asean(3).jpg

Năm 2015, Đông Nam Á vừa đem đến những kỳ vọng xen lẫn thất vọng. Khi nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang giai đoạn “bình thường mới” do sự tăng trưởng thấp, các nhà đầu tư quốc tế đã nhìn thấy ASEAN có khả năng vừa là sự thay thế vừa là bổ sung cho thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm, những ngôn từ táo bạo như “một cơ sở sản xuất và thị trường duy nhất” cùng với sự ra đời của một cộng đồng kinh tế ám chỉ đến sự thay đổi trong cách thức kinh doanh sẽ diễn ra ở khu vực này.

Về mặt chiến lược, sự đối đầu gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực dường như đã vượt quá khả năng của ASEAN để tìm kiếm một phản ứng thống nhất. Sự bất lực của ASEAN trước “các mối đe dọa an ninh phi truyền thống” trong khu vực, chẳng hạn như vấn đề khói bụi là một nhắc nhở rõ ràng về việc ASEAN thiếu năng lực, thể chế và “không có khả năng vượt qua tình cảm dân tộc”. Trong khi đó, nội bộ nhiều nước ASEAN vẫn tồn tại nhiều bất đồng, hạn chế sức mạnh của cả khu vực. Mặc dù còn có những điểm yếu như vậy, ASEAN vẫn được đánh giá là khu vực có hoạt động ngoại giao và kinh tế năng động quan trọng đối với tương lai của châu Á, đặc biệt trong bối cảnh trật tự quốc tế đang bị thách thức bởi những vấn đề dai dẳng ở khu vực. Vai trò trung tâm của ASEAN trong chủ nghĩa đa phương khu vực đã biến tổ chức này trở thành nơi duy nhất định hình các vấn đề lớn.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang cài đặt lại các mối quan hệ chiến lược và định hình lại các mối quan hệ thương mại, đầu tư và văn hóa. Với Trung Quốc, những diễn biến này mang lại nhiều hứa hẹn, song cũng không ít lo lắng, nhất là khi có sự can thiệp của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Thông qua những nỗ lực đa phương, ASEAN đã ủng hộ sự hợp tác cùng có lợi chứ không phải là sự cạnh tranh phá hoại, ủng hộ sự tham gia hội nhập chứ không phải là ngăn chặn.

Khu vực Đông Nam Á từ lâu đã được coi là một đấu trường của các nước lớn nhằm tranh giành ảnh hưởng. Nhưng trong bốn thập kỷ qua, ASEAN đã trở thành nơi xây dựng lòng tin và hợp tác thông qua các thể chế như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Ngay cả với những yếu kém nội tại của mình, ASEAN vẫn là trung tâm của các cuộc thảo luận khu vực cũng như các liên kết chính thức và không chính thức ràng buộc lợi ích của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Kinh nghiệm và uy tín của ASEAN như trung tâm của chủ nghĩa đa phương là rất quan trọng trong việc giúp mở rộng khu vực nhằm thích ứng với sự lớn mạnh về kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang kích động một phản ứng từ các nhân vật bảo thủ ở Mỹ và Nhật Bản. Chính sách “xoay trục sang châu Á” của Mỹ và việc Nhật Bản công bố luật an ninh mới có thể là do những lo ngại về một Trung Quốc đang nổi lên. Những lo ngại này là có thể hiểu được khi nền tảng trật tự toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Do đó, ASEAN phải là một đối tác cho các bên quan tâm để cùng nhau tạo ra một trật tự khu vực mới có thể thích ứng với sự năng động của các dân tộc ở châu Á.

ASEAN không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ nước lớn nào và cũng chưa bao giờ là “một đấu thủ toàn cầu”. Nhưng thông qua xây dựng ngoại giao và sự đồng thuận của ASEAN trong hơn 48 năm qua, tổ chức này đã cố gắng để trở thành một diễn đàn hữu ích và một đối tác tin cậy của các nước trên thế giới nhằm tìm kiếm những thỏa thuận mới cùng tồn tại.

Anh Thư (gt)