Hãng hàng không Dassault, ngày 31/1, công bố rằng Ấn Độ đã chọn mua loại máy bay Rafale của hãng này trong cuộc đấu thầu máy bay chiến đấu đa dụng tầm trung (MMRCA). Nếu các cuộc đàm phán hợp đồng ước tính trị giá 10,4 tỷ USD này diễn ra thuận lợi, Dassault sẽ cung cấp cho Ấn Độ 126 máy bay trong 10 năm. Bản hợp đồng vẫn chưa được ký kết. 18 máy bay đầu tiên sẽ được mua trực tiếp từ Dassault, trong khi số còn lại sẽ được Hindustan Aeronautics (HAL), một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ, lắp ráp và sản xuất tại Bangalore. Cuộc đấu thầu MMRCA là động thái mới nhất trong hàng loạt hoạt động nâng cấp và đầu tư lớn, đặc biệt là việc mua máy bay hiện đại và cải thiện cơ sở hạ tầng nói chung nhằm nâng cao khả năng của IAF. Tuy nhiên, đội máy bay hiện nay của Ấn Độ đã lỗi thời và cơ cấu chung của lực lượng này đang xấu đi. Thậm chí đáng lo ngại hơn là tình trạng huấn luyện bay của IAF, một vấn đề gây ra bởi những khó khăn trong bảo dưỡng và những hạn chế của bộ máy quan liêu đồ sộ. Mặc dù máy bay mới là một phần quan trọng trong việc hiện đại hoá IAF, nhưng cũng có những thách thức cơ bản khác không kém phần quan trọng đối với việc nâng cao khả năng của lực lượng này. 

Nguồn gốc và sự phát triển của IAF 

IAF được chính thức thành lập ngày 8/10/1932. Kể từ khi Ấn Độ độc lập năm 1947, IAF đã tham gia 4 cuộc chiến tranh chống lại Pakixtan và một cuộc chiến với Trung Quốc. Các cuộc xung đột và những căng thẳng tiếp tục diễn ra với Pakixtan và Trung Quốc đã dẫn đến việc IAF đặt trọng tâm vào việc duy trì một cấu trúc lực lượng lớn, có khả năng tham gia các cuộc chiến tranh thông thường quy mô lớn chống lại lực lượng không quân và mặt đất của kẻ thù. Điều này dẫn đến việc liên tục mua số lượng lớn máy bay chiến đấu, máy bay đánh chặn cũng như máy bay tấn công mặt đất. Ngoài ra, do phạm vi hoạt động rất lớn, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông thường rất kém, IAF đã nhấn mạnh việc duy trì khả năng hỗ trợ hậu cần đủ hiệu quả kể từ những năm đầu thập niên 1950. Trong thực tế, điều này đã dẫn đến việc mua số lượng lớn các máy bay có thể sử dụng ở nhiều bộ phận khác nhau. IAF có 5 bộ tư lệnh tác chiến và 2 bộ tư lệnh chức năng. Hai trong số các bộ tư lệnh tác chiến là nhằm vào Pakixtan, 2 bộ tư lệnh khác cơ bản là hướng vào Trung Quốc và bộ tư lệnh thứ 5, bộ tư lệnh miền Nam, mới được thành lập năm 1984 và tập trung vào việc thực hiện các chiến dịch trên Ấn Độ Dương, dù rằng các chiến dịch như thế vẫn thuộc phạm vi chính của Lực lượng không quân của Hải quân Ấn Độ. Kể từ thập niên 1960, IAF ngày càng dựa vào trang thiết bị và nguyên liệu của Liên xô. Có 2 giai đoạn mua sắm lớn: từ 1963 đến 1971, các máy bay loại MiG, Tupolev và Sukhoi được mua, và máy bay MiG của Liên xô là nhân tố nổi bật trong chương trình hiện đại hoá 1978 - 1988. Hai ngoại lệ lớn là việc mua máy bay Jaguars của Anh năm 1979 và máy bay Mirage-2000 của Pháp năm 1985. Ngoài việc mua các máy bay Su-30MKI của Nga năm 2002, IAF không thực hiện bất kỳ sự bổ sung máy bay chiến đấu nào kể từ thập niên 1980. Trên thực tế, nhiều máy bay mua trong chương trình hiện đại hoá 1978 - 1988 đã hết thời hạn sử dụng rơi vào tình trạng hỏng hóc. Do đó, IAF gần đây xây dựng các chương trình lớn nhằm hiện đại hoá một số loại máy bay và thay thế số khác bằng những máy bay mới và hiện đại hơn 

Những hoạt động hiện đại hoá, mua sắm và nâng cấp gần đây 

Ngoài cuộc đấu thầu MMRCA, IAF đã đưa chương trình "Super 30", chương trình nâng cấp 40 máy bay Su-30MKI với hệ thống rađa, tác chiến điện tử mới và tên lửa BrahMos. IAF cũng đã đầu tư gần một tỷ USD vào việc hiện đại hoá các máy bay MiG - 29 thành các máy bay đa dụng MiG-29UPG. Hơn nữa, tháng 7/2010, IAF cũng hoàn tất thoả thuận nâng cấp các máy bay Mirage-2000 thành Mirage-2000-5 Mk2 và tháng 1/2012 thì IAF quyết định mua 490 tên lửa không đối không MICA cho các máy bay Mirage. Bắt đầu từ năm 2020, IAF có kế hoạch giới thiệu máy bay tàng hình 250-300 PAK-FA thế hệ thứ 5, loại máy bay đang được phát triển cùng với Nga, nhưng vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Với mức chi phí khoảng 35 tỷ USD, dự án này dự kiến là dự án quốc phòng tốn kém nhất của Ấn Độ từ trước tới nay. Với những mua sắm trong tương lai này, IAF dự kiến sẽ tăng số phi đội lên 42 vào năm 2022, nhiều hơn 10 phi đội so với hiện nay. Trong khi đó, Pakixtan được cho là có ít hơn 20 phi đội máy bay cánh cố định. Ngoài việc hiện đại hoá và cải thiện các máy bay cánh cố định, IAF cũng tìm cách cải thiện lực lượng vận tải và tiếp nhiên liệu trên không. Tính đến tháng 2/2011, IAF có 6 máy bay tiếp nhiên liệu IL-78MKI, nhưng với việc số lượng phi đội và dự báo nhu cầu của lực lượng tăng lên, năm 2010, IAF đã đưa ra cuộc đấu thầu Giao thông vận tải đa dụng với trị giá khoảng 2 tỷ USD nhằm cung cấp cho IAF thêm 6 máy bay chở dầu nữa. IAF cũng đang cải thiện đội bay vận tải với thoả thuận 4,1 tỷ USD được ký hồi tháng 6/2011 cho 10 máy bay C-17 Globemaster III của Mỹ. Năm 2008, IAF đã ký hợp đồng trị giá khoảng 1 tỷ USD để mua 6 máy bay vận tải C-130J và hiện đang tìm cách mua thêm 6 máy bay loại này nữa. IAF cũng đang tìm cách tăng gấp đôi lực lượng máy bay Cảnh báo sớm và Kiểm soát trên không (AEW&C), lực lượng hiện bao gồm 3 máy bay IL-76 Phalcon. Ngoài ra IAF cũng đã đưa ra một loạt yêu cầu cho các đề xuất liên quan đến máy bay AEW&C và thậm chí còn hy vọng sẽ có 24 chiếc AEW&C được sản xuất ở trong nước. 

Các vấn đề của IAF 

Mặc dù có chương trình hiện đại hoá và mua sắm lớn, nhưng sự phát triển của IAF bị hạn chế bởi hàng loạt vấn đề nghiêm trọng. Nếu không được giải quyết thoả đáng, những hạn chế này sẽ ngăn cản việc IAF có thể tận dụng đầy đủ những cơ sở hạ tầng và thiết bị mới của mình. Một vấn đề lớn của IAF là tỷ lệ va chạm và tai nạn rất cao. Vụ tai nạn mới nhất xảy ra ngày 31/1 khi một máy bay huấn luyện Kiran MK II nổ khi đang bay. Chỉ trong năm 2011, các lực lượng quân sự Ấn Độ đã phải hứng chịu ít nhất hàng chục vụ tai nạn máy bay. Tỷ lệ tai nạn máy bay của IAF cao do 3 yếu tố chính. Đầu tiên là tuổi thọ của nhiều loại máy bay. Ví dụ, MiG - 21 tham gia phục vụ IAF lần đầu tiên từ năm 1964 và đây không phải là loại máy bay phản lực đông đảo duy nhất đang hoạt động của IAF. Tuy nhiên, dự kiến loại máy bay này sẽ tiếp tục được sử dụng thêm vài năm nữa. Bảo dưỡng công nghiệp kém cỏi cũng là một vấn đề. Tháng 11/2011, Rakesh Sharma, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Ấn Độ và cũng có nhiều kinh nghiệm là phi công thử nghiệm máy bay Hindustan Aeronautics, đã cáo buộc rằng những sai lầm trong lập kế hoạch của các công ty quốc phòng nhà nước (PSU) là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tai nạn cao, khi tỏ ý "các PSU có cơ sở hạ tầng nhưng họ không có chuyên môn". Sharma cho biết ông có thể gửi các máy bay chiến đấu đến các phòng thí nghiệm nếu ông phát hiện ra các bộ phận khiếm khuyết, nhưng ông cũng sớm nhận ra rằng thay vì thực hiện nghiên cứu và phát triển trên các bộ phận này, các phòng thí nghiệm lại lắp chúng vào các máy bay chiến đấu khác. Yếu tố thứ ba là tình trạng của phi đội máy bay huấn luyện của IAF. Năm 2008, Kiểm soát viên và Tổng kiểm toán (CAG) của Ấn Độ đã nói rằng IAF thiếu hụt phi công trầm trọng do huấn luyện không đạt chất lượng. CAG cho rằng việc không đủ máy bay cho huấn luyện chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng IAF thiếu hụt phi công này. Các máy bay huấn luyện của IAF bao gồm các máy bay do HAL sản xuất ở trong nước. Các máy bay này nhìn chung là không thích hợp và không đáp ứng được mong đợi. Ví dụ như đội máy bay HPT-32 Deepak không được cất cánh vào cuối năm 2009 do động cơ liên tục gặp sự cố dẫn đến nhiều vụ tai nạn. 

Việc thiếu các máy bay có khả năng huấn luyện đã buộc các phi công mới của IAF phải trải qua quá trình huấn luyện cơ bản của mình trên máy bay HAL Kiran được trang bị động cơ phản lực. Trong khi đó, đa số các phi công của phương Tây được huấn luyện bắt đầu từ máy bay phản lực cánh quạt, sau đó mới huấn luyện trong máy bay phản lực. Do các vấn đề về tuổi thọ và chất lượng, thậm chí kể các máy bay Kiran tiên tiến hơn cũng không thích đáng. Học viện đào tạo của IAF tại Hyderabad được thông báo là có chưa đến 100 máy bay Kiran, đã buộc các đội máy bay biểu diễn Surya Kiran và Sagar Pawan phải cho mượn máy bay của mình để huấn luyện. Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi do thiếu hụt máy bay huấn luyện, IAF đã cắt giảm hai phần ba thời gian bay của một phi công mới (25 giờ bay huấn luyện cơ bản thay vì 75 giờ). Trong khi đó, Không quân Mỹ cung cấp trên 100 giờ bay huấn luyện cơ bản cho học viên của mình. Số giờ bay huấn luyện cơ bản thậm chí còn được thông báo là thấp hơn nữa trong 2 năm qua, nhưng hiện đã ổn định nhờ việc quản lý các nguồn lực tốt hơn. Một trong những cách IAF sử dụng để gia tăng số máy bay huấn luyện là đào tạo một số phi công trên những phiên bản huấn luyện MiG-21. Trong một vài năm tới, có thể xu hướng này sẽ thay đổi. IAF đã tìm cách để giành thêm nhiều máy bay 2 chỗ ngồi Hawk AJT, khoảng 55 chiếc trong số này đã được IAF sử dụng cho mục đích huấn luyện. Các máy bay này được đặt mua năm 2004, nhưng những vấn đề quan liêu đã trì hoãn việc mua và đưa vào sử dụng các máy bay này. IAF cũng đã chọn máy bay PC-7 của Thụy Sỹ là máy bay huấn luyện cơ bản tiếp theo, nhưng dự báo sẽ phải mất ít nhất 3 năm nữa để loại máy bay này được giao. Những nỗ lực của IAF nhằm cải thiện khả năng của mình bằng việc nâng cấp máy bay và thiết bị hiện có và mua máy bay mới có thể thành công. Tuy nhiên, Không quân Ấn Độ vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức cơ bản rất lớn.

 

Cùng chủ đề về công cuộc hiện đại hóa quân sự của Ấn Độ, "Tạp chí Âu-Á" vừa qua cho biết Ấn Độ đang phát triển lực lượng hải quân với tốc độ nhanh để đạt được sức mạnh trên biển. Mặc dù hiện nay Hải quân Ấn Độ đứng vị trí thứ 5 trên thế giới, với 171 tàu chiến, 250 máy bay các loại và 16 tàu ngầm, nhưng chính phủ nước này vẫn chi nhiều tỷ USD nhằm hiện đại hóa lực lượng hải quân trong khung thời hạn 15 năm, trong đó kế hoạch năm 2008-2013 sẽ chi khoảng 40 tỷ USD cho các kế hoạch hiện đại hóa hải quân. 

Đô đốc Nirmal Verma, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Ấn Độ, cho biết hầu hết số tàu chiến sử dụng trong 15 năm tới của Hải quân sẽ được sản xuất ở trong nước. Điều này có nghĩa ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ sẽ phát triển để chế tạo các tàu chiến hiện đại hơn trong tương lai. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A. K. Antony, hiện nay Bộ Quốc phòng đang đóng 34 tàu ngầm và tàu chiến mới trong các xưởng đóng tàu khác nhau ở Ấn Độ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng còn ký nhiều hợp đồng mua sắm các loại máy bay, tàu khu trục, tàu chở dầu, máy bay huấn luyện, các loại tên lửa, máy bay không người lái và rađa. Sau khi hoàn thành các chương trình mua sắm trang thiết bị trong 15 năm tới, Hải quân Ấn Độ sẽ nằm trong số các nước có lực lượng hải quân đứng thứ 3 trên thế giới. Báo cáo "Triển vọng Công nghiệp Xuất khẩu Quốc phòng Toàn cầu trên Thị trường Quốc phòng Ấn Độ" của tập đoàn Deloitte-CII cho biết chi phí quốc phòng của Ấn Độ trong vài thập kỷ tới sẽ vượt các cường quốc phương Tây như Mỹ... Và chi phí quốc phòng hiện nay của Ấn Độ đạt 32,03 tỷ USD sẽ tăng lên 42 tỷ USD năm 2015. Chi phí cho các hệ thống vũ khí sẽ tăng từ 13,04 tỷ USD hiện nay lên 19,2 tỷ USD năm 2015. Mức chi phí và các kế hoạch cho thấy Ấn Độ đang hướng ra bên ngoài khu vực để đạt được vị thế của một cường quốc toàn cầu. Báo cáo của Deloitte-CII còn cho biết, từ năm 2007-2012, Ấn Độ chi khoảng 100 tỷ USD cho các loại vũ khí và dự kiến tăng lên 120 tỷ USD trong kế hoạch 5 năm tiếp theo, trong đó chi 39,35 tỷ cho các tàu chiến và các hệ thống vũ khí mới. Thành phần quan trọng nhất của Lực lượng Hải quân Ấn Độ là hàng không mẫu hạm INS Virat. Hải quân dự định đưa vào sử dụng thêm 2 hàng không mẫu hạm kiểu như vậy trong thập kỷ tới. Hàng không mẫu hạm Admiral Gorshkov, trọng tải 44.500 tấn, sẽ tham gia hạm đội hải quân vào cuối năm 2012 và hàng không mẫu hạm đầu tiên được sản xuất trong nước có tên IAC sẽ được hạ thủy năm 2014. Trong vài năm tới, Hải quân sẽ đưa vào sử dụng một thành phần quan trọng khác là các tàu ngầm hạt nhân. Hiện nay, Ấn Độ có kế hoạch tăng thêm một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Theo kế hoạch, tháng 12/2011, Hải quân Nga bàn giao cho Hải quân Ấn Độ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Akula-II có tên K-152 Nerpa. Mặc dù loại tàu ngầm này sẽ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, nhưng không được trang bị các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, do đó Ấn Độ đang phát triển khả năng này chứ không lệ thuộc Nga. Bên cạnh đó, Hải quân cũng đang phát triển tàu ngầm hạt nhân INS Arihant và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2012. Loại tàu ngầm này có khả năng chở 12 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Sagarika mang đầu đạn K15, có tầm bắn khoảng 700km và được chứa trong 4 khoang. Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) đang hiện đại hóa và phát triển đầu đạn K15, đồng thời cũng đang phát triển loại SLBM Agni-III K-4. Các tên lửa này sẽ được lắp đầu đạn K15 vì có tầm bắn xa hơn tên lửa Sagarika. Năm 2011, Ấn Độ bắt đầu chế tạo chiếc tàu ngầm hạt nhân thứ hai tại một địa điểm bí mật ở Visakhapatnam. Việc sản xuất vỏ và thân tàu ngầm bắt đầu được triển khai và Nga đang giúp xây dựng lò phản ứng hạt nhân. Ấn Độ dự kiến sẽ chạy thử chiếc tàu ngầm hạt nhân này vào năm 2015. Bên cạnh đó, Hải quân có kế hoạch sản xuất thêm 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, với tổng chi phí có thể tới 2,9 tỷ USD, trong thập kỷ tới. Hiện nay, Ấn Độ chưa có khả năng tấn công bằng tàu ngầm hạt nhân, nhưng sau khi hoàn thành các kế hoạch sản xuất tàu ngầm, Ấn Độ sẽ đạt được mục tiêu có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Ngoài ra, Hải quân cũng có kế hoạch sản xuất thêm 6 tàu ngầm công nghệ cao thế hệ tiếp theo trị giá 11 tỷ USD và trang bị thêm 6 tàu ngầm Scorpene mua của Hải quân Pháp. Những tàu ngầm này sẽ được trang bị các thiết bị tàng hình tốt hơn, tầm phát hiện mục tiêu xa hơn và hệ thống quản lý tác chiến hiệu quả hơn. Hải quân sẽ tăng thêm 3 tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển lớp Krivak III đã sửa đổi trị giá 1,6 tỷ USD và chiếc đầu tiên được đưa vào sử dụng cuối năm 2011. Các tàu khu trục mới, có tốc độ 35 hải lý/giờ, được trang bị 8 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp siêu thanh BrahMos và được sử dụng để ngăn chặn các mục tiêu cơ động nhanh trên biển hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác như tìm kiếm và cứu hộ. Vệ tinh quân sự cũng rất quan trọng cho các khả năng tác chiến của hải quân. Do đó, Ấn Độ đang phát triển loại vệ tinh chuyên dụng để tạo thuận lợi cho thông tin liên lạc của hải quân. Năm 2010, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ của Ấn Độ (ISRO) đã phóng một vệ tinh trung tâm hệ thống thông tin vào quỹ đạo địa tĩnh. Vệ tinh này sẽ tạo thuận lợi cho việc liên lạc của các tàu chiến, tàu ngầm và máy bay của Hải quân với nhau cũng như với các trung tâm tác chiến trên bộ thông qua các đường truyền số liệu tốc độ cao, từ đó cho phép phát hiện kịp thời các mối đe dọa trên biển và phản ứng nhanh chóng. 

Khả năng tấn công trên biển của Hải quân Ấn Độ hiện nay chủ yếu dựa vào loại tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân tầm thấp siêu thanh BrahMos có tốc độ và tầm bắn 290 km. Tên lửa BrahMos có tốc độ cao hơn tốc độ âm thanh 2,5 lần và nhanh gấp 3 lần tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp Tomahawk của Mỹ. Loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp này sẽ làm tăng khả năng tác chiến của Hải quân Ấn Độ chống Pakixtan. Ấn Độ cũng đang phát triển các khả năng giám sát và trinh sát của Hải quân sau khi đưa vào sử dụng các máy bay không người lái công nghệ cao mới nhất. Hiện Hải quân đang sử dụng loại máy bay không người lái bay xa, có trần bay trung bình Heron và loại máy bay không người lái nhỏ hơn gọi là "searcher MKII". Máy bay trinh sát không người lái Heron có khả năng hoạt động liên tục 52 giờ ở độ cao 35.000 feet. Máy bay này hoạt động trong mọi thời tiết, có khả năng phục hồi và có thể mang theo một hệ thống ăngten cảm ứng, kể cả các hệ thống thu thập thông tin tình báo tia hồng ngoại và các loại rađa khác nhau có trọng lượng tối đa 250 kg. Máy bay không người lái searcher MKII là loại máy bay không người lái chiến thuật thực hiện các nhiệm vụ như: giám sát, trinh sát, tìm kiếm mục tiêu, đánh giá thiệt hại và điều chỉnh hoả lực của pháo binh. Máy bay này có thể hoạt động liên tục 20 giờ và tầm hoạt động 300 km, ở độ cao 23.000 feet và mang được 120 kg. Đáng chú ý, Hải quân đang có kế hoạch đưa vào sử dụng hệ thống máy bay không người lái Hải Giám Khu vực Rộng lớn MQ-4C. Hệ thống này có thể hoạt động trong thời gian dài và độ cao lớn hơn. Bên cạnh đó, Hải quân có kế hoạch sử dụng các hệ thống rađa hiện đại để hỗ trợ các hoạt động của máy bay chiến đấu trên biển, trong đó dự kiến tăng thêm các máy bay tuần tiễu biển đa năng Saab 2000 được trang bị loại rađa có mạng ăngten quét hình điện tử chủ động (AESA) và một tên lửa chống tàu Saab RBS 15. Hệ thống rađa này sẽ tăng khả năng giám sát biển và giúp máy bay tuần tiễu biển (MPA) Saab 2000 nhanh chóng xác định các máy bay bạn và máy bay đối phương. Máy bay MPA Saab 2000 có thể hoạt động tầm tối đa 2.000 hải lý trong thời gian 9,5 giờ. Hệ thống này sẽ cải thiện các khả năng Trinh sát, Giám sát và Tình báo trên không của Hải quân, đồng thời giúp Hải quân tuần tra hiệu quả và giám sát chặt chẽ các đường biên giới biển. Hải quân cũng sẽ bổ sung các máy bay P-8I: loại máy bay chiến tranh chống tàu ngầm và trinh sát biển tầm xa (LRMR & ASW) đặt mua của hãng Boeing. Đây là loại máy bay năng động và rất hiện đại. Ban đầu Hải quân dự kiến mua 8 máy bay, nhưng sau đó mua thêm 4 chiếc khác. Gần đây Hải quân đặt mua thêm các máy bay trực thăng cảnh báo sớm trên không (AEW) Kamov của Nga. Khả năng AEW rất quan trọng cho Hải quân để kịp thời chỉ huy các hạm đội tàu nổi và tàu ngầm thực hiện các nhiệm vụ được giao trên biển. Vừa qua, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Không quân Mỹ để mua các máy bay trực thăng đa năng MH-60 do hãng Lockheed Martin sản xuất. Trong vài thập kỷ tới, Hải quân sẽ nâng cao các loại vũ khí của không quân hải quân bằng cách đưa vào sử dụng các máy bay trực thăng này và các máy bay giám sát. Hải quân cũng coi trọng phát triển lực lượng biệt kích biển (MARCOS). Hiện nay lực lượng này chỉ có gần 2.000 binh sĩ, chủ yếu tập trung vào các chiến dịch đặc biệt được chuyên chở bằng trực thăng hoặc chống khủng bố trên biển. Ấn Độ dự kiến tăng gấp đôi quân số của lực lượng này trong 5 năm tới. Hiện nay, Ixraen đang đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện và cung cấp các loại vũ khí, thiết bị cho lực lượng MARCOS. Lực lượng MARCOS sẽ được trang bị loại súng trường tấn công Tavor và súng trường bắn tỉa Gali do Ixraen sản xuất để tăng khả năng tác chiến. 

Tóm lại, Hải quân Ấn Độ đang phát triển các khả năng với tốc độ nhanh. Việc đưa vào sử dụng các khả năng của hàng không mẫu hạm, tàu ngầm hạt nhân, ...các loại rađa mới nhất, vũ khí và trang thiết bị, tàu chiến tốc độ cao, tàu khu trục, các máy bay trinh sát và giám sát, các vệ tinh, máy bay không người lái và diễn tập thường xuyên trên biển sẽ biến Hải quân Ấn Độ trở thành mối đe dọa tiềm tàng của các nước trong khu vực, đặc biệt đối với các lợi ích của Pakixtan, trong tương lai.

Mỹ Anh (gt)