Ấn Độ tỏ thái độ quan ngại đối với sự nổi lên toàn cầu nhanh chóng của Trung Quốc. Các vấn đề biên giới chưa được giải quyết, yếu tố đã dẫn đến cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962, đã nóng lại trong những năm gần đây. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đang cố gắng nhanh chóng xây dựng các chính sách hiệu quả để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc khi đồng thời theo đuổi cả chiến lược ngoại giao nhằm khuyến khích một giải pháp hoà bình cho các tranh chấp biên giới và thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và kinh tế vững mạnh, lẫn chiến dịch hiện đại hoá quân sự đầy tham vọng nhằm nâng cao khả năng hải, không quân và tên lửa của Ấn Độ. 

Bằng việc tăng cường tiềm lực hải quân, Ấn Độ sẽ củng cố vị thế của mình ở Ấn Độ Dương và nâng cao khả năng triển khai sức mạnh vào Thái Bình Dương. Niu Đêli cũng tiếp tục thúc đẩy chương trình tên lửa tầm trung của mình để làm nản lòng Bắc Kinh và củng cố khả năng không quân để đối phó với các va chạm có thể bùng nổ dọc biên giới còn tranh chấp của mình. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng chú ý nhiều hơn đến Ấn Độ. Những lợi ích ở sườn phía Nam đã dẫn đến việc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) củng cố lực lượng của mình ở quân khu Lan Châu và Thành Đô giáp với Ấn Độ. 

Mỹ phải thận trọng quan sát các xu hướng trong quan hệ Trung - Ấn và đưa vào tính toán trong các chiến lược chung của mình ở khu vực châu Á. Một nước Ấn Độ mạnh có khả năng tự chống lại Trung Quốc là nằm trong lợi ích của Mỹ. 

Đi cùng với thái độ gây hấn hơn của Trung Quốc ở biển phía Đông Trung Quốc và biển Biển Đông trong năm qua là quan điểm cứng rắn hơn trong các tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Mùa hè năm ngoái, Ấn Độ thực hiện một bước đi chưa từng có là tạm dừng các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc để phản ứng lại việc Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho một tướng của Ấn Độ làm việc ở Jammu và Casơmia. Chuyến thăm Niu Đêli tháng 12 năm ngoái của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã giúp hạ nhiệt bất đồng này và các tiếp xúc quân sự đã được nối lại từ đó. Tuy nhiên, sự kiện này cho thấy sự mong manh trong việc nối lại quan hệ Trung - Ấn và khả năng xảy ra những căng thẳng sâu sắc trong các vấn đề biên giới chưa được giải quyết tăng lên. 

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Ấn Độ tuần này để tham gia đối thoại chiến lược đem lại cơ hội bắt mạch thái độ của Ấn Độ đối với Trung Quốc và thảo luận các sáng kiến ngoại giao và an ninh mới góp phần duy trì một sự cân bằng sức mạnh ở châu Á. Mỹ nên thể hiện sự ủng hộ đối với công cuộc hiện đại hoá quân đội của Ấn Độ và củng cố mối quan hệ quân sự Mỹ - Ấn Độ. Mặc dù thất vọng về việc Ấn Độ loại bỏ hai công ty Mỹ trong cuộc cạnh tranh cung cấp máy bay chiến đấu đa năng tầm trung (MMRCA) cho Ấn Độ, nhưng Mỹ chắc chắn sẽ ký kết các thương vụ quốc phòng lớn khác với Ấn Độ khi nước này theo đuổi một chiến dịch hiện đại hoá quân đội đầy tham vọng, trong đó có kế hoạch chi khoảng 35 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. 

Thực vậy, trong năm nay, hai bên đã hoàn tất thoả thuận trị giá gần 4 tỷ USD để Mỹ cung cấp máy bay C-17 đủ để Ấn Độ trở thành nước có số lượng máy bay C-17 lớn thứ hai thế giới. Tăng cường hợp tác Mỹ - Ấn trong lĩnh vực an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương cũng là một lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và có thể tạo cơ sở cho những sáng kiến mới. 

Việc Ấn Độ loại công ty Mỹ trong giao dịch MMRCA đã tăng thêm tính hiện thực cho các mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ và nhắc nhở các quan chức Mỹ rằng mối quan hệ đang đâm chồi sẽ không bao giờ đáp ứng đầy đủ các mong đợi của bên này hay bên kia. Tuy nhiên, thách thức chiến lược đang tăng lên từ sự nổi lên của Trung Quốc chắc chắn sẽ buộc Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và các lĩnh vực quan trọng khác như vũ trụ, an ninh hàng hải và không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Điều gì thúc đẩy sự cạnh tranh Trung - Ấn? 

Những yếu tố thúc đẩy sự kình địch Trung - Ấn hiện nay là đa dạng và phức tạp. Mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc lớn gấp nhiều lần nền kinh tế của Ấn Độ và khả năng quân sự truyền thống của Trung Quốc ngày nay cũng vượt trội so với Ấn Độ trên gần như tất cả các lĩnh vực, nhưng Bắc Kinh đã bắt đầu chú ý đến sức mạnh chính trị và kinh tế toàn cầu đang tăng lên của Ấn Độ, cũng như sự ủng hộ rộng lớn của Mỹ cho việc mở rộng các mối quan hệ chiến lược với Ấn Độ. 

Về phần mình, cùng với những nghi ngờ từ lâu liên quan đến mối quan hệ gần gũi và sự ủng hộ về quân sự của Trung Quốc cho Pakixtan, Ấn Độ coi việc tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở Bắc Pakixtan và việc mở rộng hợp tác hạt nhân dân sự giữa Bắc Kinh và Ixlamabát là rất đáng lo ngại. Các chiến lược gia quân sự Ấn Độ tin rằng họ phải sẵn sàng cho tình huống chiến tranh trên cả 2 mặt trận, với Pakixtan và Trung Quốc, dù họ tích cực tìm kiếm đối thoại với cả hai nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tình huống tồi tệ này. 

Đồng thời, những đánh giá của Trung Quốc về việc lập kế hoạch quân sự của Ấn Độ cho thấy một quan điểm ở Bắc Kinh rằng Niu Đêli coi Trung Quốc là một mối đe dọa lớn. Một đánh giá của Trung Quốc kết luận rằng quân đội Ấn Độ coi Pakixtan là đối thủ tác chiến chính và Trung Quốc là đối thủ tác chiến tiềm tàng. Đánh giá này cũng mô tả rằng Ấn Độ đang cho rằng Trung Quốc và Pakixtan liên kết chặt chẽ với nhau trong việc đe dọa Ấn Độ. 

Sự kình địch Trung - Ấn cũng bị thúc đẩy bởi nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên tăng nhanh ở mỗi nước bởi nền kinh tế của hai nước tiếp tục phát triển vững chắc dù kinh tế toàn cầu suy thoái. Cuộc tranh giành nguồn năng lượng và các nguồn tài nguyên nước sẽ ngày càng định hình con đường cạnh tranh của họ cũng như nỗ lực của mỗi nước nhằm mở rộng các mối quan hệ thương mại và kinh tế với các nước vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nước kia. 

Những căng thẳng biên giới sôi sục 

Những tranh chấp biên giới lâu đời giữa Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục gây ra va chạm giữa hai nước dù các cuộc đàm phán về biên giới đã bắt đầu từ thập niên 1980. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng hơn 14.000 dặm vuông lãnh thổ của Ấn Độ ở Aksai Chin dọc biên giới phía Bắc ở Casơmia (thường được gọi là khu vực phía Tây), trong khi Trung Quốc đòi hơn 34.000 dặm vuông thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ (khu vực phía Đông). Hai bên đã xảy ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 khi Trung Quốc chiếm khu vực biên giới chung phía Đông và phía Tây và kết thúc bằng việc thôn tính khu vực Aksai Chin, một khu vực cằn cỗi rộng lớn thuộc bang Jammu và Casơmia. Ấn Độ cũng là nước tiếp nhận lâu dài Đạtlai Lạtma và khoảng 100.000 người tị nạn Tây Tạng khi Trung Quốc thôn tính Tây Tạng năm 1950. 

Trong khi đó, theo Bắc Kinh, Ấn Độ đang chiếm đóng trái phép lãnh thổ có được trong thời kỳ "những hiệp ước không bình đẳng". Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã không bao giờ chấp nhận tính pháp lý của Đường McMahon là đường ranh giới Trung - Ấn ở Tây Tạng, coi đó là do cho rằng triều đại phong kiến yếu kém và chính phủ cộng hoà bị ép buộc bởi sự cai trị của Anh ở Ấn Độ. 

Năm 2003, hai bên đã cử "đặc phái viên" - Ấn Độ là cố vấn an ninh quốc gia và Trung Quốc là thứ trưởng bộ ngoại giao - để nâng cấp và làm cho đúng nguyên tắc các cuộc thảo luận biên giới. Kể từ đó, hai bên đã làm rõ bản đồ của khu vực ở giữa các đường biên giới tranh chấp của họ – (đường biên giới với bang Sikkim của Ấn Độ). Tuy nhiên, đã không có sự trao đổi bản đồ nào của các khu vực biên giới tranh chấp phía Đông và Tây. 

Mối quan tâm của Trung Quốc đến việc củng cố sự kiểm soát của mình ở Tây Tạng và những nhận thức của nước này về ảnh hưởng toàn cầu đang tăng lên cũng như các mối quan hệ gần gũi hơn của Ấn Độ với Mỹ đã dẫn đến việc Bắc Kinh có quan điểm cứng rắn hơn trong các tranh chấp biên giới với Niu Đêli trong vòng 5 năm qua. Trung Quốc ngày càng đặt câu hỏi về chủ quyền của Ấn Độ đối với các bang Arunachal Pradesh và Jammu và Casơmia, và đã thúc đẩy các hoạt động thăm dò dọc các phần khác nhau của biên giới chung giữa hai nước. Trung Quốc cũng xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự và mở rộng hệ thống đường bộ, đường sắt và đường hàng không nối với các khu vực biên giới. 

Quan điểm ngày càng cứng rắn của Trung Quốc có thể thấy từ những bình luận của đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ trước chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tháng 11/2006 khi nói rằng toàn bộ bang Arunachal Pradesh là một phần của Trung Quốc. Tiếp đó, trong những năm gần đây, các nhà bình luận Trung Quốc đã bắt đầu thường ám chỉ Arunachal Pradesh là "Nam Tây Tạng". Trước năm 2005, Trung Quốc không bao giờ đề cập đến "Nam Tây Tạng" trên các phương tiện truyền thông chính thức. Năm 2009, Trung Quốc phản đối một khoản cho vay của Ngân hàng phát triển châu Á vì một phần của khoản vay đó được dành cho một dự án phân bổ nước ở Arunachal Pradesh - một sự thể hiện nữa cho thấy Trung Quốc đang đặt nghi vấn về chủ quyền của Ấn Độ đối với bang này một cách công khai hơn. 

Những động thái này đã báo hiệu cho Niu Đêli rằng Trung Quốc có thể quay lưng lại với hiệp định biên giới năm 2005, "Hiệp định về các khung tham chiếu chính trị và các nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết vấn đề đường biên giới". Cụ thể hơn, vì Hiệp định 2005 quy định rằng "dân chúng định cư sẽ không bị làm xáo lộn", Ấn Độ lập luận rằng Trung Quốc đã vi phạm hiệp định 2005 khi đưa ra đòi hỏi đối với Tawang ở Arunachal Pradesh. Những người đối thoại Trung Quốc khẳng định Tawang là một phần của Tây Tạng bởi vì một trong các Đạtlai Lạtma đã được sinh ra ở đó. Trung Quốc đã phản đối các chuyến thăm Tawang gần đây của thủ tướng Ấn Độ và Dalai Lama. 

Bên cạnh việc nêu ra những nghi vấn về vị thế của bang Arunachal Pradesh, Trung Quốc cũng đặt ra những câu hỏi về chủ quyền của Ấn Độ đối với bang Jammu và Casơmia. Năm 2009, Bắc Kinh bắt đầu cấp giấy thị thực cho những người mang hộ chiếu Ấn Độ đến từ bang Jammu và Casơmia. Tiếp đó, tháng 7/2010, Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho Trung tướng Jaswal, Tư lệnh Bộ chỉ huy phía Bắc, bao gồm cả các phần của Casơmia. Tướng Jaswal dự định đến Bắc Kinh để tham dự đợt trao đổi quân sự cấp cao Trung - Ấn. Phản ứng lại việc Trung Quốc từ chối cấp thị thực cho Tướng Jaswal, Ấn Độ tạm dừng việc trao đổi quân sự song phương. 

Vấn đề thị thực này dường như đã được giải quyết khi Ấn Độ đã nối lại các tiếp xúc quân sự với Trung Quốc vào tháng trước bằng việc cử một phái đoàn quân sự 8 người đến Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra sau khi có những tin tức trên phương tiện truyền thông rằng Trung Quốc bắt đầu cấp thị thực phổ thông cho cư dân Ấn Độ ở Jammu và Casơmia. 

Kể từ cuộc xung đột biên giới Kargil năm 1999 giữa Ấn Độ và Pakixtan, quan điểm của Bắc Kinh đối với Casơmia dường như đã tiến triển theo hướng trung lập hơn. Trong cuộc xung đột đó, Bắc Kinh đã giúp thuyết phục Pakixtan rút lực lượng khỏi khu vực bên kia Đường kiểm soát, thuộc phía Ấn Độ, sau khi họ xâm nhập cao điểm Kargil ở Casơmia. Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng quan điểm của mình rằng hai bên nên giải quyết cuộc xung đột Casơmia thông qua đàm phán song phương, không phải bằng lực lượng quân sự. Tuy nhiên, vấn đề phân loại thị thực và việc Bắc Kinh từ chối cấp thị thực cho một sĩ quan quân đội Ấn Độ ở Casơmia đã làm nảy sinh những lo ngại ở Niu Đêli rằng Trung Quốc đang quay lại chính sách ủng hộ Pakixtan trong vấn đề Casơmia. Các nhà bình luận Ấn Độ đã lưu ý rằng việc Trung Quốc từ bỏ quan điểm trung lập đối với vấn đề Casơmia có thể đối mặt với những nước đi khôn khéo của Ấn Độ, ngày càng nghi vấn về chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng. 

Tăng cường các hoạt động quân sự 

Trong khi đó, các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở khu vực đã được mở rộng. Tháng 7/2010, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, Nhật báo Quân giải phóng, đưa tin rằng các đơn vị của Lực lượng không quân Quân giải phóng nhân dân (PLAAF) đang tham gia tuần tra bằng các máy bay tác chiến có vũ khí. Các máy bay này được cho là có máy bay chiến đấu Su-27 hay J-11 (phiên bản sản xuất trong nước của Su27). 

Tiếp theo, các cuộc tuần tra tác chiến trên không là cuộc diễn tập hậu cần tháng 8/2010 trên tuyến đường sắt mới được xây dựng Thanh Hải - Tây Tạng. Cuộc diễn tập này đánh dấu lần đầu tiên PLAAF sử dụng đường sắt cho mục đích quân sự với việc Phòng vận tải quân sự của Cục hậu cần PLAAF giám sát việc vận chuyển các "nguyên vật liệu để sẵn sàng chiến đấu" đến Tây Tạng. Điều này dường như phản ánh vai trò đang tăng lên của PLAAF trong việc duy trì an ninh dọc biên giới Trung - Ấn ở khu vực Tây Tạng. 

Tháng 10/2010, có thông tin rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên đã thực hiện diễn tập bắn đạn thật chung ở Tây Tạng, với sự tham gia của các đơn vị thiết giáp, pháo binh, không quân và chiến tranh điện tử cũng như nhiều thiết bị mới. Do sự chú trọng vào các chiến dịch chung trong học thuyết của PLA, các cuộc diễn tập này không có gì gây ngạc nhiên, tuy nhiên nó cho thấy mức độ các chiến dịch này được thực hiện trong khắp lực lượng quân đội chứ không chỉ ở khu vực đối diện Đài Loan. 

Các chuyên gia quan sát Ấn Độ không diễn giải thái độ quả quyết mới có của Trung Quốc như là việc sẵn sàng cho xung đột sắp xảy ra và họ tiếp tục tính toán rằng khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh Trung - Ấn toàn diện là thấp. Tuy nhiên, họ tin rằng Trung Quốc có thể đang cố nâng cao vị thế mặc cả của mình trong các cuộc đàm phán biên giới. Các nhà quan sát Ấn Độ lưu ý rằng các vụ xâm nhập qua biên giới đang tranh chấp có thể nhằm mục đích giành lợi thế chiến thuật để hỗ trợ cho các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. 

Ấn Độ có đôi chút muộn màng cũng đã tìm cách để đối phó với các động thái của Trung Quốc và để củng cố những yêu sách chủ quyền của mình ở khu vực biên giới tranh chấp bằng việc tăng cường lực lượng và xây dựng các con đường dọc biên giới chung. Các biện pháp này bao gồm việc triển khai hai phi đội máy bay chiến đấu Su-30 ở Assam và huy động 2 sư đoàn miền núi để triển khai tại Arunachal Pradesh. Ấn Độ cũng bố trí lại các thành phần của sự đoàn miền núi thứ 27 từ Jammu và Casơmia đến phần đất phân cắt Ấn Độ, Tây Tạng và Butan và nối Ấn Độ với các bang Đông Bắc còn lại của mình. Ấn Độ đang khôi phục các sân bay dọc biên giới với Trung Quốc, trong đó có sân bay ở khu vực Ladakh. 

Ấn Độ phải tăng cường tính toán nguy cơ xung đột ở các vùng biên giới có tranh chấp với Trung Quốc trong việc lập kế hoạch và các dự báo an ninh của mình. Mặc dù các chiến lược gia Ấn Độ đánh giá rằng Pakixtan gây ra mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Ấn Độ, nhưng họ cũng ngày càng coi Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lâu dài quan trọng. 

Để ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc dọc biên giới Ấn Độ, các chiến lược gia Ấn Độ tin rằng họ phải xây dựng lực lượng có khả năng gây ra những tổn thương nghiệm trọng cho các lực lượng của Trung Quốc ở Tây Tạng. Trung Quốc có lợi thế so với Ấn Độ về sức mạnh trên không. Tuy nhiên, do những hạn chế về cơ sở hạ tầng ở Tây Tạng, khả năng triển khai sức mạnh không quân lớn của Trung Quốc ở khu vực biên giới với Ấn Độ vẫn là một dấu hỏi. 

Ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên ở Nam Á 

Trung Quốc đang chú ý củng cố các mối quan hệ với đồng minh truyền thống Pakixtan và dần giành thêm ảnh hưởng đối với các quốc gia Nam Á khác. Bên cạnh việc xây dựng cảng biển ở Sittwe (Mianma), Trung Quốc còn đầu tư phát triển các cảng ở Hambantota (Xri Lanca) và Gwadar (Pakixtan) và cũng đề nghị hỗ trợ Bănglađét trong việc phát triển cảng nước sâu ở Chittagong. Vì Trung Quốc nhập khẩu khoảng 70% nhu cầu năng lượng của mình, nên việc nước này quan tâm đến phát triển các cảng này chủ yếu là nhằm giúp bảo đảm con đường tiếp cận các nguồn cung cấp năng lượng quan trọng yếu. 

Trung Quốc đã đầu tư khoảng 200 triệu USD vào cảng Gwadar trên bờ biển Arập của tỉnh Baluchistan , Tây Nam Pakixtan. Bộ trưởng Quốc phòng Pakixtan gần đây còn khẳng định Pakixtan đã mời Trung Quốc bắt đầu xây dựng một căn cứ hải quân ở Gwadar. Các quan chức Trung Quốc công khai bác bỏ thông tin này. Không rõ là có phải Ixlamabát đã không phối hợp với Bắc Kinh khi đưa ra tuyên bố này, hay đây là một vở kịch được dàn dựng công phu để đưa một tín hiệu, chủ yếu là đến Mỹ và Ấn Độ, về ảnh hưởng tiềm tàng của một mối quan hệ đồng minh quân sự Trung Quốc - Pakixtan tốt đẹp. 

Trung Quốc duy trì quan hệ quân sự mạnh mẽ với Pakixtan và coi quan hệ đối tác tốt với Pakixtan là cách hữu ích để kiềm chế sức mạnh Ấn Độ ở khu vực và hướng sức mạnh quân sự và sự chú ý chiến lược của Ấn Độ ra khỏi Trung Quốc. Máy bay chiến đấu JF-17 Thunder của Trung Quốc hiện đang được sản xuất hàng loạt ở Tổ hợp hàng không Pakixtan, và đợt máy bay đầu tiên từ 250 đến 300 chiếc đã được lên kế hoạch sản xuất. Trung Quốc cũng lên kế hoạch cung cấp cho Pakixtan máy bay chiến đấu tầm trung J-10 với đợt chuyển giao đầu tiên từ 30-35 máy bay. Các vụ bán vũ khí truyền thống khác còn có tầu khu trục F-22P có trực thăng, máy bay huấn luyện K-8, xe tăng T-85, máy bay F-7, vũ khí nhỏ và đạn dược. 

Quan hệ đối tác Trung Quốc - Pakixtan phục vụ lợi ích cho cả hai nước Trung Quốc và Pakixtan qua việc gây ra cho Ấn Độ mối đe dọa chiến tranh hai mặt trận nếu Ấn Độ có chiến tranh với một trong hai nước. Trước khi cuộc chiến Ấn Độ - Pakixtan kết thúc năm 1956, Trung Quốc đã liên tục yêu cầu Ấn Độ phải tháo dỡ một số điểm trên biên giới Trung - Ấn có tranh chấp, nhưng cuộc chiến tranh đã kết thúc với việc Pakixtan chấp nhận thoả thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian trước khi Trung Quốc có cơ hội thực hiện đòi hỏi của mình. Trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakixtan 1971, Trung Quốc có thái độ ít đe dọa hơn đối với Ấn Độ, có thể là do Liên Xô đã cảnh báo Trung Quốc. 

Trung Quốc chuyển giao thiết bị và công nghệ, và cung cấp các chuyên môn cụ thể cho các chương trình hạt nhân dân sự và tên lửa đạn đạo của Pakixtan trong suốt thập kỷ 1980 và 1990, giúp nâng cao sức mạnh của Pakixtan trong cân bằng chiến lược Nam Á. Sự phát triển đáng kể nhất trong hợp tác quân sự Trung Quốc - Pakixtan xảy ra năm 1992, khi Trung Quốc cung cấp cho Pakixtan 34 tên lửa tầm ngắn M-11. Bắc Kinh cũng xây dựng cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo theo hình thức chìa khoá trao tay gần Rawalpindi và giúp Pakixtan phát triển tên lửa đạn đạo nhiên liệu cứng có tầm bắn 750km Shaheen-1. 

Trung Quốc giúp Pakixtan xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân dân sự ở nhà máy Chasma ở tỉnh Punjab theo một thoả thuận đạt được trước khi nước này tham gia Nhóm cung cấp hạt nhân (NSG) năm 2004. Gần đây hơn, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy kế hoạch chuyển thêm 2 lò phản ứng hạt nhân mới cho Pakixtan (Chasma III và Chasma IV), nhưng Mỹ đã thể hiện rằng Trung Quốc phải xin phép chuyển giao công nghệ hạt nhân từ NSG. Các thành viên NSG đã thảo luận việc bán lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc cho Pakixtan này tại phiên họp toàn thể của nhóm cuối tháng 6 tại Hà Lan. Trung Quốc lập luận rằng thương vụ mua bán này nên được coi như là một phần trong thoả thuận trước đây của Pakixtan trước khi Bắc Kinh gia nhập NSG. 

Một quyết định của Chính quyền Obama cho phép thoả thuận hạt nhân Trung Quốc - Pakixtan được tiến hành sẽ mâu thuẫn với những tuyên bố trước đó của các quan chức Mỹ rằng việc xây dựng hai nhà máy hạt nhân mới có thể mâu thuẫn với những cam kết của Trung Quốc với NSG. Việc này cũng có thể hủy hoại an toàn và an ninh hạt nhân ở tiểu lục địa này do quyền tiếp cận ngày càng tăng của Pakixtan đối với công nghệ hạt nhân dân sự mà không có một cơ chế pháp lý bảo đảm hiệu quả có thể tạo ra mối đe dọa phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Những thông tin của các phương tiện truyền thông Mỹ khẳng định rằng có khoảng 7.000 - 10.000 lính PLA được triển khai đến Gilgit - Baltistan ở miền Bắc Pakixtan mùa hè năm ngoái để giúp tái thiết khu vực bị tàn phá bởi lụt lội đã gây lo ngại cho Niu Đêli. Các nhà phân tích Ấn Độ cũng lưu ý rằng sự hiện diện của các quân đoàn hậu cần và kỹ sư PLA ở khu vực để cứu trợ lũ lụt và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, đường sắt và các đập. Binh lính chủ yếu là các tiểu đoàn xây dựng giúp xây các đường giao thông kết nối giữa Pakixtan và Trung Quốc, có thể là từ cảng Gwadar. Tuy nhiên, Niu Đêli có thể thấy kinh ngạc với khả năng quân đội Trung Quốc đồn trú ở cả biên giới phía Đông và phía Tây Bắc của Casơmia thuộc Ấn Độ. 

Trung Quốc cũng sử dụng quân sự và trợ giúp khác để tranh thủ các nước Nam Á nhỏ hơn và giúp họ nâng cao sự tự chủ trong quan hệ với Ấn Độ. Bắc Kinh cũng đã bán các thuyền có tên lửa hiện đại cho Bănglađét và cung cấp viện trợ quân sự lớn cho Xri Lanca để giúp nước này giành chiến thắng trong cuộc chiến chống phong trào Những con hổ giải phóng Tamil năm 2009. 

Mối quan tâm chính của Trung Quốc ở Nêpan xuất phát từ mối lo ngại về việc một số lượng lớn người tị nạn Tây Tạng đang sinh sống ở đó. Gần 20.000 người Tây Tạng tị nạn đang sống ở Nêpan, làm cho nước này trở thành quốc gia có cộng đồng người Tây Tạng tị nạn lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh tăng cường can dự vào Nêpan sau cuộc nổi dậy của người Tây Tạng tháng 3/2008 nhằm chống lại sự thống trị của người Trung Quốc trước thềm Ôlympích mùa Hè tại Bắc Kinh năm 2008. Bắc Kinh đã ép buộc Nêpan thắt chặt biên giới của mình với Tây Tạng, dẫn đến việc số người Tây Tạng chạy sang Nêpan giảm mạnh trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng thúc đẩy thương mại với Nêpan và theo đuổi các dự án xây dựng đường sá và thuỷ điện.

Ấn Độ "liếc" sang phía Đông 

Về phần mình, Ấn Độ từ từ xây dựng các mối quan hệ chính trị và kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và với từng quốc gia Đông Nam Á, những nước nhìn chung đón nhận sự can dự của Ấn Độ để cân bằng với ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc. Ấn Độ trở thành thành viên của Hội nghị cấp cao Đông Á tháng 12/2005 và ký thoả thuận tự do thương mại với các nước ASEAN tháng 12/2008. Ấn Độ cũng gia tăng sự hiện diện hải quân ở Đông Nam Á với các cuộc diễn tập định kỳ với Xinhgapo, Thái Lan, Việt Nam và Inđônêxia. 

Cũng do Trung Quốc, Ấn Độ đã ưu tiên củng cố các mối quan hệ với Nhật Bản thông qua việc tăng cường tiếp xúc quân sự, hợp tác hàng hải và các quan hệ thương mại và đầu tư. Tôkyô đã cam kết khoản vay mềm 4,5 tỷ USD cho tuyến đường sắt vận tải Đêli–Mumbai và hai bên cũng đã ký một tuyên bố an ninh chung năm 2008, coi quan hệ đối tác giữa hai nước là "một trụ cột quan trọng cho kiến trúc tương lai của khu vực". Năm 2007 và 2009, Nhật Bản tham dự vào cuộc diễn tập hải quân Malabar ở Ấn Độ Dương. Trong một thay đổi đáng kể từ bỏ thái độ cứng rắn trước đây đối với chương trình hạt nhân của Ấn Độ, Tôkyô hiện đang đàm phán một thoả thuận hạt nhân dân sự với Niu Đêli. 

Tranh giành trên biển 

Sự cạnh tranh chiến lược Trung - Ấn ngày càng tập trung xung quanh các vấn đề hải quân. Ấn Độ lo ngại với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở trong và xung quanh Ấn Độ Dương và đang thận trọng đánh giá ý nghĩa của nó đối với vấn đề năng lượng và an ninh đường biển. Niu Đêli đặc biệt lo ngại về khả năng mở rộng hải quân của Trung Quốc, bao gồm cả việc phát triển tàu sân bay đầu tiên. 

Ấn Độ đang tăng ngân sách quốc phòng và tập trung chú ý đặc biệt vào việc xây dựng khả năng của lực lượng hải quân của mình. Trong tháng 2, Niu Đêli đã công bố ngân sách năm 2011 với việc chi phí cho quốc phòng tăng 11%. Ngân sách quốc phòng tăng và hải quân của Ấn Độ phát triển đã bắt đầu gây lo ngại cho Bắc Kinh vì đường huyết mạch năng lượng của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương đến eo biển Malắcca sẽ càng dễ bị tổn thương trước sự hiện diện của hải quân Ấn Độ. 

Ấn Độ có lực lượng hải quân lớn thứ 5 thế giới. Ấn Độ cũng đã có một tàu sân bay và đang cố gắng để từ nay đến năm 2020 đưa vào sử dụng thêm 3 tàu sân bay như một phần trong kế hoạch phát triển hải quân và mong muốn phát huy sức mạnh vượt ra ngoài Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc mua vũ khí và những yếu kém trong lĩnh vực đóng tàu có thể ngăn cản tiến trình phát triển của hải quân Ấn Độ. 

Ấn Độ cũng nuôi dưỡng cẩn thận mối quan hệ với các nước thuộc vành đai Ấn Độ Dương như Môrixơ, Manđivơ, Xâysen và Mađagaxca, cung cấp cho các nước này sự hỗ trợ về hải quân như tàu tuần tra hải quân ngoài khơi, nhân viên và huấn luyện. Tháng 2/2008, Ấn Độ đã triệu tập Hội nghị hải quân Ấn Độ Dương, mời các quốc gia ven biển tham dự thảo luận vấn đề an ninh hàng hải. Tiểu vương quốc Arập đã tổ chức hội nghị lần thứ hai vào tháng 5/2010. 

Ấn Độ theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Việt Nam nhằm cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc và con đường tiếp cận Ấn Độ Dương. Năm 2000, Niu Đêli đã khởi xướng quan hệ đối tác an ninh mới với Hà Nội, trong đó nhấn mạnh việc huấn luyện quân sự, việc cung cấp các vũ khí hiện đại và khả năng cho Ấn Độ có quyền tiếp cận Biển Đông thông qua căn cứ hải quân và không quân ở vịnh Cam Ranh. Các quan chức Ấn Độ từ lâu đã hiểu tầm quan trọng của Việt Nam ở Biển Đông và tiềm năng của nước này để cân bằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Việt Nam đã ngần ngại trong việc trao cho Ấn Độ quyền tiếp cận vịnh Cam Ranh và quan hệ đối tác an ninh Ấn Độ - Việt Nam vẫn bị hạn chế. Việt Nam ủng hộ yêu cầu của Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đã giúp ngăn chặn nỗ lực của Pakixtan để trở thành thành viên Diễn đang khu vực ASEAN. 

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng coi Ấn Độ là mối đe dọa trên biển cũng như trên đất liền. Một đánh giá về quân đội Ấn Độ được Đại học quốc phòng của PLA đưa ra cho rằng kể từ thập niên 1970, Ấn Độ ngày càng tập trung sự chú ý chiến lược vào Ấn Độ Dương. Theo Trung Quốc, sự thay đổi này bắt đầu từ sau cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakixtan năm 1971 với việc tăng cường xây dựng các căn cứ và lực lượng hải quân và cùng với đó là việc mở rộng các tư tưởng định hướng chiến lược nhằm vào Ấn Độ Dương, và được đẩy mạnh trong thập niên 1980 với việc Ấn Độ đưa quân đến Xri Lanca và Manđivơ. Mặc dù một số trong những nỗ lực hải quân này dường như là để nhằm vào các nước khác trong khu vực Ấn Độ Dương, đặc biệt là Pakixtan, nhưng Trung Quốc đánh giá những nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân đó của Ấn Độ cũng để nhằm vào các cường quốc quân sự ngoài khu vực. 

Việc Trung Quốc ngày càng phụ thuộc hơn vào thương mại đường biển để duy trì nền kinh tế của mình rõ ràng đã làm gia tăng những lo ngại của nước này về khả năng của hải quân Ấn Độ. Trung Quốc đánh giá rằng quân đội Ấn Độ đã mở rộng khu vực hoạt động của mình sang hướng Tây đến Vịnh Ba Tư và sang hướng Đông đến eo biển Malắcca, bao trùm cả những đường giao thông biển quan trọng (SLOC) mà dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua. 

Khi Trung Quốc hiện đại hoá hải quân của mình, có một số cơ hội để PLA thiết lập sự hiện diện lớn hơn ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ lo ngại - mối lo ngại đi liền với các hoạt động xây dựng cảng biển của Trung Quốc ở Mianma, Xri Lanca, Pakixtan và có thể là cả Bănglađét- rằng những cảng thương mại này có thể trở thành cảng hải quân nếu cần. Với việc Trung Quốc mua nhiều tầu ngầm tấn công hạt nhân mới và thêm các tàu ngầm điêzen cũng như việc giới thiệu tàu sân bay Thi Lang, hải quân PLA có thể chọn thiết lập sự hiện diện dài hạn, ổn định tại Ấn Độ Dương, một phần nhằm bảo đảm cho các đường giao thông biển quan trọng của mình. 

Tranh giành vũ trụ 

Ấn Độ đã đưa ra tín hiệu rằng nước này đang phát triển chương trình quân sự không gian để tương ứng với khả năng trên không gian đang tăng lên của Trung Quốc. Niu Đêli có một chương trình không gian dân sự hiện đại và đã phóng vệ tinh cho các nước khác, kể cả Ixraen. Quan chức từ Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã tuyên bố rằng mục đích của họ là nhằm sử dụng các hệ thống thông tin liên lạc và dẫn đường vệ tinh cho các "nhu cầu an ninh". Năm 2010, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã công bố các kế hoạch vệ tinh quân sự chuyên dụng cho cả ba lực lượng của mình. Tuy nhiên, ngân sách cho vũ trụ của Ấn Độ chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc (được công bố công khai là khoảng 2,2 tỷ USD). 

Cũng có những thông tin rằng Ấn Độ đã thể hiện ngày càng quan tâm đến khả năng chống vệ tinh (ASAT). Các tin truyền thông từ tháng 3/2011 về chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Ấn Độ đưa ra cho thấy nhưng dấu hiệu rằng một hệ thống như thế cũng có thể có nhiệm vụ chống vệ tinh. 

Về điểm này, khả năng khai thác không gian của Trung Quốc vượt hơn đáng kể so với Ấn Độ. Trung Quốc có nhiều hệ thống vệ tinh khác nhau, bao gồm hệ thống vệ tinh dẫn đường bản địa (Bắc Đẩu/Compass); nhiều hệ thống vệ tinh chụp ảnh trái đất khác nhau như Tài nguyên, Dao cảm; và một hệ thống chống vệ tinh đã được thử nghiệm. Các vệ tinh của Trung Quốc không chỉ có khả năng theo dõi và giám sát chống lại Ấn Độ, mà còn giúp lái các hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc nhằm vào các tàu sân bay của Ấn Độ và Mỹ. 

Xu hướng dân số nuôi dưỡng sự kình địch chiến lược 

Dân số của Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong khoảng 15 năm tới. Mặc dù đây không phải là yếu tố quyết định sự cân bằng sức mạnh chung giữa hai gã khổng lồ châu Á này, nhưng xu hướng dân số sẽ có vai trò trong động lực an ninh của khu vực. 

Sự khác biệt đáng chú ý nhất trong bức tranh dân số của Ấn Độ và Trung Quốc trong những thập kỷ tới là lực lượng trẻ tăng mạnh ở Ấn Độ trong khi dân số của Trung Quốc thì già đi. Các nhà phân tích của Cục điều tra dân số Mỹ ước tính số người mới gia nhập vào lực lượng lao động của Trung Quốc có thể đã gần đến mức trần 124 triệu vì dân số Trung Quốc trong độ tuổi từ 20-24 đạt đỉnh vào năm nay. Ngược lại, dân số trong độ tuổi từ 20 -24 của Ấn Độ sẽ chưa đạt đỉnh cho đến tận năm 2024 khi nó đạt mức 116 triệu. Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, trong thập niên tới, trong khi lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ tăng 110 triệu, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ tăng chưa đến 20 triệu. 

Sự khác biệt về dân số này có thể thúc đẩy nền kinh tế theo hướng làm cho Ấn Độ trở thành một đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Trung Quốc, cụ thể, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ vượt qua Trung Quốc. Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều nền kinh tế của Ấn Độ. Với trên 4,7 nghìn tỷ USD, GDP của Trung Quốc lớn gấp 4 lần GDP của Ấn Độ; GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 3.565 USD, gấp 3 lần của Ấn Độ; và Trung Quốc sản xuất ra khoảng 12% GDP toàn cầu trong khi Ấn Độ chỉ sản xuất ra khoảng 5%. Trung Quốc cũng nắm giữ các lợi thế về kinh tế xã hội so với Ấn Độ: Tỷ lệ người lớn biết chữ của Trung Quốc đứng ở mức 91%, so với mức 61% của Ấn Độ. 

Thương mại có thể giúp giảm nhẹ các lợi ích cạnh tranh khác 

Quan hệ thương mại và kinh doanh giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Thương mại song phương đã tăng từ mức 5 tỷ USD năm 2002 lên trên 60 tỷ USD năm 2010. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến Ấn Độ tháng 12 năm ngoái, hai bên đã nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế đang phát triển bằng việc cam kết đẩy thương mại trong 5 năm tới lên mức 100 tỷ USD/năm. 

Quan hệ thương mại phát triển nhanh giữa hai nước có thể giúp khuyến khích cả hai quan tâm đến sự ổn định của khu vực. Mặc dù Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ duy trì các quan hệ chiến lược gần gũi với Pakixtan, nhưng lợi ích kinh tế ở Ấn Độ tăng lên có thể thúc đẩy Trung Quốc chú ý hơn đến việc cân bằng quan hệ giữa Ấn Độ và Pakixtan. Mặt khác, một số nhà phân tích Ấn Độ cũng tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược hai mũi, vừa ru ngủ Ấn Độ bằng sự thoả mãn với việc tương tác kinh tế lớn hơn, vừa thực hiện các bước đi để cô lập và làm xói mòn an ninh của Ấn Độ. 

Mỹ nên làm gì 

Ấn Độ phải tính toán đến nguy cơ xung đột bùng nổ ở các khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc trong các dự báo và kế hoạch bảo đảm an ninh của mình. Mặc dù Pakixtan là mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Ấn Độ, nhưng các chiến lược gia Ấn Độ ngày càng coi Trung Quốc là thách thức an ninh dài hạn quan trọng nhất. Quan hệ an ninh lâu dài Trung Quốc - Pakixtan tiếp tục là nguồn gây lo ngại cho Niu Đêli và nhắc nhở khả năng xảy ra chiến tranh trên hai mặt trận. Mặc dù Ấn Độ tìm cách tránh xung đột với Trung Quốc, nhưng các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ cũng đánh giá rằng họ cần phải phát triển quân đội đủ khả năng ngăn chặn một Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh và quyết đoán. 

Mỹ nên theo đuổi sự can dự chiến lược và quân sự mạnh mẽ với Ấn Độ để khuyến khích cân bằng sức mạnh một cách ổn định ở châu Á nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc thống trị khu vực và các vùng biển xung quanh. Niu Đêli, không giống như nhiều thủ đô khác ở châu Á, lảng tránh ý tưởng trở thành một phần trong chiến lược "ngăn chặn" Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu. Một số chiến lược gia Ấn Độ thậm chí còn ủng hộ giải pháp không hết mình trong quan hệ đối tác Mỹ - Ấn để tránh việc làm Trung Quốc tức giận. Tuy nhiên, cách ứng xử của Trung Quốc trong các tranh chấp biên giới gần đây với Ấn Độ đã khiến Niu Đêli không có mấy sự lựa chọn ngoài việc phải sử dụng tất cả các con bài chiến lược của mình, bao gồm cả việc tăng cường phát triển và mở rộng các mối quan hệ với Mỹ. Nước này cũng phải tính toán rằng những lo ngại của Trung Quốc đối với chiến lược "ngăn chặn" có thể là một phần trong chiến thuật nhằm ngăn ngừa sự hợp tác gần gũi hơn của Ấn Độ với các quốc gia Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ. 

Quan hệ đối tác giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ gần như không thể phát triển thành một "liên minh" vì mục tiêu chính sách ngoại giao chính của Ấn Độ là duy trì "sự độc lập chiến lược" của mình. Tuy nhiên, một quan hệ đối tác tốt, giúp củng cố sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự đang tăng lên của Ấn Độ có thể đưa ra tín hiệu thống nhất giúp ngăn chặn sự hung hăng quân sự của Trung Quốc và kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc đòi xem xét lại biên giới theo hướng có lợi cho họ. 

Mỹ và Ấn Độ có chung lợi ích chiến lược trong việc thiết lập các giới hạn đối với quan điểm địa chính trị của Trung Quốc. Hai nước có thể hỗ trợ lẫn nhau củng cố các mục tiêu kể cả khi không trở thành "đồng minh" theo nghĩa truyền thống. Để thực hiện điều này, Mỹ nên: 

- Ủng hộ công cuộc hiện đại hoá quân sự của Ấn Độ, bao gồm cả nhu cầu đối với các công nghệ ngày càng phức tạp có liên quan đến các chương trình vũ khí chiến lược của Ấn Độ. Đầu năm nay, Mỹ đã thúc đẩy mục tiêu này khi bỏ việc kiểm soát xuất khẩu đối với nhiều tổ chức có liên quan đến không gian và quốc phòng của Ấn Độ. Tháng 1, Mỹ loại nhiều công ty con của Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ và Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ khỏi "danh sách các thực thể" không được mua các công nghệ lưỡng dụng nhất định của Bộ Thương mại Mỹ. 

Trong thập niên 1990, Mỹ đã gây sức ép đòi Ấn Độ thay đổi việc bố trí hạt nhân và tên lửa, và phản đối việc Ấn Độ phát triển tên lửa tầm ngắn Prithvi và tên lửa tầm trung Agni. Mỹ cần công nhận nhu cầu của Ấn Độ cải thiện khả năng chiến lược của mình để giải quyết các thách thức tiềm tàng từ sự nổi lên của Trung Quốc. 

- Đưa ra những sáng kiến mới để Ấn Độ Dương an toàn và bảo đảm. Mỹ và Ấn Độ đã cùng nhau tham dự các nỗ lực không chính thức cấp thấp nhằm giải quyết vấn đề cướp biển ngoài khơi Xômali và ở vịnh Aden . Tuy nhiên, Ấn Độ chưa gia nhập Lực lượng liên minh hàng hải do Mỹ dẫn đầu với lực lượng đặc biệt hỗn hợp (CTF-151), lực lượng được Mỹ thành lập trong nỗ lực đa phương chống cướp biển. Ấn Độ đã quan tâm hơn đến việc hợp tác với các nước khác trên cơ sở song phương để giải quyết vấn đề cướp biển hơn là gia nhập các tổ chức đa phương chống cướp biển. Năm 2008, Ấn Độ đã khởi xướng Hội nghị hải quân Ấn Độ Dương để thảo luận vấn đề an ninh hàng hải với các quốc gia ven biển khác, nhưng không có Mỹ. 

Mỹ nên tiếp tục hợp tác với Ấn Độ trong vấn đề an ninh hàng hải, đồng thời tìm cách thuyết phục Niu Đêli nên đưa thêm Mỹ, Anh và Ôxtrâylia vào các diễn đàn như Hội nghị hải quân Ấn Độ Dương. Một trong những mục đích chính của diễn đàn này có thể là thống nhất một bộ quy tắc ứng xử cho các tàu hải quân hoạt động trong khu vực và phát triển một kế hoạch hành động để giải quyết các vi phạm bộ quy tắc ứng xử này. 

Ngoài ra, Mỹ cũng nên xem xét việc lôi kéo hải quân Ấn Độ vào các lĩnh vực như huấn luyện chiến tranh chống tàu ngầm và khả năng giám sát đại dương. Những cải thiện trong các lĩnh vực này sẽ lại giúp bảo đảm cho Ấn Độ, đặc biệt là khi sự hiện diện của hải quân PLA tăng lên. 

- Vẫn can dự với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn khác và thực thi đầy đủ vai trò giám sát của mình ở Hiệp hội hợp tác khu vực Đông Nam Á (SAARC). Mỹ cần tiếp tục tập trung vào các mối quan hệ của mình với Nêpan, Xri Lanca và Bănglađét để các quốc gia này không coi Trung Quốc là cuộc chơi chính về kinh tế và chính trị ở đây. Ấn Độ rõ ràng là cường quốc vượt trội ở Nam Á, nhưng Trung Quốc đang có những thâm nhập mới vào các quốc gia này và có thể gây tổn hại cho sự ổn định và xu hướng dân chủ của khu vực. Mỹ nên tham gia đầy đủ vào SAARC để quy tụ và đảm bảo rằng sự hiện diện và ảnh hưởng của mình được cảm nhận trên khắp khu vực. 

- Tăng cường hợp tác với Ấn Độ để giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng. Tháng 12/2009, trên 200 máy tính của các quan chức cấp cao Chính phủ Ấn Độ, bao gồm cả người đứng đầu của 3 quân chủng và cựu cố vấn an ninh quốc gia Narayanan, đã bị tấn công từ Trung Quốc. Mỹ và Ấn Độ đã chậm chạp trong việc nắm bắt các cơ hội hợp tác trong các vấn đề an ninh mạng. Hai bên nên khảo sát các nỗ lực chung để giám sát đầu tư nước ngoài vào các công nghệ internet và viễn thông quan trọng nhằm thành lập một phương tiện chia sẻ thích hợp mối đe dọa mạng và các thông tin nguy hiểm để nâng cao an ninh chung cho các hệ thống mạng. 

- Tiếp tục đưa ra những thông điệp phù hợp với khu vực. Trong năm 2009, Chính phủ Mỹ đã do dự khi thúc đẩy "hợp tác" Mỹ - Trung ở Nam Á như trong Tuyên bố chung Mỹ- Trung. Nam Á là khu vực phụ cận trực tiếp của Ấn Độ và những lợi ích của Mỹ ở khu vực này giống với các lợi ích của Ấn Độ hơn so với của Trung Quốc. Ổn định Ápganixtan và đảm bảo rằng nước này không bao giờ quay trở lại thành thánh đường cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế là một ví dụ cho sự hội tụ lợi ích chiến lược Mỹ - Ấn ở khu vực. Nếu muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài với Ấn Độ, Mỹ phải bắt đầu bằng việc công nhận các lợi ích vượt trội của Ấn Độ ở Nam Á ngay cả khi nó thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển kinh tế ở toàn bộ tiểu lục địa này. 

Kết luận 

Căng thẳng Trung - Ấn, đặc biệt là trong các vấn đề biên giới chưa được giải quyết và sự cạnh tranh trên biển ở Ấn Độ Dương, sẽ tồn tại trong những năm tới và thậm chí có thể gây ra xung đột vũ trang, dù khả năng này là tương đối thấp. Mỹ phải tìm cách xây dựng quan hệ chiến lược và quốc phòng gần gũi hơn với Ấn Độ để vừa giúp duy trì trạng thái hoà bình ở khu vực, vừa giúp ngăn chặn bất cứ hành động hung hăng tiềm tàng nào của Trung Quốc. 

Quyết định của Ấn Độ loại bỏ máy bay của Mỹ khi mua máy bay chiến đấu đã đưa thêm tính thực tế vào trong các mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ. Tuy nhiên, những thách thức phức tạp xuất phát từ sự nổi lên của Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc đẩy Mỹ và Ấn Độ cải thiện các mối quan hệ và tăng cường hợp tác trên hàng loạt các lĩnh vực trong những năm tới. Có rất nhiều điều Mỹ có thể thực hiện, một cách thận trọng và chu đáo, để thúc đẩy sự hội tụ một cách tự nhiên của các lợi ích chiến lược này./.  

Theo Heritage

 Nhật Linh (gt)