rằng về cơ bản nó tiếp tục có thể vượt qua các tiến bộ mà đối thủ của mình có được. Tuy nhiên, một cách tiếp cận thay thế hoặc bổ sung có thể là tìm kiếm các năng lực được tăng cường trên đất liền chứ không phải trên không và trên biển, tìm cách tận dụng lợi thế của các tín hiệu thấp hơn so với mức độ tiếng ồn mà các đối thủ của Mỹ đã và đang sử dụng rất hiệu quả để chống lại Mỹ.

Đặc điểm chính khác của lôgích thống trị là việc theo đuổi các công nghệ "tạo đột phá", các công nghệ cao cấp chống A2/AD sẽ là cách tốt nhất giúp Mỹ có thể theo đuổi các lợi ích của mình trên toàn bộ các khía cạnh của xung đột. Các tiến bộ trong việc chế tạo và công nghệ thu nhỏ sản phẩm có thể hỗ trợ hiệu quả cho bất kỳ loại hình hoạt động quân sự nào trong tương lai. Tuy nhiên, việc sử dụng robot và sự tự chủ là hết sức mập mờ trong "cuộc chiến chưa phân rõ trắng đen", nơi mà các đối thủ sử dụng các hoạt động thông tin cường độ mạnh, hối lộ các công chức, đồng thời sử dụng các nguồn tiền để khai thác bất hợp pháp các hệ thống pháp lý và quan liêu của Mỹ. Nga, Trung Quốc, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS và các lực lượng người Kurd của Iran ngày nay đều đang theo đuổi các phiên bản của chiến lược này. Rõ ràng là các cơ quan an ninh quốc gia của Mỹ hoàn toàn không được trang bị đầy đủ để đối phó dẫn đến thất bại là điều dễ hiểu. Các công nghệ mới cũng sẽ khó có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng.

Tóm lại, tư duy chiến lược của Bộ Quốc phòng là không đủ về ít nhất hai phương diện. Giải pháp đề xuất của nó đối với vấn đề chống tiếp cận/đổ bộ (A2/D2) đã được xác định đúng đắn là quá hạn chế. Nó cũng đã thất bại trong việc xác định đầy đủ các vấn đề có liên quan mà các giải pháp này được yêu cầu sử dụng. Tân Bộ trưởng Quốc phòng sẽ phải đối mặt với sự kháng cự mạnh trong các cuộc tranh cãi về các trận chiến chiến lược trong quá khứ cũng như mở ra một bức tranh toàn diện về mối đe dọa nhất là khi sự giảm nhẹ mối lo về ngân sách vẫn còn rất xa vời. Hơn nữa, một cách tiếp cận chuẩn xác đối với các vấn đề "cuộc chiến chưa phân rõ trắng đen" đòi hỏi sự tham gia lớn hơn của nhiều nhánh cơ quan hành pháp, điều luôn dễ dẫn đến sự trì trệ hơn là tiến bộ. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nhiều khi chỉ đối phó với các vấn đề an ninh đã được thừa nhận và bỏ qua các vấn đề an ninh khác.

Vấn đề thứ năm: An ninh Trung Đông 

Bộ trưởng Quốc phòng mới sẽ thừa hưởng một số thách thức ở Trung Đông đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Thứ nhất, mặc dù các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nhóm P5 + 1 và Iran đã đạt được tiến bộ đáng kể, song một thỏa thuận vẫn còn rất khó khăn. Bất kể với kết quả thế nào, Mỹ không thể chấp nhận cho Iran một giấy thông hành để lén lút hướng tới phát triển vũ khí hạt nhân hoặc để duy trì các hoạt động gây bất ổn và hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Thứ hai, hoạt động của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo Iraq IS, al-Qaeda ở bán đảo Arập và các nhóm khủng bố khác được báo cáo sẽ làm hạn chế sự phát triển trong ngắn hạn của các lực lượng này, song chúng liên tục tìm kiếm mảnh đất màu mỡ ở các khu vực không được kiểm soát. Thứ ba, sau các cuộc nổi dậy, thế giới Arập đã rơi vào một thời kỳ bạo lực với các cuộc nội chiến đang nhấn chìm Syria và Libya, cũng như sự quay trở lại chế độ độc tài của Ai Cập. Tất cả những điều này tạo mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa cực đoan, bè phái và quân sự hóa. Thứ tư, các khoản đầu tư của Mỹ vào việc tăng cường năng lực quân sự cho các quốc gia vùng Vịnh đã đơm hoa kết trái khi các nước này hợp tác trong vấn đề hạt nhân của Iran và chống IS. Tuy nhiên, mục tiêu an ninh và các quan điểm về vấn đề nhân quyền của các quốc gia vùng Vịnh có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với mục đích và tiêu chuẩn của Mỹ. Cuối cùng, Mỹ cam kết bảo vệ lợi thế quân sự định tính của Israel ngay cả khi nước này tìm cách xây dựng năng lực của các đối tác khác trong khu vực.

Mỹ có nhiều lợi ích lâu dài có thể bị đe dọa ở Trung Đông, trong đó có việc đảm bảo vận chuyển dầu mỏ và khí đốt một cách an toàn tới các thị trường toàn cầu, chống khủng bố, ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngăn chặn sự hiếu chiến tại khu vực, đồng thời duy trì cam kết đối với an ninh của Israel. Mỹ cũng tìm cách thúc đẩy các giá trị dân chủ và nhân quyền tại khu vực, mặc dù khi thực hiện, các mục tiêu này thường đối nghịch với các lợi ích chiến lược của Mỹ.

Để giúp đảm bảo những lợi ích này ở Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác tại Bộ Ngoại giao, Cộng đồng tình báo và Nhà Trắng về các ưu tiên sau đây: (1) Cung cấp sự răn đe đáng tin cậy chống lại sự hung hăng của Iran bằng cách xây dựng các năng lực của các đối tác trong khu vực và thông qua vị thế quân sự của Mỹ cũng như các hoạt động diễn tập với đồng minh và đối tác. (2) Đồng bộ hóa các hoạt động chống IS với một chiến lược chính trị nhằm gây áp lực buộc Iraq phải thành lập một chính phủ đại diện cho người dân và tạo điều kiện cho một quá trình chuyển giao chính trị tại Syria, đẩy nhanh tiến độ đào tạo, trang bị và tư vấn cho các chương trình ở Iraq và Syria; đề nghị với tổng thống về việc thành lập một vùng cấm bay ở phía Bắc Syria nhằm cung cấp cho phe đối lập Syria nơi trú ẩn an toàn để tổ chức và cứu trợ cho người tị nạn Syria. (3) Đánh giá việc sử dụng các mối quan hệ quốc phòng tại khu vực nhằm xác định mức độ mà các mối quan hệ này cần có để đạt được các mục tiêu chiến lược của Mỹ cũng như bằng cách nào mà Mỹ có thể hợp tác tốt hơn để đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn; xác định các mối quan hệ nào phần lớn mang tính giao dịch và mối quan hệ nào là chiến lược, mối quan hệ nào cần đầu tư nhiều hơn; cải cách các mối quan hệ mặc dù không hỗ trợ cho mục tiêu chiến lược của Mỹ song vẫn có giá trị giao dịch (ví dụ như với Ai Cập).

Một số hạn chế sẽ gây trở ngại cho Bộ trưởng Quốc phòng mới. Đầu tiên, các giải pháp cho hầu hết các thách thức ở Trung Đông sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận "toàn bộ chính quyền" và cần thời gian để lấy được lòng cả các đối tác trong khu vực lẫn trong nội bộ Quốc hội Mỹ. Thứ hai, các lợi ích lâu dài ở Iraq và Syria chống lại IS phụ thuộc vào các giải pháp chính trị của chính người dân Iraq và Syria. Cuối cùng, sự không chắc chắn về ngân sách sẽ làm suy yếu khả năng đánh giá nơi nào sẽ có rủi ro để tiến hành các hoạt động hỗ trợ về ngắn hạn mà không phải hy sinh việc đầu tư về năng lực và sự khỏe mạnh của cả lực lượng nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ trong dài hạn.

Vấn đề thứ sáu: Tiếp thêm sức mạnh cho mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương

Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp thừa hưởng vô số thách thức ở châu Âu và nên dành một sự quan tâm đáng kể đối với mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương trong suốt nhiệm kỳ của mình. Việc Nga sáp nhập Crimea và liên tục hỗ trợ cho các nhóm nổi dậy ở miền Đông Ukraine tiếp tục làm mất ổn định cấu trúc an ninh hậu Chiến tranh Lạnh của châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng mới cần đóng một vai trò lãnh đạo có thể nhận biết được trong việc tăng cường cam kết trợ giúp 118 triệu USD của Chính quyền Obama cho Ukraine dưới dạng trang thiết bị và đào tạo cho lực lượng an ninh của Ukraine để chiến đấu chống lại các hành động khiêu khích của Nga. Một tín hiệu rõ ràng về sự hỗ trợ đối với Ukraine là bước đi cần thiết đầu tiên để trấn an các đồng minh và đối tác trên khắp châu Âu về cam kết lâu dài của Mỹ đối với an ninh của châu Âu sau này.

Sẽ là khôn ngoan khi Chính quyền Obama tiếp tục nỗ lực trấn an các đồng minh và đối tác Trung và Đông Âu đang lo lắng. Đề nghị 1 tỷ USD của chính quyền đối với Quốc hội về Sáng kiến tái bảo đảm châu Âu nhằm tăng cường hơn nữa các bước đi gần đây hướng tới gia tăng việc triển khai bố trí lực lượng trên đất liền, trên không và trên biển tại khu vực là một bước tiến quan trọng, đúng hướng. Những biện pháp của Mỹ là một phần quan trọng của Kế hoạch hành động sẵn sàng chiến đấu của NATO nhằm tăng cường sự hiện diện và diễn tập có tính chất đồng minh tại khu vực. Các bước đi này được chào đón bởi các quan chức ở Vacsava (Ba Lan) và Tallinn (Estonia) cũng như những nơi khác. Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp cần xây dựng trên đà này và xem xét một cách thận trọng những sự cải thiện được thiết kế đối với vị thế các lực lượng của Mỹ ở châu Âu.

Trong khi Mỹ nên cung cấp các biện pháp bảo đảm như vậy để phản ứng trước chủ nghĩa lấn chiếm lãnh thổ mà Nga thực hiện tại sân sau của châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp cũng không nên né tránh việc buộc người châu Âu cần sống theo đúng cam kết của họ. Chi tiêu của các đồng minh châu Âu đã giảm mạnh 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức trung bình 2,5% trong khoảng thời gian 1990 - 1994 tới mức chỉ 1,6% trong năm 2013. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Wales vào tháng Chín vừa qua, các đồng minh NATO tái khẳng định cam kết của mình trong việc chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng, một mục tiêu mà hiện mới chỉ có Estonia, Hy Lạp và Vương quốc Anh đáp ứng được. Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp cần tiếp tục công khai gây áp lực buộc châu Âu phải thực hiện các cam kết an ninh dưới hình thức đầu tư cho quốc phòng như những người tiền nhiệm của mình đã làm trong những năm gần đây. Có lẽ điều đáng quan ngại nhất là sự miễn cưỡng của châu Âu trong việc đóng góp cho các hoạt động nằm ngoài khu vực khi sứ mệnh chiến đấu của Lực lượng trợ giúp an ninh quốc tế (ISAF) ở Afghanistan đang dần chấm dứt. Các đóng góp của châu Âu đối với cuộc chiến chống IS là khá mờ nhạt khi so sánh với những gì mà các đồng minh đã sẵn sàng hoặc có thể cung cấp chỉ ba năm trước đây ở Libya.

Nếu Mỹ không thể cố thuyết phục được người châu Âu đầu tư vào các nguồn lực cần thiết và thể hiện sự sẵn sàng trong việc đối mặt những thách thức an ninh nghiêm trọng trước “ngưỡng cửa nhà mình”, thì liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử này có nguy cơ trở nên không còn thích hợp. Nếu không có vai trò lãnh đạo của Mỹ được thể hiện một phần bởi một Bộ trưởng Quốc phòng làm việc hiệu quả, thực hiện cam kết đem lại mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh, thì nguy cơ này sẽ tăng lên gấp bội. 

Vấn đề thứ bảy: Quản lý các cường quốc đang nổi lên ở châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng kế nhiệm tiếp tục thực hiện chính sách "tái cân bằng" đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Chính quyền Obama. Với việc Ngoại trưởng Kerry đã bị vướng sâu vào các hoạt động của Mỹ ở Trung Đông và hy vọng mờ nhạt cho việc thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Hagel đã là người chuẩn mực để thực hiện chính sách "tái cân bằng", trong đó Bộ Quốc phòng Mỹ đang cung cấp gần như tất cả những thành tựu cụ thể. Duy trì nỗ lực này nhằm tạo lập một trật tự an ninh ở châu Á, theo đó dành chỗ cho một nước Trung Quốc đang nổi lên mà không gạt bỏ các nước đang lên ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á sẽ là trách nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp. Ông chủ Lầu Năm Góc mới sẽ cần phải tái đảm bảo với các đồng minh châu Á, làm sâu sắc thêm các quan hệ đối tác, đồng thời duy trì đối thoại với Trung Quốc.

Khối lượng thương mại và quy mô của các nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ đảm bảo cho việc Mỹ tiếp tục duy trì sự tập trung vào khu vực này, đồng thời sự thịnh vượng của Mỹ sẽ gắn liền với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trên toàn khu vực, trong đó nổi bật nhất là Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á và Nam Á, đã kích hoạt sự gia tăng nhanh chóng về ngân sách quốc phòng. Mở rộng đầu tư vào việc nâng cao năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển đang dẫn tới các cuộc đối đầu trên biển ngày càng tăng tại các khu vực tranh chấp, điều đang đưa tới việc gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột đối với một loạt tranh chấp biển ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Sự thịnh vượng của Mỹ đang chịu rủi ro khi những căng thẳng trong khu vực có nguy cơ chuyển sang bạo lực. Bộ trưởng Quốc phòng kế tiếp sẽ phải lãnh đạo các nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng năng lực phòng thủ của các đồng minh và đối tác để đáp ứng phù hợp với tình hình, đồng thời hỗ trợ các nước trong khu vực Đông Nam Á phát triển một khuôn khổ chính trị có ý nghĩa đối với việc kiểm soát hoặc giải quyết các tranh chấp.

Về trung và dài hạn, quan hệ đối tác của Mỹ với các nước nhằm tăng cường năng lực của các nước này sẽ định hình và củng cố an ninh trong khu vực. Ở mức tối thiểu, các đồng minh và đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ kỳ vọng Bộ trưởng Quốc phòng mới sẽ có các chuyến đi và các cuộc gặp cấp cao tới khu vực với cường độ giống như vị Bộ trưởng tiền nhiệm. Để tối đa hóa tác động, Bộ trưởng Quốc phòng mới cần phải thúc đẩy Lầu Năm Góc phát triển một loạt đề xuất với mục tiêu đưa tất cả ra trước Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vào mùa Thu 2015. Các nỗ lực chính có thể tập trung vào việc nâng cao nhận thức trong lĩnh vực biển, xây dựng một chương trình tập trận quân sự với sự tính toán kỹ lưỡng hơn, đồng thời định hình các nỗ lực nghiên cứu phát triển (R&D) về công nghệ cũng như hợp tác sản xuất với các nước trong khu vực. Duy trì sự tập trung vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ gặp khó khăn khi các cuộc khủng hoảng tại các khu vực khác liên tục lôi kéo sự chú ý, nhất là trong bối cảnh châu Á phần lớn vẫn còn khá yên ổn. Xây dựng một quan điểm chung về các ưu tiên của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng với các thành viên chủ chốt của Quốc hội cũng sẽ góp phần duy trì sự tập trung chính sách và đảm bảo thông điệp nhất quán từ Washington tới khu vực. Nền tảng của quan điểm chung này sẽ là: đảm bảo cách tiếp cận mở và toàn diện đối với an ninh trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc; tiếp tục đưa Trung Quốc tham gia các lĩnh vực hợp tác, thậm chí cả khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bất đồng về các yếu tố gần như cơ bản về những yếu tố cấu thành hành vi an toàn và phù hợp; đồng thời hỗ trợ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi tổ chức này thực hiện các bước đi nhỏ (lý tưởng nhất là nhiều và thường xuyên) hướng tới một khuôn khổ an ninh mạnh mẽ hơn cho khu vực Đông Nam Á./. 

 

Anh Thư (gt)