Việc Ấn Độ công nhận một nước Việt Nam thống nhất và Hà Nội ủng hộ Ấn Độ trong thời gian thiết lập nhà nước Băngla Đét được coi là động lực dẫn đến mối quan hệ đối tác chiến lược. Trong tháng 2 này, hai nước tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 5 thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược (2007-2012), 40 năm hợp tác và quan hệ đối tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Việt Nam đã phát triển trên mọi lĩnh vực: chính trị, an ninh và quốc phòng, thương mại và đầu tư, văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Kế hoạch triển khai chính sách "Hướng Đông" được đề ra đầu năm 1991 của Ấn Độ nhằm tận dụng sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á đã giúp thúc đẩy hai nước xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ trong 4 thập kỷ qua. Năm 2003, Việt Nam và Ấn Độ ký một thỏa thuận, theo đó hai bên dự kiến tạo nên một "Vòng cung Lợi ích và Thịnh vượng" ở Đông Nam Á. Mối quan hệ đối tác của hai nước là lực lượng chủ yếu chống lại các tham vọng, sự hiện diện quân sự và sức mạnh dân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Mối quan hệ của Ấn Độ với Việt Nam nằm trong khuôn khổ của ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF) và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc (LHQ). Vị trí địa chiến lược của Việt Nam đã tạo cho Việt Nam ưu thế chính trị đối với tất cả các cường quốc ở Đông Á. Tương tự, vị trí địa lý của Ấn Độ ở Nam Á giúp Niu Đêli trở thành một nhân tố quan trọng trong các toan tính chiến lược xung quanh Ấn Độ Dương. Ấn Độ và Việt Nam cùng có lịch sử quan hệ hạn chế và biên giới bất đồng với Trung Quốc. Thực tế này tạo nên mức độ tương đồng về các lợi ích trong các chương trình chính sách đối ngoại của hai nước đối với Trung Quốc. Việt Nam có vị trí chiến lược trong chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ. Năm 2000, kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam mới chỉ đạt 200 triệu USD, năm 2011 đạt tới 3,5 tỷ USD và dự kiến năm 2015 sẽ đạt 7 tỷ USD. Sự thay đổi to lớn về hợp tác chiến lược có thể nhận thấy từ các khoản đầu tư 400 triệu USD của Ấn Độ vào các khu vực có dầu mỏ của Việt Nam, trong đó công ty Hợp tác Dầu lửa và Khí đốt Videsh (OVL) đầu tư 225 triệu USD vào lĩnh vực thăm dò dầu khí.

Một nỗ lực hợp tác quan trọng khác trên lĩnh vực khoa học và công nghệ là hai nước thành lập Trung tâm Công nghệ Thông tin và Tin học ngày 16/9/2011, trong đó Ấn Độ viện trợ cho Việt Nam 2 triệu USD để xây dựng trung tâm này. Về hợp tác quốc phòng, nhiều quan chức quốc phòng Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam kể từ khi chấm dứt cuộc khủng hoảng Campuchia. Sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Ấn Độ đã giúp huấn luyện các sĩ quan Việt Nam tại Ấn Độ và trao đổi nhiều đoàn quân sự cấp cao giữa hai nước. Việt Nam đã cho phép Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang. Trong tương lai, Ấn Độ sẽ sử dụng 60 xưởng sửa chữa và đóng tàu của Việt Nam để đóng tàu vận tải có trọng lượng 6.500 tấn (DWT), sửa chữa các tàu có trọng tải tới 50.000 DWT và hợp tác đóng nhiều tàu chiến cho Hải quân Việt Nam. Đáng chú ý, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Ấn Độ sẽ hợp tác với Lực lượng Cảnh sát Biển của Việt Nam để giải quyết các mối đe dọa cướp biển và chủ nghĩa khủng bố. Các sáng kiến của Ấn Độ, như Hợp tác Ganga-Mê Công (MGC), Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Đa Khu vực (BIMSTEC) và can dự lớn hơn với các nước Đông Nam Á, nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Đã đến lúc Ấn Độ cần tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực và tích cực can dự với Việt Nam và các nước đang phát triển ở Đông Á. Tất nhiên, Ấn Độ phải giải quyết những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với Việt Nam, như tiếp tục giúp đỡ kinh tế đi đôi với mở rộng đầu tư, phát triển thương mại và xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp viện trợ quân sự và hậu cần cho Việt Nam. Việt Nam sẽ tiếp tục là khu vực can dự của Ấn Độ và các cường quốc khác nhằm thúc đẩy hợp tác về an ninh năng lượng và quân sự. Ấn Độ sẽ sử dụng cơ hội này trong những năm tới để khai thác và phát hiện các lĩnh vực hợp tác mới hơn với Việt Nam nhằm nâng cao sức mạnh quân sự, kinh tế và chính trị phục vụ mục đích hòa bình và đối phó với sự bá quyền của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Hiện nay, Ấn Độ đã nhận thức rõ tham vọng và sức mạnh ngày tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương. Do đó, Ấn Độ cần sử dụng các cơ hội và duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả với Việt Nam trên mọi lĩnh vực trong thế kỷ này.

Theo Eurasiareview (ngày 22/2)

Hương Trà (gt)