Chính sách tỷ giá của Trung Quốc tiếp tục khiến các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Suy đoán về khả năng đồng Nhân Dân tệ (NDT) tiếp tục giảm giá đang tạo ra quan ngại về sức ép giảm phát đối với các thị trường mới nổi, đồng thời là đòn đánh mạnh vào các nền kinh tế phát triển hiện đang áp dụng mức lãi suất gần bằng không. Bế tắc tài khóa tại Châu Âu và Mỹ càng khiến tình hình trở nên bất an hơn.

Tuy nhiên, những quan ngại về tỷ giá chỉ là một biểu hiện của thực tế rằng sự chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc, từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tiêu dùng, đang diễn ra khó khăn hơn nhiều so với kỳ vọng.

Vẫn có những người tin tưởng vào viễn cảnh Chủ nghĩa tư bản mang đặc sắc Trung Quốc. Họ chắc chắn rằng, sau hơn ba thập kỷ tăng trưởng dưới sự dẫn dắt của nhà nước, lãnh đạo Trung Quốc biết cách để xoay chuyển nền kinh tế đang sa sút của nước này.

Quan điểm lạc quan trên tỏ ra không phù hợp, giống như việc những nhà kinh tế trọng cung tư vấn áp dụng liệu pháp sốc đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước đang sa sút của Trung Quốc, đồng thời ngay lập tức mở cửa thị trường vốn nội địa trong bối cảnh hệ thống tài chính toàn cầu đang biến động. Đây sẽ là chính sách nguy hiểm do nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc không đủ sức tạo ra động lực chuyển đổi, thay vào đó sẽ phải đối mặt với áp lực giảm phát với hệ lụy xấu.

Sức ép giảm giá đồng NDT phản ánh quan ngại rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không có giải pháp hiệu quả cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan hiện tại. Việc thả nổi đồng NDT là lựa chọn nguy hiểm. Khi kinh tế Trung Quốc đang trải qua sự chuyển đổi căn bản, việc tính toán mức tỷ giá cân bằng trong dài hạn nhằm đẩy lùi nạn đầu cơ gần như là bất khả thi, nhất là khi có nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng thông tin và tiến trình hoạc định chính sách thiếu minh bạch tại nước này.

Tuy nhiên, nếu chính sách neo tỷ giá NDT với rổ tiền tệ hiện tại không giúp đẩy lùi áp lực giảm giá đồng NDT, hệ lụy giảm phát đối với kinh tế thế giới sẽ rất khó lường. Tình trạng này sau đó sẽ lại tác động tiêu cực tới khu vực xuất khẩu của Trung Quốc, làm vô hiệu hóa hiệu ứng giảm giá đồng nội tệ.

Điểm mấu chốt để ổn định tỷ giá là kiến tạo chính sách phát triển đáng tin cậy, khiến các nhà đầu tư yên tâm về kinh tế Trung Quốc, qua đó giảm sức ép đối với đồng NDT và dự trữ ngoại hối của nước này. Để làm như vậy, cần cắt giảm các công cụ điều tiết rối ren từ phía nhà nước, đồng thời tăng tổng cầu bằng cách điều tiết chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ các ngành kinh tế mới, có khả năng thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, như thường thấy trong trường hợp Trung Quốc, một chiến lược như vậy sẽ gặp phải nhiều mâu thuẫn. Ví dụ, việc giảm quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, song lại ảnh hưởng tiêu cực đến tổng cầu vốn đã ở mức thấp. Tương tự, cắt giảm hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp yếu kém sẽ giải phóng và cho phép các nguồn lực được đưa đến các ngành dịch vụ, song lại làm trầm trọng thêm tình trạng giảm tổng cầu.

Cắt giảm đột ngột quy mô khu vực công và kỳ vọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng bằng các biện pháp khắc khổ không phải là chính sách phù hợp. Các nhà kinh tế, tiêu biểu như Michael Bernstein với nghiên cứu về thời kỳ Đại suy thoái tại Mỹ, đã chỉ ra rằng một nền kinh tế chuyển đổi cần có tổng cầu mạnh mẽ để nguồn lực được lưu chuyển tới các ngành kinh tế mới. Nếu cả khu vực kinh tế cũ và mới đều suy thoái sẽ làm giảm khả năng tích tụ vốn, gây thiếu hụt đầu tư vào nhân lực và làm trì trệ tiến độ cải cách cơ cấu. Tổng cầu mạnh luôn là yếu tố cần thiết để chuyển đổi thành công.

Một thách thức không kém hóc búa trong tiến trình chuyển đổi của Trung Quốc, dù ít người dám nói ra, đó là việc duy trì nền kinh tế thị trường lai trộn theo kiểu Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, sự ưu ái đối với các doanh nghiệp nhà nước đang cản trở tiến trình chuyển đổi.

Đầu năm 2012, khi lãnh đạo Trung Quốc chủ trương thúc đẩy sở hữu tư nhân, cổ phiếu của các doanh nghiệp dân doanh đã lên giá mạnh so với cổ phiếu doanh nghiệp công tại khắp các thị trường chứng khoán. Tuy nhiên từ mùa xuân 2014, xu hướng này đã đảo ngược khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, việc chính phủ đẩy mạnh trợ giúp doanh nghiệp nhà nước đã làm chệch hướng lượng vốn vào khu vực doanh nghiệp dân doanh.

Mô hình thị trường tại Trung Quốc không khuyến khích luân chuyển vốn cho các mục tiêu phát triển, trong khi lại tạo ra và duy trì các lợi ích cố hữu chống đối cải cách. Điều này có tác hại rất lớn do sự chuyển đổi kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn vốn từ thị trường trái phiếu lành mạnh; thị trường này chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi những bất ổn liên quan đến các công cụ bảo trợ ngầm của chính phủ được giải quyết.

Trung Quốc có đủ khả năng ổn định tỷ giá thông qua các biện pháp cải cách đáng tin cậy. Việc giảm giá tiền tệ quy mô lớn nhằm quay lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu không còn phù hợp trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây đều đang trì trệ.

Rob Johnson, Chủ tịch Viện Tư duy Kinh tế Mới, nhà nghiên cứu cấp cao và là giám đốc Dự án Kinh tế Toàn cầu của Viện Eleanor Roosevelt. Bài viết được đăng trên Project Syndicate.

Văn Cường (gt)