Tuyên bố cũng cho biết các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã “xác định các lĩnh vực ưu tiên chủ chốt còn chưa thực hiện và có thể triển khai trong năm nay”. Cuối cùng, tuyên bố chủ tịch khẳng định: với hai yếu tố gồm các biện pháp được thực hiện đầy đủ và các biện pháp ưu tiên cao, tỷ lệ thực hiện biểu đánh giá tiến độ thực hiện AEC hiện ở mức 90,5% trong số 506 biện pháp. Con số trên có ý nghĩa gì đối với người dân? Họ hiểu gì từ kết quả này trong bối cảnh khu vực đang hướng đến một cộng đồng kinh tế vào ngày 1/1/2016? Có thể phân chia họ thành ba nhóm: các học giả hoặc nhà phân tích theo dõi AEC; giới doanh nhân; và người dân ASEAN.

Với nhóm đầu tiên, những tuyên bố này có ý nghĩa hạn chế. Mặc dù có thông tin công khai về các biện pháp thành lập AEC trong "Kế hoạch tổng thể 2007", song hiện vẫn thiếu thông tin về việc “ưu tiên hóa những mục tiêu quan trọng”. Điều này khiến giới quan sát khó xác nhận tỷ lệ hoàn thành hơn 90% mục tiêu thành lập AEC. ASEAN vì thế thiếu minh bạch. Để đánh giá toàn diện tiến trình thực thi các cam kết AEC, người ta cần phải được tiếp cận thông tin về những hành động liên quan đến AEC ở từng nền kinh tế thành viên. Song hiện tại, điều này là không có. Ngoài ra, biểu đánh giá tiến độ thực hiện AEC, được Ban Thư kí ASEAN công bố trong giai đoạn 2008-2009 và 2010-2011, hiện đã ngừng. Dù không có lý do cụ thể về việc không công bố tiếp, song dường như biểu đánh giá này được xem là phát đi thông điệp sai về tỷ lệ thực hiện thấp.

Trong khi biểu đánh giá đầu tiên giai đoạn 2008-2009 cho biết tỉ lệ thực hiện là 87,6% trong tổng số 105 biện pháp, thì bản đánh giá thứ hai giai đoạn 2010-2011 lại cho thấy tỉ lệ thấp hơn là 56,4% trong 172 biện pháp. Điều này khó có thể được chấp nhận trong trường hợp ASEAN bởi nó không chỉ hạ thấp uy tín của các nước thành viên trong việc đáp ứng các cam kết mà còn hạn chế mục tiêu chiến lược về một mặt trận thống nhất của cả khối trên trường quốc tế.

Với các doanh nghiệp, AEC dự kiến sẽ tạo ra một không gian sản xuất mở rộng, nơi họ có thể tiến hành hoạt động mà không phải lo ngại về những rào cản quốc gia (hoặc hành chính) trong khu vực. Họ có thể khai thác các nền kinh tế với dân số 617 triệu người với những lợi thế cạnh tranh khác nhau của các nước thành viên. Song, việc tạo ra một không gian sản xuất mở rộng như vậy yêu cầu mọi rào cản về hàng hóa và dịch vụ cũng như đầu tư phải được dỡ bỏ. Vậy con số 90,5% được phản ánh trong tuyên bố chủ tịch có phản ánh một môi trường kinh doanh không bị hạn chế như vậy?

Câu trả lời gần như chắc chắn là “Không”. Một vấn đề nổi lên trong hầu hết các cuộc thăm dò doanh nghiệp được thực hiện gần đây là dù đã được hạn chế hoặc xóa bỏ tại các nước ASEAN, song rào cản phổ biến nhất chính là phi thuế quan, bao gồm giấy phép không được cấp tự động, quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, chi phí hành chính gắn với việc áp dụng các biện pháp ưu đãi, thiếu tính kết nối thể chế và vật lí. Các doanh nghiệp cũng phàn nàn việc thiếu thông tin về các biện pháp AEC như là lí do chính khiến họ ít quan tâm đến các vấn đề khu vực.

Với người dân bình thường tại ASEAN, một lần nữa con số 90% không nói lên nhiều điều. Với họ, tiến triển trong việc xây dựng AEC là việc họ được tiếp cận một thị trường mở rộng để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của mình hoặc hưởng thu nhập cao hơn nhờ sự tăng trưởng và phát triển do thực thi các biện pháp AEC. Tuy nhiên, những điều này rất khó để luận ra và rằng, trong hầu hết trường hợp, là những hiện tượng trong dài hạn. Dù vậy, người ta có thể nói rằng các sáng kiến ASEAN như tự do đi lại không cần thị thực cho công dân ASEAN hay mở cửa dịch vụ vận tải hàng không theo thỏa thuận bầu trời mở ASEAN là hữu ích cho người dân bình thường trong khu vực.

Người dân ASEAN còn có thể quan sát tác động của AEC ở thị trường lao động. Tuy nhiên, những diễn biến tại thị trường lao động lại không tích cực. Trong khi tác động từ việc tái phân bổ nguồn lực từ các hoạt động kinh tế năng suất thấp sang hoạt động kinh tế năng suất cao hơn nhờ các biện pháp AEC sẽ cần thời gian để hiện thực hóa, thì tác động của các thỏa thuận công nhận lẫn nhau đối với sự dịch chuyển của lao động tay nghề cao trong khu vực lại chỉ ở mức hạn chế, trong bối cảnh các quy định trong nước thường được áp dụng để bảo vệ lao động trong nước trước sự cạnh tranh từ nước ngoài.

Vì thế, với các nhà quan sát và bên thụ hưởng trực tiếp từ AEC, tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 hầu như không mấy tích cực. Những con số tổng hợp như 458 biện pháp hoặc tỷ lệ 90,5% đã thực hiện không cho thấy bản chất thực sự của vấn đề thực hiện ở từng quốc gia thành viên và với ASEAN về tổng thể. Hình thức thông báo hiện tại về tiến trình thực hiện AEC cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa. Biểu đánh giá tiến độ thực hiện cần phải được bổ sung thông tin về tiến trình thực hiện của từng nước thành viên để tăng tính minh bạch và giúp cho giới doanh nhân và người dân ASEAN hiểu hơn về tiến triển kinh tế ASEAN.

Biểu đánh giá tiến độ thực hiện AEC nên được xem là công cụ để khuyến khích các nước thành viên tuân thủ các biện pháp được đưa ra trong kế hoạch tổng thể AEC. Biểu đánh giá tiến độ của từng nước nên đưa ra những sáng kiến cải thiện tiến độ bằng cách nêu bật những gì làm được và những gì chưa làm được. Tuy nhiên, do ASEAN là một tổ chức liên chính phủ mà không có một thể chế siêu quốc gia, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được liệu một cơ chế đánh giá hiệu quả như vậy có thể được phát triển trong tương lai hay không.

Theo "Business Times"

Mỹ Anh (gt)