21/10/2016
Bà Theresa May đã bắn phát súng đầu tiên khởi động điều dường như sẽ là một "Brexit cứng", đưa nước Anh ra khỏi thị trường chung EU. Brexit “cứng” là không chấp nhận bất cứ sự kiểm soát, ràng buộc nào từ EU.
Dựa trên kết quả bỏ phiếu hôm 23/6 với 52% ủng hộ và 48% không ủng hộ việc rời khỏi EU, Theresa May đã phải nói đôi điều về vấn đề Brexit tại hội nghị đảng Bảo thủ đầu tiên của mình trên cương vị Thủ tướng. Điều khác thường là bà May đã không khai mạc hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ vào ngày 2/10 mà chọn ngày 5/10 cuối tuần, bà muốn gây chú ý và đã nâng tầm bài phát biểu của mình thành một chủ đề rộng hơn là “một đất nước dành cơ hội cho tất cả mọi người”. Và bà đã không may mắn như mình nghĩ. Trên thực tế, bà đã nêu ra một thực tế là vấn đề Brexit sẽ quyết định sinh mệnh chính trị chính phủ của bà.
Vấn đề chính Brexit đặt ra cho bà khá rõ. Một mặt, bà May muốn giữ các lợi ích kinh tế như không vấp phải rào cản nào khi tiến hành kinh doanh, thương mại với thị trường chung lớn nhất thế giới, EU. Mặt khác, 27 nước thành viên EU lại không sẵn lòng đồng ý với điều này trừ phi bà May cũng phải chấp nhận tuân theo các quy định của EU, trong đó có điều khoản tự do đi lại, tìm việc làm của các công dân EU và vô vàn những quy định khác của EU. Vấn đề nan giải cho Anh ở đây là chọn đường hướng nào giữa Brexit “cứng” hay Brexit “mềm”. Brexit “mềm” có nghĩa là Anh sẽ ưu tiên đàm phán để tiếp tục được hưởng những quyền lợi tự do kinh doanh thương mại trong nội khối EU như hiện nay bằng việc chấp nhận một số hạn chế quyền kiểm soát của Anh đối với vấn đề biên giới và một số điều luật, cũng như có đóng góp vào ngân sách của EU. Brexit “cứng” là không chấp nhận bất cứ sự kiểm soát, ràng buộc nào từ EU cho dù điều này có nghĩa là Anh chấp nhận sẽ ra khỏi EU.
Bà May, trước đây vẫn giữ kín các kế hoạch của mình, giờ đã gửi đến những người hoài nghi châu Âu những thông điệp vô cùng thú vị: đó là ngụ ý hướng tới một Brexit “cứng rắn hơn”. Một thông tin nữa cũng đáng chú ý tuy không quan trọng như thông điệp Brexit “cứng”, đó là kế hoạch công bố “Dự luật Hủy bỏ lớn” trong bài diễn văn năm tới của Nữ Hoàng Anh. Đối lập với tên gọi cao ngạo, đây thực sự là một biện pháp không có tính pháp lý vì luật pháp Anh hiện này hoàn toàn nằm trong khuôn khổ pháp luật của EU. Dự luật trên sẽ dọn đường cho việc xóa bỏ đạo luật Cộng đồng châu Âu 1972, đạo luật có hiệu lực với luật pháp EU, ngay sau khi Anh rời khỏi EU. Việc này tạo ra cảm giác vấn đề được đánh giá quan trọng hơn một chút so với việc chỉ tuyên bố về một điều coi như là hiển nhiên.
Quan trọng hơn đó là lời hứa của bà May về việc kích hoạt điều khoản 50 của hiệp ước EU, con đường pháp lý để dẫn đến Brexit, muộn nhất là vào cuối tháng 3/2017. Một số cố vấn muốn hoãn việc kích hoạt cho đến khi Pháp tiến hành xong bầu cử Tổng thống vào mùa Xuân năm tới hoặc thậm chí để đợi đến tận sau bầu cử Đức vào tháng 9/2017 vì Anh sẽ mất sức mạnh mặc cả ngay sau khi kích hoạt đàm phán với các đối tác. Ngoài ra bà May cho rằng những người muốn trì hoãn kích hoạt điều khoản 50 là những người trên thực tế gần gũi với nhóm muốn đảo ngược lại sự lựa chọn dân chủ của nước Anh hôm 23/6. Vì điều khoản 50 đưa ra một thời hạn là 2 năm để thực thi, sau đó nếu đàm phán chưa xong thì phải nhận được sự đồng ý của các nước thành viên EU mới được phép gia hạn thời gian đàm phán (điều này thì không thể xảy ra), quyết định của bà May có nghĩa là Anh sẽ rời khỏi EU vào cuối tháng 3/2019.
Bà May đã đưa ra 2 lời hứa cần thiết này để doanh nghiệp có được sự ổn định cần thiết trong thời gian từ nay đến thời điểm Anh chính thức rời EU và cả sau đó nữa. Ngoài ra, bà May né trả lời một câu hỏi quan trọng là tương lai nào cho mối quan hệ giữa Anh và EU, khu vực tiêu thụ 44% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Anh. Những nhận xét của bà May đưa ra tại hội nghị đảng Bảo thủ thường niên năm nay tại Birmingham đã khiến các doanh nghiệp lo lắng. Bà May nói về một nước Anh “hoàn toàn độc lập, có chủ quyền” và được tự do đưa ra các quyết định cho riêng mình, từ việc công khai ghi rõ nguồn gốc thực phẩm cho đến cách thức kiểm soát nhập cư, và nói thêm rằng nước Anh sẽ không rời khỏi EU chỉ rồi để quay lại với luật của Tòa án châu Âu.
Vấn đề ở chỗ là những tuyên bố này dường như không tương đồng với Liên minh hải quan và thị trường chung EU, hướng tới một Brexit “cứng” mà ở đó Anh sẽ từ bỏ cả Liên minh hải quan và thị trường chung EU. Thị trường chung có một giá trị vô cùng to lớn vì nó loại bỏ không chỉ các rào cản về thuế mà cả những rào cản không phải là thuế. Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng Brexit “cứng” sẽ làm cho Anh tốn kém hơn so với lựa chọn một Brexit “mềm”, điều đặt nước Anh vào vị thế của một nước gần giống như Na Uy, đó là không nằm trong EU nhưng lại thuộc Khu vực kinh tế châu Âu (EEA). Các thành viên EEA chấp nhận điều kiện tự do đi lại tìm việc làm và tuân thủ những quy định của thị trường chung EU nhưng không có quyền tham gia phát biểu đóng góp ý kiến đối với các quy định của thị trường chung - điều này hàm ý chấp nhận phán quyết của Tòa án châu Âu. Thụy Sĩ không phải là thành viên của EEA hay EU, cũng chấp nhận tuân theo quy định tự do đi lại tìm việc làm trong EU cũng như hầu hết các quy định của EU. Cả hai nước này đều đóng góp tiền vào ngân sách chung của EU, điều này dường như là không được hoan nghênh lắm đối với những người Anh ủng hộ Brexit, mặc dù bà May bỏ ngỏ, không phản đối khả năng Anh có đóng góp phần nào đó cho ngân sách EU thời hậu Brexit.
Bác bỏ những mô hình đang tồn tại hiện nay, bà May đã nói về khả năng tìm kiếm một thỏa thuận có điều kiện của Anh đối với EU. Bà May muốn giữ tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ và hứa đem lại cho các công ty của Anh tự do tối đa khi trao đổi và hoạt động trong thị trường chung. Những mục tiêu này cho thấy là không phù hợp với mục đích của những người ủng hộ Brexit là “lấy lại quyền kiểm soát” của nước Anh đối với vấn đề biên giới, luật pháp và tiền mà nước Anh đã trả cho EU, đó là lý do xuất hiện ý tưởng Brexit “cứng”.
Có những lý do khác. Đó là tâm trạng hăm hở của những người ủng hộ Brexit tại đại hội đảng Bảo thủ, những người này như quá phấn khích trước bài phát biểu của bà May. Bà May khăng khăng cho rằng Anh không có gì phải sợ hãi khi thực hiện trao đổi thương mại với EU dựa trên các nguyên tắc thông thường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng giống như Anh đang làm với Mỹ, Trung Quốc và các nước khác. Những người ủng hộ việc Anh ở lại EU dường như lặng lẽ âm thầm giấu kín những kế hoạch của riêng mình tại đại hội đảng Bảo thủ (thậm chí ngay cả Thủ tướng May cũng ở trong số này). Và mặc dù bà May ca ngợi người tiền nhiệm của mình, David Cameron, nhưng tên của cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne, người đã kêu gọi người Anh bỏ phiếu cho Brexit, nhưng là Brexit “mềm”, hầu như không được nhắc đến.
Một lý do nữa trái ngược với dự đoán của ông Osborne là kinh tế Anh đã hoạt động khá ổn định kể từ khi tổ chức trưng cầu dân ý đến nay. Chỉ số hoạt động sản xuất trong tháng 9 tăng ở mức cao nhất trong 2 năm qua, thị trường chứng khoán gần như lúc nào cũng kết thúc phiên giao dịch ở mức cao. Những người ủng hộ Brexit reo mừng, nhao nhao cho rằng những người tiên đoán bi quan đã sai khi đưa ra dự báo về rủi ro trong ngắn hạn khi bỏ phiếu rời EU. Giờ đây họ nói rằng các nhà kinh tế đã sai khi cảnh báo về suy giảm năng lực sản xuất nếu chọn Brexit “cứng”. Nhiều người vui mừng trước sự mất giá của đồng bảng kể từ hồi tháng 6, coi đó là cú huých giúp các nhà xuất khẩu - điều này có lợi hơn nhiều khi so với thiệt hại từ bất cứ loại thuế nào nếu như các hoạt động buôn bán của nước Anh phải chuyển sang tuân theo các quy định của WTO.
Ly dị hiếm khi là hạnh phúc
Một vài cảnh báo đáng chú ý: đồng bảng giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua so với đồng USD sau bài phát biểu của bà May thể hiện quan điểm Brexit “cứng”, nhắc nhở rằng các nhà đầu tư Anh vẫn đang thâm hụt tài khóa nặng nề. Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond đã nói về “trò chơi cảm giác mạnh trên cao”, cho rằng mọi người không bỏ phiếu cho Brexit để họ trở thành người nghèo hơn. Mặc dù sức tiêu thụ giữ vững ở mức cao kể từ hồi tháng 6, nhưng dự báo tăng trưởng cho năm tới bị cắt giảm, và nhiều kế hoạch đầu tư đang tạm thời bị dừng lại.
Một ví dụ đáng chú ý là Carlos Ghosn, ông chủ của hãng xe hơi Renault-Nissan, cho biết ông không thể cam kết mở rộng nhà máy của Nissan tại Sunderland, nhà máy lớn nhất hiện nay tại Anh trừ phi chính phủ đảm bảo sẽ bồi hoàn nếu như công ty Nissan phải chịu thuế 10% hàng xuất khẩu sang EU. Những cuộc vận động hành lang từ ngành công nghiệp thực phẩm cho đến khu tài chính London đang gia tăng sức ép, cảnh báo về những nguy hiểm của một Brexit “cứng” và việc rời bỏ thị trường chung EU có thể khiến Anh mất đến 35000 việc làm trong lĩnh vực tài chính, theo Oliver Wyman, hãng tư vấn quản lý toàn cầu hàng đầu thế giới.
Một lý do khác nữa lý giải tại sao một Brexit “cứng” lại có nhiều khả năng xảy ra là thái độ cứng rắn của lãnh đạo các nước EU, mỗi người trong số họ là một lá phiếu có quyền phủ quyết bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Anh. Nhiều người nghĩ ông Cameron đã không khôn ngoan khi đi hứa hẹn về việc tổ chức tiến hành trưng cầu dân ý. Nhưng một số khác lại hiểu chính trị đã buộc ông Cameron phải đi đến quyết định như vậy (nhiều người có thái độ hoài nghi đối với EU nên đã suy tính đến điều này và một số đã trải qua kinh nghiệm đối với việc thất bại của các cuộc trưng cầu dân ý). Mặc dù ngay sau ngày 23/6, một số đã hy vọng các cử tri Anh có thể do kinh tế sụt giảm sẽ suy nghĩ lại, nhưng hầu hết tất cả bây giờ chấp nhận tuyên bố rõ ràng của bà May là “Brexit có nghĩa là Brexit”.
Chưa hết, nhiều người trong châu lục trở nên tức giận bởi thái độ ngây thơ của một số bộ trưởng ủng hộ Brexit trong nội các của bà May hiện nay, đặc biệt khi giả định của họ giống với điều Ngoại trưởng Boris Johnson thích nói là người Anh có cái bánh của mình và sẽ ăn nó. Ông Johnson có thể đúng khi tranh luận rằng tự do dịch chuyển lao động không nhất thiết mang tính kinh tế đối với thị trường chung EU, và người Anh từ lâu đã than phiền thị trường chung EU trong lĩnh vực dịch vụ là chưa hoàn thiện. Nhưng các nước EU khác vẫn coi “4 tự do” về hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn là nền tảng cho toàn bộ dự án châu Âu. Đó là lý do tại sao họ khăng khăng yêu cầu các nước trong khối EEA chấp nhận cả 4 yếu tố trên. Có sự khác biệt to lớn giữa mời chào hào phóng đối với những nước mà một ngày nào đó có thể sẽ gia nhập câu lạc bộ và ít hào phóng hơn đối với nước đã bỏ phiếu rời bỏ liên minh.
Suy nghĩ như vậy đã dẫn đến việc các đối tác châu Âu của Anh có hai kết luận chắc chắn sau: Thứ nhất, đó là họ không thể cho phép nương nhẹ tay, điều này có nghĩa là họ để cho Anh có thẻ thành viên của thị trường chung trong khi Anh vẫn phản đối việc tự do đi lại tìm việc cũng như đóng góp ngân sách cho EU. Thứ hai, đó là một nước lựa chọn ra đi không thể để cho nước đó kết thúc ở vị trí tốt hơn khi họ còn là thành viên. Bằng chứng là sự phản ứng mạnh mẽ của các nước EU về một đề xuất cho “đối tác lục địa” của các nhà phân tích của Pháp, Đức, Anh, Bỉ vì cho rằng mô hình phân chia các đối tác khác nhau sẽ giúp Anh ở vị thế đặc biệt trong thị trường chung, và tạo một số ảnh hưởng đối với các quy định của EU.
Mối lo ngại ở chỗ nếu như EU nhượng bộ những nguyên tắc của mình, một số nước khác có thể sẽ theo gương Anh. Trên thực tế, một số người ủng hộ Brexit từng hả hê cho rằng Brexit có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ của EU, điều này là không thể. Các nước khác có quá nhiều ràng buộc, đặt cọc chính trị vào dự án này và quá nhiều thiệt hại trên phương diện kinh tế nếu như mạo hiểm ra khỏi EU. Những đảng dân túy ở Pháp, Italy, Thụy Điển và Đông Âu đang dõi theo Brexit một cách chặt chẽ, và một vài nơi đã lên tiếng kêu gọi trưng cầu dân ý giống như ở Anh. Đáng chú ý nhất là Hà Lan, nước sẽ tiến hành bầu cử vào tháng 3 tới và dân chúng dường như rất thất vọng về EU.
Một số người ủng hộ ra khỏi EU cho rằng các nước khác đang âm thầm chia sẻ sự không hài lòng với thể chế EU do những chính sách quan liêu và không hạn định đối với vấn đề nhập cư EU. Những người này đã trích dẫn lời nói của Nicolas Sarkozy, người đang chạy đua vào vị trí tổng thống Pháp sắp tới, nói về một hiệp ước mới để trả lại những quyền hạn và hạn chế tự do dịch chuyển tìm việc làm trong EU. Tuy nhiên, mong muốn về hiệp ước mới này chỉ là mới nhen nhóm. Nhiều nước có thái độ phản kháng mạnh mẽ đối với bất cứ sự nhượng bộ nào đối với Anh, coi đó là một sự nhượng bộ đối với kẻ tống tiền. Và mối quan tâm của các nước khác trong vấn đề di cư không phải là về người EU di cư, mà là về những người nhập cư đến từ Trung Đông và châu Phi.
Các nước khác cũng đưa ra lời phản bác đối với tuyên bố của những người ủng hộ Brexit cho rằng vì EU đã bán nhiều thứ cho Anh hơn là Anh bán cho EU, nên Anh sẽ ở vị trí lợi thế hơn khi đàm phán. Xuất khẩu của EU sang Anh chiếm 3% trong GDP của EU, trong khi đó xuất khẩu của Anh sang EU chiếm khoảng 12% GDP của Anh. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các nước khác đều quan tâm đến việc lấy lại dịch vụ tài chính bằng đồng euro, và không ai có thể hiểu được tại sao một nước ngoài thị trường chung lại có “những đặc quyền” là cho phép các công ty tài chính buôn bán giao dịch một cách tự do ngoài London. Những giả thiết của nước Anh đưa ra là “một hệ thống tương đương” sẽ chỉ thu về được những tiếng cười trống rỗng: khoảnh khắc mà quy định của Anh không còn trong EU nữa, thì sự “tương đồng” sẽ mất đi. Những nhà sản xuất xe hơi của Đức muốn miễn thuế khi vào thị trường Anh sẽ tranh luận là thỏa thuận này sẽ tương tự đối với các hãng của Anh, điều này bị các nhà sản xuất xe hơi tại Tây Ban Nha và Pháp cực lực phản đối vì nếu như vậy họ sẽ gặp phải đối thủ là các nhà sản xuất Anh.
Mặc cả quyền lực không cân sức
Một vấn đề lớn đối với bà May là cuộc mặc cả quyền lực không cân sức giữa Anh và EU. Bà May và các đồng sự của mình hy vọng tiến hành đàm phán trước khi điều khoản 50 chính thức kích hoạt. Liam Fox, Bộ trưởng Ngoại thương đã xem xét những thỏa thuận thương mại tự do với các nước thuộc bên thứ 3. Hy vọng đầu tiên của Anh đã được chứng minh là không thể thực hiện, một phần do các nước khác biết rằng điều khoản 50 phù hợp với họ hơn là Anh. Đối với những thỏa thuận thương mại tự do, Brussels cho rằng Anh không thể bắt đầu một cách hợp pháp trên bất cứ lĩnh vực nào cho đến khi Anh ra khỏi EU.
Tính phức tạp và quy mô của các thỏa thuận mới mà bà May phải cố gắng đạt được để Brexit thành công là một nhiệm vụ nặng nề. Charles Grant thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, một trung tâm nghiên cứu chiến lược tại London, cho rằng Thủ tướng cần phải lên kế hoạch lập ra 6 nhóm để thu xếp cho các thỏa thuận của hiệp ước. Điều đầu tiên là đàm phán điều khoản 50, có nghĩa là phải hoàn thành trong 2 năm, sẽ đề cập đến các vấn đề như lương hưu cho những người Anh làm việc cho các thể chế của EU, cũng như các nghị sĩ tham gia quốc hội châu Âu, việc phân chia các tài sản của EU và cần phải làm gì với Cơ quan Y học châu Âu ở London. Các thỏa thuận này cần nhận được sự nhất trí từ đại đa số các nước thành viên EU, trừ Anh và đại đa số trong Nghị viện châu Âu
Thứ hai là một thỏa thuận buôn bán mới với EU. Nếu như không dựa trên nguyên tắc là thành viên của thị trường chung, đây phải là một thỏa thuận đặc biệt, tương tự như thỏa thuận tự do thương mại của Canada. Những người ủng hộ Brexit cho rằng một thỏa thuận tương tự như vậy với Anh sẽ dễ dàng hơn vì 2 bên đều xuất phát từ chung một thị trường. Tuy nhiên, thỏa thuận với Canada không bao gồm tất cả các loại hàng hóa và không có các loại hình dịch vụ tài chính. Một thỏa thuận thương mại tự do đòi hỏi phải nhận được sự nhất trí của tất cả các thành viên EU và được quốc hội các nước thành viên EU thông qua, điều này có thể đặc biệt khó thông qua tại các nước như Rumani hay Ba Lan, những nước phải chấp nhận hạn chế số lượng người dân nước họ tự do di chuyển đến sinh sống tại Anh.
Thứ ba là những thay thế đối với những hiệp định thương mại tự do hiện hành của EU với khoảng 53 nước. Điều này không thể làm thẳng thừng được: Hàn Quốc cho biết thỏa thuận của họ với EU dựa trên việc Anh coi như là một phần của thị trường chung, bởi vậy họ sẽ không muốn bất cứ miễn trừ nào lại chỉ dành riêng cho Anh. Ông Fox cũng muốn tiến hành đàm phán thỏa thuận với các nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia là những nước chưa có thỏa thuận với EU. Nhưng những nước này sẽ muốn biết những thỏa thuận nào Anh có với EU trước. Và họ cũng sẽ không muốn làm hỏng những thỏa thuận theo như kế hoạch của họ với EU.
Theo kinh nghiệm, việc đàm phán cả thỏa thuận thương mại với EU cũng như những thỏa thuận thương mại tự do với các nước thứ 3 sẽ kéo dài hơn 2 năm. Trong một số trường hợp, những đàm phán tiếp xúc không thể bắt đầu cho đến khi Anh ra khỏi EU. Bởi vậy điều thứ tư và có lẽ là yêu cầu cấp bách nhất đối với bà May sẽ là biện pháp hạn định thời gian, tạm thời để lấp khoảng trống giữa việc ra đi của nước Anh theo điều khoản 50 và đưa các thỏa thuận thương mại mới có hiệu lực. Việc kéo dài mối quan hệ như hiện nay có thể là một lựa chọn; làm thành viên tạm thời của khối EEA là một lựa chọn khác. Nếu không có một thỏa thuận kiểu như vậy, Anh sẽ ngay lập tức chuyển sang buôn bán với các nước theo những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, và phải chịu thuế. Nhưng đàm phán về những thỏa thuận tạm thời có thể cũng khó khăn như đàm phán cho những thỏa thuận dài lâu, một phần vì một số lo ngại rằng thỏa thuận tạm thời có thể gần như trở thành vĩnh viễn.
Trong bất cứ tình huống nào, yêu cầu thứ năm đối với Anh là nối lại làm thành viên đầy đủ tư cách trong WTO, điều mà hiện nay Anh chỉ có thông qua EU. Điều này đơn giản hơn nhiều người nghĩ. Trong nhiều lĩnh vực, nó có thể đạt được đơn giản bằng cách thừa hưởng những dự kiến thuế khóa của EU, ít nhất ban đầu là như vậy. Nhưng Anh sẽ phải phân chia rõ rệt các hạn ngạch nhập khẩu và các ưu đãi thương mại khác mà họ có với các đối tác EU của mình, điều này có thể sẽ không diễn ra theo kiểu thẳng thừng. WTO luôn đưa ra tiến trình một cách chậm chạp và phải đạt được sự nhất trí của 163 thành viên của tổ chức này, bất cứ nước nào trong số này cũng có thể gây trở ngại cho Anh.
Cuối cùng, Anh phải tìm ra cách để nối lại những cam kết hợp tác với các đối tác EU trên các lĩnh vực như tình báo, cảnh sát, chống khủng bố và chính sách đối ngoại. Những vấn đề này có thể là không có xung đột, thậm chí những người ủng hộ Brexit thấy tốt cho họ. Trong công việc trước đây của mình là Bộ trưởng Nội vụ, bà May đã đặt vấn đề hợp tác an ninh là vấn đề then chốt để Anh ở lại trong EU. Một vài biện pháp khác như lệnh truy nã châu Âu vẫn thu hút sự phản đối trong đảng của bà. Mặc dù cố gắng để làm việc cùng nhau, nhưng thể chế quan trọng về việc chia sẻ và phân tích thông tin nhiều khả năng sẽ mất đi thời hậu Brexit.
Danh sách đáng lo ngại về những yêu cầu dẫn đến 2 kết luận: Thứ nhất đó là đàm phán Brexit và những hệ lụy của nó có thể sẽ kéo dài vài năm. Đó là lý do tại sao một số nhà phân tích đã nhấn mạnh vào sự cần thiết phải có một giải pháp tạm thời để tránh việc Anh trượt dài vào những rủi ro trong thời điểm cuối của tiến trình đàm phán 2 năm theo điều 50. Bà May và đội ngũ của mình sẽ phải tập trung vào vấn đề này ngay sau khi kích hoạt điều 50. Họ có thể cần tiếp tục đóng góp cho ngân sách EU để có thể giành được những điều khoản thỏa thuận tốt hơn.
Thứ hai là không bên nào sẵn sàng cho thách thức của những cuộc đàm phán phức tạp như vậy. Bộ chuyên trách việc Anh rời khỏi EU của David Davis rất mới cho dù đang phát triển rất nhanh. Ông Fox thiếu kinh nghiệm về đàm phán thương mại. Ngoại trưởng Johnson cũng vậy. Dịch vụ công đang mở rộng trở lại và chi phí cho việc mở rộng này sẽ là tiền thuế của người dân. Sẽ có cuộc tranh đấu giành quyền lực giữa 3 người ủng hộ Brexit trong nội các của bà May, và một cuộc tranh đấu giữa những người này với Bộ trưởng Tài chính. Một nhà ngoại giao từng ám chỉ 30 năm chính sách EU của Anh được điều hành bởi những quan chức ngoại giao và sau 15 năm bởi những quan chức Bộ Tài chính quan liêu. Bây giờ, nó được điều hành bởi một người từ Bộ Nội vụ, vốn biết rất nhiều về vấn đề nhập cư và an ninh, nhưng chẳng biết gì về tài chính.
Sẽ có những khác biệt trong cách nhìn nhận để xử lý vấn đề Brexit tại Brussels, tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã chọn cựu Ngoại trưởng Pháp, Ủy viên Ủy ban châu Âu Michel Barnier, làm người chịu trách nhiệm về vấn đề đàm phán của EU với Anh. Hội đồng châu Âu chọn nhà ngoại giao trước đây của Bỉ Didier Seeuws và Quốc hội châu Âu đã chọn cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt người quan tâm đến vấn đề liên đoàn EU. Ba người này có thể sẽ có những quan điểm khác nhau về cách nào là tốt nhất cho việc xử lý vấn đề Brexit. Brexit sẽ là cả một quá trình, chứ không phải là một sự kiện đơn lẻ. Đó là lý do vì sao nó sẽ ám ảnh chính phủ của bà May. Cuộc chiến nội các về những nhượng bộ cần thiết để có thể dỡ bỏ được rào cản vào thị trường chung EU có thể sẽ khiến Bộ trưởng Tài chính xung đột với 3 bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit nói trên. Bà May khi đó sẽ phát hiện ra những khả năng mà những người tiền nhiệm của mình có. Vấn đề châu Âu vẫn đang chia rẽ đảng và chính phủ của bà và rủi ro tương tự có thể xảy ra đối với Brexit./.
Theo “The Economist” (ngày 8/10)
Vũ Hiền (gt)
Với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU), cũng như phần còn lại của thế giới, đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, trong đó sự tổn thất về người, sự thiệt hại về kinh tế và chính trị hết sức nặng nề.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển biến thành tình trạng xung đột lâu dài, thì dường như một đặc điểm đang định hình cuộc chiến địa chính trị ngày càng khắc nghiệt hơn này mang hơi hướng của một cuộc chiến công nghệ.
Cho dù đã tăng cường chính sách quyết đoán tại Đông Nam Á, lập trường của châu Âu vẫn bộc lộ chính những vấn đề mà các chuyên gia và giới chức ở châu Âu đã nêu bật: Ngoại trừ thương mại, EU gần như không có biện pháp nào khác để gây ảnh hưởng đến cách ứng xử của các quốc gia trong khu vực.
Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai nước trong chính sách của họ đối với Trung Quốc? Mức độ hội tụ đến đâu và liệu sự hội tụ này có thể được coi là một cách tiếp cận chung thống nhất của châu Âu đối với Trung Quốc hay không?
Nước Anh cho rằng họ là đối tác bình quyền với EU trong đàm phán Brexit. Nhưng bài học từ những cuộc đàm phán gia nhập Cộng đồng châu Âu (EC) năm 1973 của Anh đã cho thấy rõ ai là người cao tay hơn trong cuộc chơi này.
Ban đầu đa số đều cho là Madrid đã phản ứng quá tệ với cuộc trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, khi nhìn lại, có vẻ thủ tướng Rajoy, một chính trị gia kỳ cựu từng là một thế lực hàng đầu trong nền chính trị Tây Ban Nha gần 2 thập kỷ qua, đã xử lý cuộc khủng hoảng đầy khéo léo.