Sự thờ ơ của Ấn Độ trong lĩnh vực hoạch định chiến lược, tình báo, an ninh năng lượng, xây dựng cường quốc biển và an ninh quốc gia một lần nữa đã làm bộc lộ những yếu điểm của Niu Đêli qua một loạt những diễn biến gần đây. Ngày 7/2 tại Manđivơ xảy ra đảo chính, Tổng thống được bầu thông qua cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở quốc đảo này Mohamed Nasheet bị buộc phải từ chức sau 3 năm cầm quyền; Nghiên cứu của trường Đại học Georgetown cho rằng Trung Quốc có khả năng sở hữu tới 3.000 đầu đạn hạt nhân; Xâyxen đề nghị cung cấp các cơ sở tiếp tế nhiên liệu cho tàu chiến Trung Quốc; Sau khi phong trào nổi dậy được phương Tây (NATO) hậu thuẫn lật đổ chính quyền tại đất nước giàu dầu mỏ Libi, dường như giờ đây sẽ tới lượt Iran cũng có nguồn dự trữ dầu khí dồi dào và đồng minh của nước này là Xyri; Sự tan băng rõ ràng trong quan hệ Ấn Độ - Pakixtan tương phản với quan hệ phức tạp và căng thẳng giữa Pakixtan với Mỹ và Ápganixtan. Tất cả những diễn biến trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp tác động tới an ninh quốc gia của Ấn Độ. Trước hết là vấn đề Manđivơ. Cuộc đảo chính mới đây bộc lộ thất bại về tình báo và phản ứng ngoại giao–quân sự của Ấn Độ. Tôi thăm quần đảo Manđivơ năm 2005 với tư cách Chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ và tiếp xúc với cảnh sát và lính bảo vệ bờ biển quốc đảo này. Họ bày tỏ lo ngại về việc đưa các giá trị dân chủ vào nước họ cũng như sự nổi lên của thế lực Hồi giáo được Pakixtan khuyến khích. Quần đảo Manđivơ có 1.191 đảo với dân số 400.000 người, trong đó người Hồi giáo chiếm đa số, và nền kinh tế nước này hoàn toàn phụ thuộc vào ngành du lịch. Một số người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn phản đối chính sách của Chính phủ Manđivơ về phát triển du lịch, điều giải thích tại sao rượu và thịt lợn chỉ được bán tại khoảng 180 đảo du lịch biệt lập nhằm thu hút những khách du lịch giàu có (chủ yếu người phương Tây) tới quốc đảo này để thưởng thức ánh nắng Mặt Trời rực rỡ và những bãi biển tuyệt đẹp. Làm việc tại những đảo du lịch nghỉ mát này không phải người địa phương mà là những người nước ngoài được thuê từ châu Âu, Ấn Độ, Philíppin, Xri Lanca, Nêpan. Người gốc Manđivơ sống trên khoảng 300 đảo riêng biệt, trong đó có thủ đô Malê, một đảo nhỏ dài khoảng 3 dặm. Theo tin tình báo, một số người Manđivơ tham gia các nhóm khủng bố tại vùng Casơmia, và chỉ riêng điều này cũng đã là lý do khiến Ấn Độ phải quan tâm tới việc có một chính phủ thân thiện và ôn hoà như ở Manđivơ. Hơn thế nữa, dự tính sau năm 2030, quốc đảo Manđivơ sẽ bị nhấn chìm do tình trạng nước đại dương dâng cao bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu và người nước này được cho là sẽ di cư tới bang Kêrala của Ấn Độ. 

Thứ hai, vấn đề hạt nhân của Trung Quốc. Đánh giá gần đây của Mỹ về kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh vượt xa con số các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đưa ra trước đây: 240 đơn vị đầu đạn hạt nhân. Con số thông báo của Đại học Georgetown cho thấy tình báo Án Độ “mù tịt” về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng như việc Ấn Độ hoàn toàn thiếu tin tức tình báo về Trung Quốc. Điều đó cũng có nghĩa là đã tới lúc Niu Đêli cần phải xem xét lại kho vũ khí hạt nhân cũng như học thuyết hạt nhân của mình. Thứ ba, Xây Xen đề xuất cho tàu chiến Trung Quốc cập các bến cảng nước này chứng tỏ thất bại về ngoại giao và tình báo của Ấn Độ ở ngay sân sau của mình. Với việc Trung Quốc sẽ sớm sử dụng cảng Gwada (Pakixtan), Hambantota (Xri Lanca) và các bến cảng mới ở Chittagong (Bănglađét), đều là các cơ sở do Trung Quốc cấp vốn và xây dựng, việc Ấn Độ Dương trở thành “cái hồ của Trung Quốc” chỉ còn là vấn đề thời gian và Hải quân Ấn Độ đang đánh mất chút lợi thế còn lại về công nghệ (hoạt động truyền dữ liệu và lực lượng không quân của hải quân) đối với Hải quân Trung Quốc. Có rất ít người Ấn Độ (thậm chí còn ít hơn nữa trong các cơ quan tình báo và quân đội) biết tiếng Trung Quốc. Bởi vậy việc dạy tiếng Trung Quốc trong các trường học phổ thông và thành lập Viện nghiên cứu quốc gia về Trung Quốc là yêu cầu bức thiết. Những nhà ngoại giao, các nhân viên tình báo và quân sự Ấn Độ được lựa chọn cần phải được học các lớp huấn luyện tại Viện nghiên cứu này. Điều đó sẽ giúp cung cấp cho lãnh đạo đất nước những thông tin tình báo tin cậy về các nỗ lực kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc nhằm giúp Ấn Độ có thể bảo vệ lợi ích quốc gia của mình đúng lúc và không bị bất ngờ. Điều đáng khuyến khích làHọc viện hải quân Ấn Độ tại Eizimala, bang Kêrala, đã bắt đầu dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Arập cho các học viên. 

Thứ tư, sự thay đổi chế độ được NATO khuyến khích và trợ giúp. Trên thế giới có hàng chục chế độ cực quyền, song phương Tây muốn chỉ nhìn thấy sự thay đổi ở những nước nhiều dầu mỏ như Libi và Iran. Xyri có ít dầu mỏ nhưng được lựa chọn cho sự thay đổi vì những lý do địa chính trị. Tại Xyri người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số (74%), trong khi quyền lực lại nằm trong tay người Hồi giáo dòng Shiite chiếm có 12% dân số. Giới cầm quyền Xyri rất thân thiện với Iran (nước duy nhất trên thế giới người Shiite chiếm đa số) và có quan hệ tốt với Irắc và Ápganixtan. Việc thay đổi chế độ ở Xyri là rất khó khăn do căn cứ hải quân duy nhất Tartou của Xyri có tàu chiến của Nga, bởi vậy hải quân phương Tây sẽ không thể có được một hải cảng thân thiện dùng cho các hoạt động phục vụ cho việc thay đổi chế độ như từng xảy ra tại Libi như trường hợp hải quân Anh sử dụng cảng Benghazi. Bởi vậy, Tổng thống Assad có thể sống sót trước “làn sóng thay đổi chế độ” hiện nay. Do Iran không có vũ khí hạt nhân như Bắc Triều Tiên, nên nước này chỉ có thể đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz. Ngoài việc khai trương máy ly tâm làm giầu urani thế hệ thứ 4 và làm giàu chất phóng xạ này tới 20%, cấm vận dầu lửa đối với 6 nước châu Âu, việc bị cáo buộc gây ra các cuộc tấn công hai ngày 13-14/2 vào các nhà ngoại giao Ixraen đã làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc tấn công phối hợp giữa Ixraen và Mỹ nhằm vào Iran. Bất kỳ một hành động tương tự nào như vậy cũng sẽ gây hậu quả tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó các nước như Ấn Độ sẽ bị tác động nhiều nhất bởi lượng dự trữ dầu mỏ chiến lược của Ấn Độ chỉ đủ dùng trong 30 ngày thay vì 180 ngày theo tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí ngay cả trong trường hợp hải quân Mỹ dùng vũ lực giữ cho eo biển Hormuz lưu thông thì cuộc xung đột tất yếu sẽ dẫn tới các cuộc tấn công bằng không quân và tên lửa hành trình của phương Tây nhằm vào các hải cảng, sân bay, các đơn vị tên lửa ven biển và các cơ sở quân sự khác cũng như “các cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân” của Iran. Cuộc xung đột sẽ kéo dài nhiều tuần, eo biển Hormuz sẽ bị đóng cửa. Vì vậy, Ấn Độ cần tăng cường nhanh lượng dự trữ dầu lửa và khí đốt tự nhiên, sớm vận hành các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Koodankulam cùng các kế hoạch tổng thể về sơ tán các công dân của mình khỏi khu vực Tây Á./.

Theo The Asian Age (ngày 17/2)

Mỹ Anh (gt)