III. Triển vọng hình thành FTAAP

 

FTAAP có ra đời được hay không, bằng cách nào và bao giờ, đó là câu hỏi không dễ dàng, phụ thuộc chủ yếu vào sự nhận thức của các nước trong khu vực về lợi ích/bất lợi mà nó mang lại (tác động), chủ trương chính sách và các nỗ lực mà các nước khu vực sẽ triển khai trong tương lai.

 

 

1. Tác động của FTAAP
 

Ý tưởng FTAAP được nhiều nhà nghiên cứu và giới chức APEC đánh giá là sáng kiến tốt nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu được thành lập, thì FTAAP sẽ vượt qua NAFTA để trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới trên mọi phương diện[1], và như vậy sẽ có tác động lớn đến khu vực và tất cả các nước ở đây cũng như hệ thống thương mại toàn cầu. Bài viết này chủ yếu đề cập đến tác động về mặt kinh tế của FTAAP.

 

a) Tác động đối với các nền kinh tế thành viên APEC


 FTAAP sẽ có tác động mạnh đến thương mại giữa các thành viên APEC. Nghiên cứu của ABAC đã chỉ ra rằng FTAAP khi được hình thành sẽ đưa lại nhiều lợi ích cho các nước Đông Á, thậm chí còn gấp ba lần lợi ích kinh tế mà họ thu được từ các hiệp định FTA với ASEAN[2]. Nhìn chung, những lợi ích kinh tế căn bản mà FTAAP sẽ mang lại cho các thành viên gồm:

 

- Làm giảm chi phí giao dịch thương mại thông qua một bộ nguyên tắc xuất xứ chung, khắc phục hiệu ứng của việc có quá nhiều nguyên tắc xuất xứ trong các thoả thuận mậu dịch khu vực và song phương hiện nay tại châu Á - Thái Bình Dương.

 

 

- Thúc đẩy thương mại giữa các thành viên thông qua xoá bỏ các rào cản thương mại. Nhóm Nghiên cứu FTAAP gồm các chuyên gia từ một số nền kinh tế thành viên APEC chỉ ra rằng : (i) Tự do hoá thương mại sẽ giúp làm tăng thêm giá trị trao đổi thương mại giữa các thành viên từ 48 tỷ USD đến 114 tỷ USD; (ii) các biện pháp tạo thuận lợi hoá thương mại thông qua việc giảm thêm 5% chi phí giao dịch thương mại  sẽ giúp làm tăng thêm từ 256 lên 504 tỷ USD; (iii) Tự do hoá thương mại dịch vụ thông qua giảm rào cản thương mại thêm 10%  góp phần làm tăng thêm từ 271 lên 527 tỷ USD; (iv) chuẩn hoá các quy định về nguồn gốc xuất xứ sẽ giúp làm tăng hiệu ứng tạo thuận lợi thương mại lên 32 %[3].

 

- Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước thành viên. Không chỉ thúc đẩy trao đổi thương mại, FTAAP còn góp phần thúc đẩy các luồng vốn đầu tư lẫn nhau giữa các thành viên và giữa khu vực với bên ngoài thông qua loại bỏ các rào cản và giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của mỗi nước để tăng sức hấp dẫn. Hơn nữa, qua FTAAP, các mối quan hệ hợp tác kinh tế kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, du lịch, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực…giữa các nền kinh tế thành viên trong khu vực sẽ ngày càng được tăng cường.

 

Như vậy, những lợi ích căn bản mà các nền thành viên có thể thu được từ FTAAP trong tương lai là không nhỏ, song kết quả khai thác thế nào đối với mỗi thành viên sẽ tuỳ thuộc vào năng lực và nỗ lực cụ thể của họ. Bên cạnh đó, các thành viên, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, sẽ phải đối mặt với những bất lợi và thách thức của tiến trình tự do hoá toàn diện và cao hơn khi FTAAP được thiết lập.  

 

b) Tác động đối với APEC 

 

Có ba luồng quan điểm đánh giá khác nhau về tác động của việc theo đuổi FTAAP đối với APEC.

 

Một luồng quan điểm đồng với ý kiến của PECC cho rằng FTAAP sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính diễn đàn APEC. Họ lập luận rằng đàm phán FTAAP sẽ gây ra sự chia rẽ trong APEC, nhất là khi một số nền kinh tế thành viên APEC quyết định không tham gia FTAAP. Thậm chí, ngay cả khi tất cả các thành viên nhất trí tham gia, thì quá trình đàm phán cũng sẽ làm họ bị chia rẽ. Tiến trình APEC như hiện nay là không phù hợp với tiến trình đàm phán FTAAP. Bởi lẽ, về bản chất, FTAAP sẽ bao gồm những quy định mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và phân biệt đối xử với các nền kinh tế không thuộc APEC. Điều này mâu thuẫn với nguyên tắc cơ bản của APEC là tự nguyện, không ràng buộc và mở. Chính những nguyên tắc này đã tạo ra sự khác biệt và độc đáo của Diễn đàn. Do đó, theo đuổi FTAAP sẽ đi ngược lại  một số nguyên tắc cơ bản của APEC và điều này có thể dẫn đến khả năng thay đổi APEC.

 

Tuy nhiên, luồng quan điểm thứ hai lại cho rằng việc thiết lập FTAAP sẽ là một phương thức quan trọng nhằm đạt được mục tiêu Bô-go, do đó nếu cần thì APEC có thể cơ cấu lại để trở thành diễn đàn hiệu quả cho đàm phán  hiệp định FTAAP. Hơn nữa, theo quan điểm này, để diễn đàn APEC tồn tại và chứng tỏ được sự thích ứng đối với những thách thức mang tính toàn cầu cũng như sự hiệu quả trong hợp tác của diễn đàn, thì APEC cần chuyển từ nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc sang cách tiếp cận mang tính ràng buộc.

 

Luồng quan điểm thứ ba dung hoà hai quan điểm trái ngược trên. Những người theo quan điểm này chủ trương APEC tiếp tục phát triển với các nguyên tắc cơ bản như hiện nay và FTAAP sẽ là tiến trình độc lập riêng. Cách tiếp cận này đang được khá nhiều thành viên APEC xem xét tích cực hơn.

 

c) Tác động đối với các nền kinh tế ngoài APEC

 

FTAAP nếu được hình thành sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử đối với các nền kinh tế này. Đây là mối quan ngại lớn của họ. Đặc biệt, ba nước thành viên ASEAN (Lào, Campuchia và Myanma) hiện nay chưa tham gia APEC, và trong tương lai nếu cũng không tham gia FTAAP, sẽ gánh chịu bất lợi lớn, do những tác động tiêu cực của sự chuyển hướng thương mại khi các thành viên ASEAN tham gia vào FTAAP gia tăng các hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút FDI, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể sẽ làm gia tăng sự khác biệt trong ASEAN và làm giảm sự “cố kết” giữa các thành viên.

 

d) Tác động đối với hệ thống thương mại đa phương:

 

Nghiên cứu của ABAC đã chỉ ra rằng các nền kinh tế APEC đạt được lợi ích về kinh tế do Hiệp định FTAAP mang lại thấp hơn khoảng 20% so với lợi ích mà WTO nhờ những cam kết mới về tự do hoá thương mại khi kết thúc vòng Đôha. Như vậy, có thể nói thúc đẩy vòng đàm phán Đôha kết thúc thắng lợi vẫn là mục tiêu chung của các nền kinh tế.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng việc thiết lập FTAAP có thể tạo động lực thúc đẩy các nền kinh tế trong và ngoài APEC cam kết mạnh mẽ hơn để hoàn tất vòng đàm phán Đô-ha. Hơn nữa, FTAAP sẽ đóng vai trò là hòn đá tảng để thúc đẩy việc tự do hoá thương mại toàn cầu đầy đủ hơn[4]. Tuy nhiên, một số thành viên của diễn đàn thương mại PECC lại cho rằng do mất lòng tin vào WTO, nên các nền kinh tế APEC mới đề xuất đàm phán FTAAP. Do đó, nếu đầu tư vào FTAAP sẽ làm xói mòn niềm tin về lợi ích mà WTO mang lại cho các nền kinh tế thành viên và có thể góp phần làm cho vòng Đô-ha bế tắc hơn.

 

2. Quan điểm của các nước liên quan về FTAAP

 

Cho đến nay, ý tưởng FTAAP đã được các nhà Lãnh đạo APEC ghi nhận như là một khả năng lựa chọn trong tương lai của APEC và tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận tại các diễn đàn của APEC, nhưng các thành viên APEC còn có quan điểm khác nhau về nhiều khía cạnh của FTAAP, đặc biệt là về tác động của nó đối với tiến trình hợp tác trong APEC và đối với các thành viên, cách thức đạt tới và thời gian biểu cũng như nhiều vấn đề thuộc về nội dung, phạm vi và mức độ cam kết tự do hoá. Nhìn đại thể, có 3 nhóm quan điểm cơ bản hiện nay:

 

+ Nhóm thứ nhất ủng hộ mạnh, cho rằng sáng kiến có tính khả thi cao và muốn triển khai sớm. Nhóm này gồm có Mỹ, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông.

+ Nhóm thứ hai cho rằng ý tưởng tốt, có tính khả thi và ủng hộ là hướng đi trong dài hạn. Nhóm này gồm Canada, Nhật, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, các nước Mỹ La-tinh, Nga.

+ Nhóm thứ ba tỏ dè dặt, e ngại FTAAP có những tác động tiêu cực, muốn nghiên cứu kỹ thêm mọi khía cạnh trước khi quyết định. Nhóm này có Trung Quốc và một số thành viên khác thuộc ASEAN.

 

Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét cụ thể hơn quan điểm của những nước chủ chốt:

 

- Mỹ

 

Năm 2004, khi ý tưởng về FTAAP được đề xuất,  Mỹ là một trong những thành viên không ủng hộ. Đến Hội nghị cấp cao APEC 14 năm 2006 tại Hà Nội, Mỹ trở thành một trong số nước đi đầu ủng hộ việc đưa FTAAP vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị cấp cao APEC và đã tích cực đấu tranh, vận động để đưa vào Tuyên bố của Hội nghị cấp cao APEC 2006 đoạn nói về FTAAP. Từ 2006 tới nay, Mỹ tiếp tục thúc đẩy FTAAP. Chính quyền Obama coi việc tham gia thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như là một bước khởi đầu hướng tới một thỏa thuận mậu dịch tự do cho toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để tiến tới mục tiêu đó. "Mỹ sẽ ràng buộc với các đối tác ở APEC trong thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương"[5].

 

Sự điều chỉnh thái độ và chủ trương của Mỹ về FTAAP từ chỗ không ủng hộ chuyển sang ủng hộ và tích cực thúc đẩy có thể được lý giải như sau:

 

Thứ nhất, sự điều chỉnh này nằm trong chiều hướng điều chỉnh chính sách thương mại chung của Mỹ từ giữa những năm 2000, từ chỗ ưu tiên thúc đẩy tự do hoá thương mại toàn cầu (thông qua vòng đàm phán Đôha trong khuôn khổ WTO) chuyển sang tập trung thúc đẩy các thoả thuận FTA khu vực và song phương. Đây là một lựa chọn mang tính thực dụng hơn trước bối cảnh bế tắc kéo dài của vòng đàm phán Đôha và xu hướng bùng nổ các thoả thuận FTA khu vực và song phương trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.    

 

Thứ hai, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực hết sức quan trọng đối với lợi ích của nước Mỹ và luôn luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của các chính quyền Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Trước xu hướng phát triển rất mạnh của khu vực hoá tại Đông Á, Đông Nam Á và cả châu Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây, Mỹ không thể cứ đứng ngoài hoặc chống lại mà buộc phải điều chỉnh chính sách để không bị “chậm chân” và “gạt ra ngoài”. Chính quyền Obama chủ trương tăng cường các quan hệ của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và phát huy vai trò, ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Tổng thống Obama đã tuyên bố tại Tô-ky-ô tháng 11 vừa qua rằng  "Mỹ sẽ củng cố quan hệ với các đồng minh cũ, xây dựng quan hệ với các đối tác mới, tham gia các nỗ lực đa phương và các thể chế khu vực nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng trong khu vực"[6]. Như vậy, việc ủng hộ và thúc đẩy lập FTAAP không những giúp tăng cường quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực, phục vụ các mục tiêu chiến lược của Mỹ về chính trị và an ninh trên phạm vi khu vực và toàn cầu, mà xét về góc độ kinh tế còn tạo điều kiện để Mỹ đạt được nhiều lợi ích từ việc mở cửa toàn diện thị trường của các nền kinh tế trong khu vực, trong đó, có cả những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

 

- Trung Quốc  

 

Ngay từ đầu và cho đến nay, Trung Quốc vẫn tỏ ra không mặn mà với ý tưởng lập FTAAP. Tại hội nghị cấp cao APEC 17 ở Singapore tháng 11/2009, Trung Quốc không ủng hộ đề nghị của ABAC về xây dựng thời gian biểu cho việc hình thành FTAAP. Trung Quốc cho rằng FTAAP có thể làm suy giảm nỗ lực của vòng đàm phán Đô-ha, trì hoãn các cam kết của APEC hoàn thành thực hiện mục tiêu Bô-go vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và FTAAP không phù hợp với bản chất hợp tác của APEC[7]. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà phân tích, Trung Quốc không “mặn mà” với FTAAP là do một số nguyên nhân chính trị và kinh tế. Về chính trị, Trung Quốc sẽ bất lợi nếu Mỹ và các nước phát triển khác sử dụng FTAAP như một biện pháp làm xói mòn quá trình liên kết kinh tế khu vực tại Đông Á và nhằm xác lập ảnh hưởng của Mỹ đối với toàn bộ tiến trình khu vực hoá ở châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, nếu được thành lập, FTAAP sẽ bao gồm cả Đài Loan (vì Đài Loan hiện là thành viên APEC), và như vậy, sẽ tạo cho Đài Loan một vị thế mới trong cơ chế đa phương này. Về kinh tế, cho đến nay, các thoả thuận thương mại quốc tế mà Trung Quốc tham gia cơ bản chưa phải là các hiệp định mậu dịch tự do chất lượng cao, trong khi FTAAP sẽ là một hiệp định mậu dịch tự do chất lượng cao (có mức độ tự do hoá cao và phạm vi rộng, gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm đối với Trung Quốc).

 

- Nga

 

Nga chủ trương hội nhập tối đa với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tham gia tất cả các hoạt động của khu vực này[8]. Trên cơ sở đó, Nga cho rằng  FTAAP là ý tưởng tốt và ủng hộ nó. Tuy nhiên, Nga cũng cho rằng do các nền kinh tế thành viên có sự khác nhau về trình độ phát triển và hợp tác hiện nay trong APEC trên cơ sở đồng thuận và tự nguyện, nên cần nghiên cứu kỹ cách thức tiến tới và thực hiện FTAAP.

 

- Nhật Bản, Hàn Quốc 

 

Cả hai nước đều cho rằng FTAAP có tính khả thi cao đối với APEC về dài hạn. Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu nghiên cứu về tính khả thi cũng như những tác động có thể của FTAAP đối với các nền kinh tế trong khu vực. Riêng Nhật Bản, ban đầu họ cũng có cách tiếp cận thận trọng đối với đề xuất FTAAP. Tuy nhiên, sau đó họ đã  nhanh chóng ủng hộ ý tưởng này. Sở dĩ như vậy là vì Nhật nhận thấy FTAAP phù hợp với mục tiêu chính sách của mình và giúp đem lại cho Nhật một khu vực mậu dịch tự do chất lượng cao mà họ có thể gặt hái được nhiều lợi ích ở châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực có ý nghĩa chiến lược sống còn đối với Nhật.

 

Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Ca-na-đa

 

Ba nước này ủng hộ ý tưởng xây dựng FTAAP, cho rằng FTAAP có tính khả thi cao đối với APEC và có thể là mục tiêu phát triển của APEC trong dài hạn. Họ cũng cho rằng do ý tưởng này mới ở giai đoạn đầu, nên APEC cần tiếp tục nghiên cứu các tác động của FTAAP đối với từng thành viên và khả năng thực hiện cụ thể của họ.

 

Riêng Ốt-xtrây-li-a ủng hộ FTAAP rất mạnh và cho rằng để có hiệu quả tốt và tránh trùng lặp với WTO, FTAAP cần tập trung hơn vào các biện pháp thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, đảm bảo an toàn doanh nhân cũng như vốn và hàng hoá từ nước ngoài tới. Họ cũng đánh giá cao Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), coi đây là sự tập dượt hướng tới FTAAP và là đích phát triển của APEC trong thời gian tới. Ốt-xtrây-li-a cũng đang theo đuổi một ý tưởng  mới trong tiến trình đa phương hoá khu vực với đề xuất của Thủ tướng Kevin Rudd về việc xây dựng Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương (APC), một khuôn khổ hợp tác-liên kết toàn diện cả về chính trị, an ninh và kinh tế cho toàn khu vực.

 

- ASEAN 

 

Bảy nước thành viên ASEAN trong APEC không có quan điểm chung. Trong khi Xinh-ga-po ủng hộ mạnh, số còn lại tỏ ra dè dặt, thậm chí chưa muốn APEC sớm cam kết theo hướng FTAAP. Phần lớn các nước này cho rằng do trong khu vực hiện đã có các thoả thuận FTA  giữa ASEAN với các nước Đông Bắc Á (ACFTA, AJFTA, AKFTA), nên FTAAP có thể coi là dự án dài hạn và chỉ nên bàn vào năm 2020, sau khi APEC đã hoàn thành mục tiêu Bô-go. Mặt khác, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực rộng lớn gồm nhiều nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, nên việc xây dựng FTAAP đòi hỏi phải có thời gian. Hơn nữa, cần xem xét kỹ FTAAP vì đây là cơ chế liên kết mang tính ràng buộc cao trong khi APEC chỉ là cơ chế hợp tác lỏng lẻo, tự nguyện và không ràng buộc. 

 

- Các nước nam Mỹ 

 

Nhìn chung đều ủng hộ liên kết kinh tế và kết nối khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, các nền kinh tế này cơ bản ủng hộ FTAAP và coi đây là ý tưởng tốt và mang tính khả thi cao. Tuy nhiên do có sự khác biệt về trình độ kinh tế và phát triển giữa các nền kinh tế thành viên APEC nên FTAAP sẽ chỉ khả thi nếu là  mục tiêu dài hạn của APEC.

 

3. Đường đi đến FTAAP

 

Cách đi như thế nào để đến được đích FTAAP đó là vấn đề quan trọng mà APEC đang nghiên cứu và thảo luận. Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 17 tại Singapore tháng 11/2009 đã nhất trí tiến hành nghiên cứu trong năm 2010 các biện pháp, hình thức khả thi để hướng tới xây dựng FTAAP. Hiện nay, có ba khả năng (kịch bản) tiến tới FTAAP đang được đề cập nhiều nhất. Đó là : (i) Hội tụ các thoả thuận thương mại (FTA/RTA) hiện tại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương; (ii) Phát triển các Thoả thuận thương mại với quy mô địa lý và mức độ cam kết rộng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership Agreement – TPP); và (iii) Đàm phán một FTAAP mới.

 

Hội tụ các FTA/RTA hiện có

 

Từ năm 2008, APEC đã tiến hành một số nghiên cứu về khả năng hội tụ và mở rộng các FTA/RTA hiện có trong khu vực để bao quát cả châu Á-Thái Bình Dương. Các nghiên cứu này đã chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của các FTA/RTA, từ đó góp phần định hướng rõ hơn về những biện pháp khả thi để đạt được FTAAP cũng như thúc đẩy các FTA/RTA có quy mô lớn hơn. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy trong một số lĩnh vực quan trọng, ví dụ như: tiếp cận thị trường, dịch vụ, đầu tư, thủ tục hải quan, an toàn dịch tễ và các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp phục hồi thương mại, các RTA/FTA về cơ bản có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực như quy tắc xuất xứ và một số lĩnh vực mang tính nhạy cảm như chính sách cạnh tranh, môi trường, lao động thì còn nhiều sự khác biệt giữa các RTA/FTA hiện hành. Do đó, việc hội tụ các FTA/RTA có thể là một trong những cách đi đến FTAAP, song cần thêm nhiều thời gian để thảo luận và đi tới thống nhất, hài hoà hoá các cam kết còn khác biệt.

 

Mở rộng RTA/FTA trụ cột thành FTAAP

 

Đây là đường đi đến FTAAP dựa trên cách tiếp cận lấy việc xây dựng các khối liên kết kinh tế trụ cột (building blocks) làm cơ sở để mở rộng và hướng tới FTAAP trong tương lai. Với quy mô dự kiến của FTAAP, những khối liên kết kinh tế này cần phải là các thoả thuận thương mại tự do chất lượng cao, đáp ứng một số tiêu chí cơ bản như: mang tính mở đối với việc tham gia của các nền kinh tế, có khả năng thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó bảo đảm cân bằng giữa sự tham gia của các thành viên phát triển và đang phát triển; mang tính toàn diện, bao quát đầy đủ các lĩnh vực có liên quan đến thương mại.

 

Với những tiêu chí ban đầu nêu trên, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)- hiện đang trong quá trình đàm phán- được coi là một thoả thuận khu vực mậu dịch tự do có nhiều tiềm năng để mở rộng hướng tới FTAAP.

 

Đàm phán một hiệp định FTAAP hoàn toàn mới từ đầu

 

Các phân tích ban đầu nhận định rằng phương án này có tính khả thi không cao và sẽ gặp nhiều khó khăn, lý do trước hết và cũng rất then chốt là  tính chất chính trị phức tạp liên quan đến sự tham gia của một số thành viên như Đài Loan, Hồng Kông. Kế đến là sự phức tạp của các vấn đề sẽ đàm phán, trong đó có nhiều vấn đề nhạy cảm đối với một bộ phận thành viên, nhưng lại không phải là nhạy cảm đối với những thành viên khác. Sau cùng là yêu cầu chất lượng cao của FTAAP, trong bối cảnh có nhiều đối tác rất khác biệt nhau trên nhiều phương diện cùng tham gia đàm phán, đặc biệt là các đối tác khổng lồ như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Nga- vốn có nhiều lợi ích và quan điểm đối chọi nhau- khiến cho quá trình đàm phán sẽ hết sức khó khăn và kéo dài, tiêu tốn nhiều nguồn lực của tất cả các bên.

 

Như vậy, đến thời điểm này có thể thấy rằng APEC nhìn chung đánh giá tích cực ý tưởng FTAAP, ghi nhận nó như là một sự lựa chọn trong tương lai dài hạn và đang tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn các khía cạnh, đặc biệt là các cách thức có thể đạt tới FTAAP. Quan điểm của các thành viên APEC về nhiều vấn đề cụ thể của FTAAP hiện cũng còn nhiều khác biệt. Trong vài năm tới, nhiều khả năng APEC chưa thể đi đến một quyết định về sự lựa chọn con đường cụ thể nào đi đến FTAAP. Trong bối cảnh như vậy, tiến trình hợp tác APEC sẽ tiếp tục chiều hướng cơ bản hiện nay song hành với các tiến trình hợp tác, liên kết kinh tế hiện có và đang được hình thành thêm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ý tưởng FTAAP sẽ còn tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận sâu rộng hơn nữa không chỉ tại các diễn đàn APEC mà cả ở nhiều nơi khác trong các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. /

HẾT.

 

TS. Phạm Quốc Trụ, Học viện Ngoại giao

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)



[1] JETRO, Liên kết kinh tế Đống Á và Quan hệ Mỹ -Nhật, Báo cáo đặc biệt năm 2007, trang 3.

[2] ABAC, Báo cáo nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của  FTAAP, năm 2008, trang  26.

[3] Bộ Ngoại giao, Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương, Triển vọng xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái bình dương và kiến nghị chủ trương đối với Việt Nam, Báo cáo đề tài nghiên cứu nghiệm thu tháng 12/2009, trang 65.

[4] JETRO 2007- Special report- East Asia Economic Integration and US-Japan Relations. Page 10

[5] Tuyên bố của Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Singapore  tháng 11 năm 2009.

[6] www.home.vnn.vn, Vì lợi ích của chính Mỹ và cả khu vực, Nguyễn Hoà, ngày 14/11/2009.

[7] Tiến sỹ Shen Bin, Trung tâm nghiên cứu APEC, Trường Đại học Nankai cho rằng “Một số quan chức Trung Quốc lo ngại việc khởi động FTAAP sẽ có thể làm các nền kinh tế phát triển APEC bớt chú tâm trong việc thực hiện mục tiêu Bô-go hoặc trì hoãn thời hạn thực hiện”. Nguồn: Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương Bộ Ngoại giao, Triển vọng xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái bình dương và kiến nghị chủ trương đối sách của Việt Nam, đề tài nghiên cứu cấp cơ sở nghiệm thu tháng 12/2009, trang 44.

[8] Phát biểu của Tổng thống Nga tại buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Tổng hợp vùng Viễn Đông Nga, tháng 12 năm 2008.