Học giả Ấn Độ: Trung Quốc coi Ấn Độ là đối tượng dễ bắt nạt

Ngày 1/11, trong Podcast số mới ra của The Diplopmat, học giả Ấn Độ Manoj Kewalramani thuộc viện nghiên cứu Takshashila, Ấn Độ, đánh giá sự thay đổi về bản chất quan hệ Trung-Ấn và quan điểm của giới chức và học giả Ấn Độ về mối quan hệ này. Theo học giả, Trung Quốc không muốn đưa khu vực biên giới với Ấn Độ trở về trạng thái trước xung đột, ngăn cản Ấn Độ vươn lên trên trường quốc tế, coi Ấn Độ là đối tượng dễ bị cưỡng ép. Mặt khác, dù chính phủ Ấn Độ vẫn thận trọng tiếp cận vấn đề Eo biển Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nhưng mối quan hệ hai bên lại đang trên đà phát triển trên nhiều lĩnh vực như quan hệ nhân dân, kinh tế, đầu tư.

Theo học giả, Ấn Độ và Trung Quốc có cách nhìn nhận vấn đề xung đột biên giới hai nước khác nhau. Với Ấn Độ, khuôn khổ tồn tại trong 30 năm giúp cho quan hệ hai nước phát triển đã bị “ném qua cửa sổ” khi Trung Quốc để xảy ra xung đột tại vùng biên giới. Trong khi Trung Quốc coi vấn đề biên giới chỉ là một phần nhỏ ở trong mối quan hệ rộng hơn giữa hai nước, thì Ấn Độ cho rằng hai bên không thể có mối quan hệ bình thường nếu vấn đề biên giới không được giải quyết. Ấn Độ cho rằng Trung Quốc coi vấn đề biên giới là một vấn đề điểm nóng mang tính khu vực, có thể được kích hoạt bất cứ khi nào họ muốn để tạo áp lực và cưỡng ép chính phủ Ấn Độ. Điều này thể hiện ở việc Trung Quốc không muốn làm rõ những điều cơ bản như quan điểm và tuyên bố chủ quyền của họ. Trong khi đó, Trung Quốc lại coi các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng của Ấn Độ ở vùng biên giới là hành động làm leo thăng căng thẳng, thay đổi nguyên trạng.

Cho đến nay, hai bên đã có nhiều đối thoại, một số động thái rút quân, và không còn thế mặt đối mặt ở nhiều nơi, nhưng tình trạng leo thang căng thẳng vẫn không giảm do hai bên vẫn duy trì hiện diện quân sự tại vùng biên giới. Trung Quốc không có nỗ lực đưa vấn đề biên giới hiện nay trở về trạng thái trước kia do Trung Quốc đã đi quá xa và khó có thể thay đổi nguyên trạng và thực chất họ không muốn trở về trạng thái cũ, thay vào đó họ sẽ tiếp tục thúc đẩy để đạt được điều gì đó.

Ngay cả khi hai bên có rút quân hoàn toàn, thì về lâu dài, vẫn cần phải thiết lập lại các cơ chế, xây dựng lại lòng tin đã bị suy giảm nặng nề. Bên cạnh đó, hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng ở cả hai bên biên giới tiếp tục diễn ra sẽ làm tăng nguy cơ đụng độ. Tiến trình xây dựng này sẽ cần rất nhiều thời gian, nhưng Trung Quốc hiện vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ thực hiện tiến trình này.

Về các vấn đề quốc tế, từ góc nhìn của Ấn Độ, Trung Quốc đang có những nỗ lực mang tính hệ thống nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của Ấn Độ, chẳng hạn như việc Trung Quốc cản trở Ấn Độ dẫn dắt các cơ chế chống khủng bố, hay Ấn Độ gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG). Kèm với những hành động gây hấn tại vùng biên giới, phát ngôn của các cơ quan nhà nước và truyền thông Trung Quốc về các căng thẳng trong quá khứ, những động thái này biến Trung Quốc thành một nhân tố không đáng tin cậy đối với Ấn Độ. Ngoài ra, trong thời gian đại dịch, hàng loạt các vấn đề như nguồn gốc Covid-19, Đài Loan xin gia nhập WHO, ngoại giao thời đại dịch của Trung Quốc... đã tạo ra tâm lý vô cùng tiêu cực của Ấn Độ về Trung Quốc.

Từ phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình coi Ấn Độ là một vấn đề cụ thể mang tính khu vực, không phải là một thế lực cản đường tại khu vực, đồng minh với phương Tây, chặn đường bành trướng của Trung Quốc tại châu Á như giới học giả Ấn Độ nhìn nhận. Điều này là do Trung Quốc cho rằng, vì tính chất của nền dân chủ, hệ thống chính trị chia rẽ tại Ấn Độ, hay các vấn đề kinh tế - xã hội mà Ấn Độ phải đối mặt, nên Trung Quốc có thể dễ dàng tạo áp lực để tác động khiến Ấn Độ nhân nhượng trên nhiều mặt, chẳng hạn như vấn đề Tây Tạng, kháng cự các yêu cầu của phương Tây. Quả thực, cho đến nay, Ấn Độ vẫn không đưa ra lập trường cụ thể về Tân Cương, Hong Kong, và im lặng ngay cả trong vấn đề Đài Loan.

Về quan hệ Ấn Độ - Đài Loan, mặc dù chính phủ Ấn Độ vẫn tránh lên tiếng chính thức (Thượng đỉnh Quad không nhắc đến Đài Loan), tiếp tục thận trọng về vấn đề Đài Loan tại các diễn đàn quốc tế, nội bộ Ấn Độ hiện đang có rất nhiều tranh luận, diễn đàn (kênh 2) về việc tiếp cận, thúc đẩy mối quan hệ này, chẳng hạn như trong lĩnh vực trao đổi sinh viên, công nghệ, đầu tư, đặc biệt nếu so với thời điểm hai năm trước, khi chưa có đại dịch. Đồng thời, quan hệ nhân dân, kinh tế ngày càng tăng. Dư luận Ấn Độ cũng rất ủng hộ Đài Loan, trong khi các đảng viên đảng cầm quyền tăng cường tiếp cận với giới chức Đài Loan.

Tuy vậy, cộng đồng nghiên cứu chiến lược trong chính phủ Ấn Độ cần tập trung xem xét nghiêm túc hơn những cơ hội và thách thức đối với Ấn Độ khi thay đổi nguyên trạng tại Eo biển Đài Loan, tác động thế nào tới các lợi ích của Ấn Độ khi tình thế thay đổi.

Để hiểu đúng đắn về Trung Quốc, ông Kewalramani cho rằng, truyền thông Ấn Độ cần sử dụng nguồn tin từ Trung Quốc nhiều hơn khi đưa tin về nước này. Hiện có rất ít phóng viên Ấn Độ hoạt động tại Trung Quốc, do đó các nguồn tin về Trung Quốc chủ yếu từ truyền thông phương Tây. Tình trạng này đã dẫn đến rất nhiều quan điểm phiến diện về Trung Quốc.

Manoj Kewalramani là chuyên viên nghiên cứu tại Viện Takshashila, Ấn Độ, về các chính sách của Trung Quốc.

Tùng Dương (Dịch)