Giáo sư Satoshi AmakoBài 1: Giải quyết tranh chấp lãnh thổ: Nhật Bản và Trung Quốc nên nghĩ xa hơn về logic chủ quyền (Prescription to end territorial row: Japan and China should think beyond logic of sovereignty) đăng trên Nhật Báo Asahi ngày 23/9 của Giáo sư Satoshi Amako chuyên nghiên cứu Trung Quốc hiện đại của Trường Đại học Waseda của Nhật Bản về các giải pháp giúp chấm dứt tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Dưới đây là nội dung bài viết này: 

 

Kể từ khi Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) giữ một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku và bắt giữ thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá này hôm 7/9, hai nước láng giềng này lại một lần nữa lún sâu vào các cuộc tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ. Phía Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ lập trường cứng rắn về vấn đề này. Việc giam giữ viên thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá này đã làm gia tăng tâm lý chống Nhật trong dư luận Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thả viên thuyền trưởng này cũng khiến dư luận Nhật Bản cho rằng Tôkyô đã nhượng bộ trước các yêu cầu của Bắc Kinh. 


Vụ việc trên có thể xóa đi “quan hệ chiến lược cùng có lợi” mà hai nước đang nỗ lực xây dựng, làm gia tăng sự ngờ vực giữa hai nước láng giềng và có thể dẫn tới sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này. Việc chỉ trích Trung Quốc về vụ việc này bằng cách nhấn mạnh chủ nghĩa bành trướng và bá quyền của nước này rất đơn giản nhưng nó sẽ chỉ khiến vụ việc trở nên tồi tệ hơn. 

 

Giống như Đài Loan, Trung Quốc có lý lẽ riêng của mình về vấn đề tranh chấp lãnh thổ hiện nay. Đó là nguyên nhân vì sao có các sự cố đã bùng phát trong nhiều năm qua. Đây là thời điểm các nhà lãnh đạo chính trị và dư luận của Nhật Bản và Trung Quốc phải hợp tác với nhau. 


Điều quan trọng nhất hiện nay là các nước này coi chủ quyền quốc gia như thế nào. Đó không phải là “một khái niệm không thay đổi, bất khả xâm phạm và cố hữu” mà là “một khái niệm lịch sử” có thể thay đổi được. Khái niệm chủ quyền tồn tại lâu nhất là khái niệm trong hệ thống Westphalian. Nó được hình thành ở châu Âu theo hiệp ước hòa bình
Westphalia năm 1648, giúp chấm dứt “cuộc chiến ba mươi năm”. Đây là hệ thống nhà nước-quốc gia, trong đó một quốc gia được coi là quyền lực tối cao hoặc không giới hạn trong biên giới của mình. Nó cho phép trật tự thế giới được duy trì trên cơ sở các thỏa thuận giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh hình thức Liên minh châu Âu (EU) hiện nay, khái niệm này không còn là khái niệm không thể thay đổi một cách tuyệt đối. 

 

Ngày nay, Trung Quốc đang nhấn mạnh chủ quyền nhà nước bất khả xâm phạm nhưng lịch sử của Trung Quốc cho thấy khái niệm này không kéo dài lâu. Cho đến những năm cuối của Triều nhà Thanh giai đoạn 1644-1912, quan điểm Trung Quốc về thế giới dựa vào chủ trương Trung Quốc ôn hòa chứ không phải dựa vào hệ thống nhà nước-quốc gia. 


Ngày nay, các làn sóng toàn cầu hóa đang làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong nhiều lĩnh vực, làm suy yếu nhận thức về nhà nước và chủ quyền của nó, làm đa dạng hóa quan điểm về lợi ích quốc gia và làm gia tăng các ý tưởng và hành động vượt ra khỏi quan điểm nhà nước-quốc gia. 

Tuy nhiên, cũng có các lập luận ủng hộ chủ quyền quốc gia. Trong cộng đồng thế giới ở thế kỷ 21, các giá trị, vai trò và chức năng của các nhà nước-quốc gia sẽ tồn tại cùng với các giá trị, vai trò và chức năng xuyên quốc gia, trong khi chúng bổ sung cho nhau và tác động lẫn nhau. 


Nếu các tranh cãi về quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) diễn ra giữa nhà nước với nhà nước, các tranh cãi này chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực và sẽ gây ra những nỗi đau lớn cho cả hai phía. Tuy nhiên, nếu xem xét các tranh cãi này trong khuôn khổ hệ thống nhà nước-quốc gia/xuyên quốc gia, cần phải có các ý tưởng hoàn toàn mới để tìm ra giải pháp cho vấn đề tranh chấp này. “Cùng giữ chủ quyền” là một ý tưởng có thể áp dụng một cách giới hạn cho các khu vực tranh chấp trên đất liền và trên biển. 


Giai đoạn hạ nhiệt tình trạng căng thẳng có thể cần thiết nhưng việc gác lại vấn đề không giải quyết sẽ khiến tình hình trở nên xấu đi. Cần nhanh chóng tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc và tại đó, các nhà lãnh đạo hai nước cần tuyên bố vấn đề quần đảo Senkaku là một vấn đề lãnh thổ sẽ được “đóng băng”. Hai nước phải cố gắng bình tĩnh trở lại. Nếu có thể, khu vực tranh chấp cần được coi là “khu vực chính trị đặc biệt”, hạn chế sự tiếp cận riêng của mỗi nước. Hai nước cần thành lập nhóm chuyên gia để thảo luận và giải quyết các vấn đề liên quan tới khu vực tranh chấp này trên biển Hoa Đông. 

 

Nếu Nhật Bản vẫn cứ bám lấy quan điểm cho rằng quần đảo Senkaku là lãnh thổ của Nhật Bản, các cuộc thảo luận về vấn đề này trở nên vô nghĩa và sai lầm, và không giải quyết được vấn đề gì. Trong khi đó, Trung Quốc cần phải có cách tiếp cận bình tĩnh về vấn đề này trên quan điểm rộng hơn. 


Bài 2
: Tranh chấp Senkaku ảnh hưởng cho cả đôi bên (Senkaku spat hurt Beijing as well) đăng trên Thời báo Nhật Bản ngày 30/9 của tác giả Misami Ito về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông cùng với những tác động tiêu cực của cuộc tranh chấp đối với Trung Quốc, trong đó khẳng định đỉnh điểm của quan hệ căng thẳng giữa hai nước láng giềng này đã qua và hai nước sẽ bắt đầu có các hành động ngầm để hàn gắn quan hệ. Dưới đây là nội dung bài viết này.


Sự yếu kém trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đã bộc lộ vào cuối tuần trước khi Tôkyô nhượng bộ Bắc Kinh và thả ông Chiêm Kỳ Hùng, thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá đã va chạm với hai tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) hôm 7/9 ở gần quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cũng bị tác động bởi sự kiện này bởi vì, việc Bắc Kinh gây áp lực với Tôkyô đã tạo ra làn sóng chỉ trích của quốc tế. 


Các phương tiện truyền thông nước ngoài đã lên án lập trường hung hăng của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản bắt giữ ông Chiêm Kỳ Hùng. Đầu tuần này, tờ
Washington Post đã chỉ trích hành động của Trung Quốc “như hành động của chủ nghĩa trọng thương thế kỷ 19”. Trong khi đó, tờ Hindustan Times gọi Trung Quốc là “kẻ hay bắt nạt” và mô tả hành vi của Bắc Kinh “như một phản ứng gần như cuồng loạn”. 


Ông Fumiaki Kubo, Giáo sư của Trường Đại học Tôkyô, nói trong khi Nhật Bản có thể trở thành “trò cười” vì đã tha thứ và thả ông Chiêm Kỳ Hùng tuần trước, danh tiếng của Trung Quốc cũng bị tổn thương. “Tôi nghĩ nhiều nước cảm thấy rằng các hành động của Trung Quốc là không có đạo đức và không đáng ca ngợi”. Trung Quốc rõ ràng cho thấy rằng nước này sẽ lờ đi các chuẩn mực quốc tế và làm bất cứ điều gì để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền về lãnh thổ ở khu vực tranh chấp của nước này”. 


Quần đảo Senkaku, nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt, đang thuộc quyền quản lý hành chính của Nhật Bản nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Trung Quốc cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với các nước châu Á khác, trong đó có Việt
Nam , Malaixia và Philíppin ở Biển Đông. Ông Kubo nói: “Tôi nghĩ hơn bao giờ hết, các nước châu Á đang hy vọng Mỹ duy trì sự hiện diện quân phiệt của mình ở khu vực này”. 


Theo ông Kubo, đối với Mỹ, quyền tự do đi lại trên biển là cực kỳ quan trọng. Phát biểu tại một hội nghị của ASEAN hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton đã khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở Biển Đông và nói bóng gió rằng Mỹ chuẩn bị tham gia việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng và mô tả các tuyên bố của bà
Clinton là “cuộc tấn công”. 

Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara và bà Clinton tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố quần đảo Senkaku, ở phía Bắc của Biển Hoa Đông, thuộc sự bảo vệ của Hiệp ước đảm bảo an ninh Nhật-Mỹ. Ông Kubo cho rằng việc một quan chức hàng đầu của Mỹ tuyên bố rằng hiệp ước an ninh song phương bảo vệ cả quần đảo tranh chấp này là hành động hiếm có. “Việc bà Clinton đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung đang căng thẳng cho thấy rằng Mỹ tăng cường cam kết của mình”. “Rõ ràng là Mỹ đang thực thi nhiệm vụ của mình và tăng cường cam kết của nước này đối với Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc nhận thức được điều đó”. 

Quan hệ Nhật-Trung đã trở nên căng thẳng sau khi Nhật Bản bắt giữ viên thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng hôm 7/9. Các cuộc gặp cấp cao và các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước đã bị đình trệ, tâm lý chống Nhật ở Trung Quốc đang gia tăng và lệnh cấm xuất khẩu kim loạt đất hiếm sang Nhật Bản của Bắc Kinh đã bị chỉ trích kịch liệt. 


Khi Nhật Bản quyết định thả viên thuyền trưởng của tàu đánh cá Trung Quốc vào tuần trước, tờ New York Times gọi đây là “một sự rút lui bẽ bàng”. Ông Kubo nói: “Nhật Bản sẽ bị coi là một nước luôn luôn nhượng bộ trước áp lực và tôi nghĩ việc thả viên thuyền trưởng này sẽ có tác động tiêu cực dài hạn đối với nền ngoại giao của Nhật Bản”. 


Các nhà phân tích nhất trí rằng khi Trung Quốc đang chịu một số tác động ngược do các hành động lỗ mãng của mình, nước này cố gắng đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ trở thành trung tâm của dư luận thế giới. Quan điểm chính thức của Nhật Bản là quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản và không có tranh chấp nào tồn tại ở đây. 


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cảnh báo Nhật Bản về các “hậu quả” nếu nước này không thả ngay lập tức viên thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng. 

 

Ông Zhu Jianrong, Giáo sư quan hệ quốc tế và chính trị Trung Quốc của trường Đại học Toyo Gakuen, cho rằng tuyên bố này chính là thông điệp gửi tới cộng đồng quốc tế rằng Nhật Bản và Trung Quốc đang có vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc “có thể được xem là một thông điệp để thế giới thừa nhận rằng có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản”. “Khi căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu rằng hai nước đang tranh chấp về lãnh thổ”. 


Mặc dù phía Nhật Bản đã thả viên thuyền trưởng này, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm cứng rắn và yêu cầu Nhật Bản xin lỗi và đền bù. Nhật Bản ngay lập tức đã bác bỏ yêu cầu này và khẳng định sẽ đòi đền bù thiệt hại do tàu đánh cá Trung Quốc gây ra cho hai tàu tuần tra của JCG. Tuy nhiên, Giáo sư Zhu cho rằng đỉnh điểm của vụ tranh cãi này đã qua và nhiệm vụ quan trọng hiện nay đối với hai nước là tập trung vào việc làm dịu dư luận trong nước và nối lại các hoạt động trao đổi song phương. 


Hàng loạt các sự kiện ngoại giao quan trọng sẽ diễn ra trong mùa Thu này, trong đó có Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) vào tuần tới ở Bỉ, Hội nghị Môi trường COP10 ở Nagoya (Nhật Bản), Hội nghị Cấp cao Đông Á ở Việt Nam vào tháng 10 và Hội nghị APEC ở Yokohama (Nhật Bản) vào tháng 11. Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Naoto
Kan đã định không tham dự Hội nghị ASEM do bận tham dự kỳ họp bất thường của Quốc hội nhưng ông đã thay đổi kế hoạch và khẳng định sẽ tham dự hội nghị này. Do lo ngại sự vắng mặt của Nhật Bản tại hội nghị này có thể sẽ có lợi cho Trung Quốc, các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Kan cần phải giải thích lập trường của Nhật Bản với các nhà lãnh đạo của các nước khác. Ông Zhu tin rằng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ bắt đầu hướng tới việc hàn gắn quan hệ song phương và rằng phong vũ biểu quan trọng hiện nay sẽ là liệu Thủ tướng NaotoKan

 

Có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào cuối tháng 10 không. “Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không muốn tình hình hiện nay xấu đi. Hai nước sẽ xử lý sự bất mãn của dư luận trong nước, trong khi bắt đầu các hành động ngầm nhằm khôi phục quan hệ và nối lại các hoạt động trao đổi song phương”./.


Nguồn: Asahi, Japan Times,  TTXVN