Khi đề cập đến Thủ tướng Shinzo Abe với những người nội trợ thuộc chi nhánh thứ nhất ở Tokyo của Tomo-No-Kai, một hội phụ nữ, và họ sẽ nhanh chóng càu nhàu. Mỗi thứ Năm hàng tuần, các thành viên của hội này gặp gỡ tại một văn phòng bừa bộn với những chiếc bàn và giá sách gỗ để đào tạo cho nhau về nghệ thuật quản gia – bao gồm việc quản lý tài chính gia đình, một trách nhiệm vẫn được cho là của nhiều phụ nữ đã kết hôn ở Nhật Bản. Trong những cuốn sổ cái được giữ gìn ngăn nắp của họ, họ tỉ mỉ ghi lại mỗi đồng yên chi tiêu vào mỗi túi gạo, vé xem phim, hóa đơn y tế, đồ chơi trẻ em và áo sơ mi mới.

Họ phàn nàn rằng từ khi Abe lên nắm quyền vào 2 năm trước, việc quyết toán các khoản thu chi trong gia đình của họ đã trở nên khó hơn rất nhiều. Các loại giá cả và thuế đã tăng lên, trong khi đó thu nhập hộ gia đình của họ không tăng. Michiko Wakamatsu, 71 tuổi, lấy làm phiền muộn rằng hóa đơn tạp phẩm hàng tuần của bà đã tăng thêm hơn 8 USD – khoảng 20% - một khoản chi phí phụ trội mà bà và chồng bà, là những người hưu trí, khó có đủ khả năng chi trả. Noriko Oka, một bà nội trợ 46 tuổi có chồng làm quản lý một nhà hàng, nói rằng bà đã buộc phải mua ít thịt bò hơn và tìm mua hàng giảm giá để không vượt quá ngân sách hạn chế của bà. Một phụ nữ 67 tuổi tên là Sumiko Okabe nói: “Nếu có bất cứ điều gì tốt đẹp kể từ khi Abe lên nắm quyền thì chúng tôi không nhìn thấy nó”.

Đó không phải là điều mà Thủ tướng muốn nghe. Khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông nhanh chóng giành quyền lực trong một chiến thắng vang dội vào năm 2012, Abe đã hứa sẽ dứt khoát phá vỡ những xiềng xích trói buộc nền kinh tế từng rất hùng mạnh của Nhật Bản trong 2 thập kỷ. Kế hoạch hành động gồm 3 mũi của ông - kích thích của ngân hàng trung ương, chi tiêu chính phủ và các cải cách mang tính cơ cấu được đề xuất, được biết đến bằng tên gọi chung là Abenomics – đã được nhiều nhà kinh tế học ca ngợi. Chủ nhân của giải Nobel Paul Krugman đã viết trên tờ New York Times: “Nhật Bản, đất nước đã mở đầu kinh tế đình đốn, cũng có thể cuối cùng sẽ chỉ cho toàn bộ chúng ta thấy con đường thoát ra”.

Tuy nhiên, hiện giờ, Nhật Bản dường như lại thất bại một lần nữa. Nền kinh tế của nước này đã rơi trở lại tình trạng suy thoái trong quý III, lần thứ 4 kể từ năm 2008. Tương lai cũng thật u ám. Izumi Devalier, một nhà kinh tế tại ngân hàng HSBC, đã hạ những dự đoán của bà về tăng trưởng GDP vào cuối tháng 11 xuống 0,3% vào năm 2014 và 0,6% vào năm 2015, lưu ý rằng thành tích kém cỏi của Nhật Bản “gây ra những mối quan ngại căn bản về sự thành công của Abenomics”. Kenneth Courtis, cựu phó chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs châu Á, đã phát biểu một cách súc tích hơn: “Đối với những người làm công ăn lương Nhật Bản, Abenomics đã trở thành Abegeddon (trận chiến cuối cùng cùng Abe)”.

Hiện giờ Abe đang trả giá về mặt chính trị. Vào ngày 18/11/2014, đối mặt với tỷ lệ ủng hộ dưới 50% - mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức – Abe đã kêu gọi các cuộc bầu cử sớm, chỉ ngay giữa nhiệm kỳ 4 năm của ông. Abenomics đang được đưa ra để bỏ phiếu. Ông đã nói vào ngày 21/11: “Thông qua chiến dịch vận động tranh cử này, tôi mong muốn hỏi dân chúng xem liệu chính sách kinh tế của chúng ta là sai lầm hay đúng đắn”. Ông hy vọng rằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của dân chúng sẽ thổi luồng sinh khí mới vào những sáng kiến đang trở nên kém mạnh mẽ của ông.

Ông sẽ cần sự thúc đẩy. Cho đến nay, lý do chính Abe vẫn chưa chuyển hướng Nhật Bản là thất bại của ông trong việc đưa ra cái mà các nhà hoạch định chính sách gọi là “mũi tên thứ ba” của Abenomics: các cải cách mang tính cơ cấu. Những cải cách này bao gồm từ việc giảm bớt thói quan liêu hành chính đến việc mở cửa các thị trường được bảo hộ - tất cả nhằm giải phóng tinh thần kinh doanh, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản lượng và khuyến khích tăng trưởng. Nhiều trong số những cải cách này sẽ gây đau đớn và không được lòng dân, vì thế Abe sẽ cần đến tất cả sức mạnh chính trị mà ông có thể tập trung được để thúc đẩy chúng thông qua cơ quan lập pháp, được gọi là Nghị viện.

Đánh thức người khổng lồ

Câu chuyện về tình trạng tê liệt chính trị và một nền kinh tế yếu kém của Nhật Bản tất cả đều quá quen thuộc, nhưng một nước Nhật thất bại sẽ khiến cho tất cả chúng ta phải lo lắng. Giữa sự phấn khích về một Trung Quốc đang trỗi dậy, chúng ta thường quên rằng Nhật Bản vẫn đang là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và quê hương của những người khổng lồ ngành công nghiệp như Toyota, Honda và Sony. Điều diễn ra tại Tokyo xôn xao khắp thế giới. Kim Schoenholtz, giám đốc Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Toàn cầu tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York nói: “Một nước Nhật Bản khỏe mạnh tốt cho Mỹ và tốt cho nền kinh tế thế giới”.

Đó là lý do tại sao nhiều nhà kinh tế học và doanh nhân đã rất hào hứng về Abenomics. Cuối cùng thì, một nhà lãnh đạo Nhật Bản dường như đã sẵn lòng làm điều cần thiết để phục hồi lại nền kinh tế. Bị Abe thúc giục, Haruhiko Kuroda, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), đã bắt tay vào thực hiện một chương trình kích thích được gọi là nới lỏng định lượng (QE), làm tràn ngập nền kinh tế bằng tiền mặt để phá vỡ sự giảm phát mang tính xói mòn mà đã kiềm chế chi tiêu và đầu tư. Mặc dù chịu gánh nặng bởi một sự thâm hụt ngân sách đáng buồn và khoản nợ của chính phủ lên đến 240% GDP, lớn nhất trong thế giới công nghiệp hóa, Chính quyền của Abe đã tăng chi tiêu. Thủ tướng cũng đã cam kết sẽ có thêm nhiều phụ nữ hơn gia nhập lực lượng lao động, bãi bỏ quy định ngành công nghiệp và tự do hóa khu vực nông nghiệp bị hạn chế và không hiệu quả. Ông đã bước vào các cuộc đàm phán để tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do được thúc đẩy bởi Nhà Trắng mà sẽ mở cửa Nhật Bản rộng hơn cho sự cạnh tranh toàn cầu. Schoenholz nói:“Tôi không nhìn thấy một chiến lược tốt hơn để phục hồi Nhật Bản”.

Nhưng những lợi ích của Abenomics chưa bao giờ hoàn toàn tới được Main Street. Toshiaki Funakubo, Giám đốc điều hành Công ty Showa Seisakusho đặt tại Tokyo, công ty sản xuất các phụ tùng mới và các vật liệu khác cho các tập đoàn, nói rằng ông đã không nhìn thấy công ty mới nào kể từ khi bắt đầu chương trình Abenomics. Ông phàn nàn rằng tình hình tài chính của công ty gồm 40 người của ông – đã thua lỗ trước khi Abe nhậm chức – đã trải qua tình trạng căng thẳng lớn hơn. QE đã gây suy yếu đồng yên, làm cho các chi phí tăng lên vì giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn. Theo Funakubo, Abenomics “chỉ đang che đậy những vết thương, nhưng không chữa trị các vấn đề căn bản”. Với kế hoạch QE đẩy giá cả tăng lên của BOJ, thậm chí khi tiền lương không tăng, hộ gia đình trung bình của Nhật Bản có thể ít đủ khả năng chi trả hơn, gây sức ép cho tầng lớp trung lưu. Abe đã thêm vào gánh nặng này vào tháng 4 khi mà, chịu khuất phục trước những thực tế về kho bạc trống rỗng của chính phủ, ông đã thúc đẩy một sự gia tăng trong thuế tiêu dùng. Mặc dù đây là sự gia tăng nhỏ - từ 5% lên 8% - nó đã làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Nhà kinh tế học Courtis tính toán rằng vào cuối năm 2015, khi được điều chỉnh vì những chi phí mới này, Abenomics sẽ cắt giảm hơn 9% thu nhập của một người làm công ăn lương. 

Một số người ủng hộ Abenomics tin rằng khoản thuế này đã không đúng lúc, được áp đặt chỉ khi chương trình này đang bắt đầu cho thấy những kết quả. Những người khác lo ngại rằng tài chính quốc gia của Nhật Bản căng thẳng đến nỗi Abe không có sự lựa chọn nào ngoài việc bắt đầu sửa chữa chúng. Vào ngày 1/12, Moody’s đã hạ bậc chỉ số tín dụng quốc gia của Nhật Bản, nói rằng “sự không chắc chắn tăng thêm về khả năng đạt được các mục tiêu cắt giảm thâm hụt tài khóa”. Takatoshi Ito, một giáo sư tại Viện Đại học Quốc gia về Nghiên cứu chính sách của Tokyo và một trong những nhà kinh tế học được kính trọng nhất của Nhật Bản, nói: “Sự thất bại của Abenomics đồng nghĩa với một hậu quả rất khủng khiếp. Chúng ta đang tiến tới cơ hội cuối cùng”.

Yuji Kano đang trải qua tình hình bất lợi này. Là một người quản lý cửa hàng trò chơi điện tử Topboy ở quận Kamata của Tokyo, Kano nói rằng doanh số đã giảm 30% trong năm nay, buộc cửa hàng phải cho nghỉ việc 3 trong số 7 nhân viên của nó. Các khách hàng của ông lo lắng về khả năng chi trả các nhu yếu phẩm, như thực phẩm và chăm sóc sức khỏe đến nỗi không muốn phung phí tiền bạc vào các trò chơi, và những người mua hàng có xu hướng tìm kiếm những mặt hàng rẻ nhất trên các giá hàng. Kano, 33 tuổi, nói: “Rất nhiều người đã từ bỏ việc mua sắm. Tôi không thể nhìn thấy bất cứ lợi ích nào từ Abenomics”.

Miếng ghép bị thiếu

Nhằm cố gắng sửa chữa thiệt hại, Abenomics đã được đặt vào tình trạng quá sức. Kuroda đến từ BOJ đã thông báo hồi tháng 10 rằng ngân hàng trung ương sẽ mở rộng chương trình QE vốn đã có quy mô rất lớn để ngăn Nhật Bản trượt vào giảm phát. Vào tháng 11/2014, Abe đã quyết định hoãn một đợt tăng thuế tiêu dùng, ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2015, nhằm xoa dịu sức ép đối với các hộ gia đình. Tuy nhiên đó là điều dễ dàng. Mặc dù rất nhiều tiền mặt đang lưu thông tại Nhật Bản, các doanh nhân, cả lớn lẫn nhỏ, hiện không đầu tư và tiêu dùng nó. Để thực sự cứu vớt Abenomics, Thủ tướng phải làm điều gì đó khó khăn hơn: cải cách sâu hơn và nhanh hơn mà sẽ tạo ra các cơ hội mới và đẩy nhanh tăng trưởng. Mũi tên thứ ba phải trúng đích.

Abe đã chậm chạp trong việc hoàn thành những cam kết về cải cách của ông. Vào tháng 6/2013, ông đã thông báo một chương trình nhằm tạo ra các vùng đặc biệt trong đó chính phủ sẽ thử nghiệm các thị trường tự do hơn, ít bị điều tiết hơn. Chẳng hạn như, những điều này sẽ bao gồm dỡ bỏ một số hạn chế đối với các bác sỹ nước ngoài để tạo sự dễ dàng hơn cho họ hành nghề trong đất nước này, hay nới lỏng các quy định về xây dựng nhằm một lần nữa tiếp thêm sinh lực cho khu vực xây dựng. Gần 18 tháng sau đó, chỉ 2 trong số 6 vùng được lựa chọn đã khởi động, và ngay cả những vùng đó cũng chỉ nằm trong các giai đoạn thực hiện ban đầu. Các cuộc đàm phán để thông qua TPP đã ngừng lại do sự kháng cự của Abe đối với việc mở cửa khu vực nông nghiệp được bảo hộ quá mức của Nhật Bản. Một số sự thay đổi mang tính quyết định nhưng nhạy cảm về mặt chính trị có vẻ như không được đưa ra thảo luận nữa, như việc cho phép nhiều người nhập cư hơn để bù lại cho trở ngại về kinh tế của một bộ phận dân chúng đang già đi. Schoenholtz đến từ Trường Kinh doanh Stern nói: “Chúng ở rất xa nơi mà chúng nên có mặt”.

Koichi Hamada, một nhà kinh tế học tại Đại học Yale và là cố vấn đặc biệt của Abe, tin rằng Thủ tướng có ý định hành động một cách tích cực hơn về cải cách sau các cuộc bầu cử. Hamada nói rằng Abe có một “đầu óc rất quả quyết để theo đuổi các thành phần quan trọng của mũi tên thứ ba”. Một số nhà phân tích vẫn đầy hy vọng rằng cùng với việc các cuộc bầu cử bị chệch hướng, Abe sẽ bạo gan thúc giục sự thay đổi cứng rắn. Theo lời Gerald Curtis, một chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại Đại học Columbia của Thành phố New York, Abe “đã đồng ý với quan điểm rằng ông thực sự phải tập trung vào các cải cách kinh tế này, rằng không hoàn thành được bất cứ việc gì và không có cách nào để vẫn nắm quyền nếu Abenomics không thành công”.

Những người khác đã mất lòng tin vào Abe. Bất chấp việc có được đa số lớn trong Nghị viện suốt 2 năm qua, Abe đã đạt được rất ít thứ, và những người chỉ trích sợ rằng ông thiếu ý chí chính trị để vượt qua sự kháng cự đối với cải cách, ngay cả bên trong đảng của chính ông. Theo Seki Obata, một giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Keio ở Tokyo, các nhà hoạch định chính sách của Abe “không muốn tiến hành cải cách. Họ chỉ muốn chọn con đường dễ dàng”. Cũng có mối quan ngại rằng Abe sẽ ưu tiên các khía cạnh khác, gây tranh cãi tương tự trong chương trình chính sách của ông: đó là mở rộng vai trò của quân đội Nhật Bản và vạch ra một chương trình nghị sự theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. Điều đó có thể khiến ông miễn cưỡng dùng hết vốn liếng chính trị hiếm hoi vào các chính sách kinh tế gây tranh cãi. Kingston đến từ Đại học Temple nói: “Abenomics giống một danh thiếp” hơn đối với Abe. “Nó không phải là một sự nhiệt huyết”.

Tuy nhiên Abe tốt hơn nên khiến ngọn lửa nhiệt huyết đó bùng cháy. Theo Ito đến từ Viện Đại học Quốc gia: “Chiến lược tăng trưởng là hy vọng duy nhất. Nếu mũi tên thứ ba không có hiệu quả trong 2 năm tới, chúng ta sẽ khốn đốn”. Và khi đó những bà nội trợ tiết kiệm của Nhật sẽ có nhiều điều hơn để càu nhàu.

Theo “Time

Hương Trà (gt)