Điều này cho thấy nỗ lực chống tội phạm xuyên quốc gia của ASEAN từ trước đến nay đã không thực sự hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, Thesa Vance Nuansyah thuộc Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) mới đây đã phân tích cụ thể những thách thức mà ASEAN đang gặp phải trong cuộc chiến chống lại loại tội phạm này. Kể từ năm 1976, các quốc gia thành viên ASEAN đã tuyên chiến với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia vì đây là loại tội phạm đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực. Các nước nhất trí phối hợp vì mỗi quốc gia thành viên đều nhận thức rằng việc chống tội phạm xuyên quốc gia không thể thành công nếu xử lý riêng rẽ. Do đó, tháng 12/1997 tại Manila, ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia, và tháng 3/1998 đã ký Tuyên bố Manila về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đáng kể, hai quốc gia thành viên Campuchia và Lào, xếp lần lượt là quốc gia trồng thuốc phiện lớn thứ nhất và thứ ba thế giới. Hơn nữa, Đông Nam Á được biết đến như một trung tâm trung chuyển của nạn buôn bán người đến Úc và New Zealand do hệ thống quản lý xuất nhập cảnh yếu kém. Như vậy, rõ ràng tội phạm xuyên quốc đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và gây nguy hiểm cho hội nhập kinh tế khu vực, nhất là trong bối cảnh kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, đang được đẩy mạnh. Các dòng chảy tự do vốn và hàng hóa không chỉ có lợi cho sự vận động của thị trường mà còn đem lại nhiều lợi ích kinh tế, giảm chi phí tiếp cận thị trường, giảm thiểu nguy cơ bảo hộ, nhưng cũng tạo kẽ hở để các hoạt động buôn lậu quy mô lớn có thể làm tê liệt nền kinh tế các quốc gia thành viên. Không chỉ vậy, một khu vực kinh tế cạnh tranh, khuyến khích bảo vệ người tiêu dùng và quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ phải đối mặt với nạn buôn lậu xuyên quốc gia, hàng giả... Số lượng lớn hàng hóa giả mạo sẽ làm giảm đáng kể nguồn thu từ thuế, một nhân tố thiết yếu của AEC.

Sự gia tăng các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu những nỗ lực của ASEAN để chống lại loại tội phạm này đã thực sự được quan tâm nghiêm túc hay chưa. Kế hoạch hành động ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) năm 1999 tại Yangon, Myanmar, đã khuyến khích các nước thành viên tăng cường nỗ lực chống tội phạm xuyên quốc gia ở cấp quốc gia, song phương và khu vực. AMMTC - cơ quan cao nhất của ASEAN về chống tội phạm xuyên quốc gia - đã thông qua chương trình hành động 5 năm tập trung vào trao đổi thông tin, vấn đề pháp lý, thực thi pháp luật, đào tạo, nâng cao năng lực thể chế và hợp tác ngoài khu vực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại và thách thức nhất định đối với hoạt động này. Trước hết là sự vắng mặt và phối hợp của các cơ quan chuyên trách. Do thẩm quyền rất hạn chế, AMMTC không phải là cơ quan phù hợp để giải quyết triệt để các vấn đề, và không thể đưa ra những giải pháp bền vững đối phó với tội phạm xuyên quốc gia. Để xử lý hiệu quả vấn đề này, đòi hỏi một chiến lược liên ngành và cụ thể hơn là một cơ quan có quyền lực mạnh mẽ hơn. Không chỉ vậy, AMMTC và các cơ quan có liên quan như Tổ chức Cảnh sát Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEANPOL), Tổ chức Xuất Nhập cảnh ASEAN vẫn chưa có sự phối hợp hiệu quả. Việc chia sẻ thông tin và cộng tác với các quan chức và các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động chống ma túy cũng chưa thường xuyên. Trong khi đó, Trung tâm ASEAN Chống Tội phạm xuyên quốc gia (ACTC) vẫn chưa được thiết lập.

Thứ hai, còn rất nhiều thách thức về năng lực do thiếu vắng sự hỗ trợ về mặt pháp lý trong khu vực, cùng với sự khác biệt về ưu tiên nội bộ với ưu tiên hợp tác khu vực trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia. Hầu như tất cả các hiệp định hoặc điều ước quốc tế về hỗ trợ tư pháp giữa các quốc gia thành viên ASEAN và giữa các quốc gia thành viên với các quốc gia ngoài ASEAN vẫn chỉ dừng ở mức song phương, trong khi chống tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi sự hợp tác rộng lớn hơn. Sự khác biệt giữa các ưu tiên trong nước và các ưu tiên hợp tác khu vực trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia cũng dẫn đến việc triển khai các hoạt động chống tội phạm không hiệu quả. Mỗi quốc gia đều có xu hướng ưu tiên chống hoạt động tội phạm có tác động lớn đến lợi ích quốc gia của mình hơn là ưu tiên đối phó với các thách thức chung.

Thứ ba, cuộc đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia hoàn toàn đòi hỏi sự hợp tác đa phương ngoài khu vực, liên quan đến quan hệ hợp tác ở quy mô lớn và nguồn lực khổng lồ. Trong vài năm qua, ASEAN đã tăng cường quan hệ đối tác thông qua việc thiết lập hợp tác đa phương với các đối tác đối thoại ở một số diễn đàn như ASEAN + 3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), hợp tác ASEAN và Trung Quốc ứng phó với nạn buôn bán ma túy. Tuy nhiên, các sáng kiến như vậy vẫn chưa tạo được bước đột phá quan trọng do chúng không bao gồm các nguyên tắc hợp tác cụ thể và cũng không áp đặt các tiêu chuẩn hành vi đối với các nước tham gia. Những vấn đề như tham nhũng, áp lực trong nước, hạn chế về năng lực cùng nhiều yếu tố cản trở từ bên ngoài cũng là rào cản không nhỏ đối với hợp tác khu vực.

Tóm lại, ASEAN cần phải đưa việc giải quyết tất cả những trở ngại và thách thức trên lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia. Điều này chắc chắn đòi hỏi quyết tâm chính trị mạnh mẽ và trách nhiệm lớn hơn của mỗi quốc gia thành viên.

Theo “The Jakarta Post” 

Lê Quang (gt)