Một ngày Chủ nhật của năm 1992 đầy hỗn loạn, ông Benon Benon, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã đi thẳng từ một cuộc gặp với Thủ tướng Pakixtan khi đó là Nawaz Sharif tới Đại sứ quán Ấn Độ tại Ixlamabát để tìm kiếm khả năng tỵ nạn chính trị cho Tổng thống Ápganixtan Najibullah. Thông tin này lập tức được chuyển về Niu Đêli và chỉ sau vài giờ đích thân Thủ tướng Narasimha Rao ra chỉ thị: “Ông Najibullah sẽ là khách cấp nhà nước của chúng ta”. Tuy nhiên, ông Najibullah đã không tới Ấn Độ và sau này đã bị lực lượng Mujahideen hành quyết vào năm 1996. Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Burhanuddin Rabbani được thành lập tại Cabun vào tháng 6 cùng năm theo các điều kiện của hiệp định Ixlamabát do Nawaz Sharif làm trung gian. Ông Nawaz Sharif đã cho máy bay đưa các nhà lãnh đạo Mujahideen tới Arập Xêút cầu nguyện trước khi họ được chuyển về Cabun cai trị đất nước. Ảnh hưởng của Pakixtan đối với Chính phủ Ápganixtan thực sự đáng kinh ngạc. Vài tuần sau, vào khoảng cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhận được sự thăm dò từ phía Ápganixtan với câu hỏi: liệu Niu Đêli có cho phép tiếp nhiên liệu cho chiếc máy bay chở ông Rabbani và đoàn tuỳ tùng tạm dừng tại một sân bay Ấn Độ trên đường tới Inđônêxia dự hội nghị Phong trào Không liên kết (NAM) hay không? Không những đồng ý, Ấn Độ còn nồng nhiệt chào đón ông Rabbani và phục vụ chu đáo phái đoàn các tư lệnh Mujahideen trên máy bay, trong đó có một số nhân vật thù địch Ấn Độ ra mặt. Như vậy, một chương mới đã bắt đầu trong quan hệ giữa Ấn Độ và Ápganixtan.

Nội dung chính sách mới về Ápganixtan theo tư duy mạo hiểm của Thủ tướng Rao gồm: thứ nhất, Ấn Độ cần phải can dự với tất cả các nhóm Mujahideen với tinh thần không lo ngại cũng như không thiên vị và việc tiếp xúc phải được xây dựng với bất kỳ ai, bất kỳ nhóm nào muốn gặp Ấn Độ bất chấp tính chiến đấu vì Hồi giáo của họ. Thứ hai, Ấn Độ sẽ quan hệ với bất kỳ ai nắm quyền lực tại Cabun và tập trung vào việc xây dựng một chính phủ thân thiện nhạy cảm với lợi ích quan trọng sống còn và những quan ngại cơ bản của Ấn Độ. Thứ ba, mối quan hệ này phải hoàn toàn trực tiếp với Chính quyền Cabun bất kể sự gần gũi của họ với Pakixtan và các cơ quan an ninh của nước này. Thứ tư, Ấn Độ sẽ không cung cấp vũ khí cho bất kỳ nhóm Ápganixtan nào và cũng không tẩy chay nhóm nào khác dù đó là nhóm Wahhabi thuộc Ittehad do Rasul Sayyf chỉ huy mà Jalaluddin Haqqani là một thành viên khi đó. Thứ năm, Ấn Độ sẽ tập trung vào xây dựng mối quan hệ nhân dân - nhân dân, xây dựng thiện chí của người dân Ápganixtan đối với Ấn Độ và đóng góp có ý nghĩa vào việc giúp Ápganixtan phát triển kinh tế trong khả năng và nguồn lực (còn ở mức hạn chế khi đó) của Ấn Độ.

Chính sách trên đã được Ấn Độ áp dụng cho tới khi Taliban giành quyền lực tại Cabun năm 1996. Trong chuyến thăm vừa qua, Thủ tướng Singh đã đạt được những gì để đưa chính sách Ápganixtan trở lại như buổi ban đầu? Ông đã làm điều đó với sự tự tin ngoại giao rất lớn và sự tinh tế, và điều đó đã không đến một cách dễ dàng. Có thể ông một lần nữa lại vượt xa những nhà phân tích ở trong nước. Người ta có thể nghe thấy một số chỉ trích hẹp hòi. Bởi vậy chúng ta cần xem xét xem Thủ tướng Singh đã đạt được những gì từ chuyến đi này.

Điều quan trọng nhất, Niu Đêli đã có sự thay đổi nhanh chóng trong vấn đề gây tranh cãi về hòa giải với Taliban. Thực chất, Ấn Độ cảm nhận rằng nếu hòa giải là nguyện vọng chung của người Ápganixtan, thì Ấn Độ sẽ ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, Niu Đêli muốn tiến trình hòa bình phải do “Ápganixtan nắm vai trò chủ đạo”. Thủ tướng Singh tuyên bố ủng hộ chương trình hòa giải của Tổng thống Hamid Karzai. Đây là một quan điểm rất thực tế, đưa Ấn Độ hòa đồng cùng trào lưu tư tưởng chủ đạo ở Ápganixtan. Hiện nay không còn nước nào trên thế giới đặt câu hỏi về sự khôn ngoan trong việc hòa giải với Taliban.

Ẩn ý đằng sau “sự thay đổi cách suy nghĩ” là việc biết Pakixtan có quan hệ chặt chẽ với Taliban. Điều này đưa Ấn Độ tới một khuôn mẫu rất quan trọng. Chính phủ đã nỗ lực trong khả năng của mình nhằm có thể gạt bỏ nghi ngờ của Pakixtan về ý định của Ấn Độ tại Ápganixtan - rằng hai nước không cần thiết phải đấu với nhau trong một cuộc đấu nhằm phân định thắng thua. Ấn Độ hy vọng Pakixtan có thể có cảm giác yên tâm khi nghiên cứu về các hoạt động của Ấn Độ. Quan điểm này cần phải được coi là rất độc đáo của các nhà hoạch định chính sách. Đây là bước đi táo bạo bởi không ai có ảo tưởng về chính sách của Pakixtan ở Ápganixtan là tiếp tục dựa vào những kẻ đánh thuê ngông cuồng và theo vết xe đổ của 25 năm trước đây và lâu hơn nữa.

Tất nhiên, Pakixtan sẽ nghi ngờ; và những lo ngại an ninh của Ấn Độ cũng rất lớn. Điều này sẽ tiếp diễn lâu dài cho tới khi Ấn Độ và Pakixtan có thể suy nghĩ một cách thực tế về hợp tác trong việc ổn định Ápganixtan. Tuy vậy, việc gỡ bỏ mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Pakixtan trong chính sách Ápganixtan sẽ có tác động tích cực tới bầu không khí đối thoại đang tiến hành giữa Niu Đêli và Ixlamabát. Thứ hai, điều đó sẽ giúp giảm nhẹ đôi chút gánh nặng trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài tại Ápganixtan.

Cả Thủ tướng Singh lẫn Tổng thống Karzai đều thể hiện việc giảm thiểu trong lời nói về Pakixtan. Niu Đêli biết rằng không có sự hỗ trợ của Pakixtan, Tổng thống Karzai không thể làm gì để thúc đẩy tiến trình hòa bình, song điều đó không ngăn cản Ấn Độ hợp tác với nhà lãnh đạo này. Về phần mình, Tổng thống Karzai đã nhấn mạnh thiện chí trong việc hiểu được các lợi ích hợp pháp và mối quan ngại của Ấn Độ. Hai bên đã thoả thuận rằng các nhà hoạch định chính sách chủ chốt cấp cố vấn an ninh quốc gia của hai nước sẽ phối hợp làm việc cùng nhau. Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Ápganixtan dường như hy vọng rằng sự kiện trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt có thể giúp tạo ra nhận thức mới trong các nước ở khu vực, đặc biệt là Pakixtan, về sự phát triển nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố. Thủ tướng Singh kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về những tranh cãi xung quanh vụ Bin Laden bị tiêu diệt tại khu vực quân sự Abbottabad, song ông cũng nêu rõ sự khác nhau giữa lập trường của Ấn Độ với các phương pháp của Mỹ trong việc chống khủng bố. Điều này cần phải được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất mà Thủ tướng Singh đưa ra trên đất Ápganixtan. Người ta không thể bỏ qua ảnh hưởng quan trọng của tuyên bố đó đối với an ninh khu vực.

Thủ tướng Singh đã kiên quyết bác bỏ những ý kiến về sự can dự quân sự của Ấn Độ tại Ápganixtan. Điều này có thể gây khó chịu cho các nhà phân tích theo đường lối cứng rắn ở Ấn Độ, song Ápganixtan là một trường hợp kinh điển, nơi những kẻ ngu ngốc lao vào còn các thiên thần thì e ngại lảng tránh. Mặc dù không can dự về quân sự, Ấn Độ vẫn có thể giúp ổn định tình hình ở Ápganixtan. Đề xuất của Ấn Độ giúp huấn luyện các sĩ quan cảnh sát cho Ápganixtan là một sáng kiến lớn bởi trong tình huống giải pháp sau khi Mỹ rút khỏi Ápganixtan, lực lượng cảnh sát sẽ nắm vai trò thậm chí còn quan trọng hơn cả quân đội.

Quyết định của Thủ tướng Singh nghỉ qua đêm tại Cabun mang tính biểu tượng chính trị rằng Niu Đêli kiên trì thực hiện các cam kết của mình. Điều đó tác động tới ý niệm của dân chúng Ápganixtan về Ấn Độ như một nước láng giềng ôn hòa, một đồng minh vững chắc quan tâm sâu sắc tới những đau khổ mà nước này đang phải gánh chịu. Tương tự như vậy, phát biểu của Thủ tướng Singh trước Quốc hội Ápganixtan là sự khẳng định lại các mối quan hệ với dân tộc Ápganixtan suốt chiều dài lịch sử và chính trị với các giai đoạn thăng trầm khác nhau. Việc công bố gói viện trợ bổ sung 500 triệu USD là một cử chỉ được thực hiện đúng lúc nhằm tái khẳng định lợi ích của Ấn Độ trong việc giúp Ápganixtan ổn định và phát triển.

Chỉ có một mắt xích bị lãng quên trong chuyến thăm Ápganixtan của Thủ tướng Singh: Niu Đêli không nói một lời nói về “sự trung lập” của Ápganixtan. Một câu hỏi lớn vẫn chưa được trả lời: Ấn Độ ủng hộ hay chống lại sự hiện diện lâu dài của quân đội phương Tây tại Ápganixtan? Câu hỏi này sẽ ngày càng lớn lên trong những tháng tới. Ý kiến chung ở khu vực là chống lại sự có mặt về quân sự của nước ngoài. Tuy nhiên, trong khi tiếp tục tìm cách giảm nhịp độ của cuộc chiến để có thể rút bớt quân, Mỹ đang dự tính duy trì lâu dài sự có mặt về quân sự tại Ápganixtan. Công thức này giống như tại Irắc, nơi Oasinhtơn đang ra sức thúc ép Chính phủ Bátđa thông qua một thoả thuận khung cho phép quân Mỹ bằng cách nào đó có thể ở lại vùng Lưỡng Hà cho tới cuối năm 2011. Tổng thống Karzai cũng đang chịu sức ép của Mỹ về vấn đề này. Vấn đề đó liên quan các chính sách của Mỹ ở khu vực Hindu-Kush đối với Trung Quốc , Iran , Pakixtan và Nga vốn được coi như một “cuộc chơi lớn mới”. Hãy để cho tinh thần bản địa của khu vực dẫn dắt hướng đi của lịch sử.

 

Theo The Hindu

Viết Tuấn (gt)