Hiện nay Ấn Độ bắt đầu thực hiện những biện pháp nhằm lôi kéo các nước láng giềng của Trung Quốc nhằm làm tan rã chiến lược chuỗi hạt của Trung Quốc. Việc Ấn Độ đang giúp Việt Nam tăng cường sức chiến đấu của hải quân và không quân, ngăn chặn sự lớn mạnh của thế lực Trung Quốc ở Biển Đông (Trung Quốc gọi Nam Hải hoặc biển Nam Trung Hoa) là một ví dụ. 


Tháng 7 vừa qua, Tổng Tư lệnh Lục quân Ấn Độ V. K. Singh thăm Việt Nam nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ chiến lược vốn đã mật thiết giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một Tổng Tư lệnh Lục quân Ấn Độ thăm Việt Nam trong 10 năm lại đây. Ngoài việc hội kiến với Phó Tổng Tham mưu trưởng Phạm Hồng Lợi, Tổng Tư lệnh Singh còn gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, thảo luận việc làm sao để triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt-Ấn ký năm 2009. Theo thông tin báo chí đưa, hai lĩnh vực mà Ấn Độ và Việt Nam hiện rất quan tâm là huấn luyện nhân viên quân sự và đối thoại chuyên gia về các vấn đề chiến lược. Sau chuyến thăm của Singh, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony sẽ đến Hà Nội tham dự Hội nghị ADMM+8.


Cho dù quan hệ chính trị và ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam có từ thời Jawaharlal Nehru, nhưng mãi tới cuối những năm 1990, hai nước mới quyết định thiết lập và tăng cường quan hệ quân sự. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc này nằm trong cả lịch sử và đương đại. Trước tiên, cả Ấn Độ và Việt Nam đều đã xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc, với Ấn Độ là chiến tranh biên giới năm 1962 với Trung Quốc và với Việt Nam là chiến tranh biên giới năm 1979. Kế đó là việc Ấn Độ và Việt Nam đều có một thời gian dài nhận sự bảo trợ về an ninh của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, Niu Đêli và Hà Nội đều bị mất một đồng minh thực lực lớn mạnh.


Vì cùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nên Ấn Độ và Việt Nam quyết định cùng ứng phó với Trung Quốc. Việt Nam nằm ở khu vực vành đai Đông Nam Á. Đây là vị trí địa lý lý tưởng để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ra Biển Đông . Do đó, hơn 10 năm lại đây, Ấn Độ luôn duy trì việc cung cấp viện trợ cho Việt Nam nhằm tăng cường sức mạnh trên biển và trên không của nước này để ngăn chặn Trung Quốc chiếm được ưu thế toàn diện ở Biển Đông.


Do phần lớn hệ thống vũ khí của Ấn Độ và Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ từ Liên Xô, nên lực lượng vũ trang hai nước có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn liên quan đến việc thao tác và duy tu các loại vũ khí này. Ví dụ: Ấn Độ đã giúp Việt Nam phục hồi và nâng cấp hơn 100 chiếc máy bay chiến đấu Mig-21. Ngoài ra, Ấn Độ còn cung cấp cho Việt Nam thiết bị điện tử hàng không, hệ thống ra đa loại cải tiến và nhiều linh kiện chủ chốt sử dụng cho tàu và chiến hạm tên lửa do Liên Xô trước đây chế tại. Các phi công không quân Ấn Độ cũng đang huấn luyện cho các phi công Việt Nam.


Điều đáng chú ý là Việt Nam không phải là nước láng giềng duy nhất của Trung Quốc được Ấn Độ lôi kéo. Đầu tháng 9 vừa qua, ông A.K Antony, một nhân vật được đánh giá là điềm tĩnh, làm việc hiệu quả cao trong giới ngoại giao quân sự Ấn Độ, trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Ấn Độ tới thăm Hàn Quốc (một quốc gia thân Mỹ, chống Trung Quốc). Đây là sự tiếp nối sau chuyến thăm chính thức Niu Đêli của Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng-pắc vào đầu năm nay. Khi đó, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược”. Tuy chưa thể so sánh được với quan hệ hợp tác Ấn-Việt, nhưng quan hệ đối tác Ấn-Hàn với bước phát triển mới đang trở thành một bộ phận hợp thành quan trọng trong kế hoạch đối phó với Trung Quốc của Ấn Độ. Xơun có thể nói là điểm cân bằng quan trọng nhằm kiềm chế trục Trung Quốc-Bắc Triều Tiên-Pakixtan mà Ấn Độ (và cả Mỹ) coi là sự kích động chủ yếu đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 


Bên cạnh Việt Nam và Hàn Quốc, Ấn Độ còn đang tích cực làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. Cuối tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, quan chức quân sự cao nhất của Ấn Độ, Thượng tướng P. V. Naik đã tới Nhật Bản tiến hành cuộc đối thoại quân sự đầu tiên giữa hai nước. Sau ông Naik, Thủ tướng Ấn Độ sẽ tới thăm Nhật Bản vào cuối tháng 10 này. Nhưng trước đó, vào năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony đã có mặt tại Nhật Bản để tham gia vào một cuộc hội thảo. Nhân dịp này, hai nước biểu thị sẽ thực thi cam kết, thúc đẩy hợp tác song phương và khu vực, nói một cách khác là xây dựng quan hệ đối tác khu vực, đối phó với ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc./.